Thursday, October 25, 2012

Đóng thế...


 
“Tôi lao vào giữa đám đông, nhoài người về phiá chiếc quan tài người ta đặt mẹ tôi trong đó. Phía trên là bát cơm người ta đắp đầy ú ụ cùng với một quả trứng. Còn tôi thì vùng vẫy như một con thú bị chặt mất tay chân, máu chảy mà chưa chết. Ánh nắng, mặt trời thì cứ rọi sâu vào mắt, nung nấu và bức bách. Nhưng tôi không thể tiến về phía mẹ dù chỉ nửa bước.
-Mẹ ơi! Đông lắm! đông lắm, họ kìm kéo con này. Đông lắm!
Rồi tôi thấy chân tay mình bủn rủn, không chịu được nữa rồi. Tôi đang khụy xuống dần dần.
Giật thót mình một cái, một đường máu lạnh chạy từ đầu tôi tới gót chân. Tôi nhận thấy ngực mình đang rơi vào trạng thái nửa tỉnh, nửa mơ. Tôi cố dùng hết sức lực để cử động ngón tay, rõ ràng tôi thấy mình cử động, nhúc nhích, rồi tôi đứng dậy, vén màn ra khỏi giường. Tôi chạy, chạy đi đâu không biết. Thế mà hóa ra tôi vẫn nằm im bất động”
Tôi luôn nghĩ tôi là người đóng thế các nhân vật của chính mình. Tôi tạo ra chúng với những hỉ, nộ, ái, ố…quằn quại trong cái đau mà chúng không thể nào dự đoán hay trốn thoát. Đôi khi với công việc ấy tôi thấy mình là kẻ đáng thương. Đôi khi thấy mình là kẻ độc ác. Đôi khi thấy mình là kẻ vô vị hoặc chẳng ra gì. Tôi là một diễn viên xuất sắc nhìn theo một khía cạnh nào đó.
Anh nhăn trán sau khi đọc xong truyện ngắn của tôi. Anh lúc nào cũng khiến người ta cảm thấy anh đang quan tâm đến vấn đề được nói đến, anh sẵn sàng dành công sức, tâm huyết nếu người ta cần. Anh là thế, ít ra là đến thời điểm hiện tại.
-Sao em không cho nhân vật này chết đi?
-Tại sao lại phải chết.
Anh làm điệu bộ với cái vẻ: “Chết là hết chuyện, mọi việc sẽ suôn sẻ hơn”. Tôi im lặng và tự hỏi mình: “Ừ nhỉ, tại sao mình lại không cho nhân vật ấy chết?”. Câu hỏi ấy lập tức được gạt phăng ra “mình có quyền được tạo ra nhân vật của mình theo một lối riêng”. Chấm hết. Tôi lao vào giữa dòng người đông đúc trong thành phố, tuyệt nhiên không còn cảm thấy vướng bận gì về vai diễn của mình. Bởi ngoài đường còn có quá nhiều vai diễn.
Tôi diễn một người có văn hoá để không vượt đèn đỏ, không chửi bậy lúc tắc đường, không vừa đi vừa nghe điện thoại và cố gắng để không săm soi những người bên cạnh mình. Tôi diễn vai một kẻ đủ tỉnh táo, tinh ranh để chẳng bị thằng cướp đường sơ múi của mình bất cứ cái gì, kể cả là một cái nhìn lãng phí. Tôi đóng tất cả các vai có thể cho đến khi tôi về đến phòng trọ, với một niềm mong mỏi rằng không gặp bất cứ ai để khỏi phải thay trang phục diễn. Thế thôi.
Khi nằm một mình trong nhà trọ chưa đầy 8m2, chật chội, nóng nực nhưng dù sao tôi cũng cảm thấy thật thoải mái. Ít nhất là tôi được yên thân. Cũng có nhiều khi tôi cười một mình, khóc một mình, hoặc vừa cười vừa khóc. Tôi nghĩ khi ấy tôi mới thật là chính mình.
                                                * * *
Tôi viết. Viết trong nhạt nhoà nước mắt mảng màu kí ức của riêng mình:
Con nhớ vào một buổi chiều mẹ rẽ nắng sang sông
Mẹ đi lấy chồng
Mẹ làm vợ lẽ
Có mưa bong bóng đâu mà con mất mẹ
Gần hai mươi năm
                                      nắng vẫn buốt tim người.
Không nghĩ rằng có lúc mình lại đau như thế, cơn đau đến tức ngực và ngộp thở. Muốn phá tan bốn bức tường xung quanh, muốn phá tan mảng sông đầy nắng. Muốn chạy nữa…Chạy mãi…trên bờ cát trắng để những dấu chân in ngược tìm thấy mẹ. Nỗi hận đã làm tôi không một lần đủ sức  sang sông tìm mẹ, gần hai mươi năm trời tóc đã đổ sương giăng…
Không biết rằng đã có biết bao nhiêu chuyến đò giăng trong mắt tôi vời vợi đắng cay mỗi lần trở về thăm quê cũ. Tôi biết mình đang chờ đợi trong mỏi mòn hờn giận, thứ hờn giận mà tôi luôn tự phủ nhận, luôn chối bỏ.
Trong các trang viết của mình tôi thường hay viết về những đứa trẻ không có mẹ, nhưng không bao giờ tôi giải thích sự vắng mặt của người mẹ. Như là đối với tôi việc không có mẹ là một điều tất nhiên, chẳng có gì là lạ cả. Hay tôi viết về sự hoảng loạn của những đứa con vẫn mơ giấc mơ hoang mất mẹ. Sự hoang mang đã ăn vào nhân vật của tôi sâu lắm… Có đâu đó những thắc mắc của người đọc, có đâu đó vài lời giải thích bâng quơ…Tất cả đều nhạt nhoà, tất cả đều chẳng làm tôi thay đổi.
Bói.
Lang thang quanh bờ hồ. Không có việc gì làm, thấy có một người đàn bà ngồi xem bói. Nổi hứng, thế là bói. Thầy phán những điều rất vòng vo, ngoằn nghoèo, kể cả những lời hoa mĩ mà văn chương của tôi chưa khi nào dùng đến cả. Thầy bảo:
-Cái số này là phải hai lần đò mới ổn. Nếu không thì ở goá.
Cười.
Thấy bảo:
-Lấy chồng muộn thôi, thì còn may chăng yên ổn.
Cười. Hỏi:
-Yên ổn là sao thưa thầy?
-Là chỉ phải đi một lần đò thôi, chỉ có điều tình cảm vợ chồng không được mặn nồng cho lắm.
Phá lên cười.
Thầy bảo:
-Cười là mất thiêng.
Im tịt. Không phải vì sợ.
Thầy lại bảo:
           -Con mồ côi phải không?        
Gật đầu. Không hiểu sao tôi lại gật đầu không một phút đắn đo. Chợt thấy buồn. Bố tôi vẫn còn. Mẹ tôi vẫn còn. Bố tôi chỉ đi theo một người đàn bà. Mẹ tôi chỉ đi theo một người đàn ông. Tôi ở lại một mình, thế có phải là mồ côi không nhỉ?
Tự nhiên sống mũi cay cay. Bảo thầy:
-Thôi thầy ạ. Hết bao nhiêu tiền con gửi, thầy đừng xem nữa.
Thầy bảo:
-Tuỳ tâm.
Chẳng biết mình rút tờ xanh hay tờ đỏ. Mọi thứ cứ nhạt nhoà, chóng vánh.
Đi.
Không biết là sẽ đi đâu. Cứ lên xe và nổ máy. Hình như đã đi qua ba cái đèn đỏ, hai cái đèn xanh vẫn chưa thấy cái đèn vàng. Lại đi…ý nghĩ kéo tôi đi vô định…
                                         * * *
Từ đó tôi bắt đầu sống ở một thế giới khác, cái thế giới chìm nghỉm, nghẹt thở như khi mình bị người ta bịt mũi ghì nằm xuống mà hù dọa. Thế giới ấy chắp nối, nó hoang tàn, rơi vãi những cái đời thường mà hàng ngày tôi vẫn gặp. Nó cũng là vùng đất mới với những cảnh vật và con người mới. Tôi lại nghĩ đến những câu chuyện cổ tích đầy tốt đẹp. Tôi cũng có những giấc mơ, nhưng nó không đẹp, những giấc mơ mọc ra từ những chiếc gai nhọn hoắt đâm vào tôi, lăn xả vào tôi. Tôi mơ thấy mình lao xuống một vực thẳm mà chưa ai nhìn thấy đáy. Những đốm xanh đỏ, tím vàng, quấn tôi xuống, xoay tôi chóng mặt. Tôi gọi rất to nhưng cũng chỉ như người đứng giữa vách đá. Tiếng hét đập vào vách vang xa, chỉ tưởng thế rồi chưa thấy đáy đâu thì tôi đã bị xoáy vào một đám ma. Khăn tang trắng con đường quê tôi. Tôi thấy mẹ tôi chết. Rồi tôi cứ khóc kiệt sức mình rồi lại tỉnh. Tôi cứ trông chờ vào những câu chuyện cổ tích, vào những ông bụt bà tiên. Nhưng tôi đợi mãi…”
Lại viết. Viết như một bản năng mà dường như lại không phải bản năng. Định nghĩa về bất cứ thứ gì tồn tại đối với tôi đều không khó, nhưng cứ mỗi khi định nghĩa về bản thân là mọi thứ đều rối tung, rối mù lên cả. Kệ. Thế mới là cuộc đời - Một cuộc khổ ải - Hay là một cuộc chơi thú vị.
Lại buồn, chẳng hiểu sao dạo này mình lại trở nên bất cần như thế.
Mồ côi
Mồ côi
Mồ côi
Thấy chán ghét cụm từ đó vô cùng nhưng nó lại luôn ám ảnh. Đôi khi hơn cả chán ghét là nhói đau, là hờn giận. Không muốn đổ vào đầu nhân vật thế là tắt đèn đi ngủ. Trằn trọc mãi tự nhiên thấy buồn. Cô đơn. Trống rỗng. Thấy mình đúng là mồ côi thật. Chẳng có bất cứ ai bên cạnh cả. Nếu mà mình ốm thì sao nhỉ? Ai sẽ đắp khăn cho mình? Ai nấu cháo cho mình? Ai sẽ dặn mình đừng nằm nhiều, phải đi lại cho đầu óc thoải mái? Ai? Ai? Ai?
Nước mắt chảy dài. Buồn như chưa bao giờ được buồn như thế nếu không muốn nói là đang tuyệt vọng và chán nản. Không muốn nói là cuộc đời vô vị, là mình đang muốn chết.
Thế thôi!
                                                * * *
Chẳng hiểu vì sao lại chọn nghề văn, chẳng hiểu vì sao lại chạm tim đau nhiều thế. Bảo đừng nhớ những cái cần phải quên thì lại nhớ, nỗi nhớ như là mặc định. Đôi khi chẳng hiểu nổi mình với những nỗi buồn vời vợi. Những câu văn đau, những nhân vật phải thay nhau lên giàn thiêu mà cuộc đời vẫn chưa thanh thản. Đôi lúc nhận ra một sự thật mà không biết nên buồn hay lên vui nữa rằng cuộc đời tôi cũng chỉ là một nhân vật bất đắc dĩ trong cuốn tiểu thuyết dài kì của thượng đế mà thôi. Chẳng biết cuối cùng thì thượng đế sẽ cho tôi chết hay là sống, sống hạnh phúc hay là đau khổ nữa…Đôi lúc không muốn cố gắng. Cứ ngồi yên một chỗ. Và phó mặc.
Nhưng ngồi yên thì ngòi bút lại đi, ngòi bút đi vào tâm can con người như vạch ra từng tia máu.
Đôi khi cho nhân vật mình cười nhưng chính mình lại khóc.
Đôi khi cho nhân vật chết đi như chính mình cũng đang phải gặm nỗi đau ấy rồi chết dần mòn.
Đôi khi muốn giết quách cái nhân vật ấy đi mà vẫn phải mỉn cười với nó.
Đôi khi…
Có hàng trăm cái “đôi khi” làm tôi chảy máu. Thế là lại phải đi. Đi để biết nhiều hơn về cuộc đời để đừng chỉ viết về nỗi đau của riêng mình mãi. Có ai đó đã nói rằng nếu người viết cứ mài mòn mãi kỉ niệm, kí ức mà không chịu đắp bồi thì cũng sẽ có ngày trắng tay, nghoảnh đi nghoảnh lại chẳng còn gì mà viết. Có phải tôi đang sợ đích danh điều đó hay không, hay là tôi chỉ đang sợ một điều gì đó còn xa vời lắm…
                                               * * *
“Cũng không nhớ nổi khi nào và bằng cách nào tôi thoát ra khỏi cơn ác mộng hãi hùng như thế. Chỉ biết sau một tháng hành hạ đầu óc và thể xác, tôi mòn mỏi đi nhiều. Các khớp đau dã dời, lưng đã gù càng gù hơn. Đầu tôi ong ong như tiếng trống đám ma, tiếng khóc mướn, tiếng cuốc xẻng va nhau đào huyệt. Trời đất! Tôi sớm muộn gì cũng sẽ thần kinh. Thà thế còn hơn, suy cho cùng sướng nhất vẫn là người vô âu vô lo. Mà là người ai chẳng phải lo nghĩ, chỉ những thằng đần độn, ngớ ngẩn và thần kinh là sướng. Nhưng nhỡ đâu, thần kinh có cái khổ của thần kinh thì sao nhỉ? Thế thì tôi biết phải làm sao? Làm sao bây giờ chứ? Tôi bóp gì hai bàn tay vào hai thái dương. Cảm tưởng như mười đầu ngón tay đang tụ máu. Một ý nghĩ tội lỗi man rợ chợt loé lên. Tôi cười, nụ cười đỏ nhoét, toàn máu ở chân răng: “Sao mẹ không chết đi? Chỉ cần mẹ chết là mình không phải suy nghĩ về bất cứ điều gì. Mình cũng thôi bị ám ảnh. Phải! Sao bà không chết quách đi chứ?
Ai ngờ mấy tháng sau mẹ tôi ốm  thật. Khi bà ốm người ta mách tôi lên tận Sapa lấy thuốc nam may ra mới cứu được mẹ. Tôi lì lợm không đi, cứ đứng chân giường nhìn mẹ trừng trừng tưởng như con người hoá đá tự bao giờ. Cha tôi đưa mẹ xuống bệnh viện trung ương. Bệnh khám đúng, thuốc phát đủ. Vậy mà tim mẹ đập ngày càng yếu đi. Vì bà không lúc nào ngủ hay nhắm mắt. Bà cũng cứ nhìn tôi trừng trừng. Bỗng nhiên lúc ấy, trong tôi sôi lên lòng căm thù mẹ cùng những câu chuyện, những quẻ bói ám ảnh, đeo đẳng bào mòn tôi. Rõ ràng tôi thấy tôi lao vào mẹ, gì chặt cổ đến khi mắt bà trắng dã không nói lên được một lời. Không! Là tôi vẫn ngồi cuối giường, chỉ nhìn mẹ thôi, hai tay vẫn đặt lên đầu gối. Bố và anh tôi bên cạnh mẹ. Sao lại thế. Bác sỹ vào lắc đầu thất vọng. Mẹ chết, mẹ ra đi thật. Tại sao tôi cũng không hiểu được nữa…
Trong cơn mơ, bao giờ đám tang mẹ tôi cũng kêu gào thảm thiết. Nhưng lần này, lần thật sự này, tôi lại không mảy may rơi một giọt nước mắt. Tôi câm lặng bên mọi tiếng kêu gào. Tôi không khóc.”
Bế tắc.
Đôi lúc bế tắc không biết phải viết tiếp như thế nào nữa. Rồi hoang mang… “Phải chăng nhân vật này sẽ không thuộc về mình nữa”. Những lúc như thế tôi thấy dường như tôi không chỉ bất lực trong trang viết mà còn đang bất lực trong chính cuộc sống đời thường. Những lúc như thế tôi hay khoá cửa lại và đi lang thang…Không chủ định là đi đâu, cứ để cho đôi bàn chân bước theo quán tính riêng của nó. Như thế đôi khi cũng hay. Ta giải phóng cho một cái gì đó để lơi lỏng chính cái thòng lọng đang thít chặt cổ ta, thít chặt vào cuộc sống của ta.
Hà Nội những buổi chiều mùa hè ngột ngạt hơn mức người ta vẫn nghĩ về nó. Bụi đường và khói xe vô hình đã ủ lên khuôn mặt bao người một màu sắc khác, mùi vị khác. Vì thế mà không ai muốn cười với ai, không muốn nói chuyện với cả người thân mình đang ngồi đằng sau nữa. Đôi khi chả vì một cái gì người ta cũng sẵn sàng cáu gắt. Và đôi khi tôi cũng muốn gây sự với bản thân mình, cũng chẳng rõ vì một lý do gì nữa.
                                                * * *
“Hóa ra tôi tự đặt cho mình nhiều cuộc đối thoại, tự gây những xung đột tạo nên cảm xúc. Tự dày vò bản thân. Tôi làm thế để làm gì nhỉ? Tôi cũng không biết nữa. Tất cả cứ diễn ra như một quy luật, như một nhu cầu tự nhiên mà tôi cũng không bao giờ nắm bắt được. Tôi nói lảm lảm như thế ở bất cứ nơi nào, miễn là lúc đó không có người, tôi nói khi trong vườn chỉ có những cây xoài già nhăn nhó mình dưới nắng tháng mười. Tôi nói khi đàn gà con rúc mình vào bóng mẹ trong một buổi sáng mùa đông. Tôi nói khi chỉ còn tôi phả chiếc bóng lên tường biểu diễn những màn kịch câm vô thức, tôi nói cả trong nhà xí nơi tôi chốn mình ngồi hàng giờ, nghĩ vẩn vơ. Tôi nói khi ngọn lửa tôi cời vẫn trỗi dậy những khát khao… Còn khi có mọi người xung quanh, tôi vẫn tự tạo cho mình những cuộc đối thoại trong tâm tưởng và bị nó nhấn chìm, cuốn đi, xoáy tít, rồi cũng chẳng biết khi nào tôi tỉnh lại, trở về cuộc sống đời thường? Nhưng ngay cả khi sống trong thế giới của riêng mình, tức là cả khi tôi đang thức tôi vẫn luôn luôn gặp những cơn ác mộng hành hạ tâm trí. Rõ ràng tôi đang ngồi trước mặt mẹ, mẹ đang cặm cụi giã lạc muối, bàn tay mẹ nện chày đều đều. Vậy mà trong óc tôi bỗng hiện ra một thế giới khác. Những vòng hoa mưa gió tàn rũ, đất đỏ hiện ra. Nghĩa địa buồn thê thảm. Tôi khóc tự bao giờ, mà đến khi mẹ giật giọng tôi mới cảm nhận thấy hai hàng nước mắt chảy dài trên má.”
Đêm mơ!
Mơ thấy mình bị bỏ rơi trong một hoang đảo. Không hiểu cái gì đã lôi tôi vứt vào giữa cái thế giới cô đơn ấy, chỉ biết khi tôi tỉnh dậy trong hoang đảo không có cả tiếng một loài chim, không cả tiếng gió. Chỉ tiếng sóng biển vỗ vào cõi hoang mang sâu thẳm. Tôi đã chạy…chạy…chạy mãi vẫn chỉ thấy tiếng bước chân mình vọng lại khoảng không bất tận. Khi tôi sắp ngã quỵ xuống bãi cát vàng tôi giật mình vừa vui mừng, vừa hoảng sợ vì bắt gặp một bóng người đang trải dài phía trước nhưng hoá ra đó chỉ là chiếc bóng của chính tôi. Tôi cô đơn đến tuyệt vọng, tôi hú tiếng hú của vượn gọi bầy, tiếng hú hoang rợn đến mức làm tôi bừng tỉnh và thoát khỏi cơn mơ ấy. Nhưng hoang đảo thì vẫn còn tồn tại trong tâm trí tôi mãi tận sau này. Tôi biết chắc là như thế.
Căn phòng của tôi đêm đó là một hoang đảo ghê sợ. Khi tôi tỉnh dậy, tôi sờ xung quanh giường tôi chỉ thấy một khoảng không, một sự trống rỗng đến tột độ. Không một chiếc gối, không một mùi mồ hôi khác…Và nhận ra rằng đã lâu lắm rồi…Lâu lắm mình cũng không có cả thói quen sờ sang bên cạnh để tìm một chỗ dựa, tìm một hơi ấm thân quen.
Bất chợt! Tôi úp mặt vào bàn tay của mình đang run lên vì cô đơn và khóc. Khóc nức nở, khóc như thể đó là thủ tục cuối cùng của sự sống để rồi mãi mãi không còn tồn tại nữa. Càng khóc càng thấy mình cô đơn, cô đơn hơn cả khi đang ở trong hoang đảo…Tôi chợt nhớ mẹ quay quắt. Tôi thèm được gọi một tiếng “mẹ” vô cùng. Thế là hình như tôi đã gọi trong nỗi cô đơn ấy nhưng hình như không ai trả lời. Tôi vẫn khóc. Tôi nhớ lúc bé mỗi khi đêm gặp ác mộng, khi tỉnh dậy tôi vẫn thường quờ tay sang bên cạnh để tìm mẹ, rồi thể nào mẹ cũng ôm tôi vào lòng và nựng. Mẹ nựng khéo lắm, mẹ bảo trên đời này không hề có ma. Người sống còn không sợ thì làm sao mà phải sợ ma cơ chứ. Mẹ nói rất nhiều nhưng bao giờ tôi cũng rúc vào nách mẹ ngửi cái mùi mồ hôi ấy mà ngủ tự lúc nào. Tuyệt nhiên không còn cảm thấy hoảng sợ nữa. Đêm bình yên đến lạ.
Đêm nay muốn với tay thấy mẹ biết chừng nào nhưng nhận ra rằng mẹ đã xa vời vợi. Không hiểu là tôi đã buông tay ra khỏi mẹ hay là mẹ đã buông tay tôi trước, chỉ biết lúc nghoảnh lại thì đã chẳng thấy mẹ đâu nữa. Bỗng nhiên tôi thành đưa trẻ mồ côi.
Sáng ra!
Muốn sải cánh về dòng sông quê đi tìm mẹ.
Cái cảm giác đầu tiên khi lao vào giữa dòng người là một nỗi vui mừng xen lẫn sợ hãi. Vì tôi nhận thấy rằng cái thế giới mà tôi đang sống không phải là một hoang đảo, trái lại nó đang tắc nghẽn vì đông đúc những người với người. Nhưng bụi đường và khói xe lại làm tôi thấy cái mơ ước đi tìm mẹ  mới ngột ngạt làm sao, phù phiếm làm sao.  Đường Hà Nội vẫn làm cho người ta thấy ngột ngạt hơn những gì mà bản thân tưởng tượng.
Thế thôi!
                                                * * *
Đến cơ quan.
Bác bảo vệ lừ mắt chỉ vào chỗ để xe cố định. Chả hiểu ai đã phân luồng như thế, nhưng cứ hôm nào tôi mải nghĩ ngợi lung tung mà lơ đãng cái bổn phận của mình là y như rằng bị nhắc nhở. Lại một ngày thần kinh không ổn định. Biết là thế nhưng không tài nào chấn chính nổi.
Anh xoay xoay cốc cafe, trầm ngâm nhìn xuyên vào những đốm nắng đầu tiên.
Hỏi:
-Lại cafe à?
Anh nhún vai rất điệu nghệ:
-Giải trí ấy mà. Sao hôm nay mặt cô em hốc hác thế? Bị phụ tình à?
Choáng.
Anh chưa bao giờ ăn nói với tôi bằng cái giọng bụi đời và “vô tâm hoá” thế. Cứ như giữa tôi và anh chả hề quen biết gì. Cứ như tôi chỉ là kẻ phục vụ bàn, hỏi anh uống thứ nước gì và bị anh đáp lễ bằng những câu đầy lễ độ như thế đấy. Cảm giác ngay lúc này là mình đang sống giữa một tập thể nhưng chẳng khác gì hoang đảo. Tránh không nhìn sang phía ấy, muốn bịt tai để những giọt cafe đừng rơi nhấm nhẳng như nỗi cô đơn đang gặm nhấm.
Bật máy tính. Lại viết. Chả thể làm gì khác là chốn vào các trang viết cả. Gõ loạch coạch, thấy mọi thứ dường như cũng suôn sẻ nhưng tự nhiên lại bôi đen và ấn enter, rồi tắt luôn. Biết không thể phục hồi được nữa, cũng không muốn phục hồi. Muốn đi bụi thật, bỏ lại vô số lề thói và nguyên tắc để đi bụi một lần. Dĩ nhiên là đi một mình, dĩ nhiên là chẳng có ai để ý xem tôi đi đâu và làm gì vào bất cứ khoảng thời gian nào. Ở đây mọi người không có thói quen như thế, cũng như họ có thói quen dửng dưng với mọi việc xảy ra xung quanh mình. Chỉ có thể là một người thật sự quan trọng mới quan tâm và lo lắng, nhưng tôi thì lại không có được điều đó.
Bịt kín mặt và lao ra đường, nếu có ai đó gọi tôi là con điên cũng đúng. Tôi đang điên loạn vì sự bức bí phát ra từ chính trong từng đường gân, thớ thịt, từng mạch nguồn suy nghĩ. Tôi biết nếu bản thân không giải phóng được thì rất có thể nó sẽ bốc cháy lên giữa đường Hà Nội như cái xe máy mà tôi đã từng chứng kiến. Thế đấy, cuộc đời tôi là thế đấy.
Chạy xe vẩn vơ. Đèn đỏ. Đèn xanh. Dừng. Đi…Cứ thế! Cảm giác như nghe thấy tiếng kêu u u phát ra từ trong óc, chắc tại nó khô khốc quá, nó cũng đòi tra dầu mỡ như bất cứ một bộ máy nào khác. Nó đã quá tải, nó không được quan tâm thường xuyên và đúng mức hay nó không có những liều thuốc tinh thần thú vị? Tất cả đều đúng hoặc tất cả đều sai…Chẳng mang lại một ý nghĩa gì. Xe vẫn cứ lao trên đường phố, đôi khi phanh kít lại. Nhận ra vô khối cái đầu cần tra dầu mỡ chứ chẳng riêng gì mình. Thấy vui vui, chẳng hiểu vì sao lại thế.
Bỗng!
Gió thổi lạnh gáy, người qua lại bên cạnh mình ít dần đi. Nhận ra mình đã lao đi vun vút về phía ngoại thành. Lại đi, có một cái gì đó cứ kéo mình đi mãi cho đến khi ngửi thấy một mùi vị quen thuộc, một ánh nhìn quen thuộc: “Quê hương”. Không tin nổi mình đã phóng đi hơn một trăm cây số trong vòng mấy tiếng đồng hồ. Phóng đi như một con điên.
                                                * * *
Mộ của bà cỏ hoang đã mọc rất nhiều. Có lẽ một cơn mưa nào đó vừa mới đi qua, một bàn tay ai đó vừa sờ lên cỏ vẫn còn ấm lắm. Hay là nước mắt, nước mắt của một người cháu có kí ức tật nguyền để rồi lớn lên kì thị chính miền quê đã sinh ra mình và bỏ rơi luôn nấm mồ của người đã cưu mang mình từ tấm bé.
Khóc.
Khóc như một lần nữa thấy mẹ sang sông đi lấy chồng bỏ lại tôi cùng đống đồ hàng mồng tơi, không người ngã giá. Để mỗi chiều đi học về phải đối mặt với lũ chăn bò hay chặn đường bắt nạt: “Đồ mồ côi. Đồ không có ai nuôi. Đồ bị bỏ rơi. Lêu lêu! Lêu lêu!” Nó giống như một chuỗi nhạc khủng khiếp của tuổi thơ mà thi thoảng trong những giấc mơ vội vã của mình tôi vẫn bắt gặp.
Luôn tự dối lòng mình rằng: “Mày chỉ là một đứa trẻ bị mồ côi không hơn không kém. Bố mày đã chết. Mẹ mày đã chết. Người thân duy nhất của mày là bà nội cũng đã về với đất lâu rồi”. Nhưng trong tận thẳm sâu vẫn thấy một nỗi tủi hờn cứ chực trào dâng. “Còn biết tủi hờn, còn biết ghét giận là còn biết yêu thương nhiều lắm”. Đột nhiên tôi thấy sợ cái suy nghĩ của chính mình. Tôi không muốn phải công nhận rằng tôi đang giận mẹ, tôi không muốn công nhận rằng tôi còn có bố mẹ trên đời. Điều ấy làm tôi bị tổn thương. Tôi đã cố chối bỏ nhưng tôi đang khóc, tôi ngửi thấy mùi của phù xa, của sóng sông của cát trắng phía bờ bên kia vời xa ấy…
 Nó lững thững đi tìm…
-Ai… đ…o…ò..na…ò! A…i đò đ.i..i...i!
Nghe chênh chao mặt sóng. Người lái đò ca câu gì nghe buồn đến mức không nhớ nổi. Rồi nhìn tôi chằm chằm. Hỏi:
-Sang sông tìm mẹ phải không cháu?
Chẳng hiểu sao tôi lại gật đầu. Người lái đò đẩy mạnh tay lái rồi nhìn phía xa xa, nơi cánh chim chiều đang bay về tổ.
-Mẹ cháu chết rồi, còn tìm chi nữa. Tro còn tưới bến sông này.
Nghe như bầu trời vừa rơi xuống dòng sông trống rỗng. Sóng nước chênh chao, ngả nghiêng như trận bão lớn đang về. Tôi gọi mẹ. Tôi gọi rất to nhưng mẹ không đáp lại:
-M…ẹ…Ơ…i…i….i…!
                                                * * *
Tôi bỏ nhà lên chùa đòi sư bà cắt tóc đi tu. Cha tôi tìm gặp căn ngăn. Lạy cha. Tôi khóc. Người thân trong gia đình không hiểu tại sao. Sư bà nhìn lại, nói những lời không trọng lượng:
-Lòng con đã thật sự tĩnh chưa? Quên hết mọi chuyện đời trần tục hay chưa? Nếu không, có cạo đầu, tụng kinh cũng vô tác dụng.
Tôi gật đầu:
-Lòng con đã tĩnh.
Mà trong lòng gào lên cơn cuồng phong dữ dội.
Anh trai lên thăm, tôi không ra tiếp. Sư bà gật đầu:
-Đã quyết, ắt con làm được.
Ai ngờ tiếng gõ mõ tụng kinh chính là màn cười man rợ của mẹ vọng về.
Tôi ốm liệt giường mấy ngày. Sư bà vào ra không nói một lời. Tại tiếng gõ mõ tụng kinh át đi! Lại là mẹ hiện về rất gần đây thôi, bên tay tôi, đúng rồi,  bên má tôi. Đòi móc mắt tôi.
Tôi lao ra khỏi phòng, ra gian thờ chính giằng bộ mõ của sư bà quăng ra khỏi cửa. Tôi lao ra ngoài, hoảng loạn.”
Tôi nhận ra rằng không phải tôi đang cầm ngòi bút để tạo ra các nhân vật của mình với các số phận khác nhau. Không phải tôi tôi đang bỏ mặc chúng với những hỷ, nộ, ái, ố của cuộc đời…Mà chính là chúng đang bỏ mặc và cười nhạo tôi đấy chứ. Chúng cười tôi cả đời phải đi đóng thế, cả đời không sống nổi với bộ mặt của chính mình. Chúng cười tôi giả dối, cười trái tim mềm yếu của tôi không dám đối mặt với kí ức tật nguyền, không dám tha thứ, không dám yêu thương. Chúng đang coi tôi là loài búp bê đặc biệt, thứ búp bê hoàn hảo đến tội nghiệp.
Cuối cùng đời trả thù lao cho những vai diễn của tôi bằng một cái kết đau đớn nhất. Thế là tôi đã mồ côi thật, tôi bắt đầu hoảng sợ về cái sự thật ấy. Tôi sợ thành phố, tôi chạy chốn con người và công việc. Tôi muốn tìm cho mình một hoang đảo thật sự. Nơi mà tôi không phải đóng bất cứ vai diễn nào trên đời. Nơi chỉ tôi đối mặt với chính tôi.
Cũng may trong phút hoảng loạn ấy, tôi chợt nhớ ra rằng tôi còn cha tôi. Người cha đã bỏ mẹ con tôi theo một người đàn bà khác. Tôi không biết mình có còn đủ sức cho một cuộc kiếm tìm nữa hay không. Nhưng tôi vẫn sẽ ra đi…
                                                              9-6-2009

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

4 comments:

  1. Cháu vẫn thường có truyện mới luôn đấy chứ? Chiều tối chú sẽ đọc. Chúc cháu vui, khỏe!
    http://nguyenhuuduyen.blogspot.com/

    ReplyDelete
    Replies
    1. Dạ! Cháu rất vui vì chú đã ghé thăm ạ! Chúc chú của cháu nhiều niềm vui ạ!

      Delete
  2. Chú đọc mà cảm thấy rất là bức bối. Một áp lực của con chữ. Có gì đó dằn vặt quá nhiều trong thế giới nội tâm. Và khi đọc truyện này, chú không nghĩ là cháu còn quá trẻ, bởi chú thấy sức truyền tải rất mạnh được toát ra từ nhân vật trung tâm của câu chuyện! Chúc cháu vui! Thân mến!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cháu viết nó khi mà cháu cũng thấy bức bối trong chính mình chú ạ. Khi viết xong, cháu đã thấy nhẹ lòng hơn hơn.
      Cảm ơn chú đã luôn dõi theo cháu!

      Delete