Tôi tên Vân, tôi sống với mẹ và ba đứa em trai khác tại một ngôi nhà nằm nép
trong một con phố nhỏ giữa Hà Nội. Người ta gọi chúng tôi là những đứa con
hoang. Tôi đã quen và không cảm thấy buồn nhiều về điều đó. Cho đến tận khi tôi
gặp anh.
Anh là một mẫu người đàn ông lý tưởng của các cô gái, đẹp trai, ga lăng, nghề
nghiệp ổn định và còn rất hài hước. Bấy nhiêu thôi đã đủ để tôi chết mê chết mệt
ngay từ ngày đầu tiên gặp mặt, khi anh đến kí hợp đồng quảng cáo cho sản phẩm
của công ty. Khi ấy chúng tôi là đối tác của nhau, để đôi bên làm ăn đều có lợi,
tôi tỏ ra khá thiện cảm nhưng cũng đầy tỉnh táo. Tuy nhiên cuối buổi gặp gỡ tôi
có nói nửa thật nửa đùa:
-Em còn muốn gặp lại anh để kí kết một bản hợp đồng dài hạn giữa cá nhân em
và anh chứ không phải của hai công ty, không biết ý anh thế nào?
Anh nhún vai bảo:
-Một bản hợp đồng tình yêu chắc? Cũng thú vị lắm đây. Để xem em tôi có sức
hút như thế nào cái đã.
Sau đó vì công việc, chúng tôi còn gặp lại nhau vài lần, mọi thứ không đi xa
quá quan hệ công việc, nhưng từ sự gặp gỡ ban đầu đó cả tôi và anh tìm thấy
nhiều sự đồng cảm ở nhau. Những buổi cafe, ngô nướng mùa đông hay chuyến picnic
ngắn vào ngày cuối tuần thực sự là những buổi hẹn hò đầu đời để lại trong tôi
nhiều kỉ niệm. Chúng tôi chuyện chò, chia sẻ với nhau mọi buồn vui trong cuộc
sống sau một ngày làm việc mệt mỏi. Không thể phủ nhận rằng anh đã cho tôi cái
hứng khởi khi một ngày mới bắt đầu tôi có quyền chờ đợi và hy vọng vào một điều
gì đó. Trước đây, tôi thức dậy bằng nỗi hoài nghi, mệt mỏi và những bước chân
đều đều lên xuống cầu thang. Nhà tôi có tất cả năm người, mỗi người một cuộc
sống, một cách nghĩ, một hoài niệm và cách lý giải cuộc sống rất riêng. Tôi
không hợp ai trong nhà mình, kể cả mẹ tôi – người đàn bà không nhớ nổi người đàn
ông đã từng đi qua cuộc đời mình là ai nữa. Tôi tôn trọng nhưng hững hờ với mẹ,
trước khi gặp anh tôi chỉ có thể tâm sự với con chim tào mào nuôi ngoài lan can
tầng bốn. Thế nên có thể làm bạn được với anh, cũng giống như cái niềm vui khi
bạn luôn nghĩ rằng vào giây phút này ít nhất có một người đang nghĩ về bạn. Nó
an ủi một cuộc sống đơn điệu, cô độc, nó thổi một luồng sinh khí mới cho một
ngày dài. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để thấy rằng anh quan trọng đối với tôi
biết nhường nào.
Anh con nhà bề thế, mẹ làm giám đốc một bệnh viện lớn trong thành phố, bố làm
cấp cao trong quân đội. Trong gia đình anh là con cả, mấy đứa em cũng đều đã đi
du học rồi định cư luôn ở nước ngoài. Những lúc thảnh thơi, bình yên nhất anh
mới ngồi tâm sự với tôi về chuyện gia đình. Anh bảo:
-Anh không phải là con đẻ của bố mẹ. Anh là một đứa con rơi, mẹ đã đón anh về
nuôi sau khi để mấy ngày trong bệnh viện không có người đàn bà nào đến nhận con.
Cái cảm giác mình vừa sinh ra đã bỏ rơi đau đớn bao nhiêu thì sự chăm sóc, nâng
niu của người cha, người mẹ tuy không mang nặng đẻ đau lại làm anh ấm áp bấy
nhiêu. Đối với bố mẹ nuôi anh yêu thương thôi thì chưa đủ mà còn là sự biết ơn.
Anh thấy mình hạnh phúc hơn hàng trăm, hàng nghìn đứa trẻ bị bỏ rơi
khác.
Khi tôi nói với anh rằng tôi cũng là một đứa con hoang, mẹ không biết cha tôi
là ai. Anh cười bảo “em vẫn còn hạnh phúc vì ít ra mẹ đẻ đã không bỏ rơi em”.
Lần đầu tiên tôi nhận ra những gì mình đang có cũng có thể gọi tên bằng hai từ
“hạnh phúc”.
* * *
Bốn chị em tôi, chung một mẹ nhưng mỗi đứa một cha. Căn nhà năm tầng chia đều
không ai chung đụng ai, kể cả cái nhà vệ sinh và chỗ phơi quần áo. Mẹ theo chủ
nghĩa tự do, càng có tuổi càng thích tự do nên phòng mẹ luôn luôn kín cửa. Năm
thành viên trong gia đình tôi không ai quan tâm đến cuộc sống của ai, mặc dù một
ngày cũng ngồi lại với nhau ăn chung bữa tối. Đôi lúc những suy nghĩ miên man
kéo chúng tôi vào quỹ đạo của sự im lặng đến tuyệt đối. Đôi khi chỉ có bát đũa
va vào nhau, tiếng húp canh sì sụp, tiếng thở dài của ai đó rất vội, không có
dấu hiệu gì cho thấy chúng tôi dang giao tiếp với nhau. Cũng có hôm mát trời,
tâm trạng cả năm người đều vui, chúng tôi nói chuyện như một gia đình thực sự.
Thằng út bảo:
-Cha con là họa sĩ, nay đây mai đó phải không mẹ? Thảo nào mà con chỉ thích
chu du thiên hạ thôi. Mỗi tội con chẳng thấy mình có năng khiếu gì hết, thợ điện
thì có được coi là một nghề có năng khiếu không mẹ nhỉ?
Cả nhà cười ầm, thằng Hùng bảo:
-Có thể, nếu làm ẩu thì được coi là có năng khiếu hại người, còn nếu cứ đi
sửa điện trong tình trạng phê phê rượu thì thể nào cũng có ngày chú được phong
cho cái năng khiếu cười duyên với một nụ cười vĩnh cửu treo trên dây
điện.
Út lườm Hùng bảo người trông thế mà ác, mở mồm ra là nói toàn điều xui xẻo,
đúng là con ông thợ kèn đám ma có khác. Không khí chùng xuống một tí, rồi thằng
Minh tự nhiên lại hỏi:
-Mẹ ơi, ngày xưa mẹ gặp cha con ở sông nào?
Út hướng ánh nhìn về phía mẹ bảo:
-Hà Nội thì rất nhiều sông chảy qua nhưng em nghi mẹ gặp bố anh trên sông Tô
Lịch.
Mẹ không để ý đến câu nói của Út, mẹ bảo Minh:
-Bố con là một người đi khai thác cát trên các dòng sông. Ông ấy cao lớn, da
ngăm đen, có nụ cười rất duyên và ấm.
Út lại bảo:
-Mẹ là người có trí nhớ siêu phàm, bởi vì mẹ đã nhớ được tất cả đặc điểm nhận
dạng của những người đàn ông mẹ đã từng yêu.
Tôi kết thúc bữa tối bằng một câu không ra giận dỗi cũng không ra dửng
dưng:
-Thế mà mỗi việc bố con là ai thì mẹ lại quên. Để bây giờ con không biết liệu
bố mình có phải là ông thợ kéo xe đẩy, ông đánh tiết canh lòng lợn mà con vẫn
gặp ngoài đường hay biết đâu bố con lại là một người rất bề thế, cũng có thể là
một người lắm vợ nhiều con.
Sau câu nói của tôi, mẹ buông một tiếng thở dài. Còn tôi lại chui vào phòng,
ra ban công nói chuyện với con tào mào mũ. Hôm sinh nhật tuổi 22, tôi uống quá
chén với bạn bè, lần đầu tiên cái phận con hoang làm tôi đau đớn nhiều đến thế.
Tôi leo lên bốn tầng nhà, để rơi từng cánh hoa bạn bè mừng sinh nhật như Mỵ Châu
rải lông ngỗng trên đường chạy trốn. Tôi chui vào căn phòng cô đơn, bỏ lại cánh
hoa cuối cùng ngoài cánh cửa. Thế giới cô độc khép lại, tôi nói với con tào mào
là tôi đang rất buồn, nó gật gật cái đầu kêu lên mấy tiếng vô hồn. Tôi nói tôi
là đứa con hoang, nó cũng gật gật đầu, vỗ cánh bay phạch phạch trong lồng. Tôi
cười trong nước mắt dọa chơi nó “tao đi chết đây”, cái mặt nó tiu nghỉu nhưng
cuối cùng cũng gật gật cái đầu. Buồn ghê ghớm.
Mẹ tôi ngày càng ít nói hơn, đôi lúc tôi tò mò về thế giới riêng của bà, một
nơi mà ngay từ lúc nhỏ tôi tôi chưa bao giờ nhớ là mình đã đặt chân vào. Dường
như sau nhiều cuộc tình tan vỡ để lại một đàn con, mẹ không còn hứng thú với
chuyện tình yêu nữa. Bà hay đi chợ sớm, mua về những bông hoa trắng, khi thì
sen, khi thì hồng cũng có khi là huệ. Thi thoảng lại thấy mùi hương nhang tỏa ra
từ phòng mẹ, đôi lúc âm u đến ma mị. Ngày tôi đưa anh về thăm nhà, chút sững sờ
qua đi là ánh mắt buồn vời vợi của mẹ làm thôi bứt rứt không yên. Anh thích sự
im lặng có phần u uất của mẹ, nó giống như sự tò mò về một thế giới khác lạ. Mẹ
đáp lại anh bằng sự ân cần và ánh nhìn trìu mến. Những lúc ấy tôi không còn thấy
mẹ xa cách nữa.
* * *
Tôi hẹn anh ra bờ sông Hồng ngóng gió cuối tuần. Rất nhiều cặp tình nhân ở
đó, trẻ, nồng nàn và có phần u uất giống chúng tôi. Bất ngờ thay, tôi gặp Minh,
đứa em kế tôi, ngồi một mình ở đó, đôi mắt buồn xa xăm hướng xuống xóm chài như
mong ngóng, đợi chờ. Chưa bao giờ tôi lại thấy em mình nhỏ bé trước từng đợt gió
sông lồng lộng thổi vào đến thế. Em nhận ra tôi bằng ánh mắt buồn, im lặng đến
tội nghiệp. Đấy là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau trong suy nghĩ rằng “chúng ta
là những đứa con hoang”. Thôi thừa biết vì sao em ra sông Hồng ngồi một mình,
chắc hẳn em đang tìm người đàn ông cao to, da ngăm đen có nụ cười rất ấm. Em đi
tìm cha em, điều đó mới tội nghiệp làm sao, cát nơi đây người ta khai thác hết
rồi lại đi, biết đến bao giờ cát lại bồi đầy bờ sông để người quay lại… Ba chúng
tôi ngồi bên nhau. Im lặng. Đó là những buổi chiều vừa ấm áp lại vừa buồn bã
nhất trong cuộc đời tôi.
Ba mẹ anh không đồng ý mối quan hệ của chúng tôi. Có lẽ họ sợ những đứa con
hoang xích lại thành một gia đình rồi sẽ đem đến điều không may mắn vào ngôi nhà
của họ. Họ sợ cái gen của những bậc làm cha, làm mẹ đã để lại trong cơ thể tôi.
Người ta bảo rằng “Lấy vợ phải xem tông…” Ừ thì mẹ tôi là người đàn bà đã trải
qua nhiều mối tình, nhiều người đàn ông, cha tôi còn không biết là ai, thì làm
sao người ta chịu nhận tôi về làm dâu nhà họ. Phải khó khăn lắm anh mới nói với
tôi được những điều ấy. Cũng phải khó khăn lắm tôi mới nói được với mẹ về nỗi
buồn ấy. Lần đầu tiên trong đời mẹ ôm tôi khóc.
Mẹ dẫn tôi bước từng bước vào căn phòng của mẹ. Mùi nhang hương tỏa ra giữa
cái tối âm u khi cửa sổ được kéo kín rèm. Tôi nhìn thấy một ban thờ nhỏ đặt đối
diện với cửa phòng, trên đó là di ảnh một người đàn ông. Ngay lập tức tôi nhận
ra mình đâu đó trong bức ảnh, khóe môi hay cái nhìn buồn buồn, ngờ vực “Bố ơi!”.
Mẹ bảo bố tôi là một tử tù, ông gây án sau khi mẹ sinh tôi không được bao lâu,
chính vì vậy nên bà không bao giờ nói với tôi về ông cả. Tôi cứ lặng
đi…
Một buổi chiều cuối tuần tôi rủ Minh ra sông Hồng. Hai chị em cứ ngồi đó
không ai nói với ai câu nào. Minh vẫn nhìn về phía xóm chài chờ đợi và hy vọng.
Tôi muốn nói với em rằng đừng chờ đợi làm gì, bởi có khi sự thật còn phũ phàng
hơn cả những điều dối trá. Nhưng tôi không dám phá vỡ sự im lặng ấy. Còn anh,
tôi không giấu anh chuyện cha tôi là tử tù, bởi tôi không nghĩ mình không có
quyền đến với anh chỉ vì điều đó. Nếu anh thật sự yêu tôi, anh sẽ biết cách vượt
qua mọi thứ để bảo vệ tình yêu của mình. Chúng tôi cần phải có thời gian, có thể
không dài bằng khoảng thời gian chúng tôi chấp nhận mình là một đứa con hoang.
Nhưng những khoảng lặng bao giờ cũng trở lên cần thiết mỗi khi ta bế tắc. Lạ
thay vào chính lúc này tôi lại rất nhớ một người, không phải là anh, là bố tôi
hay là bất cứ người đàn ông nào khác, mà là tôi nhớ mẹ. Nhớ đôi mắt u buồn, căn
phòng tỏa ra mùi hương và những loài hoa trắng. Tôi giục Minh trở về nhà, bởi
tôi đang rất thèm được ôm mẹ một cái. Thật chặt và ấm áp.
Vũ Thị Huyền Trang