Monday, February 18, 2013

Những tiếng xuân lòng...

  

Vũ Thị Huyền Trang, Trang rêu

Chị ngồi nghĩ về mùa xuân của đời mình khi những tia nắng mới ngoài kia đang lung linh nhảy nhót. Có quá nhiều kí ức sâu chuỗi những khoảnh khắc thiêng liêng như cũng đang nhảy nhót trong lòng chị một cách đầy tươi mới. Đã lâu lắm rồi chị mới có thể chạm vào kí ức của chính mình. Cuộc sống bình lặng nơi đây đôi khi khiến chị lạc lối với những ngày tháng hạnh phúc cũ xưa, ngoảnh đi đâu cũng chỉ gặp bóng mình cô độc. Cho đến khi anh đến trong cuộc đời chị, nhen lên ngọn lửa yêu thương đã từng nguội tàn tro lạnh, thì một mùa xuân mới thực sự hồi sinh trong lòng chị.
Chồng chị là công an điều tra, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cách đây đã bốn năm. Khi đó chị vừa tròn hai sáu tuổi, lấy anh được ba năm và đã có với nhau một đứa con trai kháu khỉnh. Cuộc sống gia đình đang yên ấm, ăm ắp niềm vui thì anh ra đi bỏ lại trong lòng chị khoảng trống không gì bù đắp được. Suốt bốn năm qua chị sống trong nỗi đau mất mát. Nỗi đau khiến chị đôi lúc muốn quên đi những tháng ngày hạnh phúc. Bởi chỉ sợ nhớ nhung sẽ làm tim chị vỡ tan, ngày sẽ trôi đi nặng nề và ngày mai luôn là nỗi ám ảnh khôn nguôi. Chồng mất khiến những hình dung về tương lai rơi vào ngõ cụt. 
Gia đình chồng nhiều lần cám cảnh chị thui thủi một mình nuôi con mà thúc giục chị đi bước nữa. Chị nghĩ về thứ hạnh phúc căng đầy bỗng nhiên biến mất theo mây khói mà sợ hãi nếu một lần lại phải đối mặt với nỗi đau. Chị lặng lẽ sống nuôi con, bởi đối với chị con trai là điều quan trọng nhất, là niềm an ủi lớn lao để chị cố gắng sống và làm việc. Thị xã nghèo, nhịp sống trôi đi bình lặng đến mức ngày tháng dần trôi đi không đọng lại trong chị chút gợn sóng nào. Nhiều lúc lòng chị cứ tự hỏi phải chăng thị xã vốn buồn hay là tại lòng chị đang thiếu vắng những niềm vui?
                                            * * *
Thị xã tự nhiên chộn rộn hẳn lên kể từ khi tỉnh có quyết định xây dựng cụm công nghiệp nhỏ trên nền đất nông nghiệp cằn cỗi ngoài rìa thị xã. Ban đầu mới chỉ có vài người về đo đạc địa chính, ấy vậy mà vài ba quán nhỏ đã lác đác mọc ngay sát khu dự án. Rồi thì các loại máy móc được huy động, nhân công cũng ùn ùn kéo về khiến đoạn đường trong thị xã thi thoảng tắc nghẽn. Điều này từ trước đến nay chưa bao giờ xảy ra, ấy là chưa kể bụi bặm bay mù mịt khắp nơi khiến trên chiếc ban công nhỏ của chị, cây cối như cũng đang nghẹt thở. Chị thầm lặng quan sát mọi thay đổi nhỏ nơi đây bằng thái độ không có gì thích thú, nhưng chị cứ tự nhủ dẫu sao mọi thứ rồi sẽ đi vào ổn định, cuộc sống của chị cũng chẳng ảnh hưởng là bao. Cho đến khi anh xuất hiện trong cuộc đời của chị…
Hiệu trưởng thông báo sẽ có thêm ba học sinh mới từ nơi khác chuyển về đều là con các kĩ sư về xây dựng các nhà máy. Lớp chị được phân công nhận một học trò nữ kèm theo thông tin bé gái này mồ côi mẹ và mắc bệnh tự kỉ. Chỉ bấy nhiêu cũng đủ làm chị lo đứng lo ngồi suốt cả tuần. Lo làm sao để có thể giúp bé gái hòa đồng với mọi người. Lo khi đến với một môi trường mới bé sẽ càng co mình lại trong sự sợ hãi, cô đơn mà chị thì vốn thương những tâm hồn non nớt ấy. Chị hỏi vị hiệu trưởng già:
-Tại sao thầy lại chọn em để gửi gắm em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt này ạ?
-Vì bố cô bé nói muốn chọn một cô giáo chủ nhiệm dạy môn văn.
Chị bắt đầu thấy tò mò về người phụ huynh này, chị nghĩ chắc hẳn anh rất thương yêu đứa con gái bé bỏng của mình. Cũng giống như chị thương con trai sớm phải mồ côi bố khi còn chưa hiểu được thế nào là ơn cha sâu nặng. Lần đầu tiên gặp một người đàn ông dắt con đến trường, đứng ngấp ngó ngoài cửa lớp, đầu tóc hai cha con rối bù, trong chị trào lên lòng thương cảm. Bé Phương vừa nhìn thấy chị đã sợ hãi ôm chặt bố. Phải khó khăn lắm anh mới có thể trấn an được cô con gái bé bỏng. Nhìn những ngón tay thô ráp của anh vụng về buộc lại tóc cho con, nhìn cách anh vỗ về con bằng ánh mắt tràn ngập thương yêu không hiểu sao chị lại nhớ đến người chồng quá cố của mình. Trong phút chốc, cơn gió lạnh ùa  thổi qua lòng chị tái tê khiến chị như đang sống trong một thế giới tràn ngập ảo giác. Mà thứ ảo giác hạnh phúc mới tàn nhẫn làm sao. Cũng may là tiếng anh đã đánh thức chị thoát khỏi vùng ảo giác ấy:
-Thầy hiệu trưởng có hẹn ngày mai đưa cháu đến trường. Nhưng ngày mai thì tôi lại bận việc nên hôm nay tôi đưa cháu đến đây nhờ cậy cô giáo dạy bảo cháu. Cháu Phương mất mẹ từ nhỏ, tôi lại bận bịu liên miên nên ít có thời gian ở bên cháu. Tôi chỉ mong sao cô Mai coi cháu Phương như con mình thì tôi sẽ rất yên tâm. Cháu nó nhát lắm cô ạ!
Chị cười, nắm chặt bàn tay nhỏ xíu của bé Phương trong tay mình, lòng tự hứa nhất định sẽ thương yêu cô bé. Đấy là buổi đầu tiên chị gặp anh, anh nói đã chuyển về định cư tại thị xã để bé Phương tiện việc học hành. Thị xã thì dường như quá nhỏ, quãng đường từ nhà chị đến nhà anh chẳng xa xôi là bao. Nên sáng nào đến trường chị cũng ghé qua nhà anh đón bé Phương, cũng thấy anh tất bật, nhoáng nhoàng vừa làm cha vừa làm mẹ. Thương cảnh gà trống nuôi con nên chị thường thu xếp công việc nhà để qua lại đỡ đần bố con anh. Cũng là để gần gũi hơn với bé Phương, tìm cách giúp bé thoát khỏi tình trạng tự kỉ kéo dài.
Cũng may là còn có bé Nam con trai chị, thằng bé tính vui vẻ lại rất thương bạn. Từ khi biết Phương, thằng bé lúc nào cũng quấn quýt bên bạn. Nhìn cảnh con trẻ chơi với nhau anh từng bảo chị:
-Giá mà bé Phương có chị có em thì đã chẳng đến nỗi như vậy. Nhưng tiếc thay mẹ cháu mới sinh được có một mình cháu mà đã vội ra đi. Về đây  may là nhờ mẹ con cô Mai không thì chắc cha con tôi sẽ buồn lắm đấy.
Bắt đầu là những câu chuyện xã giao, chuyện người ta ăn gì mặc gì, chuyện thời sự tận Iran, Iraq, rồi đến chuyện tương lai của thị xã khi khu công nghiệp đi vào hoạt động. Toàn những chuyện trước kia chị chẳng mấy bận tâm, giờ cũng có khi trở thành vấn đề bàn luận kéo anh chị ngồi lại với nhau cả tiếng đồng hồ. Chị không còn nhiều khoảng thời gian trống trong ngày chỉ biết ngồi nhìn cuộc sống trôi đi lặng lẽ. Chị thấy bận bịu hơn khi có thêm một đứa trẻ để lo lắng, có thêm một nơi để thi thoảng chị chạy qua xem bố con anh ăn uống thế nào. Không biết anh cảm thấy thế nào chứ với riêng chị, kể từ ngày có bố con anh bầu bạn chị thấy thị xã bớt buồn đi hẳn.
Bé Phương từ ngày có bạn chơi cùng xem ra cũng đã bớt nhút nhát hơn. Phương bện cô giáo lắm, đến trường thì quanh quẩn bên cô, về nhà nhiều khi cũng gọi điện mách cô bố cháu thế này, thế kia, hư ơi là hư cô ạ. Chị nghe như ở đầu dây bên kia anh đang nhìn con cười âu yếm. Tự nhiên lòng chị thấy chộn rộn một niềm vui khó tả, rồi lại tự trách mình sao chưa gì toàn nghĩ chuyện đẩu đâu…
                                         * * *
Năm nay tết về thị xã sớm hơn mọi năm, vì còn cả tháng nữa mới đến tết mà dọc hai bên phố đã thấy bầy bán cây cảnh, câu đối, đôi ba nơi còn treo bảng dịch vụ gói bánh trưng. Chị bỗng nhiên cũng thấy trong lòng vui vui, cũng muốn sắm sớm vài ba món đồ trang hoàng lại ngôi nhà nhỏ trong vài ba ngày tết. Tiện thể sắm luôn cho bố con anh chậu đào, đào năm nay người ta chở tận trên miền ngược, các cụ tấm tắc khen thế đào năm nay sao mà đẹp…
Một buổi chiều, lúc đón con từ trường về tự nhiên bé Nam bảo mẹ:
-Sao nhà mình không đón bạn Phương về ở cùng nhà cho vui hả mẹ?
Chị cười:
-Con có nuôi được bạn không?
-Con sẽ ăn ít hơn, sẽ không đòi đồ chơi đẹp và quần áo mới nữa được không ạ?
-Nhưng biết bạn Phương có muốn về ở cùng nhà với mẹ con mình không chứ?
Bé Nam dựa đầu vào lưng mẹ thủ thỉ:
-Bạn ấy quý con mà, cũng yêu cả mẹ nữa, chắc chắn là bạn ấy sẽ chịu về.
-Thế còn chú Hùng thì sao nào?
-Chú cũng về ở cùng nhà luôn cho mẹ vui.
-Sao con nghĩ là mẹ sẽ vui?
Bé Nam cười giòn tan sau vai mẹ:
-Để chú về nhà thay bố gội đầu, đấm lưng cho mẹ, quét mạng nhện tít trên cao và cõng con đi chơi ở công viên mỗi tối. Như thế chắc chắn mẹ sẽ vui mà.
Sao bỗng nhiên lòng chị như vừa chao nghiêng, nôn nao đến khó tả. Những lời con nói như chạm vào miền sâu thẳm kí ức về những ngày tết mấy vợ chồng con cái xum vầy. Những năm ấy tết chẳng sắm sửa gì nhiều mà thấy sao đủ đầy, ấm cúng. Tiếng cười luôn tràn ngập ngôi nhà nhỏ vì có một người đàn ông hài hước, yêu vợ thương con. Từ khi chồng mất đi thì dường như cái hạnh phúc nhỏ nhoi mà thiêng liêng ấy cũng mất đi. Nên khi nghe con nhắc về một người đàn ông khác, lòng chị không khỏi nghĩ suy…
Chiều hai bảy tết, anh đưa bé Phương đến thăm mẹ con chị. Anh bảo:
-Năm nay cho anh gói nhờ bánh trưng với nhé! Hai năm trước, tết nhất nhà không có bàn tay người đàn bà nên bánh trái anh toàn đặt mua ngoài chợ. Nhưng như thế thì còn gì là hương vị ngày tết nữa đúng không em? Nên nếu em đồng ý thì cho bố con anh thức canh bánh trưng cùng với nhé!
Chị nhìn ra ngoài kia, đất trời lặng lẽ vào xuân trên đôi môi ai cười mọng căng hạnh phúc. Trên những cành đào, cành mai người người nô nức chở qua trên đường. Trên chiếc áo màu đỏ tươi mà bé Nam đang tíu tít khoe mà chắc vui quá, mặc vội nên đóng lệch cả khuy, chiếc áo là món quà tết mà anh vừa mang đến. Lâu lắm rồi chị mới thấy không khí xuân ùa vào nhà tươi vui như vậy. Chị nhìn hai con quấn quýt bên nhau rồi ngoảnh sang nhìn anh tự nhiên nghe thấy nhịp đập của những tiếng xuân lòng. Khe khẽ…
Vũ Thị Huyền Trang, Trang rêu
Thêm chú thích
 Vũ Thị Huyền Trang

Vũ Thị Huyền Trang

Chỉ cần nhắm chặt mắt!



Vũ Thị Huyền Trang, Trang rêu

Hồi sáng, lúc dắt bé Kẹo lượn quanh phiên chợ quê ở một nơi xa lắc chị đã thấy người ta gánh lá dong xanh mướt bán ngay cổng chợ. Đột nhiên chị sững lại, như thấy mình là cô bé mười ba chiều nào đi học về cũng chạy ra vườn cùng mẹ chọn những lá dong bánh tẻ xếp thành từng cuộn nhỏ. Những ngày giáp tết, gió sông thổi vào lạnh buốt, theo mẹ ngồi co ro góc chợ bên chiếc áo len to sụ màu đỏ rực ngắm tết về trên từng khóe miệng cười. Rồi năm chị mang thai bé Kẹo, thích thú ngồi nhìn anh vụng về gói bánh chưng dưới gốc xoài trong vườn mẹ. Mẹ khen mấy năm nay con rể gói khéo lắm rồi, anh tủm tỉm cười không quên gói thêm một cặp bánh nhỏ cho bé Kẹo. Sao bây giờ chị lại ở một nơi xa xôi để cồn cào nhớ nhà, nhớ quê đến thế này? Mấy mẹt lá dong được bày bán sớm của một cụ bà khiến kí ức về tết và những người thân trở về ăm ắp trong chị. Như thể mới chỉ ngày hôm qua thôi mấy vợ chồng con cái còn ngồi vui với nhau trong bữa cơm chiều để cùng nói chuyện năm hết tết về. Như thể chị chưa hề trằn mình khỏi vòng tay yêu thương để cuốn theo những chuyến đi rong ruổi…
Tuổi trẻ, chị vẫy vùng đây đó khắp nơi, len lỏi trên mọi nẻo đường để đi tìm những dư âm mới của cuộc sống. Nghề báo cho chị nhiều trải nghiệm, khát vọng yêu và sống. Nhưng sau những đổ vỡ của mối tình đầu kéo dài gần tám năm trời cùng với nhiều áp lực mới trong công việc, chị bắt đầu thấy mỏi mệt và cần một chốn dừng chân. Chị chọn anh, một sĩ quan quân đội đóng quân ở gần nhà, giống như chọn một giải pháp an toàn. Đàn bà thường vậy, thứ gì cũng phải an toàn, nhất là khi nhận ra tình yêu không phải là hai từ “vĩnh cửu”. Sự lựa chọn kiểu này thiên hạ thiếu gì, đâu phải mình chị để mà quá băn khoăn. Những người đàn ông khác đến bên chị họ không thích nói về những chuyện xa xôi. Họ chỉ bàn tính xem tối nay sẽ đi chơi những đâu, ăn món gì, cùng lắm là nghĩ nát óc xem ngày cuối tuần sẽ chọn phong cảnh nào để có một nụ hôn lãng mạn. Còn những chuyện ở tương lai vẫn là thế giới của riêng họ. Họ quen đặt lên tay chị những vụn vặt đời thường, chị chưa khi nào chạm vào được những lo toan lớn lao trong đời họ. Mà những thứ ấy mới thật sự cần thiết cho một mái ấm gia đình, thứ mà người phụ nữ nào đến tuổi chị cũng đều trăn trở.
Anh thì khác, hình như tâm trí anh lúc nào cũng dồn cả về phía chị. Anh bảo chúng mình sẽ sống và thương yêu nhau mỗi ngày. Sáng nào cũng thức dậy cùng nhau. Ừ! Nhất định rồi, sẽ ngồi kể cho nhau nghe về giấc mơ đêm qua khi làn da và những sợi tóc trên đầu còn đang ngái ngủ. Ơi! Em bảo sao? Lũ trẻ à? Ừ! Chúng sẽ rất dễ thương. Mỗi buổi chiều trở về nhà sau bộn bề công việc chúng ta sẽ nói với nhau về lũ trẻ, sẽ ôm ấp, hôn hít các con. Mỗi ngày qua sẽ được nhìn lũ trẻ rong chơi và làm nũng với đời. Chúng ta sẽ trẻ lại, sẽ vợi đi lo toan, sẽ thấy bình yên gõ nhịp nhàng trong từng khoảnh khắc sum vầy. Đàn bà rút cuộc cũng chỉ cần có từng ấy thôi, còn mong gì hơn thế nữa. Nhất là khi chị còn có thêm niềm vui được sống gần bố mẹ, lúc trái nắng trở trời còn qua lại thăm nom. Chị là con một, nếu lấy chồng xa lắc xa lơ thì lúc bố mẹ già biết cậy nhờ ai. Chỉ bấy nhiêu ý nghĩ cũng đủ để chị rời xa thành phố, xin về quê làm chân cán bộ văn hóa huyện rồi rục rịch lấy chồng.
                                           * * *
Chị sinh bé Kẹo xong thì xin nghỉ việc ở nhà chăm con. Anh hết giờ làm trong đơn vị còn tranh thủ lo việc kinh doanh cùng một người bạn để kinh tế gia đình không gặp khó khăn. Chị vẫn có mọi thứ mà mình muốn. Anh vẫn yêu thương và chu toàn mọi việc. Thiên hạ khối người ghen tị, nói số chị chắc tu mấy kiếp mới gặp được anh. Bố mẹ chị vui lắm, đi đâu cũng khoe con rể tốt tính, hiền lành. Chị cũng thấy chẳng chê anh được ở điểm gì, cũng thấy nhờ có anh mà đời chị được nâng niu nhiều đến vậy. Nhưng cớ sao lòng chị vẫn cứ thấy thiếu vắng, chông chênh? Ngày qua ngày chị cố gắng sà vào vòng tay anh thật nhiều để gạt bỏ, trốn tránh thứ cảm giác ấy. Nhưng mỗi ngày mỗi hiện hữu, thôi thúc chị bằng những kí ức tuổi trẻ một thời.
Hàng ngày ở nhà chăm con và chờ chồng, chị thấy mình khao khát được đi. Chút hoang dại còn sót lại trong chị vẫn đủ sức đánh thức từng giác quan. Chị chỉ cần nhắm mắt lại là thấy gió hú bên tai, mùi hoa dại và sương núi quấn quyện trong từng nhịp thở. Thấy thấy mây bay ngang vai, những rặng trạng nguyên đỏ rực cả góc trời Tây Bắc từng một thời đốt lửa trong lòng chị. Rồi mùa dã quỳ vàng rực rỡ ở một chốn xa xôi từng nêm hương cho những tháng ngày tuổi trẻ nhiều khát khao và cũng nhiều bồng bột. Anh nhận ra sự thay đổi ở chị, nhưng lại không đủ tinh tế để nhận ra những tiếng lòng thầm kín ấy. Nên mỗi ngày anh càng siết chặt chị trong vòng tay gia đình mà không biết rằng chỉ càng làm chị thêm nghẹt thở. Một buổi sáng nào đó, chị nhìn anh và bảo:
-Em thèm được đi như hồi trẻ.
Thoáng sững sờ, anh khẽ thở dài rồi vỗ về chị:
-Đợi con lớn hơn một chút, lúc ấy anh sẽ đưa em đi những nơi mà em muốn.
Nhưng bé Kẹo thì không bao giờ hết nhỏ dại, mỗi ngày đều thấy con bé bỏng cần có bàn tay mẹ ẵm bồng. Rồi thì rất nhiều lý do khác cứ giữ chân chị lại. Nào là anh bận việc đơn vị, nề nếp nhà lính đâu có thể thích xin nghỉ là nghỉ được. Nào thì bé Kẹo còn phải đi học mỗi ngày, ông bà ngoại đã già cũng không thể cậy nhờ ai việc đưa đón dù chỉ trong vài ngày được. Nào thì để khi anh về hưu, con cái trưởng thành, lúc ấy hai thân già muốn sống thế nào thì sống, đi đâu thì đi chẳng vướng bận gì. Chị chỉ còn biết im lặng, mỗi đêm gặp lại mong ước về những chuyến đi trong giấc mơ. Cuộc sống nhạt nhẽo ở thị xã nhỏ bé này đang giết dần trái tim từng một thời giàu nhiệt huyết. Chị đã luôn thầm lặng thôi thúc “nhất định mình phải đi. Phải đi…”.
Những chuyến đi trong tâm tưởng đã tách chị xa dần anh. Ngay cả khi cùng ngồi ăn với nhau một bữa cơm chiều chị cũng không thấy hình dáng anh ngồi đối diện. Phía ấy là gió, là khoảng trống bao la, là những cung đường chị từng một thời mải miết. Mỗi đêm nằm bên anh chị tưởng như mình đang nằm giữa những tầng mây, bốn bề là cây cỏ. Chị nói điều đó với nhỏ bạn thân, cái đứa ngang bướng vẫn chưa chịu chồng con, bay nhảy như sóc nhỏ. Chị nhìn bạn mà ao ước, chạnh lòng ghen tỵ với bầu trời rộng lớn mà bạn vẫy vùng,  nhỏ bạn cười bảo:
-Hình như nàng đang mắc bệnh ảo giác. Căn bệnh của những người bị dồn nén nhiều kí ức, nuối tiếc nhiều hoài niệm đẹp.
-Muốn mọc thêm đôi cánh quá. Để mà bay…
Bạn thở dài qua điện thoại, cứ ấp úng định khuyên chị câu gì rồi lại thôi. Kết thúc cuộc nói chuyện với nhỏ bạn chị ngồi nghẹo cổ ngắm vạt nắng méo mó vắt qua bức tường rêu mà lòng bộn bề khó tả. Mỗi ngày trôi qua như lấy bớt đi của chị một chút oxi, như cài thêm một nút áo khiến chị càng ngày càng khó thở. Hơn cả bầu trời rộng lớn ngoài kia, ấy là cái khao khát được giải thoát khỏi mọi sự nhàm chán, tù túng. Được làm mới cảm xúc, chống lại cái chết âm ỉ của một tâm hồn phẳng lặng, suốt bao ngày dài không gợn lên một nhịp vui nào. Thế nên tối đó chị nói với anh rất cương quyết là chị cần phải đi và nhất định sẽ đi đâu đó một thời gian dài. Anh sững sờ không nói được gì, dường như đến lúc này anh đã hiểu nếu càng giữ chặt chị trong vòng tay thì sớm muộn gì anh cũng mất chị. Mẹ nghe tin thì giận lắm, bà bảo:
-Con muốn đi đâu thì đi, để bé Kẹo lại cho mẹ. Là đàn bà phải biết cái gì cần nắm, còn cái gì nên buông bỏ. Không phải lúc nào cũng có được thứ mà mình muốn. Mỗi một giai đoạn trong cuộc đời đều có ý nghĩa riêng của nó.
Chị chỉ biết im lặng bế con đi, đàn bà thì có nhiều loại hư hỏng, như chị cũng là một loại. Nhưng chị rất sợ nếu cứ tiếp tục ở lại biết đâu đến một ngày nào đó không xa khi anh từ đơn vị trở về nhà sẽ chỉ thấy chị còn là cái xác vô hồn bên vạt nắng. Biết đâu đấy, cũng có thể chị bốc hơi khỏi ngôi nhà này chỉ để lại vài cánh hoa vương vãi. Mà như thế thì chị chỉ càng làm khổ anh thôi. Trước lúc đi, chị bảo anh là nhất định chị sẽ về. Vì chị biết mình rất yêu anh, cũng chính vì yêu anh mà chị phải đi để không biến gia đình này thành địa ngục trong sự bức bách, phá phách nung nấu từ trái tim chị mỗi ngày. Nhỏ bạn thân lên đón chị đi, nói anh đừng lo, cứ thả con chim cho nó bay thì nó còn muốn tìm đường để trở về. Anh định hỏi chị sẽ đi trong bao lâu nhưng nghĩ nào lại thôi. Hôn vợ, hôn con rồi chúc chị đi chơi vui, nhớ giữ gìn sức khỏe. Lúc ngồi yên vị trong xe rồi, nhìn qua gương chiếu hậu, thấy dáng anh lênh khênh đứng ở cổng ngóng theo tự nhiên chị  thắt lòng. Nhỏ bạn cười héo hắt, bảo để rồi xem đi được bao lâu…
                                           * * *
Chị còn đứng thẫn thờ bên hàng lá dong rất lâu nếu như bé Kẹo không lắc nhẹ tay mẹ kéo đi. Đi đến chỗ nào bé Kẹo cũng bảo giá có bố đi cùng, ăn món gì cũng nhắc giá có bố ăn cùng, chơi mấy trò con nít linh tinh mà cũng ước ao giá có bố chơi cùng mới thấy vui. Đêm, con nằm ngủ mớ gọi bố rồi giật mình thon thót ôm chầm lấy mẹ. Nhỏ bạn xong xuôi công việc cũng trốn phố tìm theo dấu chân chị mà đi. Gặp chị, bạn cười hỏi:
-Thế nào. Đã thấy nhớ nhà chưa?
Chị bặm môi, khẽ lắc đầu bướng bỉnh mà nước mắt ứa ra. Nhớ đến mấy dòng tin nhắn hồi sáng của anh mà lòng sũng buồn. Anh bảo ở quê mọi nhà đã rục rịch tết rồi. Mọi thứ mua sắm cứ để anh lo, hai mẹ con cứ chơi cho vui nhưng nhớ phải về nhà trước ngày hai bảy tết để mấy vợ chồng con cái còn đi tảo mộ tổ tiên. Anh dặn dò ân cần như thể chị đang bận đi công tác hoặc đang về quê nội chơi vài ngày chứ không phải chị nằng nặc bế con, bỏ bê nhà cửa đi mất hút cả tháng trời. Mẹ gọi điện than con rể mấy bữa nay trông gầy đi nhiều lắm, có một mình buồn nên chiều nào cũng qua nhà mẹ ăn cơm. Chị không dám kể với mẹ rằng từ hôm đi cho đến giờ chị thấy dễ thở hơn nhưng cũng chẳng có tâm trí đâu mà ngắm cảnh, lúc nào cũng chỉ thấy nhớ nhà. Sợ mẹ mắng lớn rồi mà còn dại, còn ham chơi, còn tơ tưởng những thứ xa vời. Ừ! Bỗng nhiên chị thấy mình nhỏ bé, muốn được ai đó dạy dỗ lại bằng yêu thương. Bạn cười bảo:
-Nàng thấy đấy chúng ta vẫn bé nhỏ trước đời thôi. Không trải nghiệm sao biết phải tiếc nuối và trân trọng những gì.
Chị khẽ nhún vai cười buồn:
-Ừ! Chắc là không xa anh nổi.
Khi ngồi trên chuyến xe xóc dập dềnh để trở về chị đã nghĩ chuyến đi này giống như một liều thuốc an thần, xoa dịu, vỗ về những nỗi bất an trong chị. Nhưng chị lại sợ khi trở về nhà, sống tiếp những tháng ngày đơn điệu biết đâu  lại chả có lúc chị nổi khùng. Mỗi người có một bi kịch, bi kịch của đời chị là không chịu đựng được sự ngột ngạt, nhạt nhòa. Bé Kẹo đã thôi áp mặt vào cửa kính thích thú hỏi về mọi thứ đập vào mắt. Con bắt đầu ngọ ngoạy, quay sang nhìn mẹ bằng mắt đen láy, nó rủ chị chơi trò “nhắm chặt mắt” và yên lặng chờ đợi. Chị gật đầu bảo:
-Được rồi! Nhưng mẹ không biết mẹ sẽ ngủ quên lúc nào đâu đấy!
-Mẹ phải nói cho con biết khi nhắm chặt mắt mẹ nhìn thấy những gì nhé!
-Thế còn con. Con có thể bật mí cho mẹ biết con đang thấy những gì không?
-Con thấy ngôi nhà và vườn hoa. Thấy cái xích đu màu nâu mà bố làm cho con đang đung đưa trước gió. Mà không biết bố đã sửa lại cho con mấy cái xe bọ xít chưa mẹ nhỉ? Cả con gà con vàng ươm nữa này, hôm nọ ngoại hứa sẽ cho nó ăn no mỗi ngày và canh chừng để lũ gà lớn không bắt nạt nó.  À! Mẹ có nhìn thấy không, bố đang ra cổng đứng chờ hai mẹ con mình đấy!
-Ừ! Mẹ thấy rồi! Thấy rồi…
Chị thấy mắt mình cay, lòng cồn cào khó tả. Dựa lưng vào ghế xe trong tư thế thoải mái, chị nhắm chặt mắt để nghe những ấm áp trở về khe khẽ trong tim. Chị bỗng nhớ tết quá, nhớ cái cảm giác cùng nhau quây quần trong bữa cơm tất niên, cùng chỉnh lại vạt áo cho nhau trước khi đi chúc tết trong ngày mồng một. Nhớ những món ăn do tự tay anh vào bếp, nhớ những yêu thương anh mang ra gói ghém bao vụng về của chị. Nhớ ra trong cuộc điện thoại sáng nay anh ngập ngừng hồi lâu rồi bảo “sau này mỗi tháng sẽ thu xếp để cả nhà đi chơi đâu đó một lần cho em đổi gió”. Xe đã chạy đến quãng đường đẹp êm ru, bé Kẹo dường như đã ngủ quên trong trò chơi “nhắm mắt”. Trước khi chìm vào nhấc ngủ chị nhớ cảnh tết năm nào hai vợ chồng ngồi bóc hành làm dưa muối miệng cười mà mắt mũi tèm nhem. Bây giờ chẳng cần phải bóc hành mắt chị cũng cay xè vì nhớ anh, chỉ mong sao đường về ngắn lại…
Vũ Thị Huyền Trang, Trang Rêu

Vũ Thị Huyền Trang

Saturday, February 16, 2013

Bạn biết gì về mùa xuân?


       
                                           
Câu hỏi ấy Khôi đã lặp lại nhiều lần mỗi khi đứng từ phía sau nhìn tôi vẽ. Tôi hay vẽ những bức tranh rực rỡ về mùa xuân rồi mang treo khắp trong ngôi nhà rộng lớn của mình. Tôi thích mùa xuân nhiều màu sắc và luôn luôn tươi mới, tràn đầy sức sống tựa như con người tôi vậy. Tôi ít khi buồn phiền, có thể vì tôi may mắn được sinh ra trong một mái ấm gia đình hạnh phúc. Lớn lên trong sự bao bọc đủ đầy, sống giữa cảnh thiên nhiên chan hòa khiến tâm hồn tôi thư thái. Nên khi nghe Khôi hỏi vậy, tôi vẫn không thôi ngắm nhìn những bông hoa rực rỡ trong tranh. Mùa xuân là gì ư? Rất đơn giản “mùa xuân là hạnh phúc”. Nhưng sao mắt Khôi buồn?
Khôi về làm bạn cùng tôi từ năm tôi lên lớp sáu. Mẹ xin Khôi trong một ngôi chùa về làm con nuôi. Khi mẹ dẫn Khôi về, nàng nhìn tôi đầy vẻ sợ sệt, trên tóc nàng vẫn còn dính bụi rơm vì suốt ngày ngồi tết chổi cho chùa. Từ khi về nhà tôi, Khôi có hẳn một căn phòng riêng, những bộ váy rất đẹp và cả thầy giáo riêng kèm cặp Khôi đánh vần từng chữ cái. Hai đứa bằng tuổi nhau, mẹ dặn Khôi phải làm em nhưng tôi thích chúng tôi là bạn. Khôi xinh đẹp như một nàng công chúa và rất đỗi dịu dàng. Công việc hàng ngày của Khôi chỉ là làm bạn cho tôi đỡ buồn và rèn cho tôi tính ngăn nắp, gọn gàng. Khôi thường ngồi im lặng nhìn tôi vẽ, cũng đôi khi ngồi làm mẫu cả mấy tiếng đồng hồ một cách tận tụy. Tôi thích sự động viên lặng lẽ ấy nó giống như mạch nước ngầm mát trong tưới đẫm tâm hồn và nguồn xúc cảm trong trẻo nơi tôi. Chúng tôi lớn lên và gắn kết bình yên bên nhau như thế.
Khôi trầm tính, đôi mắt buồn khiến khuân mặt nàng càng thêm đẹp đến hút hồn. Tôi thường bảo mắt Khôi là giếng khơi, nàng chỉ cười bẽn lẽn trông rất dỗi dịu dàng. Nàng có thói quen ngồi nghe tôi kể đủ thứ chuyện trên đời mà chuyện nào cũng một màu hạnh phúc. Nàng quen mặt, biết tính tất cả những đứa bạn hay ghé qua nhà tôi. Quen đến mức khi ra mở cổng nàng nhìn mặt chúng là biết đứa nào qua hỏi bài, đứa nào qua mượn sách còn đứa nào lại sang dụ dỗ tôi cho mượn máy tính chơi điện tử. Trong số những đứa bạn của tôi nàng quý nhất Phong. Đối với Phong nàng cư xử cũng ân cần và  dịu dàng như với tôi vậy. Nhiều lúc tôi đùa:
-Khôi thiên vị Phong nhất đấy nhé! Lý do là gì đây nhỉ?
Khôi cười:
-Có người ghen tị kìa?
-Quân mà thèm ghen tị à? Chỉ hơi tò mò chút thôi. Hay là Khôi đã chót thương chót nhớ người ta? Hay là…
Khôi nguýt tôi một cái rõ dài, nói người đâu mà chỉ tài tưởng tượng những chuyện không đâu. Khi đó chúng tôi mười tám tuổi. Căn nhà tôi ở trống trải hơn do bố mẹ bận những chuyến công tác dài ngày. Nhưng ngoài khu vườn rộng rãi thì vẫn luôn rực rỡ sắc màu của các loài hoa và ríu rít tiếng chim chuyền. Đó là điểm nhấn trong những bức tranh tôi vẽ. Khôi vẫn lặng lẽ đứng nhìn tôi từ phía sau như chiếc bóng.
                                               * * *
Thi thoảng Khôi hay gợi chuyện về một vấn đề nào đó để chúng tôi tranh luận sôi nổi. Ấy là những ngày mưa, khi lòng tôi không đủ tươi vui để thả hồn vào bức tranh còn dang dở. Thói quen ấy có từ khi Khôi đủ lớn khôn để cảm nhận được cuộc sống xung quanh bằng ánh mắt buồn thăm thẳm. Có lần Khôi hỏi:
-Sao không bao giờ Khôi thấy Quân vẽ về những góc khuất của cuộc sống vậy?
-Quân chỉ vẽ những gì mình thích và am hiểu.
-Như thế không sợ thành nghệ thuật một màu sao?
Tôi phá lên cười:
-Khôi thì biết gì về nghệ thuật mà nói như đúng rồi vậy chứ?
-Quân nói thế là Quân coi thường vị khán giả trung thành của mình rồi đấy nhé. Những sắc màu rực rỡ thì cần cho cuộc sống thật nhưng nỗi buồn vẫn thường là thứ chạm đến lòng người nhất đấy.
-Biết vậy nhưng nghệ thuật cũng không thể bắt đầu bằng những điều mà vốn hiểu biết của mình là mỏng manh, hời hợt.
-Vậy tại sao Quân không dành thời gian hòa vào cuộc sống muôn màu ngoài kia để sống và cảm nhận?
-Nhưng Quân yêu cuộc sống của mình đang có. Nghệ thuật chẳng có lỗi gì về điều đó cả.
-Đấy! Chính cách nghĩ và cách sống ấy mới là hời hợt.
Chúng tôi thường kết thúc cuộc tranh luận bằng tiếng thở dài của Khôi. Tôi thường là kẻ thua trong những cuộc tranh luận kiểu ấy, có đôi điều đọng lại trong suy nghĩ của tôi. Nhưng rồi cuộc sống rực rỡ ngoài kia lại cuốn tôi vào những đam mê bất tận. Thứ đam mê không có chỗ cho nỗi buồn, cho những lo toan. Bởi tôi luôn nghĩ tại sao lại phải than khóc khi cuộc sống xung quanh mình quá đẹp. Tiếng than khóc ấy sẽ trở lên lạc lõng và kệch cỡm. Chi bằng ta hãy cất tiếng ca vui của con tim đang căng tràn hạnh phúc.
Mẹ thi thoảng trở về nhà sau đợt công tác nước ngoài, bà nhìn những bức tranh tôi vẽ với vẻ hài lòng. Bà ngắm chúng khá lâu và hỏi tôi:
-Con cảm thấy vui chứ?
-Vâng. Thế còn mẹ, mẹ có thấy vui không?
Mẹ tránh ánh nhìn của tôi, nén một tiếng thở dài rất nhẹ và bảo:
-Mẹ vui. Vui chứ!
Tôi không mấy băn khoăn về tiếng thở dài của mẹ, cứ nghĩ chắc là vài ba chuyện làm ăn không suôn sẻ rồi sẽ tốt đẹp cả thôi. Những bức tranh lại cuốn tôi đi theo từng ngày lấp lánh. Khôi vẫn ở bên cạnh đời tôi thầm lặng. Thi thoảng nàng hỏi những câu hỏi không đâu về công việc của cha mẹ tôi, về những chuyến đi dài của họ. Nàng hỏi những điều ấy cũng bằng thừa bởi vì tôi chẳng mấy khi bận tâm đến công việc và thế giới riêng của cha mẹ mình. Tôi chỉ cần thấy họ trở về nhà một tháng đôi, ba lần. Ngồi ăn chung với nhau một vài bữa cơm, vui vẻ cười nói bên nhau thế là quá đủ. Còn những điều khác biết cũng chẳng để làm gì, ai chẳng có một mảnh trời riêng với nhiều mối quan hệ và ngập tràn xúc cảm.
Nhưng Khôi thì khác, nàng quan tâm đến mọi thứ xung quanh một cách tận tình, thấu đáo. Ngay cả đến mấy con mèo nhỏ dường như nàng cũng thuộc tính nết từng con. Nàng tường tận gia cảnh của người làm vườn, thuộc làu câu chuyện tình yêu của chị nhà bếp với một anh bộ đội chuyên nghiệp đóng quân mãi tận Yên Bái. Nàng còn nhớ cả ngày giỗ vợ bác lái xe. Nàng biết mẹ tôi thích màu gì, món ăn gì, loại đồ uống hoa quả nào. Nàng như một cuốn từ điển sống mà hễ động đến cái gì tôi cũng đều phải hỏi nàng. Nhưng hỏi rồi lại quên, tôi chẳng có thói quen lưu những thứ lặt vặt ấy vào bộ nhớ. Thi thoảng Khôi cũng trách khéo tôi về điều ấy. Nàng bảo:
-Đến một lúc nào đó khi chỉ còn lại một mình Quân với thế giới này Quân có buồn không? Có còn bình thản ngồi vẽ tranh được hay không?
-Tại sao lại không chứ? Nhưng điều đó sẽ chẳng bao giờ là hiện thực vì Khôi thấy đấy cuộc sống của Quân đang rất trọn vẹn. Có một gia đình hạnh phúc và những người bạn tốt như Khôi, thử hỏi còn gì vui hơn nữa. Mà tại sao tự nhiên Khôi lại hỏi vậy, có gì bất an sao?
-À không! Chỉ là đôi khi chúng ta phải học cách đón nhận cả những điều tồi tệ nhất để tồn tại. Như thế thì đến một ngày nào đó khi cuộc sống không được như chúng ta mong muốn thì cũng sẽ đỡ hẫng hụt hơn.
Tôi nhận ra điều gì đó bất ổn trong những câu nói của Khôi nhưng những ngày sau đó vẫn trôi đi bình lặng. Khôi vẫn giữ thái độ bình thản, chỉ thi thoảng lại hỏi tôi những câu hỏi vu vơ. Hỏi rồi lại thôi như thể chẳng có việc gì thì hỏi chơi, hỏi để giết thời gian thôi nên tôi vì thế mà cũng quên khuấy mất.
Khôi đi học một trường trung cấp nấu ăn vì thế cũng ít có thời gian ở nhà hơn. Tôi học Đại học Mỹ Thuật, ngoài thời gian đến trường tôi hay phóng xe ra ngoại thành đi tìm cảm hứng. Thi thoảng trở về nhà thấy nàng đang vui vẻ chuyện trò với Phong tự nhiên tôi thấy bận lòng. Chẳng biết tự bao giờ chúng tôi đã là một bộ ba. Phong hay đến nhà tôi hơn, đến để xem tôi vẽ tranh, có khi ngồi ngắm lũ cá cảnh đang tung tăng trong bể một cách thích thú. Nhưng phần lớn Phong đến để cùng Khôi đọc sách, nấu ăn hay chuyện phiếm. Không hiểu sao đôi khi tôi thấy phiền lòng một cách lạ kì. Tôi sợ Phong cướp đi mất khoảng thời gian Khôi thường dành cho tôi. Sợ Phong chiếm mất vị trí của tôi trong lòng Khôi. Sợ mất một thứ như mặc định luôn thuộc về mình khiến tôi bất ổn. Khôi dường như cũng nhận ra điều đó. Bạn biết đấy, Khôi vốn là cô gái nhạy cảm và đầy tinh tế.
                                           * * *
Tôi vẫn chưa lần nào trả lời được câu hỏi “bạn biết gì về mùa xuân?” của Khôi thì bao biến cố gia đình ập đến. Bỗng một buổi sáng đẹp trời, tôi bình minh bằng một tách cafe và dự định sẽ phóng xe tìm một địa điểm thơ mộng nào đó để thả hồn. Nhưng ngay sau đó bố mẹ tôi đã trở về, nói với tôi về việc họ sẽ ly hôn. Mọi thứ xung quanh tôi ù đi, mờ nhạt và xáo trộn. Tôi không nhớ mình đã vượt qua giai đoạn ấy như thế nào, tôi chỉ nhớ duy nhất thái độ bình thản của Khôi khi tiếp nhận mọi chuyện. Tôi hỏi Khôi tại sao lại có thể bình thản đến như thế? Nàng cười buồn bảo:
-Ấy là Quân không nhìn thấy bão giông vẫn vần vũ trong lòng Khôi mỗi phút giây. Cũng giống như Quân chỉ nhìn thấy những sắc màu rực rỡ của mùa xuân, những mầm xanh đơm chồi, hoa tươi đua nở. Mà không nhìn thấy sự vận động thầm lặng trong vạn vật. Mùa xuân đầu phải đã là ấm áp, khi cuối xuân còn đợt rét nàng bân, rét đến thấu xương. Có khi chỉ một buổi tối thức dậy đã thấy cây xà cừ cổ thụ vẫn lừng lững án ngữ trong vườn vừa hôm qua lá còn xanh mà sáng nay lá đã đổ vàng. Vàng từng đám lá, vài ba hôm sau thì cả cây đã khoác một chiếc áo vàng úa đến tiều tụy.
-Có phải Khôi đã biết trước mọi chuyện đúng không?
-Không phải chỉ mình Khôi biết. Tất cả mọi người sống trong nhà này đều biết. Trừ Quân.
-Vậy tại sao không ai nói cho Quân biết?
-Tại sao cuộc sống của mình, hạnh phúc của mình Quân lại phó mặc cho người khác. Tại sao phải chờ người ta đến rỉ tai rằng thế giới của Quân đang dần rạn vỡ thì Quân mới hốt hoảng, mới chịu dừng mọi mộng ảo và suy xét. Tại sao không cố gắng nắm giữ và vun vén cho hạnh phúc của mình để khi nó tàn lụi rồi mới giật mình trách móc. Tại sao?
Khôi bật khóc nức nở. Từng lời nàng nói như đâm vào lòng tôi nhát dao chí mạng. Lòng tôi trùng xuống tan nát rồi tê liệt. Căn nhà trở nên trống trải, lạnh lẽo đến tàn nhẫn. Tôi mang những bức tranh về mùa xuân của mình đốt hết, từng sắc màu biến hóa trong ngọn lửa ma mị. Tôi như nhìn thấy những nụ cười mọng căng hạnh phúc trước đây giờ thành ra méo mó. Những mảng màu hạnh phúc giờ thành tro bụi. Thấp thoáng trong đốm lửa tàn tôi giật mình nhận ra có nhiều ánh mắt. Ánh mắt đau đáu của Khôi nhìn tôi từ phía sau và ánh mắt Phong khắc khoải…
Trong một chiều mưa tầm tã, chúng tôi đã không còn đủ sức tranh luận với nhau. Nhường chỗ cho những hạt mưa như ngấm sâu vào tiềm thức. Tôi bất chợt quay lại hỏi Khôi:
-Phải chăng sắp đến ngày chỉ còn lại Quân với thế giới này?
Khôi nhìn sâu vào mắt tôi buông một tiếng thở dài:
-Đã không thể còn bình thản ngồi vẽ được nữa đúng không?
-Khôi sẽ không bỏ Quân lại một mình để ra đi chứ?
                                           * * *
Không lâu sau bố mẹ tôi chuyển hẳn khỏi ngôi nhà tôi đang ở để mỗi người tự xây cho mình một mái ấm riêng. Tôi đã bắt đầu học cách chấp nhận mọi chuyện theo quy luật tự nhiên. Khôi vẫn ở lại ngôi nhà để chăm sóc cho tôi. Đã hai mươi năm trôi qua kể từ ngày Khôi được mẹ đưa về và lấm lét nhìn tôi, giờ chúng tôi đều đã thành người lớn. Khôi ước mong sau này khi tốt nghiệp trường trung cấp sẽ mở một cửa hàng ăn uống nho nhỏ. Tôi vẫn đam mê vẽ tranh nhưng lại rất ít khi ngồi vẽ. Những bức tranh của tôi là muôn vàn mảnh ghép, lúc bấn loạn lúc dịu dàng, lúc buồn thảm, lúc tươi vui… Khôi vẫn giữ thói quen đứng từ phía sau nhìn tôi vẽ. Còn Phong đến rồi đi, mang theo vẻ u buồn sâu thẳm. Cửa vẫn rộng mở, tôi vẫn đón chào Phong như đón chào một người bạn thân từng gắn bó lâu ngày nhưng dần dần Phong không còn trở lại ngôi nhà nữa.
Vào một buổi sáng mùa xuân, khi những cơn gió se lạnh luồn qua từng ô cửa. Tôi bất chợt nắm tay Khôi và bảo “Xin Khôi. Khôi đừng ra đi nhé!”.

Vũ Thị Huyền Trang