Wednesday, April 24, 2013

Chỉ còn lại giọt nước...

  


Suốt quãng ngày bên nhau, Miên đã không bao giờ nói với anh về thứ linh cảm dâng lên trong cô như từng đợt sóng. Linh cảm rằng người đàn ông này sẽ làm mình đau, sẽ thương yêu mà lỡ dở. Đấy là lý do vì sao anh luôn thấy Miên buồn. Buồn như một mặc định. Ánh mắt như hút gió. Nụ cười như mưa rớt, nhất là khi đôi bàn tay bé nhỏ mỏng manh, run rẩy trong bàn tay anh ấm áp. Miên đếm từng ngày được ở bên nhau. Đặt tên cho từng kỉ niệm và vỗ về nỗi hoang mang cứ lấn lướt trong lòng. Đã có lần Miên hỏi anh:
-Chuyện chúng mình rồi sẽ đi đến đâu?
Anh đã không trả lời. Giống như cách anh luôn im lặng trước những thổn thức trong Miên. Anh bao bọc, che chở cho Miên như một người tình nhưng anh chưa bao giờ nói yêu cô. Anh chu toàn mọi việc của hôm nay nhưng anh chưa bao giờ nói về một ngày mai gần nhất. Anh cho Miên cái cảm giác bình yên ở phút giây này nhưng bất ổn là mãi mãi. Giá như có ai đó giúp Miên gọi được tên thứ tình cảm này, thì chắc Miên sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Miên đem câu chuyện của mình hỏi chị. Chị vừa cười vừa phơi tất cả vết thương của chị cho Miên thấy như muốn hỏi “Em sợ không?”. Miên lắc đầu rồi quay đi. Anh có khi nào để lại những vết thương như thế…
                                           * * *
Anh hỏi sao đến bây giờ Miên mới biết yêu? Câu hỏi này thuộc về số phận. Số phận bắt ta chờ đợi rất lâu chỉ để gặp một người, mà sự gặp gỡ ấy đôi khi không mang tên hạnh phúc. Ta vẫn phải đón nhận như một món quà mà cuộc sống ban tặng để tìm thấy những trải nghiệm. Anh có lẽ là người hiểu điều đó hơn Miên. Sao còn hỏi? Chẳng phải số phận đang bắt anh chờ đợi trong nuối tiếc hình bóng một người con gái. Miên đọc được điều đó trong ánh mắt của anh mỗi khi nhìn mưa giăng giăng ngoài phố nhỏ. Anh từng bảo “cô ấy có đôi vai rất gầy”. Tim Miên cũng rất gầy, anh có thấy?
Chiều nay lúc qua shop đồ lưu niệm cùng nhỏ bạn. Miên định mua một cặp móc chìa khóa đôi, một bộ đồ đôi hình hai nửa trái tim ghép lại. Nhưng nghĩ thế nào lại thôi vì Miên sợ nhỡ đâu đến một lúc nào đó thứ gì rồi cũng chỉ còn một nửa. Những chênh vênh, chống chếnh ấy Miên biết lấy gì bù đắp? Miên thích cảm giác một mình bước thật chậm lên cầu thang khu tập thể xanh rêu, đến tầng năm thì rẽ trái, lướt qua cánh cửa thứ ba, nơi có một đứa trẻ luôn đứng trong cửa sắt nhìn ra ngoài vời vợi. Sau đó thì đến phòng anh. Bao giờ Miên cũng đứng yên lặng khá lâu, nghe tiếng anh ho khục khặc trong phòng, tiếng ly chén va vào nhau leng keng, tiếng xào nấu thức ăn rộn ràng cả một niềm mong ước. Giá mà những âm thanh ấy mãi mãi thuộc về thế giới riêng Miên, để vun vén cho thứ hạnh phúc từng mang tên “số phận”. Miên lặng nghe như muốn gói ghém, giấu kĩ vào một ngăn nhỏ trong tim. Bởi cô biết rằng ngay khi mở toang cánh cửa kia ra sẽ là anh hiển hiện với hai thế giới, hiện hữu mà xa xôi quá đỗi, giống như trò chơi bắt bóng…
Lần đầu tiên đến nhà anh, Miên tìm quanh quẩn mọi ngõ ngách xem có còn vướng víu gì hình bóng của người con gái cũ hay không? Dĩ nhiên là Miên đã tìm thấy quá nhiều thứ mà cô không muốn thấy. Anh không muốn che đậy, mọi thứ cứ bầy ra trước mắt Miên. Rằng thế giới của anh vốn vậy, Miên muốn bước vào thì hãy tôn trọng trật tự vốn có của nó, đừng tự ý xếp đặt mà có muốn xếp đặt chắc gì đã được. Căn phòng như tố cáo cô đang xâm chiếm thế giới của một người khác- người vô hình đã chếm lĩnh nơi này bằng kí ức nằm thẳm sâu trong trái tim anh.
Sau này mỗi khi đến phòng anh, Miên bắt đầu dè dặt tìm kiếm mọi nơi chỉ mong có một chút hình ảnh của mình nằm đâu đó nơi đây. Nhưng Miên chẳng tìm thấy gì ngoài khoảng trống ngày càng lớn trong tim. Thế giới của anh vẫn vậy, không có gì thay đổi. Hoa vẫn nở, cây vẫn tươi xanh và những khung ảnh chưa bao giờ phủ bụi. Trên kệ đựng giày dép của anh có một đôi giày đỏ, cỡ giày rất vừa với chân Miên, đã mấy lần Miên lén ướm chân mà tiếc nuối. Giày đẹp sao không dành cho Miên? Thế mới biết đâu phải cứ cái gì vừa vặn với mình là dành cho mình. Hãy quên ngay cái ý nghĩ chiếm hữu ấy đi. Nhưng làm sao mà bảo bản thân đứng trước một người mình yêu để nói rằng “chúng ta sẽ kết thúc ở đây”? Miên thực sự không làm được.
Càng ngày anh càng trở lên ít nói. Hình ảnh gắn với anh là những giờ ngồi cặm cụi làm việc bên máy vi tính. Kể cả vào những ngày cuối tuần  Miên ghé thăm, anh bắt đầu bỏ mặc Miên ngồi giữa một thế giới chẳng có gì là gần gũi. Miên thường ngồi bó gối trên giường, lưng tựa vào tường và chăm chú nhìn ra ngoài cửa sổ, tai lắng nghe tiếng bàn phím kêu rời rạc. Vào mùa đông, Miên cứ ngồi lặng yên như bất động. Cô rất ngại đổi tư thế vì sợ những hơi ấm sẽ rời xa cơ thể mình, vì sợ cái lạnh lẽo của những cơn gió luồn vào từng kẽ tay, chân tóc. Đã có lúc Miên nghĩ rất có thể cô sẽ bị đóng băng rồi bốc hơi biến mất. Anh sẽ vẫn ngồi quay lưng lại phía Miên mà không cảm thấy cái luồng khí lạnh đang dần tan biến phía sau mình. Biết đâu khi anh quay lại thì Miên chỉ còn lại một giọt nước nhỏ ở chỗ cô ngồi. Cái giả thiết ấy dĩ nhiên anh chẳng hề bận tâm. Anh hướng ánh nhìn xuống đường phía cổng vào khu chung cư. Như là đang chờ đợi…
Miên nghe thấy tiếng đàn hát của ông già ăn xin ngồi dưới gốc bàng cổng chợ. Bây giờ tiếng hát đã ngưng, chỉ còn tiếng đàn nhị cứa vào gió thành từng đoạn nhỏ nghe nỉ non ai oán. Mỗi vết cứa Miên lại thấy tim mình nhói lên, gió lại luồn qua từng kẽ tay, chân tóc. Không còn nghe thấy tiếng bàn phím lộc cộc, Miên chỉ thấy hơi lạnh bốc lên ngùn ngụt từ phía anh ngồi. Hay là anh  đã bốc hơi, trong tư thế ấy? Miên vẫn không ngoảnh lại, chỉ cất tiếng hỏi:
-Anh đang làm gì vậy?
-Anh đang đọc một bài báo rất hay. Nó nói về sự cô đơn. Rằng nỗi sợ hãi trong cô đơn rất gần với nỗi sợ hãi về sự chết.
-Vậy bài viết có nói con người ta có thể đột nhiên biến mất chỉ vì sự hiện hữu của mình không được người khác biết đến hay không?
Anh không trả lời. Hoặc là tiếng anh nói bé quá lẫn vào tiếng bát đĩa vỡ ở căn phòng kế bên. Tiếng loảng xoảng buông thõng vào không trung rồi im bặt. Đứa trẻ phòng bên rất nghịch, nó thường bị nhốt trong nhà vào buổi chiều. Khu tập thể cũ quá, những ô cửa sổ lại quá lớn nên các phòng thường nghe thấy tiếng đổ vỡ của nhau. Miên có thể làm bạn với đứa trẻ phòng bên, đứng bên ngoài và nói chuyện với nó qua cánh cửa sắt luôn khóa kín. Miên nghĩ vậy nhưng vẫn ngồi bất động, tựa cằm vào hai đầu gối và nhìn một con nhện đang cặm cụi giăng tơ bên cửa sổ…
                                    * * *
Chị gái Miên không lấy chồng, rong ruổi với những chuyến đi dài và những cuộc vui ngắn ngủi. Hình như chị đang cố muốn quên hẳn cái cuộc tình sâu sắc dài bằng cả một phần đời mà cuối cùng vẫn kẻ ở người đi. Đã có lần Miên hỏi:
-Chị không chờ người xưa nữa sao?
Chị cười bảo:
-Để làm gì? Để rồi cũng hóa đá vọng phu như mẹ ư? Hạnh phúc là phù du, mấy ai nắm trong tay được cả đời đâu mà tiếc.
Chị đi công tác nửa năm, vác về cái bụng chửa lùm lùm, miệng cười như hoa cúc dại. Không ai biết cha của đứa trẻ là ai, Miên cũng không bao giờ hỏi chị. Chỉ thấy chị ít đi hẳn, đến lúc sinh con chắc là chị thôi không còn trốn phố. Miên ngó chừng những vết thương lòng chị đã khô, hoặc là chị quẳng nó vào mảnh sân kí ức lâu rồi mà không thèm nhặt lại. Chị như một vạt nắng trong ngôi nhà quá nhiều tiếng thở dài. Thiên hạ nói ra nói vào chị bỏ ngoài tai, mẹ cũng không nói gì. Hình như nắng cũng làm lòng mẹ ấm dần…
Nhà có ba người toàn là đàn bà. Còn một người nữa đáng ra sẽ là trụ cột gia đình Miên, nhưng bố lại đi làm nóc nhà che mưa che nắng cho người khác. Nhà Miên ở cuối phố, nhà bố ở đầu phố, chung nhau một cái siêu thị nhỏ, một cái chợ lớn, một hiệu thuốc nhỏ và vài ba quán tạp hóa lề đường. Thế nên thi thoảng người vẫn chạm mặt người. Chị ốm, Miên đi chợ mua đồ nấu cháo cho chị thì gặp bố đi chợ mua đồ ăn sáng cho vợ bé con thơ. Cuối tuần Miên đang xách kễ mễ đồ trong siêu thị va phải bố đang dắt thằng nhỏ  vào quầy kem. Nửa đêm mẹ ốm, chị đi công tác xa, trời mưa tầm tã Miên đội mưa đi mua thuốc cho mẹ nhìn thấy đèn nhà bố vẫn sáng mà nước mắt chảy ròng ròng. Đã mấy lần Miên giục mẹ bán quách ngôi nhà rồi chuyển đến một nơi thật xa nhưng mẹ không đi. Mẹ cứ sống ở đó cho gió thổi ngang lòng tái tê suốt năm dài tháng rộng. Riêng chị thì chẳng bao giờ nhắc đến bố. Thiên hạ có lỡ miệng hỏi bố chị đâu? Vui thì chị bảo chị sinh ra từ hòn đá thì làm gì có bố, không vui thì chị cười bảo bố chết lâu rồi. Chỉ có Miên là biết, hồi bố mới bỏ mấy mẹ con, hồi hai chị em còn nhỏ, tối nào chị cũng len lén ra ban công đứng nhìn về đầu phố…
Lúc nhỏ Miên hay theo mẹ đi lễ, thường là ngồi thu lu một góc ngước nhìn mẹ khấn vái, khóc lóc trong hương khói. Mẹ đi rất nhiều nơi, xem rất nhiều thầy, đến đâu mẹ cũng làm lễ xin thần linh cho bố biết đường tìm về với mấy mẹ con. Rất nhiều ánh mắt đổ dồn vào mẹ, người thương hại, người cười cợt. Có lần vì không chịu được những ánh mắt người dưng đó mà Miên bảo mẹ thôi đừng đi cúng lễ nữa, đường có từ đầu phố đến cuối phố chứ xa xôi gì đâu mà sợ bố lạc đường. Mẹ nghe Miên nói chỉ khóc, từ đấy mẹ thôi không còn đi nữa…
Mẹ bắt đầu hay khép cửa ngồi thiền trong phòng. Đêm tối tĩnh lặng, mẹ ngồi trong căn phòng leo lét ánh nến. Miên cảm tưởng như mẹ đang bay lên, buông bỏ mọi phiền não, không còn nhọc nhằn về thể xác, không nghe thấy những chuyện bên ngoài. Miên ngửi thấy hương thơm trong căn phòng tỏa ra qua khe cửa, mùi hương thanh lọc tâm hồn mẹ thanh tịnh. Trong phút chốc Miên thấy như cái dáng ngồi kia chỉ còn là thể xác trần tục, mẹ đã bay theo mùi hương về một miền tươi đẹp khác. Mỗi đêm, mẹ đều biến mất…
                                             * * *
Người yêu cũ của anh mất vì một trận sụt lở đất ở Lào Cai trong đợt đi công tác các tỉnh miền núi dài ngày. Hôm nhận được tin dữ ấy anh vẫn ngồi im bên cửa sổ. Bình thản hay giông gió trong lòng anh thì Miên không biết. Chỉ biết rằng khi Miên mở cửa bước vào thì thấy anh chỉ còn là một chiếc bóng, hiện hữu đấy mà như ảo ảnh, hư vô. Miên lại ngồi bó gối trên giường, mường tượng lại cảnh đứa trẻ nhà bên vừa cười với cô qua ô cửa sắt rồi chậm chậm mất hút trong ngôi nhà toàn bóng tối. Bây giờ chỉ còn tiếng đàn nhị mải miết khứa vào không trung vỡ vụn. Tiếng đàn của ông cụ ăn xin  dưới chợ làm Miên nhớ chị vào những mùa mưa xưa cũ. Chị cũng phơi những vết thương lòng bằng tiếng đàn sầu da diết. Giờ cây đàn của chị bụi phủ đầy, chị cất nó vào một góc nhà kho và chẳng bận tâm đoái hoài gì đến nó. Bởi chị đã có những tiếng lòng vui, hoa nở rực rỡ những bước chân chị đi, mái hiên lòng chị giờ tràn ngập nắng.
Ở đây lạnh quá, cái lạnh khiến khớp xương Miên nhức buốt. Miên muốn đứng dậy để bước về phía mái hiên của chị. Miên nghe thấy tiếng cười chị lanh lảnh, đúng lúc Miên định đứng dậy thì tiếng cười ấy cũng mất hút trên những bậc cầu thang vàng sắc nắng. Kì thực là Miên vẫn ngồi đây. Bất động. Gió lạnh quá, Miên đã cố co quắp lấy cơ thể mình nhưng chẳng ăn nhằm gì so với hơi lạnh đang ngùn ngụt bốc lên ở phía anh. Anh đang bốc hơi. Miên nghĩ lần này thì chắc chắn. Miên muốn ngoảnh lại phía anh, muốn gọi anh một tiếng. Muốn được nghe tiếng bàn phím lạch cạch. Nhưng cơ thể Miên hình như đã đóng băng rồi. Băng đóng đến chân, đến bụng, đến ngực và dần dần đóng đến tim. Tiếng đàn vừa vút cao như tiếng roi ngựa quất vào dặm trường hun hút rồi bất chợt ngừng.
…Và khi anh quay lại thì chỗ Miên ngồi chỉ còn lại một giọt nước.

Vũ Thị Huyền Trang

Giấc mơ độc mộc…


Những dấu chân tuổi trẻ em qua
Hoa cũng sẽ vì em mà thắm…

Tôi tưởng tượng ra dấu chân nơi em từng đi qua còn in lại hình những chiếc thuyền độc mộc. Mà ở đó tràn ngập sắc nắng hương hoa được thả trên chòng chành xúc cảm. Tâm hồn tôi từng neo đậu ở đó những tháng ngày dài để ước ao, nuối tiếc dù tôi và em chẳng thân thiết nhau là mấy. Em học dưới tôi vài lớp, khi tôi tốt nghiệp thì em đi du học nước ngoài. Em chọn Pháp là nơi kí gửi một phần tuổi trẻ với những làng hoa, những con sông, những cánh đồng đẹp như cổ tích. Còn tôi đã chọn em để gửi giấc mơ thầm kín của mình. Giấc mơ vượt thoát khỏi căn phòng chưa đầy mười mét vuông giữa nơi chỉ thấy tắc đường, thực phẩm độc hại và giá đất ảo đến xa xẩm mặt mày.
Em có cái tên đẹp như thơ và gợi nhiều hoài niệm nhưng tôi thích gọi em là V. Giống như mật mã giấc mơ mà tôi đang giấu kín. Em không đẹp nhưng em mang khuân mặt của một kẻ lãng du bụi bặm sương gió dặm trường. Chỉ nụ cười là đủ ấm áp cho những mùa đông lạnh giá ở xứ người. Tôi cũng có một nụ cười như em nhưng dường như nó được đính sẵn trên môi để làm vật trang trí cho vui mắt người đời. Bởi tôi chỉ giữ lại cho mình niềm khắc khoải khôn nguôi trong đôi mắt. Người ta gọi tôi là Rêu, giống như cách người ta gọi em là Cá, gọi một vài sắc trẻ là Mục, là Keng, là Gió… Những thanh âm ấy rơi xuống giữa vời vợi đời sống để rồi rất dễ bị chìm nghỉm, bị nuốt trọn trong cái xô bồ. Tôi cũng bị rơi như thế bỏ lại vài cái sủi tăm rồi chìm hẳn. Tôi mừng vì em đã ngoi lên, bơi về phía đại dương một mình một bóng cá chim trời. Vừa thong dong vừa nỗ lực. Nhỏ nhoi nhưng đầy kiêu hãnh…
Tôi ngủ trong giấc mơ của V khi lần đầu tiên em đặt chân đến làng Beuvron-en-Auge. Đó là một trong những ngôi làng xinh đẹp nhất vùng Normandy nước Pháp mà tôi mới chỉ biết qua sách báo. Tôi thích những giỏ hoa được treo ở khắp nơi trong làng, từ hiên nhà, balcon, dọc hai bên hè đường, thậm chí hoa lả lơi treo dọc bờ các dòng kênh. Kiến trúc cổ kính với mái ngói màu rêu, những ô cửa sổ nhỏ kề nhau bên ống khói nhô lên bầu trời xanh thẳm. Em bước đến đó đứng lẫn trong trong một thế giới sặc sỡ sắc hoa. Đã có lúc tôi giật mình vì tưởng đã mất dấu em trong một thảm hoa nào đó. Giống như tôi đã từng mất dấu đứa em gái út của mình cách đây mười  năm trước…
                                           * * *
Em gái út của tôi cũng bằng tuổi V, có đôi mắt trong tựa nước hồ thu. Khi út ba tuổi, út hay nhìn lén mỗi khi tôi ngồi đan cót. Khi út sáu tuổi, sáng nào tỉnh giấc tôi cũng thấy em nằm im nhìn tôi chăm chú chớp chớp hàng mi cong vút. Tôi bảo:
-Sao út cứ nhìn chị hoài vậy?
Út nhoẻn cười lộ hai núm đồng tiền xinh xắn, rúc đầu vào nách chị thỏ thẻ khiến tôi phải bật cười.
-Vì chị bé đẹp.
Cả nhà cười út sáu tuổi mà biết khen chị đẹp. Út cũng cười bảo “thương chị bé nhất nhà”. Những ngón tay út mềm và đẹp thường nghịch ngợm mái tóc dài của tôi. Tôi thích mỗi lần út dụi mặt vào mái tóc tôi rồi cười sặc sụa. Út khen tóc chị bé mượt đen gội lá hương nhu thơm mát. Những lúc không quấn quýt tôi như một chú mèo con, út thường lẻn đi chơi đâu đó nhiều hôm quên cả đường về. Khi thì là cánh đồng mùa cạn, dọc những bờ cỏ xanh non là bạt ngàn hoa dại li ti nở, li ti thắm, li ti ngát hương trời. Út thích nhất hoa me cạn tím ngát, em nhảy chân sáo hát líu lo thi thoảng lại dừng lại chạm  những ngón măng xinh vuốt ve một bông hoa.
Vào mùa hè em thường trốn lên rừng thoắt ẩn thoắt hiện trong những búi hoa mua tím. Chơi chán út nằm xuống cỏ ngủ quên, để mỗi lần tôi tìm thấy em đều ngỡ ngàng trước một cảnh tượng rất đỗi êm đềm. Trông út giống như một cô công chúa nhỏ hồn nhiên ngủ giữa rừng hoa. Cảnh tượng đó gợi cho tôi niềm xúc động, là nỗi an ủi vỗ về tôi qua những ngày tháng vất vả, nhọc nhằn khi đó. Giữa những khuân mặt người lầm lũi lúc nào cũng chỉ nghĩ đến việc làm sao thoát khỏi cái đói, làm sao kiếm được miếng ăn, làm thế nào để trả được nợ đọng lãi cao. Thì út giống như một thanh âm trong trẻo vút lên khỏi cái nền ảm đạm ấy.
Năm tôi mười ba tuổi, tôi bắt đầu nghĩ về những chuyến đi. Kỉ niệm rõ rệt nhất còn đọng lại trong tâm trí tôi là sân ga lúc chiều tàn tôi vẫn thường ra chờ đón hàng bố gửi từ miền xuôi lên. Nghề đan cót không đủ nuôi sống cả gia đình nên bố phải đi bốc vác cho các bến xe, nhà ga dưới thành phố. Sau này nhờ quen các mối hàng, bố lấy hàng khô gửi về cho mẹ mở thêm quán tạp hóa nhỏ xíu bán kiếm đồng ra đồng vào còn lo ăn học cho cả một đàn con. Thế là cứ cuối tuần tôi lại ra sân ga ngồi nhìn những chuyến tàu xuôi ngược. Âm thanh tiếng còi tàu va vào kí ức vang vọng, hun hút, xa xăm... Tôi cũng thích những ô cửa sổ của đoàn tàu, qua tấm lưới sắt là nhiều đôi mắt đang dõi nhìn về phía sân ga. Tôi tưởng tượng họ đến từ một thế giới xa xôi nào đó, nơi mà tôi chưa từng biết đến. Tôi nhìn theo đoàn tàu xình xịch trôi xa, nhìn những con người ngồi trên đó với ánh mắt thèm muốn và ngưỡng mộ. Tàu đi rồi chỉ còn lại sân ga buồn, lá bàng rơi đỏ thẫm cả chiều tàn…
Út có theo tôi một vài lần ra sân ga chờ hàng của bố. Em hỏi tôi:
-Nếu mình lên tàu thì tàu sẽ chở mình đến tận đâu chị bé ơi?
-Xa lắm!
-Thế bố cũng ở đó đúng không chị bé? Mà ở đấy chắc là đẹp lắm… Mai này lớn lên nhất định em sẽ đến đó. Chị bé có muốn em cho đi cùng không?
Tôi cười, cõng út nhảy tênh tênh trên sân ga. Đó là những buổi chiều đẹp và chúng tôi thường trở về nhà khá muộn. Mẹ đôi khi quở trách vài câu nhưng không hỏi han nhiều. Mẹ không biết rằng trong khi mình đầu tắt mặt tối lo xoay sở kiếm sống thì trong đầu đứa con gái lớn đang loay hoay tìm cách chạm vào những chuyến đi…
                                                    * * *
V bắt đầu những chuyến đi xa hơn cả nước Pháp hoa lệ, bỏ lại kinh đô ánh sáng sau lưng. Nhờ hiệp ước tự do đi lại của một số nước Châu Âu, V bắt đầu đi tham quan nhiều nước trong khu vực Schengen. Sau những ngày làm việc mệt nhoài, tôi trở về phòng trọ lặng lẽ theo dõi từng cập nhật của V trên facebook. Tôi có cảm giác như mình đã đặt mua một vé tàu điện ngầm từ Pari đến thủ đô Amsterdam của Hà Lan. Tôi tưởng tượng ra mình đang ngồi vào chiếc ghế trống ngay bên cạnh V giống như người vô hình. Khi tàu chạy dưới đường hầm, V ngồi dựa người vào ghế, nhắm mắt thư thái nghe nhạc. Tôi sẽ ngắm nhìn thật kĩ khuôn mặt em, tưởng tượng ra từng đường nét của gió, của mây, của sắc màu nghìn hoa nơi em qua đều in dấu trên khuân mặt ấy. Tôi rất muốn nắm lấy bàn tay bé nhỏ của em, những ngón măng nâu màu nắng gió, như xưa từng nắm lấy bàn tay của út. Có lẽ em đã ngủ, một bản sonate buồn nào đó đã đưa em bước vào mảnh đất xa lạ trong những giấc mơ. Tôi cũng ngồi ngả người, nhắm mắt im nghe từng hơi thở nhẹ như dấu chân của gió của em… Và lúc này tôi tưởng như ngồi bên tôi là út. Giống như ngày xưa út hứa, khi lên tàu đi bất kì đâu út cũng sẽ mang tôi đi cùng. Chúng tôi đang đến Amsterdam, có lẽ út thích được ngồi du thuyền lặng lẽ ngắm thành phố có lịch sử đồ sộ nhất Châu Âu đang hiện ra dọc hai bên bờ sông thơ mộng.
Tôi cảm nhận rất rõ nước mắt mình đang rơi khi tôi thấy bàn tay nhỏ nhắn của út đã tan chảy trong bàn tay tôi lạnh buốt. Giống như ngày nhỏ, trời mưa đá tôi đã lao ra sân cố cầm chặt một viên đá trắng muốt để giữ nó mãi mãi cho riêng mình. Nhưng rồi viên đá ấy đã nũa dần trong tay tôi đến khi chỉ còn là vệt nước lan khắp các kẽ tay. Đấy là lần đầu tiên tôi khóc vì cảm giác mất mát, hụt hẫng cứ tràn ngập trong lòng. Khi đó tôi đã bắt đầu mơ hồ cảm nhận được rằng không phải thứ gì mình thích cũng có thể nắm chặt được. Khi đó lần đầu tiên tôi biết rằng đá cũng có thể tan chảy được. Cuộc sống khi nó mang đến một khám phá thú vị thì cũng đồng nghĩa nó đang dạy ta chừa chỗ cho những khoảng trống vốn không thể lấp đầy…
Tôi để tuột tay út vào ngày tôi trốn nhà lên tàu đi tìm bố. Thực ra việc đi tìm bố chỉ là cái cớ giúp tôi đủ mạnh mẽ rời khỏi sân ga chiều muộn để bước lên tàu. Trí tưởng tượng về những chuyến đi đã thôi thúc bước chân tôi đi hoang. Cuộc sống nghèo nàn, đơn điệu mỗi ngày ở miền quê bé nhỏ khiến tâm hồn thơ dại của tôi căng cựa. Hằng đêm tôi hay ngồi một mình ngoài hiên, thấy mẹ đi qua lại miệng lẩm bẩm tính từng đồng lỗ lãi mà thèm mẹ dừng lại quở mắng tôi một câu cho đỡ tủi. Nhưng dường như một bờ vai gầy coi sóc bốn đứa con đã làm mẹ mệt nhoài. Nên chỉ cần chúng mạnh khỏe và được đến trường là mẹ vui rồi còn chúng nghĩ suy những gì mẹ không thể biết. Thiếu đi sự chở che của bố, cái vỗ về của mẹ cùng những buổi chiều muộn ngồi đợi tàu trong sân ga. Tôi đã bắt đầu cho một chuyến đi dài của cuộc đời mà chưa biết khi nào mới thực sự kết thúc…
Chuyến đi hôm ấy giống như một giấc ngủ dài nhiều mộng mị mà tôi ước mình đừng bao giờ tỉnh giấc. Tôi không nghĩ mình phải trả giá nhiều đến thế. Khi tôi còn chưa kịp biết gì về vùng đất mới nơi vừa đặt chân đến thì tôi đã đánh mất linh hồn mình trong đôi bàn chân bé nhỏ của út. Tôi đi, út một mình ra sân ga tìm chị. Không biết có phải tại những bông hoa me cạn nở tím tái sân ga. Hay tại vì em mường tượng thấy hình ảnh tôi lấp lóa trên những toa tàu khiến đôi bàn chân bé nhỏ ấy líu ríu không kịp tránh đoàn tàu đang vào ga. Út bị tàu hất tung ra, tai nạn khủng khiếp ấy cướp đi đôi chân của út còn đầu óc thì lúc tỉnh lúc điên. Tôi trở về sau chuyến đi hoang ấy và bắt đầu những tháng ngày dài sống trong nỗi giày vò câm lặng…
Những lúc tỉnh táo út thường hỏi tôi:
-Điểm dừng cuối cùng của chuyến tàu ấy là ở đâu?
-Xa lắm!
-Ở đó chắc là nhiều hoa đẹp lắm phải không chị bé?
-Chị đã không nhìn thấy bông hoa nào ở đó.
Út nghiêng nghiêng nhìn tôi như thể không muốn tin rằng ở một vùng đất mới xa xôi lại chẳng có điều gì thú vị. Tôi nhìn vào đôi mắt đen láy hồn nhiên của út cảm giác như đang bị hút xoáy vào một thế giới khác. Thế giới  của những giấc hoa tràn ngập sắc màu. Cho đến khi út chớp hàng mi cong, khép lại đôi mắt đen láy và trả tôi về với thế giới thực tại thì những cánh hoa bay vẫn ám ảnh từng suy nghĩ của tôi. Út dần lớn lên bằng những buổi chiều ngồi trong nhà ngóng hoàng hôn qua cửa sổ. Tôi đã trồng rất nhiều hoa trong vườn, để lúc nào út cũng thấy một cảnh tượng tươi đẹp đang ngập tràn xung quanh em. Nhưng có lần út bảo em không thể nào chạm vào những bông hoa ấy được, mỗi lần em chạm tay vào thì sắc hoa đều tan chảy. Sau này tôi hay bắt gặp út ngồi ngồi hướng ra cửa sổ và nhắm chặt mắt. Em bảo chỉ có cách đấy mới giúp em có thể chạm vào thế giới các loài hoa, ngửi thấy mùi hương thơm lan tỏa trong nắng mới. Thi thoảng em lại mở mắt hoảng hốt gọi “chị ơi!” như thể em sợ tôi lại bỏ rơi em thêm lần nữa…
Đêm. Khi chúng tôi nằm bên nhau, út hay nói về những giấc mơ. Mơ thấy mình mặc bộ váy trắng bay lên nền trời xanh thẳm. Trên trời gió rất mát, dưới đất cỏ rất xanh, em lướt qua từ vùng đất này đến vùng đất khác, từ bình minh đến hoàng hôn. Tôi hỏi út nhìn thấy những gì? Em bảo nhìn thấy con tàu mà chị từng đi. Thấy ánh mắt chị lấp lánh niềm vui. Tôi lại hỏi út còn nhìn thấy thêm điều gì nữa? Em cười ỏn ẻn bảo còn nhìn thấy chính em chiều đó ngồi chờ chị ngoài ngõ đến tối mịt. Tôi hỏi em có khóc không? Em không trả lời dụi mặt vào lòng tôi như con mèo nhỏ. Nhưng tôi thì biết mình đang khóc…
Năm mười sáu tuổi, sau một đêm út bảo “Chị có thể mang em đi xa được không?” rồi nằm im trong vòng tay tôi ngủ ngon lành. Sáng ra em không tỉnh lại để ngắm xác hoa rụng rơi ngoài cửa sổ. Đêm trước bão to gió lớn những hàng hoa đã tan hoang. Bão cũng đã quật tả tơi trái tim tôi suốt những mùa dài khi không còn em bên đời nữa. Từ đó tôi bắt đầu rơi vào trạng thái chênh vênh, sống co mình trong chiếc kén buồn đau mà không cách nào thoát khỏi. Trong cái kén ấy, tôi loay hoay nhìn xung quanh mình và bắt đầu cảm thấy sợ hãi nếu một ngày nào đó bên cạnh tôi không còn ai thân thương nữa. Nó cũng giống như những tia sáng lấp ló cuối cùng đang chiếu vào chiếc kén ấy bỗng dưng vụt tắt. Sẽ là một thế giới tối tăm không lối thoát. Tôi bắt đầu vùng vẫy, căng cựa để nắm chặt thứ ánh sáng diệu vợi ấy. Đến lúc này tôi mới biết mình yêu gia đình nhiều đến nhường nào. Tôi không bao giờ còn muốn bước chân lên bất cứ chuyến tàu nào để phải rời xa họ nữa. Tôi không còn dám nghĩ về những chuyến đi… cho đến khi tôi gặp được V.
                                              * * *
Gần đây nhất, tôi gặp V đang lang thang trên cánh đồng hoa lavender ở vùng Luberon nước Pháp. Em đi đôi giày vải, mặc một bộ váy trắng, trên đầu đội chiếc mũ rộng vành nhiều màu sắc. Trông em giống một cây nấm nhỏ di động đang bước chậm rãi, ngửa cổ hít thật sâu bầu không khí của miền quê trong lành nơi đây. Tôi đã từng nghe nhiều về những ngôi làng một nghìn năm tuổi đầy mộc mạc, tinh tế với sức hút diệu kì. Với những con đường màu nâu vàng nhạt, những vách đá màu đỏ, những vườn cây ăn trái sum suê và góc chợ quê bán đầy hoa lavender khô bó thành từng bó nhỏ. Trong một quãng đời nào đó của tuổi trẻ, tôi đã từng ao ước giá có một cơn gió, một phép màu nào đó thổi cuốn tôi đi rồi thả xuống giữa cánh đồng hoa lavender biếc tím.
Tôi cứ đi theo V lặng lẽ như một chiếc bóng. Rồi dừng lại trên sườn đồi một ngôi làng nhỏ. Tại đây tôi ngồi dựa vào vào một gốc cây, mải miết ngắm nhìn V đang ùa xuống cánh đồng hoa tím bằng tất cả niềm vui sướng, thỏa thuê và nông nổi. Bây giờ đang là cuối tháng tám, những cánh đồng hoa lavender đồng loạt khoác lên mình chiếc váy dịu dàng màu tím. Giữa bạt ngàn sắc tím đó tôi như thấy lấp lánh nụ cười của út trôi vào tiềm thức. Tôi ngồi đợi út ngủ một giấc rất dài trên cánh đồng hoa. V đã mang tôi đến đây giống như ngày nhỏ út từng hứa sẽ mang tôi đến bất cứ vùng đất mới nào mà em được đi qua. Hôm nay út mặc váy màu trắng, đi đôi giày vải và đội một chiếc mũ rộng vành… Hoa levender tím đến tái tê lòng…
Sau những chuyến đi mường tượng ấy. Tôi trở về với cuộc sống thường nhật trong một phòng trọ chật trội giữa lòng thành phố. Nhà ông bà chủ có nuôi một con gà trống, đêm nào đó cũng gáy khản cổ rất lâu mà không một tiếng gáy nào đáp lại. Những lúc ấy tôi hay nghĩ về út, về những chuyến đi. Nhưng tôi có cha mẹ già cần phải chăm sóc. Tôi có những ám ảnh khôn nguôi của thuở đầu đời kìm hãm bước chân tôi. Chỉ khi chạm vào thế giới của V tôi mới thấy mình thật sự được giải thoát. Giống như V cũng vịn vào  chuyến đi để phóng sinh cho những lo sợ hạn hẹp của đời người.
V rất biết cách sống chậm lại sau một chuyến đi dài. Như thể khi tôi tỉnh dậy ở phòng trọ chật chội này thì ở một đất nước xa xôi em đang mở toang cửa sổ đón nắng mới tràn vào. Một lọ hoa nhỏ được đặt bên cửa sổ, dường như hoa là thứ không bao giờ thiếu trong ngôi nhà nhỏ của em. Hoa V mang về rong ruổi đường dài cho bớt nhớ những dấu chân. Tôi thích hình ảnh em ngồi bó gối ngoài cửa nghiêng mắt nhìn nắng nhảy nhót trên bức tường rêu. Em bé nhỏ thế thôi mà gieo vào lòng tôi cảm giác bình yên đến lạ. Lần gần đây nhất chúng tôi nói chuyện với nhau, V kêu nhớ trường lớp cũ và những con người Hà Nội. V hỏi tôi:
-Mọi thứ có thay đổi nhiều không chị?
-Cũng như em thôi. Em cũng đổi thay nhiều. Hà Nội chật chội hơn rồi, không biết khi trở về em còn có thể yêu nó hay không nữa…
-Em được sinh ra và lớn lên ở đó nên chắc sẽ tìm được lý do để mà thương yêu nó. À! Mẹ mới viết thư sang hỏi em ra trường rồi đã xin được việc chưa? Nếu không xin được việc thì về nước. Em chỉ muốn xin một công việc bình thường ở đây để dành thời gian khám phá những vùng đất mới. Em còn nhiều nơi muốn đến, nhiều con người em muốn gặp.
Đấy là lần đầu tiên chúng tôi nói chuyện với nhau gần gũi thế. Tôi bất chợt nhớ về chuyến đi hoang của mình năm mười ba tuổi đầy khờ dại. Nên không đừng được lòng mình mới hỏi V:
-Vì sao ngày đó đang học dang dở bên này em lại tính đến chuyện đi du học một cách bất ngờ như vậy?
V cười bảo:
-Lúc ấy em đi vì muốn quên một cơn “say nắng”. Nhưng bây giờ em đi chỉ đơn giản vì lòng còn muốn đi, chân còn muốn bước.
-Chứ không phải vì một người đàn ông luôn giấu mặt đằng sau những bức hình lung linh đó hay sao?
-À! Chị thấy đấy, em cũng rất khôn khéo khi biết gói ghém thật kĩ báu vật của đời mình đấy chứ. Anh ấy là một món quà mà cuộc sống đã mang lại cho em từ những chuyến đi. Khi nào về thăm nhà, em sẽ mang anh ấy về cùng.
Chúng tôi kết thúc câu chuyện vào mùa thu. Những giấc thu êm đềm ngủ trên môi V cười lịm ngọt. Tôi về quê ra thăm mộ út, thấy những bụi cây cũng dại cũng đã nở vàng hiu hắt cả một góc nghĩa trang. Tôi khẽ gọi tên út trong niềm hy vọng rằng em chỉ đang chạy chơi quanh quẩn đâu đây thôi. Nếu nghe được tiếng chị gọi em sẽ vội vã chạy ùa vào lòng tôi như lúc bé thơ. Mặc dù tôi biết có thể em đang mặc bộ váy trắng, bay trên nền trời xanh thẳm lướt qua từ vùng đất này đến vùng đất khác như giấc mơ của em năm nào. Mà ở thế giới xa xôi ấy đôi chân của em mang hình hài của gió. Như lúc này gió đang luồn qua các kẽ tay tôi…
                                              * * *
Tôi trở về tỉnh nhà nhận công tác để tiện chăm sóc cho bố mẹ lúc tuổi già. Sau một khoảng thời gian khá dài bận bịu để tập thích nghi với công việc mới. Một hôm tôi qua thăm thì thấy V đã đóng cửa facebook chẳng hiểu vì lý do gì. Điều đó có thể sẽ khiến những chuyến đi tưởng tượng của tôi dần khép lại nhưng tôi biết sẽ chẳng bao giờ là kết thúc cho những chặng đường thơm hương sắc mà em sắp đi qua…

         

Vũ Thị Huyền Trang