Tuesday, December 18, 2012

Chiều nay có một cuộc hẹn...




                                               
Đang ngồi họp giao ban sáng đầu tuần với một đống sổ sách, giấy tờ thì Miên nhận được một tin nhắn từ số thuê bao lạ. Đọc xong tin nhắn mặt Miên khẽ tái đi, những ngón tay líu ríu đan vào nhau, lòng dạ Miên cứ thấp thỏm âu lo đến tội. Cô bạn cùng phòng hỏi chiều Miên có bận gì không? Siêu thị ngay gần công ty đang khuyến mại hàng thu đông, Miên có muốn đi mua sắm thêm không? Miên khẽ lắc đầu bảo “Chiều nay Miên có một cuộc hẹn”. Phải! chỉ là một cuộc hẹn đi cafe vào cuối giờ chiều ở một quán nào đó trên phố cổ thôi, mà sao khiến Miên cứ như người mất hồn trong một ngày nắng thu quá đẹp. Cuối cùng thì điều Miên lo sợ cũng đã đến. Một cuộc gặp mặt giữa hai người phụ nữ mà chắc chắn những câu chuyện chỉ để xoay quanh một người đàn ông. Thế thì có gì vui…
Từ nãy đến giờ đã mấy lần Miên cầm điện thoại lên định nhắn tin cho anh rồi lại thôi. Sẽ chẳng hay ho gì nếu anh biết được chiều nay Miên đi gặp chị, có thể cuộc hẹn sẽ bị hủy bỏ. Biết đâu vì lo lắng mà anh sẽ làm mọi chuyện rối tung lên. Như thế biết đâu Miên sẽ chẳng còn cơ hội nào để được ngồi nói chuyện cùng chị một lần. Dù cho cuộc nói chuyện này khiến Miên cảm thấy rất bất an. Bởi trên danh nghĩa chị vẫn là vợ anh, vậy thì Miên đích thị là người đang xen vào cuộc sống gia đình anh vào đúng lúc gay go nhất. Chẳng có ai bênh vực hay tán đồng sự xuất hiện của Miên trong mối quan hệ phức tạp này. Bạn thân thì bảo Miên thể nào cũng khổ vì yêu phải một người đàn ông có quá nhiều kí ức. Mẹ sau khi linh cảm được mọi chuyện thì khuyên Miên nên từ bỏ. Mẹ còn nói “người đàn ông ấy không thuộc về con”. Chỉ có anh luôn bảo “cảm ơn em vì đã đến bên anh để làm yên cơn bão lòng đang quăng quật tả tơi”. Còn chị, chị sẽ nghĩ gì?
Ngày hôm nay trôi đi chậm quá, chiếc đồng hồ treo tường kêu những tiếng ì ạch nặng nề. Trong đầu Miên vẫn không thôi suy nghĩ về cuộc hẹn. Anh điện đến bảo:
-Tối nay anh về sớm sẽ tự tay vào bếp nấu những món mà em thích. Đúng bảy giờ anh sẽ qua đón em. Hôm nay anh có nhiều chuyện vui lắm, để dành để tối kể cho em đấy.
Miên đã định từ chối bữa tối của anh vì biết đâu cuộc hẹn với chị sẽ kéo dài. Biết đâu sau khi trở về từ một quán cafe nào đó Miên sẽ chẳng còn tâm trạng nào để ngồi thưởng thức những món mà anh nấu. Nhưng lại không lỡ làm anh hụt hẫng, cuộc sống vất vả quá rồi, có mấy khi thấy anh vui như thế. Nên Miên chỉ dặn anh nhớ mua rau của bà cụ ngồi cuối chợ, vì rau bà cụ tự trồng tuy không được non nhưng sạch. Dặn anh đừng mua hoa quả, việc đó cứ để Miên chứ anh mà mua thể nào cũng chọn toàn đồ bị tẩm thuốc độc hại  lại mang bệnh vào người. Anh chỉ cười, đến khi tắt máy rồi vẫn còn nghe thấy tiếng anh cười vang trong tim ấm. Cái hạnh phúc nhỏ bé này sao bỗng nhiên Miên thấy nó mong manh. Chiều nay chị sẽ nói những gì?
                                         * * *
Chị và anh ly thân đã gần hai năm. Chị bỏ đi theo một người đàn ông khác, anh ở lại để từng ngày cảm nhận cảm giác trống trải ngầm ngập tim mình. Anh lao vào công việc để giết đi khoảng thời gian thừa thãi mà trước kia vẫn dành trọn cho gia đình bé nhỏ. Giờ cái tổ ấm ấy vỡ rồi, những mảnh vụn sắc nhọn găm đầy tim anh, kỉ niệm thì ứ đầy đến nghẹt thở. Anh không muốn tin rằng trái tim chị đã thuộc về người đàn ông khác. Càng không muốn chấp nhận một sự thật rằng thứ niềm tin bền chặt vào tình yêu mà bấy lâu anh xây đắp cần mẫn như một chú kiến thợ giờ đã bị chính chị phá đi. Dù anh đã cố níu nhiều lần nhưng chị vẫn kiên quyết ra đi. Đã có lần Miên hỏi về chị, anh chỉ bảo:
-Trái tim chị ấy rộng quá nên tình yêu anh có nhiều bao nhiêu rồi cũng thành bé nhỏ.
Lần đầu tiên bước vào ngôi nhà anh, tràn ngập trong lòng Miên là cảm giác chênh vênh. Tất cả mọi chi tiết sắp đặt trong nhà dù là nhỏ nhất cũng để lại dấu tay một người phụ nữ rất đỗi dịu dàng. Hoa trồng chạy dài dọc hai bên lối nhỏ, giữa nền sỏi trắng là chiếc dây phơi được chị trang trí khéo léo bằng những chiếc móc hình thù nghộ nghĩnh. Bên màu sơn trắng tinh khôi nổi lên những chiếc rèm cửa thêu hoa rực rỡ. Có một vài chậu hoa nhỏ đặt bên bệ cửa sổ cũng đã đến mùa đơm bông. Anh khéo léo che đậy những hình mặt cười được chị sắp đặt ở khắp nơi, từ chiếc cốc uống nước, cái dao gọt hoa quả đến cả chiếc gương trong nhà vệ sinh cũng là mặt cười rạng rỡ. Miên nghĩ chắc hẳn anh đã có những tháng ngày rất hạnh phúc. Miên rất sợ…rất sợ…sẽ không vượt qua được cái bóng của chị trong từng nhịp tim anh. Vì thứ hạnh phúc đi kèm với khổ đau thường dằn vặt con người ta ghê ghớm lắm. Anh thì bảo:
-Sau khi hoàn thành xong thủ tục ly hôn, anh sẽ bán căn nhà. Mọi thứ đều cần sắp đặt lại để tốt cho tất cả chúng ta.
Nhưng chị đổ bệnh bất ngờ vào đúng lúc người đàn ông mà chị đã từ bỏ tất cả để đi theo cuối cùng cũng rời xa chị. Chị quay lại về phía anh để tìm một bờ vai, mà anh thì không đủ tàn nhẫn để đẩy chị xa anh lúc ấy. Nên đã hơn một năm trôi qua mà ngôi nhà đầy ắp hình bóng chị vẫn còn đó, anh chị trên danh nghĩa vẫn còn là vợ chồng còn Miên vẫn là một kẻ thứ ba chen chân vào cuộc hôn nhân ấy. Anh bảo:
-Xin em kiên nhẫn đợi anh một thời gian. Sẽ không lâu nữa đâu…
Dĩ nhiên Miên không thể trách một người đàn ông tốt, bởi nếu đặt vào địa vị của anh Miên cũng không thể bỏ mặc chị lúc này. Chị về lại ngôi nhà, anh chuyển ra ngoài sống nhưng vẫn qua lại thăm nom, chăm sóc chị. Chị mắc bệnh đau nửa đầu dữ dội kéo theo những đổ vỡ tình cảm khiến chị càng trở nên bấn loạn. Suốt thời gian dài chị nghỉ việc ở nhà, không chịu tiếp xúc với ai và tìm mọi cách để tự làm đau mình, để níu anh ở lại. Miên biết anh đã phải khổ tâm đến nhường nào. Đã có lúc vì thương cả ba con người đang quay quắt trong cuộc tình này mà Miên đã bảo anh thôi đừng thương nhớ nhau chi cho thêm khổ. Mới chỉ nói có mấy câu hững hờ, mới chỉ chạm đến ý nghĩ chia xa thôi mà Miên thấy buốt lòng. Anh ngó Miên mà cười buồn, bảo thế này thì làm sao xa nhau cho nổi. Miên chỉ còn biết đổ ập vào lòng anh mà nức nở…
Bệnh chị dường như đã thuyên giảm dần. Miên nhiều lần muốn ghé thăm chị quá mà chỉ dám đứng từ xa ngó lại, lòng xác xơ buồn. Chỉ sợ sự xuất hiện của Miên lúc này càng làm lòng chị thêm phiền muộn. Hình như mấy luống hoa ngoài lối nhỏ vào nhà vì vắng hơi ấm từ trái tim chị mà cũng héo úa dần. Miên nhìn mọi cánh cửa trong ngôi nhà đều được kéo kín rèm mà nghĩ thương chị phải một mình đối mặt với bao nhiêu đau đớn giày xéo trong lòng. Vẫn biết là chị đã sai, bao nhiêu đổ vỡ cũng chỉ vì chị không biết nâng niu hạnh phúc nhưng cùng là phụ nữ nên Miên sao đành lòng trách chị. Còn chị, chị có trách Miên không?
                                           * * *
Quán vắng. Lay lắt mấy nhánh hoa ti gôn leo trên thành cầu thang đã cũ càng làm lòng Miên thêm trĩu nặng. Chị ngồi đó như đã chờ Miên từ rất lâu rồi, những ngón tay gầy đan vào nhau nương tựa, mắt đượm buồn. Ngay từ cái nhìn đầu tiên Miên đã thấy xót xa vì trông chị hốc hác, xanh xao. Chị ngẩng lên nhìn Miên khẽ mỉm cười. Chao ôi, ngay cả nụ cười đã gắng gượng hết sức kia cũng tiều tụy quá.
-Chị chờ em lâu chưa?
-Ừ thì… thời gian đối với chị bây giờ cũng chẳng biết làm gì ngoài chờ đợi. Mà chiều nay trời bỗng trở lạnh, sao em mặc phong phanh thế. Nhỡ ốm thì sao. Em mà ốm là có một người lo lắm đấy…
Miên nghe chị nói khẽ cười mà mắt rưng rưng. Bỗng nhiên thấy thương chị như đã thân nhau từ kiếp trước. Nếu không phải vì một người đàn ông thì có lẽ đã chẳng bao giờ có cuộc gặp gỡ này. Nếu không phải là số phận thì có lẽ Miên đã đến với một tình yêu khác, còn chị và anh có thể đã hạnh phúc bền chặt bên nhau. Hoặc nếu chị đã rời bỏ anh mà ra đi với một người đàn ông khác thì chị cũng cứ bình yên bên tình yêu ấy đi thì có phải mọi chuyện đều có một cái kết tốt đẹp không. Đằng này ông trời lại cứ thích thử thách lòng người, mà những người đàn bà thì tạo hóa sinh ra trái tim vốn đã yếu mềm. Chị cắt đứt dòng suy nghĩ của Miên bằng tiếng khoáng leng keng ly sinh tố. Chị bảo:
-Coi như chị em mình có duyên với nhau. Thành phố này chắc là rộng quá thành ra thi thoảng vài ba con tim phải va đập vào nhau để thấy mình còn đang tồn tại.
-Vâng! Va vào nhau để đảo lộn, rối tung lên rồi từng ấy con người không biết phải mất bao nhiêu thời gian để sắp xếp lại mọi thứ. Như thế có gì vui không chị?
-Vui chứ em. Bởi vì sau khi sắp xếp lại thì tất cả đã không còn ở vị trí ban đầu nữa. Có thể đó mới chính là vị trí thuộc về nó, thích hợp với nó. Như thế thì cũng đáng để mà vui.
Quán yên tĩnh quá. Yên tĩnh đến mức nghe rất rõ tiếng thở dài chị cố nén trong lồng ngực. Nghe được cả tiếng lòng nhau héo hắt trong một buổi chiều cuối thu còn vương vài hạt nắng. Trước lúc đến điểm hẹn này Miên đã nghĩ nếu chị vẫn còn rất yêu anh mà một lòng níu kéo thì Miên biết phải nói với chị những gì? Miên cũng muốn bảo vệ đến cùng tình yêu của mình, Miên cũng biết nếu thiếu anh thì đời Miên buồn lắm. Nhưng Miên cũng hiểu rằng chị đang rất cần anh. Vậy thì cuối cùng giữa chị và Miên ai sẽ là người phải ra đi?
Như đọc được những suy nghĩ của Miên, chị cười bảo:
-Sự lựa chọn cuối cùng không phải ở chị em mình mà thuộc về anh ấy. Chị biết trong lòng anh ấy giờ đã có em rồi. Chị chẳng còn cớ gì để níu kéo, dùng dằng thêm nữa vì càng chỉ làm cho anh ấy khổ tâm thêm, mà anh thì đã khổ vì chị quá nhiều rồi. Chị sẽ sớm hoàn tất thủ tục ly hôn. Bởi sau đó tất cả chúng ta đều cần có thời gian để bắt đầu cho một bước ngoặt mới của cuộc đời. Cảm ơn em đã vỗ về những tổn thương, đã giúp anh ấy  thu dọn đống đổ nát trong cuộc hôn nhân bộn bề này. Chị tin là em sẽ mang đến hạnh phúc cho anh ấy. Điều mà chị đã lỡ để tuột tay mất rồi…
Miên nhìn chị, lòng sũng buồn, một cảm giác tái tê xuyên thấu tâm can. Thế còn chị thì sao, chị sẽ đi đâu khi một ngày anh bước hẳn về phía Miên đang đứng đợi? Chị vẫn còn chưa hết bệnh, trái tim chị còn đau, mảnh vỡ cuộc đời chị còn chưa kịp dọn. Tại sao lại là anh? Tại sao Miên không yêu một người đàn ông khác? Vẫn biết là chuyện của con tim vốn có những lý lẽ rất riêng nhưng sao giây phút này Miên thấy mình tàn nhẫn quá. Ý nghĩ ấy khiến Miên không kìm được lòng mình mà bật khóc. Chị rướn người đưa bàn tay gầy guộc của mình vỗ nhẹ lên tay Miên an ủi:
-Chị ổn mà! Em đừng lo.
Nói rồi chị không ngừng khoắng leng keng ly sinh tố. Chỗ hai chị em ngồi ngay bên cửa sổ tầng hai của quán. Từ chỗ này nhìn xuống sẽ thấy những gánh hàng rong len lỏi. Sẽ thấy đoàn xe điện chở khách đi lòng vòng quanh phố cổ. Sẽ thấy vài ba dáng người đàn bà nhỏ bé như chị, như Miên đi lẫn vào dòng người chen chúc lúc tan tầm. Miên khẽ co người trước luồng gió lạnh vừa thổi qua, quán vắng quá không một tiếng cười nào vang lên cho ấm áp. Chị nhìn Miên khẽ giục “về thôi em kẻo trời tối càng thêm lạnh”.
Thêm chú thích
     

                                         Vũ Thị Huyền Trang

Friday, November 30, 2012

Những đứa con hoang




Tôi tên Vân, tôi sống với mẹ và ba đứa em trai khác tại một ngôi nhà nằm nép trong một con phố nhỏ giữa Hà Nội. Người ta gọi chúng tôi là những đứa con hoang. Tôi đã quen và không cảm thấy buồn nhiều về điều đó. Cho đến tận khi tôi gặp anh.
Anh là một mẫu người đàn ông lý tưởng của các cô gái, đẹp trai, ga lăng, nghề nghiệp ổn định và còn rất hài hước. Bấy nhiêu thôi đã đủ để tôi chết mê chết mệt ngay từ ngày đầu tiên gặp mặt, khi anh đến kí hợp đồng quảng cáo cho sản phẩm của công ty. Khi ấy chúng tôi là đối tác của nhau, để đôi bên làm ăn đều có lợi, tôi tỏ ra khá thiện cảm nhưng cũng đầy tỉnh táo. Tuy nhiên cuối buổi gặp gỡ tôi có nói nửa thật nửa đùa:
-Em còn muốn gặp lại anh để kí kết một bản hợp đồng dài hạn giữa cá nhân em và anh chứ không phải của hai công ty, không biết ý anh thế nào?
Anh nhún vai bảo:
-Một bản hợp đồng tình yêu chắc? Cũng thú vị lắm đây. Để xem em tôi có sức hút như thế nào cái đã.
Sau đó vì công việc, chúng tôi còn gặp lại nhau vài lần, mọi thứ không đi xa quá quan hệ công việc, nhưng từ sự gặp gỡ ban đầu đó cả tôi và anh tìm thấy nhiều sự đồng cảm ở nhau. Những buổi cafe, ngô nướng mùa đông hay chuyến picnic ngắn vào ngày cuối tuần thực sự là những buổi hẹn hò đầu đời để lại trong tôi nhiều kỉ niệm. Chúng tôi chuyện chò, chia sẻ với nhau mọi buồn vui trong cuộc sống sau một ngày làm việc mệt mỏi. Không thể phủ nhận rằng anh đã cho tôi cái hứng khởi khi một ngày mới bắt đầu tôi có quyền chờ đợi và hy vọng vào một điều gì đó. Trước đây, tôi thức dậy bằng nỗi hoài nghi, mệt mỏi và những bước chân đều đều lên xuống cầu thang. Nhà tôi có tất cả năm người, mỗi người một cuộc sống, một cách nghĩ, một hoài niệm và cách lý giải cuộc sống rất riêng. Tôi không hợp ai trong nhà mình, kể cả mẹ tôi – người đàn bà không nhớ nổi người đàn ông đã từng đi qua cuộc đời mình là ai nữa. Tôi tôn trọng nhưng hững hờ với mẹ, trước khi gặp anh tôi chỉ có thể tâm sự với con chim tào mào nuôi ngoài lan can tầng bốn. Thế nên có thể làm bạn được với anh, cũng giống như cái niềm vui khi bạn luôn nghĩ rằng vào giây phút này ít nhất có một người đang nghĩ về bạn. Nó an ủi một cuộc sống đơn điệu, cô độc, nó thổi một luồng sinh khí mới cho một ngày dài. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để thấy rằng anh quan trọng đối với tôi biết nhường nào.
Anh con nhà bề thế, mẹ làm giám đốc một bệnh viện lớn trong thành phố, bố làm cấp cao trong quân đội. Trong gia đình anh là con cả, mấy đứa em cũng đều đã đi du học rồi định cư luôn ở nước ngoài. Những lúc thảnh thơi, bình yên nhất anh mới ngồi tâm sự với tôi về chuyện gia đình. Anh bảo:
-Anh không phải là con đẻ của bố mẹ. Anh là một đứa con rơi, mẹ đã đón anh về nuôi sau khi để mấy ngày trong bệnh viện không có người đàn bà nào đến nhận con. Cái cảm giác mình vừa sinh ra đã bỏ rơi đau đớn bao nhiêu thì sự chăm sóc, nâng niu của người cha, người mẹ tuy không mang nặng đẻ đau lại làm anh ấm áp bấy nhiêu. Đối với bố mẹ nuôi anh yêu thương thôi thì chưa đủ mà còn là sự biết ơn. Anh thấy mình hạnh phúc hơn hàng trăm, hàng nghìn đứa trẻ bị bỏ rơi khác.
Khi tôi nói với anh rằng tôi cũng là một đứa con hoang, mẹ không biết cha tôi là ai. Anh cười bảo “em vẫn còn hạnh phúc vì ít ra mẹ đẻ đã không bỏ rơi em”. Lần đầu tiên tôi nhận ra những gì mình đang có cũng có thể gọi tên bằng hai từ “hạnh phúc”.
                                           * * *
Bốn chị em tôi, chung một mẹ nhưng mỗi đứa một cha. Căn nhà năm tầng chia đều không ai chung đụng ai, kể cả cái nhà vệ sinh và chỗ phơi quần áo. Mẹ theo chủ nghĩa tự do, càng có tuổi càng thích tự do nên phòng mẹ luôn luôn kín cửa. Năm thành viên trong gia đình tôi không ai quan tâm đến cuộc sống của ai, mặc dù một ngày cũng ngồi lại với nhau ăn chung bữa tối. Đôi lúc những suy nghĩ miên man kéo chúng tôi vào quỹ đạo của sự im lặng đến tuyệt đối. Đôi khi chỉ có bát đũa va vào nhau, tiếng húp canh sì sụp, tiếng thở dài của ai đó rất vội, không có dấu hiệu gì cho thấy chúng tôi dang giao tiếp với nhau. Cũng có hôm mát trời, tâm trạng cả năm người đều vui, chúng tôi nói chuyện như một gia đình thực sự. Thằng út bảo:
-Cha con là họa sĩ, nay đây mai đó phải không mẹ? Thảo nào mà con chỉ thích chu du thiên hạ thôi. Mỗi tội con chẳng thấy mình có năng khiếu gì hết, thợ điện thì có được coi là một nghề có năng khiếu không mẹ nhỉ?
Cả nhà cười ầm, thằng Hùng bảo:
-Có thể, nếu làm ẩu thì được coi là có năng khiếu hại người, còn nếu cứ đi sửa điện trong tình trạng phê phê rượu thì thể nào cũng có ngày chú được phong cho cái năng khiếu cười duyên với một nụ cười vĩnh cửu treo trên dây điện.
Út lườm Hùng bảo người trông thế mà ác, mở mồm ra là nói toàn điều xui xẻo, đúng là con ông thợ kèn đám ma có khác. Không khí chùng xuống một tí, rồi thằng Minh tự nhiên lại hỏi:
-Mẹ ơi, ngày xưa mẹ gặp cha con ở sông nào?
Út hướng ánh nhìn về phía mẹ bảo:
-Hà Nội thì rất nhiều sông chảy qua nhưng em nghi mẹ gặp bố anh trên sông Tô Lịch.
Mẹ không để ý đến câu nói của Út, mẹ bảo Minh:
-Bố con là một người đi khai thác cát trên các dòng sông. Ông ấy cao lớn, da ngăm đen, có nụ cười rất duyên và ấm.
Út lại bảo:
-Mẹ là người có trí nhớ siêu phàm, bởi vì mẹ đã nhớ được tất cả đặc điểm nhận dạng của những người đàn ông mẹ đã từng yêu.
Tôi kết thúc bữa tối bằng một câu không ra giận dỗi cũng không ra dửng dưng:
-Thế mà mỗi việc bố con là ai thì mẹ lại quên. Để bây giờ con không biết liệu bố mình có phải là ông thợ kéo xe đẩy, ông đánh tiết canh lòng lợn mà con vẫn gặp ngoài đường hay biết đâu bố con lại là một người rất bề thế, cũng có thể là một người lắm vợ nhiều con.
Sau câu nói của tôi, mẹ buông một tiếng thở dài. Còn tôi lại chui vào phòng, ra ban công nói chuyện với con tào mào mũ. Hôm sinh nhật tuổi 22, tôi uống quá chén với bạn bè, lần đầu tiên cái phận con hoang làm tôi đau đớn nhiều đến thế. Tôi leo lên bốn tầng nhà, để rơi từng cánh hoa bạn bè mừng sinh nhật như Mỵ Châu rải lông ngỗng trên đường chạy trốn. Tôi chui vào căn phòng cô đơn, bỏ lại cánh hoa cuối cùng ngoài cánh cửa. Thế giới cô độc khép lại, tôi nói với con tào mào là tôi đang rất buồn, nó gật gật cái đầu kêu lên mấy tiếng vô hồn. Tôi nói tôi là đứa con hoang, nó cũng gật gật đầu, vỗ cánh bay phạch phạch trong lồng. Tôi cười trong nước mắt dọa chơi nó “tao đi chết đây”, cái mặt nó tiu nghỉu nhưng cuối cùng cũng gật gật cái đầu. Buồn ghê ghớm.
Mẹ tôi ngày càng ít nói hơn, đôi lúc tôi tò mò về thế giới riêng của bà, một nơi mà ngay từ lúc nhỏ tôi tôi chưa bao giờ nhớ là mình đã đặt chân vào. Dường như sau nhiều cuộc tình tan vỡ để lại một đàn con, mẹ không còn hứng thú với chuyện tình yêu nữa. Bà hay đi chợ sớm, mua về những bông hoa trắng, khi thì sen, khi thì hồng cũng có khi là huệ. Thi thoảng lại thấy mùi hương nhang tỏa ra từ phòng mẹ, đôi lúc âm u đến ma mị. Ngày tôi đưa anh về thăm nhà, chút sững sờ qua đi là ánh mắt buồn vời vợi của mẹ làm thôi bứt rứt không yên. Anh thích sự im lặng có phần u uất của mẹ, nó giống như sự tò mò về một thế giới khác lạ. Mẹ đáp lại anh bằng sự ân cần và ánh nhìn trìu mến. Những lúc ấy tôi không còn thấy mẹ xa cách nữa.
                                                   * * *
Tôi hẹn anh ra bờ sông Hồng ngóng gió cuối tuần. Rất nhiều cặp tình nhân ở đó, trẻ, nồng nàn và có phần u uất giống chúng tôi. Bất ngờ thay, tôi gặp Minh, đứa em kế tôi, ngồi một mình ở đó, đôi mắt buồn xa xăm hướng xuống xóm chài như mong ngóng, đợi chờ. Chưa bao giờ tôi lại thấy em mình nhỏ bé trước từng đợt gió sông lồng lộng thổi vào đến thế. Em nhận ra tôi bằng ánh mắt buồn, im lặng đến tội nghiệp. Đấy là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau trong suy nghĩ rằng “chúng ta là những đứa con hoang”. Thôi thừa biết vì sao em ra sông Hồng ngồi một mình, chắc hẳn em đang tìm người đàn ông cao to, da ngăm đen có nụ cười rất ấm. Em đi tìm cha em, điều đó mới tội nghiệp làm sao, cát nơi đây người ta khai thác hết rồi lại đi, biết đến bao giờ cát lại bồi đầy bờ sông để người quay lại… Ba chúng tôi ngồi bên nhau. Im lặng. Đó là những buổi chiều vừa ấm áp lại vừa buồn bã nhất trong cuộc đời tôi.
Ba mẹ anh không đồng ý mối quan hệ của chúng tôi. Có lẽ họ sợ những đứa con hoang xích lại thành một gia đình rồi sẽ đem đến điều không may mắn vào ngôi nhà của họ. Họ sợ cái gen của những bậc làm cha, làm mẹ đã để lại trong cơ thể tôi. Người ta bảo rằng “Lấy vợ phải xem tông…” Ừ thì mẹ tôi là người đàn bà đã trải qua nhiều mối tình, nhiều người đàn ông, cha tôi còn không biết là ai, thì làm sao người ta chịu nhận tôi về làm dâu nhà họ. Phải khó khăn lắm anh mới nói với tôi được những điều ấy. Cũng phải khó khăn lắm tôi mới nói được với mẹ về nỗi buồn ấy. Lần đầu tiên trong đời mẹ ôm tôi khóc.
Mẹ dẫn tôi bước từng bước vào căn phòng của mẹ. Mùi nhang hương tỏa ra giữa cái tối âm u khi cửa sổ được kéo kín rèm. Tôi nhìn thấy một ban thờ nhỏ đặt đối diện với cửa phòng, trên đó là di ảnh một người đàn ông. Ngay lập tức tôi nhận ra mình đâu đó trong bức ảnh, khóe môi hay cái nhìn buồn buồn, ngờ vực “Bố ơi!”. Mẹ bảo bố tôi là một tử tù, ông gây án sau khi mẹ sinh tôi không được bao lâu, chính vì vậy nên bà không bao giờ nói với tôi về ông cả. Tôi cứ lặng đi…
Một buổi chiều cuối tuần tôi rủ Minh ra sông Hồng. Hai chị em cứ ngồi đó không ai nói với ai câu nào. Minh vẫn nhìn về phía xóm chài chờ đợi và hy vọng. Tôi muốn nói với em rằng đừng chờ đợi làm gì, bởi có khi sự thật còn phũ phàng hơn cả những điều dối trá. Nhưng tôi không dám phá vỡ sự im lặng ấy. Còn anh, tôi không giấu anh chuyện cha tôi là tử tù, bởi tôi không nghĩ mình không có quyền đến với anh chỉ vì điều đó. Nếu anh thật sự yêu tôi, anh sẽ biết cách vượt qua mọi thứ để bảo vệ tình yêu của mình. Chúng tôi cần phải có thời gian, có thể không dài bằng khoảng thời gian chúng tôi chấp nhận mình là một đứa con hoang. Nhưng những khoảng lặng bao giờ cũng trở lên cần thiết mỗi khi ta bế tắc. Lạ thay vào chính lúc này tôi lại rất nhớ một người, không phải là anh, là bố tôi hay là bất cứ người đàn ông nào khác, mà là tôi nhớ mẹ. Nhớ đôi mắt u buồn, căn phòng tỏa ra mùi hương và những loài hoa trắng. Tôi giục Minh trở về nhà, bởi tôi đang rất thèm được ôm mẹ một cái. Thật chặt và ấm áp.
Vũ Thị Huyền Trang

 

Tuesday, November 20, 2012

HPI (*)


Tôi thuộc tuýp người cổ hủ trong xã hội. Biểu hiện rõ nhất là việc tôi không cập nhật tin tức thường xuyên, không xem thời sự của đài truyền hình, không đọc báo, không nghe đài… Vì tất tần tật thời gian tôi phải dành cho việc mưu sinh và ngủ nghỉ. Thiếu tiền và thiếu sức khỏe thì không sống được chứ thiếu thông tin thì trái tim vẫn không ngừng đập. Nên trong những cuộc tranh luận về chính trị, tôi thường là người ngoài cuộc. Bạn bè bảo:

- Nói với mày cứ như vịt nghe sấm ấy. Thời đại này mà không bám lấy Internet là bị ra rìa liền.

Tôi cười cười, cãi lại:

- Tao tưởng thời buổi này không có tiền thì mới chết chứ.

Nó tỏ vẻ như không thèm nói chuyện với một đứa lạc hậu như tôi, thời gian ấy thà nó chúi đầu vào cái máy tính còn hơn. Tôi cũng chẳng nhàn rỗi gì mà quấy rầy nó. Đứa nào có việc đứa ấy làm, có vấn đề quan tâm để mà đốt 24 giờ một ngày. Tôi nghĩ “thế là ok rồi”. Còn nó thì luôn bảo: “sao tao thấy chán bản thân, chán cái cuộc sống này thế không biết nữa…”. Cho rằng cái sự “buồn” của nó cũng vĩ đại hơn mình, cũng mang tính chất chính trị nên tôi cũng chẳng buồn can thiệp. Mà nó chắc cũng không cần một đứa lạc hậu như tôi động vào cái nỗi buồn to lớn ấy.

Tôi và nó chơi thân với nhau từ cái hồi mặc quần bục đít không thấy xấu hổ còn ngắt hoa sim tím cài lên đầu tranh nhau làm công chúa. Ngày ấy nó gầy và đen nhẳng nhưng cũng đã biết bảo với bọn con trai rằng đen như nó là đen duyên, và gầy thì mới đẹp. Sau này nhắc lại chuyện ấy nó cười hơ hớ bảo “hóa ra từ hồi ấy tao cũng đã biết thức thời ra phết”.

Bây giờ thì nó trắng hơn, cao hơn và sống cũng hiện đại đầu óc hơn nhiều. Giá vàng mỗi ngày lên xuống thế nào nó đều biết, sàn giao dịch chứng khoán, giá đô la trong ngày, tình hình bất động sản hay các cuộc chiến tranh trên thế giới đang yên ấm hay ác liệt… Nếu ai hỏi, nó nói cho một tràng đến mụ mẫm cả đầu óc, lần sau chừa hỏi luôn.  Thậm  chí có lúc nó còn thống kê cho tôi đủ loại con số như Hàn Quốc có bao nhiêu người đang thất nghiệp, bao nhiêu người tự vẫn vì quá cô đơn. Một ngày Hà Nội sử dụng hết bao nhiêu năng lượng điện, xăng dầu, một ngày cả nước sử dụng hết bao nhiêu năng lượng điện, xăng dầu, cả thế giới một ngày sử dụng hết bao nhiêu năng lượng điện, xăng dầu… Đến khi tôi gần tẩu hỏa nhập ma rồi thì nó mới chịu buông tha. Có lúc tôi buột miệng hỏi:

- Bà biết những thứ ấy để làm cái quái gì?

Nó bảo:

- Để biết cuộc sống xung quanh đang và sẽ diễn ra như thế nào?

Tôi lại hỏi:

- Thế theo bà tương lai chúng ta sẽ như thế nào?

Nó bảo:

- Sẽ càng cô đơn hơn, càng buồn chán hơn, càng không thể thỏa mãn với cuộc sống của mình hơn.

Để kết thúc cuộc nói chuyện, tôi bảo nó “thế thì biết để làm gì?”. Nó không tranh cãi lại với tôi. Nó thở dài. Tự nhiên tôi lại thấy mình có lỗi.

Nó học đại học còn tôi tốt nghiệp trung cấp rồi xin vào bán hàng cho một hiệu thuốc. Thi thoảng tôi nhận làm thêm ngoài giờ để có đủ tiền chi tiêu cho cuộc sống ở thành phố. Nó ra trường, làm cho một công ty nhà nước, lương thấp, chán trò nó lại nhảy ra làm tư nhân. Cái tài cùng với sự khôn khéo mang về cho nó lương mỗi tháng ngót nghét gần chục triệu đồng. Lấy một thằng chồng thành phố, nghiễm nhiên có nhà Hà Nội. So với nó tôi chỉ là cái “đinh gỉ”. Tôi chẳng kêu than thì thôi, đằng này hàng ngày phải nghe nó thở dài đến là ngao ngán. Đôi lúc qua phòng trọ của tôi, ngó mặt ra ngoài cửa sổ, nó bảo:

- Giá cứ điên điên, dại dại như cái anh kia lại sướng.

Cái nhân vật được nó nhắc đến chính là hàng xóm của tôi. Anh ấy cười suốt ngày, kể cả ngày nắng lẫn ngày mưa, cả mùa đông lạnh cóng đơ cho đến mùa hè nóng chảy mỡ. Anh ấy xin ăn, ai cho anh cũng cười mà không cho cũng mỉm cười. Có hôm tôi thấy người ta đánh anh, không tự vệ, không chửi bới, cũng không kêu khóc. Anh chỉ mỉm cười, trong miệng toàn là máu. Tôi hỏi “anh có đau lắm không?”. Anh mỉm cười. Tôi hỏi “bọn đó là bọn nào?”. Anh mỉm cười. Vừa bực vừa thương, tôi quát “sao hỏi cái gì anh cũng cười thế nhỉ?”. Dĩ nhiên là anh ấy lại đáp trả tôi bằng một nụ cười.

Thi thoảng anh ghé thăm tôi bằng cách đứng từ cửa sổ nhà anh vẫy tay sang phòng tôi cười cười. Hôm nào giỏ phong lan tím của tôi nở thì anh sẽ nán lại bên cửa sổ khá lâu. Dù anh chưa bao giờ nói với tôi một lời nào nhưng chúng tôi hình như đã coi nhau là bạn. Không hiểu sao, sau mỗi lần nghe con bạn thở dài rồi kêu ca đủ thứ chuyện trên đời là tôi lại muốn được nhìn thấy anh. Để cái mỉm cười ngờ nghệch của anh làm tôi thấy thật nhẹ lòng.

Khu nhà trọ tôi thuê thật chẳng có nơi nào tệ hơn. Ấy là theo đánh giá của nhiều người trong xóm trọ, còn riêng tôi thì có một chỗ để chui ra chui vào là tốt lắm rồi. Cả khu chia làm hai dãy, đi từ cổng vào nhìn tay phải là dãy nhà nữ, nhìn tay trái là dãy nhà nam. Tổng cộng 12 phòng, dùng chung hai cái nhà vệ sinh. Nên hầu như giờ nào cũng là giờ cao điểm. Thi thoảng định vào nhà vệ sinh nữ thì thấy lù lù một cái biển vẽ thằng người quần đùi, áo cộc, còn cái biển vẽ cô gái mặc váy lại treo sang nhà vệ sinh nam. Cả hai phòng đều đóng kín mít, chẳng biết nên gõ cửa phòng nào nên đành quay vào. Cũng có lần buồn đi vệ sinh quá, gõ vào phòng nữ thì lại thấy một cái đầu tóc ngắn thò ra, vừa cười nhe nhửn vừa bảo “thông cảm, nóng quá nên cần tắm gấp. Có dùng chung thì mời bạn cứ tự nhiên”. Hồn nhiên kiểu này thì xin khiếu cả nón. Chị nhà bên đi qua bịt miệng cười bảo:

- Phải sắm lấy cái bô để trong nhà ý. Lúc cần gấp là giải quyết tại chỗ. Chứ không chơi được với mấy ông này đâu.

Bây giờ thì tôi quen rồi, quen đến mức biết giờ nào chạy ra thì sẽ chiếm được nhà vệ sinh, chậm một phút cũng mất chỗ. Nói thật, mọi người ở xóm trọ chỗ tôi đều biết giờ đi vệ sinh, đi tắm của nhau. Không phải vì quan tâm đến người khác, chỉ đơn giản là cái sự biết ấy nó cần thiết cho bản thân mình. Đôi khi, vào một ngày đẹp trời, tôi đã nghĩ “như thế cũng có cái hay của nó”.

                                                            *

                                                    *              *

Sáng nay, ra hàng bà béo đầu ngõ mua mười nghìn xôi lạc. Thấy bà đang giơ mảnh báo gói xôi lên trước mặt như đang đánh vần từng chữ một. Tôi nghĩ đến một bà bán xôi còn thích cập nhật tin tức hơn cả mình, tranh thủ những lúc không có khách là bà nạp ngay năng lượng cho bộ óc. Cho dù có thể đó là những tờ báo có thể cách đây đến vài năm. Bà bảo:

- Có hề gì, biết được thêm cái gì hay cái ấy. Này nhé, khối chuyện ngộ ra trò mà nếu không đọc được thì có xuống mồ cũng không biết được.

Tôi không quan tâm đến việc nạp năng lượng cho khối óc bằng việc nạp năng lượng cho cái dạ dày đang sôi lên ùng ục vì đói. Bà béo cầm ngay tờ báo vừa đọc gói cho tôi một gói xôi nhanh đến mức cảm tưởng như chỉ vừa kịp chớp mắt. Bà béo bảo nhờ bán xôi mà bà nuôi được ba thằng con ăn học Đại học, một ông chồng nát rượu và một bà mẹ chồng “sắp xuỗng lỗ rồi vẫn còn lắm điều”. Tôi ngồi nhẩm đi nhẩm lại vẫn không hiểu bán xôi sao mà lãi thế. Tôi làm hùng hục suốt ngày, nuôi độc có cái mồm mà vẫn chẳng có thời gian đọc một mẩu báo.

Đến hiệu thuốc thấy chưa mở cửa, ngồi ngoài đường vừa ăn gói xôi vừa nhìn dòng người qua lại trên đường đến chóng cả mặt. Mùi khói xe, mùi mồ hôi, mùi của tắc đường, rú còi, rồ ga, chửi bậy và mùi của gói xôi dinh dính đủ làm tôi muốn nôn ngay cái thứ vừa cố nuốt vào trong bụng. Nhưng đến lúc chỉ còn lại mảnh báo gói xôi bên cạnh, bỗng dưng tôi cũng thử nạp năng lượng cho cái bộ óc đã gần biến thành khối sắt của mình. 
Những dòng chữ lướt nhanh qua đôi mắt đang thiếu ngủ: “Hạnh phúc là một trạng thái mà con người cảm thấy thỏa mãn với những gì mình đang có, với các điều kiện sống của mình. Nó chịu tác động của các yếu tố bên ngoài, nhưng quan trọng hơn là nó tùy thuộc vào từng đặc điểm nhân cách của mỗi cá nhân, vào thái độ và niềm tin vào các giá trị mà mỗi cá nhân theo đuổi”. Thứ ấy gọi là HPI à? Không để tôi kịp hiểu thì chị chủ hiệu thuốc xuất hiện. Một bộ đầm rất đẹp, một cái mũ rộng vành, một khuôn mặt đầy cá tính đủ làm cho buổi sáng của tôi ở hiệu thuốc thấy dễ thở hơn. Buổi trưa, hiệu thuốc đóng cửa một tiếng. Tôi nằm dài trên cái ghế gập vừa nhai bánh mì vừa dụ dỗ mình vào giấc ngủ. Bất chợt tôi nghĩ về cái định nghĩa HPI, cũng may mà tôi nhớ được rằng HPI là chỉ số hạnh phúc, còn chỉ số hạnh phúc là gì thì tôi quên khuấy mất rồi.

Trong giấc mơ chập chờn tôi nghĩ về con bạn với cuộc sống đủ đầy nhưng suốt ngày than thở, về anh hàng xóm suốt đời chỉ biết cười, nghĩ về bà béo bán xôi và mảnh báo bằng hai bàn tay mà cái chữ HPI đã choán gần hết.  Và nghĩ về bản thân tôi, một con người không thích Internet, không thích cập nhật tin tức và hay hài lòng về những gì mình có. Bất chợt một câu hỏi bật ra “liệu trong chúng tôi ai là người có chỉ số hạnh phúc cao hơn?”.

Thế rồi tôi chìm hẳn vào giấc mơ, có con búp bê rơm bị rơi xuống đường, xe cô, khói xe, rồ ga, rú còi, chửi bậy làm con búp bê hoảng sợ đến bật khóc. Tôi ngủ cho đến khi có người đập cửa uỳnh uỳnh để mua thuốc. Hôm nay rất nhiều người đến mua thuốc, có thể lại bắt đầu một bệnh dịch mới.


---
(*) HPI là viết tắt của Happy Planet Index - Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc do tổ chức phi chính phủ New Economics Foundation (NEF) có trụ sở tại Anh quốc lập ra để đánh giá mức độ thỏa mãn cuộc sống của người dân ở từng quốc gia, trong tương quan với tỉ lệ khai thác tài nguyên phục vụ cho sự phát triển của quốc gia đó. Tôi viết truyện ngắn này khi đọc được bài viết đăng trên báo Tuổi Trẻ “Chỉ số hạnh phúc: Không chỉ là mức độ hài lòng”.

Vũ Thị Huyền Trang

Sunday, October 28, 2012

Đất diễn...



Nhóm chúng tôi có sáu người, chơi thân từ hồi Đại học. Mỗi đứa một quê, một tuổi, một tính cách nhưng lại vô cùng gắn kết với nhau. Nhóm có bốn đứa con gái, hai thằng con trai, đa phần là nghèo chỉ có Vy là được sinh ra trong một gia đình giàu có. Chúng tôi cùng tồn tại trong cuộc sống của nhau bằng vô vàn khuyết điểm. Làm đau nhau bằng những mối quan hệ tình cảm nhì nhằng. Yêu thương nhau bằng những vết đau của đời vẽ hằn trên từng khuân mặt. Và một lý do nữa để sáu đứa gắn kết lại với nhau là bởi vì Hà Nội là đất diễn, chúng tôi cần đến nhau trong một vở diễn bởi không ai lại độc diễn một mình mãi được.
Tôi qua thăm Quang khi anh đang ngồi đánh cờ vua một mình, điều ấy chẳng có gì lạ cả. Tôi bảo:
-Đánh một mình thế này biết thờ vua nào, giết vua nào?
Quang cười khùng khục bảo:
-Loạn hết rồi. Giết được con nào cứ giết cho nhanh hết ván.
-Vậy anh chơi để làm gì?
-Giết thời gian là chính. Còn em làm việc như điên như thế để làm gì? Để chết à?
Tôi cười nhạt, ngồi phịch xuống nền nhà, ngửa cổ nhìn đám mạng nhện giăng đầy trên mái nhà rồi thủng thẳng đáp:
-Ừ! Để chết.
Anh vẫn say mê với bàn cờ của mình, thi thoảng lại nghe một cuộc điện thoại ngắn với những ngôn từ cộc lốc. Thiên hạ đầy người bảo anh cục cằn, khối kẻ nói anh mất dạy. Anh nghe xong, cười khùng khục bảo “kệ mẹ đời”. Tôi thích cái vẻ bất cần đấy của anh, bất cần đủ để không làm tổn thương người khác và cũng chẳng để ai làm tổn thương mình. Quang rất ít nói, ngồi với anh cả buổi chiều cần mẫn chắp nhặt lắm cũng chỉ được vài ba câu chuyện vô thưởng vô phạt dở dang. Anh quan tâm đến tất cả mọi thứ bằng cái cách như chẳng quan tâm gì hết.
 Đôi ba lần trong một tháng đứa này tạt qua nhà đứa kia như chỉ để nhìn thấy nhau vẫn đang còn tồn tại. Cũng có hôm trời mưa Quang gọi cho tôi chỉ để hỏi “bên ấy có mưa không?”. Dù chúng tôi ở cùng một thành phố chật vanh vách, len qua mấy cái ngõ chợ là đến nhà nhau. Cũng có hôm trời Hà Nội bão to, ngoài đường lớn đã bộc rễ vài cây cổ thụ. Tôi gọi cho Quang hỏi đang làm gì thế? Quang cười bảo còn biết làm gì ngoài chơi cờ vua một mình. Tôi nghe thấy tiếng anh lạc đi trong tiếng mưa xối xả và tiếng cửa sổ đập uỳnh uỳnh. Lúc sắp cúp máy thấy tiếng anh cười khùng khục, hỏi sao mà cười? Anh bảo mới nuốt sống một con tướng, thế là xong một ván cờ. Tôi nhìn ra mịt mùng mưa gió mà lòng se sắt. Không đủ sức bấm số gọi cho bốn đứa còn lại. Tự nhiên lại nghĩ dại, nhỡ mà Hà Nội cứ bão to thế mãi…
                                         * * *
Trong số sáu đứa thì Nhu và Chi là hai đứa vô âu vô lo nhất. Mỗi đứa hồn nhiên một kiểu, toàn kiểu chả giống ai. Nhu tin đời một cách nhiệt tình, chẳng bao giờ thấy nó hoài nghi dù đời phũ phàng đập nó túi bụi nhiều lần. Có nói, nó cũng bảo “Tại em kém chị những ba tuổi, hoài nghi sớm quá cuộc đời hóa ra buồn”. Nó nói rồi mang tiếng cười đi lẫn vào đám đông ồn ào chỉ để lại trong mắt tôi vài chấm xanh đỏ từ bộ váy hoa sặc sỡ. Hôm nay có thể bị phụ tình, ngày mai Nhu lại sẵn sàng yêu như chưa bao giờ được yêu nhiều đến thế. Chi nhìn Nhu với cái ánh mắt đầy ngưỡng mộ rồi ngoảnh sang tôi bảo:
-Sau này Nhu nhất định sẽ sướng, chị có nghĩ vậy không?
Tôi nhìn em, nhoẻn cười bảo:
-Em rồi cũng hạnh phúc. Tin chị đi.
Chi thích nghe những câu như vậy. Nó khiến em vui như một đứa trẻ nhỏ cầm trên tay thứ đồ hàng bán mua, tiền bằng lá mà cứ ngỡ là vô giá. Nhưng em khác Nhu ở chỗ, em yêu thương có giới hạn, mọi thứ đều được em tính toán rất sằng phằng. Ai yêu thương em, em yêu thương hết lòng, ai phản bội em, em trả lại họ sự im lặng đủ khiến đối phương đau cả một đời. Em chẳng bao giờ mảy may giằng níu. Đời với em rất đơn giản “sống thế nào thì nhận thế ấy”. Quang cười bảo kể mà hồn nhiên được như Chi cũng là có đẳng cấp lắm rồi.
Đùng một cái Chi lấy chồng, cả nhóm chẳng kịp khuyên răn, dặn dò điều gì. Hỏi sao mà vội vàng thế, Chi tặc lưỡi bảo “lấy cho xong. Đằng nào chả phải lấy chồng”. Chồng Chi đẹp thì không đẹp nhưng giàu có lại được tiếng rất thương vợ chiều con. Đàn ông vừa thành đạt vừa chỉn chu với gia đình như gã hiếm lắm. Lần nào cả lũ có dịp gặp nhau, tôi cũng bảo Chi:
-Gái một con có khác, đẹp đến ngỡ ngàng. Thôi thế là em hạnh phúc rồi. Giá mà đứa nào cũng được như em thì tốt.
Chi không nói gì, chỉ cười với ánh mắt khóe môi vô cùng đằm thắm. Quang có kiểu trêu bạn rất phũ, ngồi múc từng thìa cafe bỏ vào miệng như xúc cơm. Ngắm Chi đắm đuối đã đời rồi tặc lưỡi phán một câu xanh rờn:
-Đúng là gái gặp hơi trai như thài lài gặp… Mà trai đây là phải trai có tiền nhé. Chứ trai nghèo như mình gái nó va vào lại chun mũi như gặp giấm. Thôi mấy em ngồi đấy mà ngậm ngùi làm gì, cố gắng mà làm đẹp rồi chọn giai mà lừa như Chi ý, đời có phải sung sướng không.
Chi ngẩng lên nhìn lướt qua Quang đầy chát chúa. Họ đã từng có một thời rất yêu nhau…
                                             * * *
Hai nhân vật cuối cùng trong nhóm chúng tôi giờ đã thành vợ thành chồng. Vy tiểu thư đài các người Hà Nội yêu và lấy Dương vốn xuất thân trong một gia đình không lấy gì làm khá giả. Lấy nhau xong Dương dọn về nhà bố mẹ Vy sống. Chuyện của họ chúng tôi chỉ biết vậy, dù thân mấy họ cũng không nói gì nhiều. Người ta thấy Dương chiều nào cũng vậy, nếu không tụ tập bia bọt với bạn bè ở quán bia Hải Xồm thì cũng cầm vợt đi đánh cầu lông trong câu lạc bộ. Thiên hạ chẹp miệng bảo “Thằng ấy thế mà sướng. Chuột sa chĩnh gạo”. Câu ấy vốn không dành cho đàn ông, Dương nghe thấy cũng bỏ ngoài tai. Gặp nhau chỉ thấy Dương kể chuyện cười cóp nhặt đâu đó. Đôi khi là những mẩu chuyện cười nhạt nhoét, cả bọn chẳng đứa nào buồn nhếch môi vậy mà Dương vẫn cười sặc sụa. Quang từng bảo với tôi rằng anh không khi nào dám chạm vào nụ cười ấy của Dương. Hỏi vì sao? Quang trả lời cộc lốc: “Sợ vỡ!”. Khi ấy là mùa hạ, chúng tôi vừa chia tay Nhu xong. Chẳng hiểu vì lý do gì Nhu quyết định rời thành phố nhanh đến vậy dù mấy năm sinh viên lúc nào em cũng khăng khăng sẽ bám trụ Hà Nội đến tận cùng.
Hôm ngày lễ 30-4, dân tỉnh lẻ đổ xô về quê còn điểm đến của dân thành phố là các tụ điểm du lịch. Mấy đứa tôi chẳng đứa nào nghĩ đến chuyện về quê như thể chả đứa nào có quê để mà về. Chúng tôi chúng tránh nói về quê hương, như thể sợ chạm vào cánh cửa kí ức luôn được cài then cẩn thận. Mặc cảm về cái nghèo như vô hình đeo bám dai dẳng trong tâm trí chúng tôi. Quang từng bảo:
-Anh xa quê từ năm mười sáu tuổi, lang bạt kiếm ăn khắp nơi. Xin đi học mấy lần bổ túc mới có cái bằng cấp III để thi Đại học. Bây giờ thành kỹ sư công nghệ thông tin rồi mà về quê người ta vẫn gọi mình là Quang cá mắm.
-Hồi xưa chắc anh ốm nhom ốm nhắt hả?
-Không! Người ta gọi là Quang cá mắm vì anh chuyên đi bới hố rác bên doanh trại bộ đội trước nhà để lấy những túi đầu cá mắm họ vứt về ăn. Nhiều khi túi cá mắm bị lẫn đủ thứ rác rưởi hôi thối đầy ròi bọ.
-Thế thì cũng đâu có gì là xấu đâu.
-Ừ thì có ai bảo là xấu đâu. Nhưng có những thứ kỉ niệm mà mình không bao giờ muốn nhắc lại. Nó làm cuộc đời mình luôn có thứ cảm giác dù có cố gắng đến thể nào thì vẫn không thể tinh tươm lên được.
Tôi quay mặt vào tường nằm thở dài. Hình như Quang vừa chạm vào cái dằm vướng víu sẵn trong tim tôi bao nhiêu ngày tháng. Nó giống như một khối u lành tính, tưởng như không nguy hiểm mà vướng víu và ám ảnh vô cùng. Tôi cũng có một tuổi thơ nghèo đói, ngày nào cũng là nỗi ám ảnh ăn rau dại thay cơm. Ngày nào cũng ngồi nhìn đứa bạn thân nhà kế bên vác rá đi vay gạo rồi lại vác rá về không. Ngày nào ở làng cũng có đứa trẻ con say sắn sống. Tôi nhớ ánh mắt con chó Vàng thảm thương nhìn tôi khi nó trút hơi thở cuối cùng vì đói. Cái đói đến người còn không có ăn thì nói gì đến chó. Tôi khóc cạn nước mắt mấy ngày thương Vàng của tôi, chú chó thông minh, tận tụy vẫn hay đưa tôi đi học chiều lại đón tôi về. Cái ngày tôi còn được cắp sách tới trường cứ tức nghẹn, giày vò trong tâm trí non nớt của tôi. Vàng ơi! Vàng ơi!
Ngày lễ 30-4 vì nghĩ mấy đứa kia có gia đình hết rồi nên chẳng dám làm phiền, tôi len qua mấy chợ nhỏ để mò đến phòng Quang. Chợ ngày lễ cho khác, thiếu tiếng bám mua, bới móc nghe cũng có vẻ thơm tho. Tôi ngồi xem Quang đánh chờ hồi lâu, mỏi mắt thiếp đi lúc nào không biết. Lúc tỉnh dậy đã thấy Dương nằm còng queo bên cạnh, hơi thở nồng mùi rượu. Quang vẫn mải mê với ván cờ vua, thi thoảng lại chau mày chửi bới đầy hằn học. Tôi véo Quang rồi hất mặt về phía Dương hỏi:
-Sang bao giờ thế? Có chuyện gì à?
Mắt vẫn không dời khỏi bàn cờ, Quang thở dài bảo:
-Nó sang ngủ nhờ thôi mà. Tí tỉnh dậy lại mò về tổ.
-Sao tự nhiên hôm nay lại vậy?
-Từ lâu rồi, thi thoảng nó lại qua ngủ nhờ một tí. Chẳng qua là em không gặp đấy thôi.
-Hôm nào sang cũng say thế này à?
-Ừ! Hôm nào cũng say như thế.
Tôi ngồi bó gối nhìn Dương. Nhìn hồi lâu thấy nước mắt Dương từ từ chảy xuống nền nhà. Đúng lúc ấy thì Quang cười sặc sụa, tôi thắc thẩm “lại thịt được con tướng chứ gì?”. Quang đứng dậy, vuỗi mông vừa đi ra ban công vừa hát ông ổng “đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng, ngọn gió hoang vu thổi buốt xuân thì…” Tôi nghe mà như có mưa rơi ở trong tim…
                                         * * *
Tôi chủ động gọi cho Vy đúng lúc bé Na quấy khóc ầm ĩ. Giọng Vy khẳn đặc dời dạc đầy mệt mỏi. Nói chuyện được dăm ba câu Vy bảo bận ru con ngủ rồi tắt máy. Tôi xoay qua nhìn bốn bức tường bỗng giật mình nhận ra tường nhà treo quá nhiều gương. Tôi soi khuôn mặt mình nhạt nhòa từng góc tối sáng khác nhau, thử bật cười nhưng thấy trong gương nụ cười méo xệch. Tôi gỡ dần từng chiếc gương đến khi trên tường chỉ còn lại những dấu đinh. Nằm dài, vắt tay lên trán và khóc. Khóc nức nở cho những vai diễn của chúng tôi.
Hà Nội mùa này nhiều lúc đến bực mình với những cơn mưa đỏng đảnh. Có đến nằm ăn vạ ở phòng Quang thì cũng chỉ thấy mưa rơi rách nát cả lòng. Khó khăn lắm mới lôi Quang ra khỏi ván cờ, hai đứa nằm cạnh bên nhau nói những chuyện trên trời dưới biển. Nhiều khi mọi câu chuyện đều bắt đầu bằng thì tương lai “Khi nào giàu…”. Nghe giống như chúng tôi đang bắt đầu kể những câu chuyện cổ tích của thời hiện đại.
-Khi nào giàu em sẽ ra nội thành mua một mảnh đất thật rộng rồi xây nhà vườn. Em sẽ trồng thật nhiều hoa. Anh có tưởng tượng được không, hẳn một ngôi nhà hoa nhé! Cuộc sống mới tươi đẹp làm sao?
Quang cười khùng khục, quay ngắt đầu lại nhìn tôi:
-Một người cả mấy năm không thấy mua một bông hoa nào về cắm như em mà lại chỉ mơ ước về ngôi nhà hoa thì kể cũng lạ thật.
-Biết làm sao được. Cuộc sống ở đây chật chội tù túng quá, em nhìn hoa mà thấy tội không cả lỡ mua về.
Chúng tôi nằm im lặng bên nhau rất lâu, đã bắt đầu cảm nhận được cái nóng hầm hập của nền nhà bốc lên nhờ mưa. Sau khi nằm đếm từng tiếng hạt mưa rơi ngoài mái hiên, như chợt nhớ ra điều gì đó, tôi hỏi Quang:
-Thế còn anh?
-Anh à? Anh mơ ước đơn giản lắm. Sẽ lấy vợ rồi sinh con. Em biết đấy những đứa trẻ đẹp như thiên thần sẽ làm đời chúng ta tươi trẻ lại. Sẽ thuần hóa những ngỗ ngược, bướng bỉnh của chúng ta. Lũ trẻ… lũ trẻ sẽ cho chúng ta thấy đời thật đáng sống!
Câu chuyện nói đến đó thì trời tạnh mưa. Mà kể cũng kì lạ thật, khi mà mấy hạt mưa cuối cùng còn nhỏ tong tỏng ở mái hiên thì trời đã nắng tươi roi rói. Trời đất nũng nịu như một cô gái mười tám tuổi. Quang tiễn tôi ra ngõ, vỗ về tôi bằng cái cách của những thằng đàn ông thường vỗ về nhau. Cũng may nhờ có mấy cái vỗ vai của anh mà thấy đoạn đường về như ngắn lại. Khi tôi vừa về đến phòng trọ thì Vy gọi điện bảo muốn được tôi chạy đến và ôm Vy một cái. Tôi òa khóc như đứa trẻ.
Có lẽ trận mưa ban chiều cũng đã làm mờ hết phấn son…

          Vũ Thị Huyền Trang

Thursday, October 25, 2012

Đóng thế...


 
“Tôi lao vào giữa đám đông, nhoài người về phiá chiếc quan tài người ta đặt mẹ tôi trong đó. Phía trên là bát cơm người ta đắp đầy ú ụ cùng với một quả trứng. Còn tôi thì vùng vẫy như một con thú bị chặt mất tay chân, máu chảy mà chưa chết. Ánh nắng, mặt trời thì cứ rọi sâu vào mắt, nung nấu và bức bách. Nhưng tôi không thể tiến về phía mẹ dù chỉ nửa bước.
-Mẹ ơi! Đông lắm! đông lắm, họ kìm kéo con này. Đông lắm!
Rồi tôi thấy chân tay mình bủn rủn, không chịu được nữa rồi. Tôi đang khụy xuống dần dần.
Giật thót mình một cái, một đường máu lạnh chạy từ đầu tôi tới gót chân. Tôi nhận thấy ngực mình đang rơi vào trạng thái nửa tỉnh, nửa mơ. Tôi cố dùng hết sức lực để cử động ngón tay, rõ ràng tôi thấy mình cử động, nhúc nhích, rồi tôi đứng dậy, vén màn ra khỏi giường. Tôi chạy, chạy đi đâu không biết. Thế mà hóa ra tôi vẫn nằm im bất động”
Tôi luôn nghĩ tôi là người đóng thế các nhân vật của chính mình. Tôi tạo ra chúng với những hỉ, nộ, ái, ố…quằn quại trong cái đau mà chúng không thể nào dự đoán hay trốn thoát. Đôi khi với công việc ấy tôi thấy mình là kẻ đáng thương. Đôi khi thấy mình là kẻ độc ác. Đôi khi thấy mình là kẻ vô vị hoặc chẳng ra gì. Tôi là một diễn viên xuất sắc nhìn theo một khía cạnh nào đó.
Anh nhăn trán sau khi đọc xong truyện ngắn của tôi. Anh lúc nào cũng khiến người ta cảm thấy anh đang quan tâm đến vấn đề được nói đến, anh sẵn sàng dành công sức, tâm huyết nếu người ta cần. Anh là thế, ít ra là đến thời điểm hiện tại.
-Sao em không cho nhân vật này chết đi?
-Tại sao lại phải chết.
Anh làm điệu bộ với cái vẻ: “Chết là hết chuyện, mọi việc sẽ suôn sẻ hơn”. Tôi im lặng và tự hỏi mình: “Ừ nhỉ, tại sao mình lại không cho nhân vật ấy chết?”. Câu hỏi ấy lập tức được gạt phăng ra “mình có quyền được tạo ra nhân vật của mình theo một lối riêng”. Chấm hết. Tôi lao vào giữa dòng người đông đúc trong thành phố, tuyệt nhiên không còn cảm thấy vướng bận gì về vai diễn của mình. Bởi ngoài đường còn có quá nhiều vai diễn.
Tôi diễn một người có văn hoá để không vượt đèn đỏ, không chửi bậy lúc tắc đường, không vừa đi vừa nghe điện thoại và cố gắng để không săm soi những người bên cạnh mình. Tôi diễn vai một kẻ đủ tỉnh táo, tinh ranh để chẳng bị thằng cướp đường sơ múi của mình bất cứ cái gì, kể cả là một cái nhìn lãng phí. Tôi đóng tất cả các vai có thể cho đến khi tôi về đến phòng trọ, với một niềm mong mỏi rằng không gặp bất cứ ai để khỏi phải thay trang phục diễn. Thế thôi.
Khi nằm một mình trong nhà trọ chưa đầy 8m2, chật chội, nóng nực nhưng dù sao tôi cũng cảm thấy thật thoải mái. Ít nhất là tôi được yên thân. Cũng có nhiều khi tôi cười một mình, khóc một mình, hoặc vừa cười vừa khóc. Tôi nghĩ khi ấy tôi mới thật là chính mình.
                                                * * *
Tôi viết. Viết trong nhạt nhoà nước mắt mảng màu kí ức của riêng mình:
Con nhớ vào một buổi chiều mẹ rẽ nắng sang sông
Mẹ đi lấy chồng
Mẹ làm vợ lẽ
Có mưa bong bóng đâu mà con mất mẹ
Gần hai mươi năm
                                      nắng vẫn buốt tim người.
Không nghĩ rằng có lúc mình lại đau như thế, cơn đau đến tức ngực và ngộp thở. Muốn phá tan bốn bức tường xung quanh, muốn phá tan mảng sông đầy nắng. Muốn chạy nữa…Chạy mãi…trên bờ cát trắng để những dấu chân in ngược tìm thấy mẹ. Nỗi hận đã làm tôi không một lần đủ sức  sang sông tìm mẹ, gần hai mươi năm trời tóc đã đổ sương giăng…
Không biết rằng đã có biết bao nhiêu chuyến đò giăng trong mắt tôi vời vợi đắng cay mỗi lần trở về thăm quê cũ. Tôi biết mình đang chờ đợi trong mỏi mòn hờn giận, thứ hờn giận mà tôi luôn tự phủ nhận, luôn chối bỏ.
Trong các trang viết của mình tôi thường hay viết về những đứa trẻ không có mẹ, nhưng không bao giờ tôi giải thích sự vắng mặt của người mẹ. Như là đối với tôi việc không có mẹ là một điều tất nhiên, chẳng có gì là lạ cả. Hay tôi viết về sự hoảng loạn của những đứa con vẫn mơ giấc mơ hoang mất mẹ. Sự hoang mang đã ăn vào nhân vật của tôi sâu lắm… Có đâu đó những thắc mắc của người đọc, có đâu đó vài lời giải thích bâng quơ…Tất cả đều nhạt nhoà, tất cả đều chẳng làm tôi thay đổi.
Bói.
Lang thang quanh bờ hồ. Không có việc gì làm, thấy có một người đàn bà ngồi xem bói. Nổi hứng, thế là bói. Thầy phán những điều rất vòng vo, ngoằn nghoèo, kể cả những lời hoa mĩ mà văn chương của tôi chưa khi nào dùng đến cả. Thầy bảo:
-Cái số này là phải hai lần đò mới ổn. Nếu không thì ở goá.
Cười.
Thấy bảo:
-Lấy chồng muộn thôi, thì còn may chăng yên ổn.
Cười. Hỏi:
-Yên ổn là sao thưa thầy?
-Là chỉ phải đi một lần đò thôi, chỉ có điều tình cảm vợ chồng không được mặn nồng cho lắm.
Phá lên cười.
Thầy bảo:
-Cười là mất thiêng.
Im tịt. Không phải vì sợ.
Thầy lại bảo:
           -Con mồ côi phải không?        
Gật đầu. Không hiểu sao tôi lại gật đầu không một phút đắn đo. Chợt thấy buồn. Bố tôi vẫn còn. Mẹ tôi vẫn còn. Bố tôi chỉ đi theo một người đàn bà. Mẹ tôi chỉ đi theo một người đàn ông. Tôi ở lại một mình, thế có phải là mồ côi không nhỉ?
Tự nhiên sống mũi cay cay. Bảo thầy:
-Thôi thầy ạ. Hết bao nhiêu tiền con gửi, thầy đừng xem nữa.
Thầy bảo:
-Tuỳ tâm.
Chẳng biết mình rút tờ xanh hay tờ đỏ. Mọi thứ cứ nhạt nhoà, chóng vánh.
Đi.
Không biết là sẽ đi đâu. Cứ lên xe và nổ máy. Hình như đã đi qua ba cái đèn đỏ, hai cái đèn xanh vẫn chưa thấy cái đèn vàng. Lại đi…ý nghĩ kéo tôi đi vô định…
                                         * * *
Từ đó tôi bắt đầu sống ở một thế giới khác, cái thế giới chìm nghỉm, nghẹt thở như khi mình bị người ta bịt mũi ghì nằm xuống mà hù dọa. Thế giới ấy chắp nối, nó hoang tàn, rơi vãi những cái đời thường mà hàng ngày tôi vẫn gặp. Nó cũng là vùng đất mới với những cảnh vật và con người mới. Tôi lại nghĩ đến những câu chuyện cổ tích đầy tốt đẹp. Tôi cũng có những giấc mơ, nhưng nó không đẹp, những giấc mơ mọc ra từ những chiếc gai nhọn hoắt đâm vào tôi, lăn xả vào tôi. Tôi mơ thấy mình lao xuống một vực thẳm mà chưa ai nhìn thấy đáy. Những đốm xanh đỏ, tím vàng, quấn tôi xuống, xoay tôi chóng mặt. Tôi gọi rất to nhưng cũng chỉ như người đứng giữa vách đá. Tiếng hét đập vào vách vang xa, chỉ tưởng thế rồi chưa thấy đáy đâu thì tôi đã bị xoáy vào một đám ma. Khăn tang trắng con đường quê tôi. Tôi thấy mẹ tôi chết. Rồi tôi cứ khóc kiệt sức mình rồi lại tỉnh. Tôi cứ trông chờ vào những câu chuyện cổ tích, vào những ông bụt bà tiên. Nhưng tôi đợi mãi…”
Lại viết. Viết như một bản năng mà dường như lại không phải bản năng. Định nghĩa về bất cứ thứ gì tồn tại đối với tôi đều không khó, nhưng cứ mỗi khi định nghĩa về bản thân là mọi thứ đều rối tung, rối mù lên cả. Kệ. Thế mới là cuộc đời - Một cuộc khổ ải - Hay là một cuộc chơi thú vị.
Lại buồn, chẳng hiểu sao dạo này mình lại trở nên bất cần như thế.
Mồ côi
Mồ côi
Mồ côi
Thấy chán ghét cụm từ đó vô cùng nhưng nó lại luôn ám ảnh. Đôi khi hơn cả chán ghét là nhói đau, là hờn giận. Không muốn đổ vào đầu nhân vật thế là tắt đèn đi ngủ. Trằn trọc mãi tự nhiên thấy buồn. Cô đơn. Trống rỗng. Thấy mình đúng là mồ côi thật. Chẳng có bất cứ ai bên cạnh cả. Nếu mà mình ốm thì sao nhỉ? Ai sẽ đắp khăn cho mình? Ai nấu cháo cho mình? Ai sẽ dặn mình đừng nằm nhiều, phải đi lại cho đầu óc thoải mái? Ai? Ai? Ai?
Nước mắt chảy dài. Buồn như chưa bao giờ được buồn như thế nếu không muốn nói là đang tuyệt vọng và chán nản. Không muốn nói là cuộc đời vô vị, là mình đang muốn chết.
Thế thôi!
                                                * * *
Chẳng hiểu vì sao lại chọn nghề văn, chẳng hiểu vì sao lại chạm tim đau nhiều thế. Bảo đừng nhớ những cái cần phải quên thì lại nhớ, nỗi nhớ như là mặc định. Đôi khi chẳng hiểu nổi mình với những nỗi buồn vời vợi. Những câu văn đau, những nhân vật phải thay nhau lên giàn thiêu mà cuộc đời vẫn chưa thanh thản. Đôi lúc nhận ra một sự thật mà không biết nên buồn hay lên vui nữa rằng cuộc đời tôi cũng chỉ là một nhân vật bất đắc dĩ trong cuốn tiểu thuyết dài kì của thượng đế mà thôi. Chẳng biết cuối cùng thì thượng đế sẽ cho tôi chết hay là sống, sống hạnh phúc hay là đau khổ nữa…Đôi lúc không muốn cố gắng. Cứ ngồi yên một chỗ. Và phó mặc.
Nhưng ngồi yên thì ngòi bút lại đi, ngòi bút đi vào tâm can con người như vạch ra từng tia máu.
Đôi khi cho nhân vật mình cười nhưng chính mình lại khóc.
Đôi khi cho nhân vật chết đi như chính mình cũng đang phải gặm nỗi đau ấy rồi chết dần mòn.
Đôi khi muốn giết quách cái nhân vật ấy đi mà vẫn phải mỉn cười với nó.
Đôi khi…
Có hàng trăm cái “đôi khi” làm tôi chảy máu. Thế là lại phải đi. Đi để biết nhiều hơn về cuộc đời để đừng chỉ viết về nỗi đau của riêng mình mãi. Có ai đó đã nói rằng nếu người viết cứ mài mòn mãi kỉ niệm, kí ức mà không chịu đắp bồi thì cũng sẽ có ngày trắng tay, nghoảnh đi nghoảnh lại chẳng còn gì mà viết. Có phải tôi đang sợ đích danh điều đó hay không, hay là tôi chỉ đang sợ một điều gì đó còn xa vời lắm…
                                               * * *
“Cũng không nhớ nổi khi nào và bằng cách nào tôi thoát ra khỏi cơn ác mộng hãi hùng như thế. Chỉ biết sau một tháng hành hạ đầu óc và thể xác, tôi mòn mỏi đi nhiều. Các khớp đau dã dời, lưng đã gù càng gù hơn. Đầu tôi ong ong như tiếng trống đám ma, tiếng khóc mướn, tiếng cuốc xẻng va nhau đào huyệt. Trời đất! Tôi sớm muộn gì cũng sẽ thần kinh. Thà thế còn hơn, suy cho cùng sướng nhất vẫn là người vô âu vô lo. Mà là người ai chẳng phải lo nghĩ, chỉ những thằng đần độn, ngớ ngẩn và thần kinh là sướng. Nhưng nhỡ đâu, thần kinh có cái khổ của thần kinh thì sao nhỉ? Thế thì tôi biết phải làm sao? Làm sao bây giờ chứ? Tôi bóp gì hai bàn tay vào hai thái dương. Cảm tưởng như mười đầu ngón tay đang tụ máu. Một ý nghĩ tội lỗi man rợ chợt loé lên. Tôi cười, nụ cười đỏ nhoét, toàn máu ở chân răng: “Sao mẹ không chết đi? Chỉ cần mẹ chết là mình không phải suy nghĩ về bất cứ điều gì. Mình cũng thôi bị ám ảnh. Phải! Sao bà không chết quách đi chứ?
Ai ngờ mấy tháng sau mẹ tôi ốm  thật. Khi bà ốm người ta mách tôi lên tận Sapa lấy thuốc nam may ra mới cứu được mẹ. Tôi lì lợm không đi, cứ đứng chân giường nhìn mẹ trừng trừng tưởng như con người hoá đá tự bao giờ. Cha tôi đưa mẹ xuống bệnh viện trung ương. Bệnh khám đúng, thuốc phát đủ. Vậy mà tim mẹ đập ngày càng yếu đi. Vì bà không lúc nào ngủ hay nhắm mắt. Bà cũng cứ nhìn tôi trừng trừng. Bỗng nhiên lúc ấy, trong tôi sôi lên lòng căm thù mẹ cùng những câu chuyện, những quẻ bói ám ảnh, đeo đẳng bào mòn tôi. Rõ ràng tôi thấy tôi lao vào mẹ, gì chặt cổ đến khi mắt bà trắng dã không nói lên được một lời. Không! Là tôi vẫn ngồi cuối giường, chỉ nhìn mẹ thôi, hai tay vẫn đặt lên đầu gối. Bố và anh tôi bên cạnh mẹ. Sao lại thế. Bác sỹ vào lắc đầu thất vọng. Mẹ chết, mẹ ra đi thật. Tại sao tôi cũng không hiểu được nữa…
Trong cơn mơ, bao giờ đám tang mẹ tôi cũng kêu gào thảm thiết. Nhưng lần này, lần thật sự này, tôi lại không mảy may rơi một giọt nước mắt. Tôi câm lặng bên mọi tiếng kêu gào. Tôi không khóc.”
Bế tắc.
Đôi lúc bế tắc không biết phải viết tiếp như thế nào nữa. Rồi hoang mang… “Phải chăng nhân vật này sẽ không thuộc về mình nữa”. Những lúc như thế tôi thấy dường như tôi không chỉ bất lực trong trang viết mà còn đang bất lực trong chính cuộc sống đời thường. Những lúc như thế tôi hay khoá cửa lại và đi lang thang…Không chủ định là đi đâu, cứ để cho đôi bàn chân bước theo quán tính riêng của nó. Như thế đôi khi cũng hay. Ta giải phóng cho một cái gì đó để lơi lỏng chính cái thòng lọng đang thít chặt cổ ta, thít chặt vào cuộc sống của ta.
Hà Nội những buổi chiều mùa hè ngột ngạt hơn mức người ta vẫn nghĩ về nó. Bụi đường và khói xe vô hình đã ủ lên khuôn mặt bao người một màu sắc khác, mùi vị khác. Vì thế mà không ai muốn cười với ai, không muốn nói chuyện với cả người thân mình đang ngồi đằng sau nữa. Đôi khi chả vì một cái gì người ta cũng sẵn sàng cáu gắt. Và đôi khi tôi cũng muốn gây sự với bản thân mình, cũng chẳng rõ vì một lý do gì nữa.
                                                * * *
“Hóa ra tôi tự đặt cho mình nhiều cuộc đối thoại, tự gây những xung đột tạo nên cảm xúc. Tự dày vò bản thân. Tôi làm thế để làm gì nhỉ? Tôi cũng không biết nữa. Tất cả cứ diễn ra như một quy luật, như một nhu cầu tự nhiên mà tôi cũng không bao giờ nắm bắt được. Tôi nói lảm lảm như thế ở bất cứ nơi nào, miễn là lúc đó không có người, tôi nói khi trong vườn chỉ có những cây xoài già nhăn nhó mình dưới nắng tháng mười. Tôi nói khi đàn gà con rúc mình vào bóng mẹ trong một buổi sáng mùa đông. Tôi nói khi chỉ còn tôi phả chiếc bóng lên tường biểu diễn những màn kịch câm vô thức, tôi nói cả trong nhà xí nơi tôi chốn mình ngồi hàng giờ, nghĩ vẩn vơ. Tôi nói khi ngọn lửa tôi cời vẫn trỗi dậy những khát khao… Còn khi có mọi người xung quanh, tôi vẫn tự tạo cho mình những cuộc đối thoại trong tâm tưởng và bị nó nhấn chìm, cuốn đi, xoáy tít, rồi cũng chẳng biết khi nào tôi tỉnh lại, trở về cuộc sống đời thường? Nhưng ngay cả khi sống trong thế giới của riêng mình, tức là cả khi tôi đang thức tôi vẫn luôn luôn gặp những cơn ác mộng hành hạ tâm trí. Rõ ràng tôi đang ngồi trước mặt mẹ, mẹ đang cặm cụi giã lạc muối, bàn tay mẹ nện chày đều đều. Vậy mà trong óc tôi bỗng hiện ra một thế giới khác. Những vòng hoa mưa gió tàn rũ, đất đỏ hiện ra. Nghĩa địa buồn thê thảm. Tôi khóc tự bao giờ, mà đến khi mẹ giật giọng tôi mới cảm nhận thấy hai hàng nước mắt chảy dài trên má.”
Đêm mơ!
Mơ thấy mình bị bỏ rơi trong một hoang đảo. Không hiểu cái gì đã lôi tôi vứt vào giữa cái thế giới cô đơn ấy, chỉ biết khi tôi tỉnh dậy trong hoang đảo không có cả tiếng một loài chim, không cả tiếng gió. Chỉ tiếng sóng biển vỗ vào cõi hoang mang sâu thẳm. Tôi đã chạy…chạy…chạy mãi vẫn chỉ thấy tiếng bước chân mình vọng lại khoảng không bất tận. Khi tôi sắp ngã quỵ xuống bãi cát vàng tôi giật mình vừa vui mừng, vừa hoảng sợ vì bắt gặp một bóng người đang trải dài phía trước nhưng hoá ra đó chỉ là chiếc bóng của chính tôi. Tôi cô đơn đến tuyệt vọng, tôi hú tiếng hú của vượn gọi bầy, tiếng hú hoang rợn đến mức làm tôi bừng tỉnh và thoát khỏi cơn mơ ấy. Nhưng hoang đảo thì vẫn còn tồn tại trong tâm trí tôi mãi tận sau này. Tôi biết chắc là như thế.
Căn phòng của tôi đêm đó là một hoang đảo ghê sợ. Khi tôi tỉnh dậy, tôi sờ xung quanh giường tôi chỉ thấy một khoảng không, một sự trống rỗng đến tột độ. Không một chiếc gối, không một mùi mồ hôi khác…Và nhận ra rằng đã lâu lắm rồi…Lâu lắm mình cũng không có cả thói quen sờ sang bên cạnh để tìm một chỗ dựa, tìm một hơi ấm thân quen.
Bất chợt! Tôi úp mặt vào bàn tay của mình đang run lên vì cô đơn và khóc. Khóc nức nở, khóc như thể đó là thủ tục cuối cùng của sự sống để rồi mãi mãi không còn tồn tại nữa. Càng khóc càng thấy mình cô đơn, cô đơn hơn cả khi đang ở trong hoang đảo…Tôi chợt nhớ mẹ quay quắt. Tôi thèm được gọi một tiếng “mẹ” vô cùng. Thế là hình như tôi đã gọi trong nỗi cô đơn ấy nhưng hình như không ai trả lời. Tôi vẫn khóc. Tôi nhớ lúc bé mỗi khi đêm gặp ác mộng, khi tỉnh dậy tôi vẫn thường quờ tay sang bên cạnh để tìm mẹ, rồi thể nào mẹ cũng ôm tôi vào lòng và nựng. Mẹ nựng khéo lắm, mẹ bảo trên đời này không hề có ma. Người sống còn không sợ thì làm sao mà phải sợ ma cơ chứ. Mẹ nói rất nhiều nhưng bao giờ tôi cũng rúc vào nách mẹ ngửi cái mùi mồ hôi ấy mà ngủ tự lúc nào. Tuyệt nhiên không còn cảm thấy hoảng sợ nữa. Đêm bình yên đến lạ.
Đêm nay muốn với tay thấy mẹ biết chừng nào nhưng nhận ra rằng mẹ đã xa vời vợi. Không hiểu là tôi đã buông tay ra khỏi mẹ hay là mẹ đã buông tay tôi trước, chỉ biết lúc nghoảnh lại thì đã chẳng thấy mẹ đâu nữa. Bỗng nhiên tôi thành đưa trẻ mồ côi.
Sáng ra!
Muốn sải cánh về dòng sông quê đi tìm mẹ.
Cái cảm giác đầu tiên khi lao vào giữa dòng người là một nỗi vui mừng xen lẫn sợ hãi. Vì tôi nhận thấy rằng cái thế giới mà tôi đang sống không phải là một hoang đảo, trái lại nó đang tắc nghẽn vì đông đúc những người với người. Nhưng bụi đường và khói xe lại làm tôi thấy cái mơ ước đi tìm mẹ  mới ngột ngạt làm sao, phù phiếm làm sao.  Đường Hà Nội vẫn làm cho người ta thấy ngột ngạt hơn những gì mà bản thân tưởng tượng.
Thế thôi!
                                                * * *
Đến cơ quan.
Bác bảo vệ lừ mắt chỉ vào chỗ để xe cố định. Chả hiểu ai đã phân luồng như thế, nhưng cứ hôm nào tôi mải nghĩ ngợi lung tung mà lơ đãng cái bổn phận của mình là y như rằng bị nhắc nhở. Lại một ngày thần kinh không ổn định. Biết là thế nhưng không tài nào chấn chính nổi.
Anh xoay xoay cốc cafe, trầm ngâm nhìn xuyên vào những đốm nắng đầu tiên.
Hỏi:
-Lại cafe à?
Anh nhún vai rất điệu nghệ:
-Giải trí ấy mà. Sao hôm nay mặt cô em hốc hác thế? Bị phụ tình à?
Choáng.
Anh chưa bao giờ ăn nói với tôi bằng cái giọng bụi đời và “vô tâm hoá” thế. Cứ như giữa tôi và anh chả hề quen biết gì. Cứ như tôi chỉ là kẻ phục vụ bàn, hỏi anh uống thứ nước gì và bị anh đáp lễ bằng những câu đầy lễ độ như thế đấy. Cảm giác ngay lúc này là mình đang sống giữa một tập thể nhưng chẳng khác gì hoang đảo. Tránh không nhìn sang phía ấy, muốn bịt tai để những giọt cafe đừng rơi nhấm nhẳng như nỗi cô đơn đang gặm nhấm.
Bật máy tính. Lại viết. Chả thể làm gì khác là chốn vào các trang viết cả. Gõ loạch coạch, thấy mọi thứ dường như cũng suôn sẻ nhưng tự nhiên lại bôi đen và ấn enter, rồi tắt luôn. Biết không thể phục hồi được nữa, cũng không muốn phục hồi. Muốn đi bụi thật, bỏ lại vô số lề thói và nguyên tắc để đi bụi một lần. Dĩ nhiên là đi một mình, dĩ nhiên là chẳng có ai để ý xem tôi đi đâu và làm gì vào bất cứ khoảng thời gian nào. Ở đây mọi người không có thói quen như thế, cũng như họ có thói quen dửng dưng với mọi việc xảy ra xung quanh mình. Chỉ có thể là một người thật sự quan trọng mới quan tâm và lo lắng, nhưng tôi thì lại không có được điều đó.
Bịt kín mặt và lao ra đường, nếu có ai đó gọi tôi là con điên cũng đúng. Tôi đang điên loạn vì sự bức bí phát ra từ chính trong từng đường gân, thớ thịt, từng mạch nguồn suy nghĩ. Tôi biết nếu bản thân không giải phóng được thì rất có thể nó sẽ bốc cháy lên giữa đường Hà Nội như cái xe máy mà tôi đã từng chứng kiến. Thế đấy, cuộc đời tôi là thế đấy.
Chạy xe vẩn vơ. Đèn đỏ. Đèn xanh. Dừng. Đi…Cứ thế! Cảm giác như nghe thấy tiếng kêu u u phát ra từ trong óc, chắc tại nó khô khốc quá, nó cũng đòi tra dầu mỡ như bất cứ một bộ máy nào khác. Nó đã quá tải, nó không được quan tâm thường xuyên và đúng mức hay nó không có những liều thuốc tinh thần thú vị? Tất cả đều đúng hoặc tất cả đều sai…Chẳng mang lại một ý nghĩa gì. Xe vẫn cứ lao trên đường phố, đôi khi phanh kít lại. Nhận ra vô khối cái đầu cần tra dầu mỡ chứ chẳng riêng gì mình. Thấy vui vui, chẳng hiểu vì sao lại thế.
Bỗng!
Gió thổi lạnh gáy, người qua lại bên cạnh mình ít dần đi. Nhận ra mình đã lao đi vun vút về phía ngoại thành. Lại đi, có một cái gì đó cứ kéo mình đi mãi cho đến khi ngửi thấy một mùi vị quen thuộc, một ánh nhìn quen thuộc: “Quê hương”. Không tin nổi mình đã phóng đi hơn một trăm cây số trong vòng mấy tiếng đồng hồ. Phóng đi như một con điên.
                                                * * *
Mộ của bà cỏ hoang đã mọc rất nhiều. Có lẽ một cơn mưa nào đó vừa mới đi qua, một bàn tay ai đó vừa sờ lên cỏ vẫn còn ấm lắm. Hay là nước mắt, nước mắt của một người cháu có kí ức tật nguyền để rồi lớn lên kì thị chính miền quê đã sinh ra mình và bỏ rơi luôn nấm mồ của người đã cưu mang mình từ tấm bé.
Khóc.
Khóc như một lần nữa thấy mẹ sang sông đi lấy chồng bỏ lại tôi cùng đống đồ hàng mồng tơi, không người ngã giá. Để mỗi chiều đi học về phải đối mặt với lũ chăn bò hay chặn đường bắt nạt: “Đồ mồ côi. Đồ không có ai nuôi. Đồ bị bỏ rơi. Lêu lêu! Lêu lêu!” Nó giống như một chuỗi nhạc khủng khiếp của tuổi thơ mà thi thoảng trong những giấc mơ vội vã của mình tôi vẫn bắt gặp.
Luôn tự dối lòng mình rằng: “Mày chỉ là một đứa trẻ bị mồ côi không hơn không kém. Bố mày đã chết. Mẹ mày đã chết. Người thân duy nhất của mày là bà nội cũng đã về với đất lâu rồi”. Nhưng trong tận thẳm sâu vẫn thấy một nỗi tủi hờn cứ chực trào dâng. “Còn biết tủi hờn, còn biết ghét giận là còn biết yêu thương nhiều lắm”. Đột nhiên tôi thấy sợ cái suy nghĩ của chính mình. Tôi không muốn phải công nhận rằng tôi đang giận mẹ, tôi không muốn công nhận rằng tôi còn có bố mẹ trên đời. Điều ấy làm tôi bị tổn thương. Tôi đã cố chối bỏ nhưng tôi đang khóc, tôi ngửi thấy mùi của phù xa, của sóng sông của cát trắng phía bờ bên kia vời xa ấy…
 Nó lững thững đi tìm…
-Ai… đ…o…ò..na…ò! A…i đò đ.i..i...i!
Nghe chênh chao mặt sóng. Người lái đò ca câu gì nghe buồn đến mức không nhớ nổi. Rồi nhìn tôi chằm chằm. Hỏi:
-Sang sông tìm mẹ phải không cháu?
Chẳng hiểu sao tôi lại gật đầu. Người lái đò đẩy mạnh tay lái rồi nhìn phía xa xa, nơi cánh chim chiều đang bay về tổ.
-Mẹ cháu chết rồi, còn tìm chi nữa. Tro còn tưới bến sông này.
Nghe như bầu trời vừa rơi xuống dòng sông trống rỗng. Sóng nước chênh chao, ngả nghiêng như trận bão lớn đang về. Tôi gọi mẹ. Tôi gọi rất to nhưng mẹ không đáp lại:
-M…ẹ…Ơ…i…i….i…!
                                                * * *
Tôi bỏ nhà lên chùa đòi sư bà cắt tóc đi tu. Cha tôi tìm gặp căn ngăn. Lạy cha. Tôi khóc. Người thân trong gia đình không hiểu tại sao. Sư bà nhìn lại, nói những lời không trọng lượng:
-Lòng con đã thật sự tĩnh chưa? Quên hết mọi chuyện đời trần tục hay chưa? Nếu không, có cạo đầu, tụng kinh cũng vô tác dụng.
Tôi gật đầu:
-Lòng con đã tĩnh.
Mà trong lòng gào lên cơn cuồng phong dữ dội.
Anh trai lên thăm, tôi không ra tiếp. Sư bà gật đầu:
-Đã quyết, ắt con làm được.
Ai ngờ tiếng gõ mõ tụng kinh chính là màn cười man rợ của mẹ vọng về.
Tôi ốm liệt giường mấy ngày. Sư bà vào ra không nói một lời. Tại tiếng gõ mõ tụng kinh át đi! Lại là mẹ hiện về rất gần đây thôi, bên tay tôi, đúng rồi,  bên má tôi. Đòi móc mắt tôi.
Tôi lao ra khỏi phòng, ra gian thờ chính giằng bộ mõ của sư bà quăng ra khỏi cửa. Tôi lao ra ngoài, hoảng loạn.”
Tôi nhận ra rằng không phải tôi đang cầm ngòi bút để tạo ra các nhân vật của mình với các số phận khác nhau. Không phải tôi tôi đang bỏ mặc chúng với những hỷ, nộ, ái, ố của cuộc đời…Mà chính là chúng đang bỏ mặc và cười nhạo tôi đấy chứ. Chúng cười tôi cả đời phải đi đóng thế, cả đời không sống nổi với bộ mặt của chính mình. Chúng cười tôi giả dối, cười trái tim mềm yếu của tôi không dám đối mặt với kí ức tật nguyền, không dám tha thứ, không dám yêu thương. Chúng đang coi tôi là loài búp bê đặc biệt, thứ búp bê hoàn hảo đến tội nghiệp.
Cuối cùng đời trả thù lao cho những vai diễn của tôi bằng một cái kết đau đớn nhất. Thế là tôi đã mồ côi thật, tôi bắt đầu hoảng sợ về cái sự thật ấy. Tôi sợ thành phố, tôi chạy chốn con người và công việc. Tôi muốn tìm cho mình một hoang đảo thật sự. Nơi mà tôi không phải đóng bất cứ vai diễn nào trên đời. Nơi chỉ tôi đối mặt với chính tôi.
Cũng may trong phút hoảng loạn ấy, tôi chợt nhớ ra rằng tôi còn cha tôi. Người cha đã bỏ mẹ con tôi theo một người đàn bà khác. Tôi không biết mình có còn đủ sức cho một cuộc kiếm tìm nữa hay không. Nhưng tôi vẫn sẽ ra đi…
                                                              9-6-2009

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

Ba người trong quán mưa...



Từ lúc gặp lại chị đến giờ nhỏ cứ thao thao bất tuyệt kể về tình yêu của mình với một anh chàng tên K nào đó. Nhỏ kể chuyện tình yêu như kể lại một bộ phim truyền hình Hàn Quốc nhiều tập, nhiều tình tiết rối rắm. Mà vì rối rắm quá nên nhỏ chỉ nhớ được khúc đầu và khúc cuối của phim thôi. Còn khúc giữa không biết vì vô tình hay cố ý nhỏ quên chẳng đả động gì đến. Đúng lúc ngoài đường phố mọi người đang nháo nhác chạy mưa thì nhỏ kể đến đoạn nhỏ gặp K khi đang chen lấn mua hàng giảm giá trong siêu thị. Anh Khương- bạn trai chị nghe xong thì cười bảo:
-Hai người gặp gỡ trong hoàn cảnh lãng mạn quá cơ!
Chị hết nhìn nhỏ lại quay sang nhìn ông bồ tủm tỉm cười:
-Anh Khương không biết đấy thôi. Con nhỏ tài săn hàng khuyến mãi lắm. Cứ chỗ nào có hàng giảm giá là sà vào bằng được kể cả có sắp muộn giờ làm hay trời có sắp sập đi chăng nữa.
-Hèn chi!
Nhỏ che miệng cười khúc khích, rồi lại kể tiếp đoạn đầu tình yêu đầy hạnh phúc của mình. Vừa kể nhỏ vừa bấm từng đốt tay tính rành mạch từng kỉ niệm. Nào thì kỉ niệm mùa đông hai đứa đi ăn kem tràng tiền ngoài bờ hồ Lúc nổ máy xe ra về do mải nói chuyện mà K không biết rằng nhỏ vẫn chưa kịp leo lên xe, bỏ nhỏ lếch thếch đi bộ một đoạn dài. Kỉ niệm Hà Nội mùa hoa điệp, K rất kiên nhẫn lẽo đẽo làm phó nháy cho nhỏ và tụi bạn. Kỉ niệm mùa đông hôm trời mưa K chở nhỏ đi làm. Cái áo mưa của K bị thủng một lỗ ngay giữa lưng, nhỏ ngồi sau cứ nhằm đúng cái chỗ thủng mà hứng mưa đổ vào cho ướt sũng rồi cười khúc khích. Nhỏ kể đến đây thì anh bật cười quay sang nhìn chị bảo:
-Cái này thì giống em quá nhé! Hèn chi mà hai chị em lại thân thiết nhau đến thế. 
-Nhưng mưa Sài Gòn thì đỏng đảnh hơn. Chắc tại vì mưa đỏng đảnh  nên anh cũng không đủ kiên nhẫn được như K.
-Thôi nào! Em không thấy anh vẫn ngồi đây bên em sao?
Nhỏ không quan tâm đến mấy lời giận dỗi vu vơ của chị. Nhỏ mải nhìn Khương cười, nụ cười hối lỗi ấm áp và đáng yêu đến lạ. Rồi nhỏ nói bâng quơ như thể nói với chính mình “ừ! Cả em và chị đều thích mưa hèn chi lần nào chị gọi cho em cũng đều nghe thấy mưa rơi lạnh buốt bên tai”. Anh định châm lửa hút thuốc nghĩ thế nào lại thôi. Chị thả những viên đá nhỏ cuối cùng vào cốc, khoáng leng keng…leng keng… Nhỏ gõ mười búp măng xuống bàn, nhịp nhàng như một người nghệ sỹ lướt trên từng phím đàn. Ngoài kia mưa trắng một màn trời, mưa đã rất lâu mà con người vẫn không thôi nhốn nháo…
                                             * * *
Chị gục đầu xuống bàn, nghiêng mắt ngắm mưa chăm chú như một đứa trẻ. Thi thoảng chị lại hỏi một câu, buông thẫn thờ giữa cái không khí trầm lắng, ảm đảm của quán xá ngày mưa. Ba người ngồi bên nhau, đối thoại một cách rời rạc nhưng không hiểu sao không ai muốn đứng dậy để kết thúc cuộc gặp gỡ này.
-Không biết bao giờ mưa mới tạnh?
-Có thể là tí nữa. Cũng có thể là đến đêm chị ạ.
-Dù sao cũng chẳng biết làm gì cho hết tối nay. Cứ mưa đến đêm cũng chẳng sao- Khương thủng thẳng nói.
Nhỏ nghe thấy một tiếng thở dài. Chắc là của chị. Chị dường như không chịu nổi sự im lặng của ba người nên bảo:
-Kể tiếp mấy khúc tình yêu của em đi cưng!
-Ờ! Hay em kể khúc cuối chị nghe nha! Cũng mùi mẫn phết!
-Happy ending chứ gì? Cưới luôn đi để chị với anh Khương còn kịp ăn cỗ trước khi bay về Sài Gòn. Mà mùa này có phải là mùa cưới không em?
Khương xoay xoay tách cafe nhìn chị bảo:
-Mùa nào chẳng là mùa cưới. Yêu thì cưới thôi chứ hơi đâu chờ tháng chờ năm cho mệt.
-Thế sao yêu nhau bao lâu rồi mà chưa thấy khi nào anh tính chuyện cưới em?
Nhỏ cười:
-Mùa này là mùa hoa phượng. Cháy đỏ cả một góc trời rồi tàn lụi. Hình như tình yêu và hôn nhân cũng thế. Cứ đắm đuối hết mình rồi đến một ngày tự nhiên giật mình vì ngoảnh lại chẳng thấy bóng dáng của nhau hiển hiện trong đường trái tim ấy nữa.
Chị rời mắt khỏi những hạt mưa, ngoảnh lại nhìn nhỏ:
-Trong khúc cuối của tình yêu thì K của em đã đi đâu sao?
-À vâng! Đã đi sang một hướng khác chị ạ.
-Thế mà…chị cứ tưởng hai người đã tính chuyện cưới hỏi cơ đấy.
-Thì hẳn…Nhưng ngay cả khi hôn nhân cũng chỉ là một tờ giấy kết hôn thì có gì mà giằng níu nhau khi hai con tim không còn cùng nhịp đập.
-Là lỗi của K sao?
Khương cười:
-Lỗi của ai thì chẳng quan trọng, duyên số có thế thôi. Có muốn níu kéo cũng chẳng được, cứ coi như người ta không là của mình. Giằng níu trong tình yêu là thứ giằng níu kinh khủng nhất.
Nhỏ cười, nhìn Khương bằng ánh buồn héo hắt. Có mấy khi nhỏ buồn đến thế đâu. Còn chị vẫn nhìn chăm chú vào ô cửa sổ ướt nhòa mưa rồi bất chợt hỏi Khương:
-Anh nói nghe như thể anh đã hoặc đang phải trải qua điều khủng khiếp ấy không bằng.
Khương không nói gì quay sang nhỏ hỏi:
-Em chắc vẫn còn yêu K nhiều chứ?
-Nhiều như một thói quen. Em đã quen có K bên cạnh bốn năm rồi giờ không dễ gì quên được đâu anh.
-Cũng chẳng sao. Thực ra thì tất cả chúng ta đều cần có thời gian để mà quên mà nhớ.
                                         * * *
Có lẽ thấy ba người ngồi đã khá lâu, trời đã tối mà cơn mưa thì vẫn dai dẳng không ngớt chút nào. Nên một nữ nhân viên phục vụ bàn lại gần lịch sự hỏi:
-Quý khách có muốn dùng bữa tối tại đây không ạ? Nhà hàng của chúng tôi ngoài phục vụ đồ uống còn kiêm luôn phục vụ các bữa ăn nữa ạ.
Chị nói chị muốn ăn phở Hà Nội. Anh chọn mì xào. Nhỏ chọn một đĩa cơm rang thập cẩm. Ngồi nhìn nhỏ ăn một cách ngon lành, anh cười bảo:
-Biết thế anh cũng chọn cơm rang như em để ăn có phải hay không.
-Mì xào cũng ngon mà. Nếu không em gọi món khác cho anh nhé!
-Mì xào nhiều dầu mỡ quá không tốt cho cho anh. Thôi khỏi! Anh nói vậy thôi chứ anh dạo này chắc do ăn nhiều đồ béo nên anh mắc bệnh ngán ăn rồi.
-Tại sao không chọn phở? Anh không biết là phở Hà Nội rất ngon sao?- Chị hỏi.
-Phở ăn không chắc dạ. Mà anh cũng không thích. Không phải cứ cái gì người ta khen mình cũng thấy ngon.
Chị không nói gì, khẽ cười, gắp từng sợ phở ăn nhẩn nha như trẻ biếng ăn. Nhỏ nhìn chị ăn mà nghĩ nếu nhỏ là đàn ông chắc là nhỏ sẽ yêu chị đến mê mệt mất. Chị đẹp. Nét đẹp đằm thắm của gái xấp xỉ ba mươi. Điểm nhấn trên khuân mặt thanh tú ấy phảng phất nỗi buồn của đôi mắt hồ thu. Đôi mắt ấy từ nãy đến giờ thi thoảng vẫn lặng hướng ra ngoài cửa sổ chớp mưa. Nhỏ muốn thử chạm vào nỗi buồn man mác đẹp đến thánh thiện ấy. Bởi nhỏ không tin rằng trên đời lại có người con gái đẹp mỏng manh như chị.
Nhỏ quen chị cách đây ba năm khi cùng đi chung trên một chuyến tàu Bắc Nam. Chị ra bắc thăm mẹ và em còn nhỏ thì trở về sau một chuyến đi du lịch ngắn ngày trong Sài Gòn. Chỉ kể rất nhiều điều về mẹ bằng thứ ngôn ngữ của tình mẫu tử thiêng liêng. Chị yêu thương và tôn thờ người mẹ đã chịu nhiều gian truân vất vả để giữ gìn được hạnh phúc của mình. Chị bảo:
-Mẹ chị là con gái miền Tây, không quen bon chen cũng chẳng giỏi tính toán mà khi theo chồng ra Bắc phải học hỏi mọi thứ mới có thể làm dâu con miền Bắc được. Mười mấy năm rồi năm nào chị cũng ra thăm mẹ. Giờ mẹ chị đã già rồi, tóc muối, mắt hằn dấu chân chim, hàng ngày vẫn nhắc về một thiên đường ở thế giới bên kia mờ ảo.
-Mẹ chị từng lỡ dở một đời chồng?
-Ừ! Số mẹ chị lận đận. Trước lấy bố chị nhưng chung sống không hạnh phúc. Sau khi ly hôn thì mẹ nuôi em trai còn chị sống cùng bố. Mẹ chị khổ nhiều vì yêu thương nhưng đã yêu ai là vun vén hết lòng. Sau này chị cũng sẽ yêu như mẹ.
                                              * * *
Đã ba năm trôi qua, năm nào nhỏ cũng gặp lại chị vào mùa mưa như thế này. Nhưng hai năm trước chỉ có hai chị em ngắm mưa, chị không hỏi về  tình yêu của nhỏ. Nên nhỏ cũng không có cơ hội kể về khúc đầu, khúc cuối của chuyện tình giữa nhỏ với K. Hai năm trước cũng không có Khương ngồi đây. Có lẽ vì thế mà mưa của hai mùa trước cũng nhẹ nhàng hơn. Bất chợt nhỏ đưa mắt nhìn Khương, thoáng chút bối rối Khương ngoảnh vội ra cửa sổ. Chị là người bắt gặp khoảnh khắc ấy đúng lúc quay lại gọi “Nhỏ ơi!”. Ba sự lúng túng gặp nhau trong một vài giây bất động. Cũng may mà tiếng đổ vỡ cốc chén từ bàn bên cạnh, tiếng người mẹ quát đứa con nhỏ nghịch nghợm đã phá tan tình huống khó xử ấy. Nhỏ vội vàng hỏi chị:
-Chị bảo gì em vậy?
Chị vẫn còn chưa hết luống cuống khi nhìn thấy những ngón tay của nhỏ đan vào nhau một cách vụng về. Chị giả bộ nhìn quanh quán rồi vỗ nhẹ vào tay nhỏ hỏi:
-Quái lạ! Chị chẳng nhìn thấy lối ra nhà vệ sinh đâu cả.
-À! Quán này thiết kế nhà vệ sinh ở bên ngoài. Chị phải đi vòng ra ngoài, nhà vệ sinh gần khu cây cảnh đó chị. Chị nhớ đi nép vào hiên không mưa hắt ướt hết đó.
Nhỏ có lẽ đã không hiểu rằng những cái vỗ nhẹ nhàng vào tay nhỏ khi nãy thật ra là những cái vỗ về của chị. Chị nhận ra trong ánh mắt của Khương dành cho nhỏ có chút thương mến, rung động cũng giống như lần đầu tiên Khương nhìn chị cách đây hai năm. Chị cũng thoáng chốc buốt tim trong cái bối rối rất đàn bà của Nhỏ, chị cũng đã từng như thế. Chị bước vào nhà vệ sinh tô đậm thêm môi son, chải lại mái tóc xoăn uốn lọn buông hững hờ rồi thong thả bước ra. Lúc này cơn mưa vẫn còn dai dẳng, một bên vai chị bị mưa táp vào ướt nhẹp. Lúc quay lại chỗ ngồi Khương tút giấy trong hộp đưa cho chị bảo lau đi cho đỡ ướt. Chị cười…
Chị liếc nhìn đồng hồ, lẩm bẩm dự đoán chắc ít nhất cũng phải chín giờ tối thì may ra mưa mới ngớt. Cũng không thể tự nhiên đứng dậy đòi về giữa trời mưa gió mịt mùng trong khi chẳng có việc gì quan trọng. Cũng chẳng có cuộc điện thoại nào gọi đi mà nhỏ và Khương thì dường như vẫn muốn còn nán lại. Biết làm gì để giết thời gian trong lúc chờ mưa tạnh? Sao tự nhiên với chị cuộc gặp gỡ lại trở lên gượng ép đến thế? Ừ! Chắc là tại có thêm sự xuất hiện của Khương, nếu không thì hai chị em đã bình yên ngồi ngắm mưa và kể với nhau đủ thứ chuyện đàn bà. Thiếu gì chuyện để nói với nhau, nhưng có thêm Khương thì những câu chuyện hào hứng ấy lại trở lên vô duyên hơn bao giờ hết. Vậy ba người thì sẽ nói chuyện gì? Chị nghĩ ngợi rồi quay sang nhỏ bảo:
-Vậy còn khúc giữa tình yêu của em thì sao? Vì lý do gì mà em và K lại chia tay khi đã từng yêu nhau nhiều đến thế?
Nhỏ dùng ngón tay chấm nước rồi miết lên bàn chậm chậm. Không vội trả lời câu hỏi của chị, nhỏ nhún vai bảo:
-Chị thử đoán xem. Theo chị thì vì sao chứ?
-Chắc là tại em tham công tiếc việc nên không còn thời gian chăm chút cho tình yêu như xưa nữa?
-Chị sai rồi. Với em tình yêu ấy vẫn nồng nàn đến tận phút cuối cùng.
-Vì em không còn xinh đẹp và quyến rũ như xưa chăng?- Khương hỏi.
-Anh nghĩ thế sao? Vậy bây giờ ngồi trước mặt anh, nói thật đi, dưới con mắt của một người đàn ông như anh thì em có còn sức quyến rũ không?
Anh lúng túng ngoảnh sang nhìn chị, chị cười bảo:
-Ý anh ấy bảo em vẫn còn sức hấp dẫn lắm.
-Vậy thì lý do ấy không hợp lý nhé!
Chị chống cằm suy nghĩ một lúc rồi bảo:
-Vậy thì chắc chắn vì một người thứ ba đúng không?
Nhỏ cười:
-Ừ thì… trong các cuộc chia tay đến phần nửa nguyên do là có bóng dáng của người thứ ba. Tuy nhiên câu trả lời của chị đúng nhưng chưa đủ.
Khương hỏi:
-Em đã mất K đúng lúc em dành nhiều tình yêu thương và kì vọng vào K nhất đúng không?
-Sao anh biết?
-Ừ thì… Tại nỗi buồn trong mắt em đã nói lên điều đó.
Chị khẽ cười khi phát hiện ra Khương và nhỏ khi nói chuyện hơi hướng, giọng điệu rất giống nhau. Chị cũng đang tự hỏi không biết Khương đọc được điều gì trong mắt chị bây giờ? Hay là Khương còn đang bị hút vào câu chuyện tình của nhỏ. Nhỏ không để ý đến phút suy tư của chị bởi nhỏ đang mải kể cho Khương nghe khúc giữa chuyện tình yêu của nhỏ. Nhỏ bảo:
-Chuyện rất đơn giản thôi. Trong một chuyến đi nghỉ mát do công ty tổ chức, K đã phải lòng một cô gái khác. Họ gặp nhau có hai ngày trên biển, họ nói với nhau những gì, nghĩ cùng nhau những gì, thậm chí là làm gì cùng nhau em cũng thể biết. Chỉ biết rằng sau chuyến đi đó trở về em và K đã chia tay. Có thể là họ chỉ cùng ngồi ngắm hoàng hôn bên bờ biển. Cũng có thể là K đã lau nước mắt cho cô ấy… Điều đó rồi cũng có quan trọng gì đâu. Chỉ biết rằng tình yêu là điều rất mong manh. Bỗng một ngày ta mất nhau là vì thế…
Khi nhỏ kết thúc câu chuyện thì ngoài trời cũng tạnh mưa. Trong quán những vị khách đợi lâu đều vội vã trở về bên gia đình hay một vòng tay ấm. Đến lúc này nhỏ dường như mới bừng tỉnh khỏi miền kí ức. Nhỏ thấy sốt ruột vì đống quần áo phơi trên sân thượng không ai rút hộ vào và mấy chậu cây cảnh để chênh vênh bên cửa sổ. Nhỏ hỏi chị còn ở lại Hà Nội lâu không? Chị nói chắc là về sớm vì cũng còn nhiều việc tồn đọng trong đó cần giải quyết. Khương ngỏ ý muốn xin số điện thoại của nhỏ để tiện liên lạc. Nhỏ nhìn dáng chị bước nhanh về phía trước, phía hàng cây đang trút nốt những hạt mưa còn đọng lại khi trận gió vừa thổi đến. Lúc này nhỏ mới nhận thấy đôi vai bé nhỏ của chị khẽ run lên trước gió, hình như đợt này ra Bắc chị gầy hơn. Nhỏ không trả lời Khương mà bước nhanh vừa kịp níu lấy bàn tay chị lúc chị định sang đường trong dòng xe cộ ồ ạt sau mưa. Nhỏ bảo:
-Đợi đèn đỏ rồi sang chị ạ.
Đúng lúc ấy thì đèn đỏ bật. Nhỏ nắm lấy bàn tay chị thong thả bước sang đường. Bỏ lại Khương phía sau vẫn còn đang đứng loay hoay với mớ suy nghĩ rối rắm và lạc lõng của mình. Cho đến khi chị ngoảnh lại với gọi “Anh ơi!” thì Khương mới vội vã sang đường…

VTHT