Saturday, February 16, 2013

Bạn biết gì về mùa xuân?


       
                                           
Câu hỏi ấy Khôi đã lặp lại nhiều lần mỗi khi đứng từ phía sau nhìn tôi vẽ. Tôi hay vẽ những bức tranh rực rỡ về mùa xuân rồi mang treo khắp trong ngôi nhà rộng lớn của mình. Tôi thích mùa xuân nhiều màu sắc và luôn luôn tươi mới, tràn đầy sức sống tựa như con người tôi vậy. Tôi ít khi buồn phiền, có thể vì tôi may mắn được sinh ra trong một mái ấm gia đình hạnh phúc. Lớn lên trong sự bao bọc đủ đầy, sống giữa cảnh thiên nhiên chan hòa khiến tâm hồn tôi thư thái. Nên khi nghe Khôi hỏi vậy, tôi vẫn không thôi ngắm nhìn những bông hoa rực rỡ trong tranh. Mùa xuân là gì ư? Rất đơn giản “mùa xuân là hạnh phúc”. Nhưng sao mắt Khôi buồn?
Khôi về làm bạn cùng tôi từ năm tôi lên lớp sáu. Mẹ xin Khôi trong một ngôi chùa về làm con nuôi. Khi mẹ dẫn Khôi về, nàng nhìn tôi đầy vẻ sợ sệt, trên tóc nàng vẫn còn dính bụi rơm vì suốt ngày ngồi tết chổi cho chùa. Từ khi về nhà tôi, Khôi có hẳn một căn phòng riêng, những bộ váy rất đẹp và cả thầy giáo riêng kèm cặp Khôi đánh vần từng chữ cái. Hai đứa bằng tuổi nhau, mẹ dặn Khôi phải làm em nhưng tôi thích chúng tôi là bạn. Khôi xinh đẹp như một nàng công chúa và rất đỗi dịu dàng. Công việc hàng ngày của Khôi chỉ là làm bạn cho tôi đỡ buồn và rèn cho tôi tính ngăn nắp, gọn gàng. Khôi thường ngồi im lặng nhìn tôi vẽ, cũng đôi khi ngồi làm mẫu cả mấy tiếng đồng hồ một cách tận tụy. Tôi thích sự động viên lặng lẽ ấy nó giống như mạch nước ngầm mát trong tưới đẫm tâm hồn và nguồn xúc cảm trong trẻo nơi tôi. Chúng tôi lớn lên và gắn kết bình yên bên nhau như thế.
Khôi trầm tính, đôi mắt buồn khiến khuân mặt nàng càng thêm đẹp đến hút hồn. Tôi thường bảo mắt Khôi là giếng khơi, nàng chỉ cười bẽn lẽn trông rất dỗi dịu dàng. Nàng có thói quen ngồi nghe tôi kể đủ thứ chuyện trên đời mà chuyện nào cũng một màu hạnh phúc. Nàng quen mặt, biết tính tất cả những đứa bạn hay ghé qua nhà tôi. Quen đến mức khi ra mở cổng nàng nhìn mặt chúng là biết đứa nào qua hỏi bài, đứa nào qua mượn sách còn đứa nào lại sang dụ dỗ tôi cho mượn máy tính chơi điện tử. Trong số những đứa bạn của tôi nàng quý nhất Phong. Đối với Phong nàng cư xử cũng ân cần và  dịu dàng như với tôi vậy. Nhiều lúc tôi đùa:
-Khôi thiên vị Phong nhất đấy nhé! Lý do là gì đây nhỉ?
Khôi cười:
-Có người ghen tị kìa?
-Quân mà thèm ghen tị à? Chỉ hơi tò mò chút thôi. Hay là Khôi đã chót thương chót nhớ người ta? Hay là…
Khôi nguýt tôi một cái rõ dài, nói người đâu mà chỉ tài tưởng tượng những chuyện không đâu. Khi đó chúng tôi mười tám tuổi. Căn nhà tôi ở trống trải hơn do bố mẹ bận những chuyến công tác dài ngày. Nhưng ngoài khu vườn rộng rãi thì vẫn luôn rực rỡ sắc màu của các loài hoa và ríu rít tiếng chim chuyền. Đó là điểm nhấn trong những bức tranh tôi vẽ. Khôi vẫn lặng lẽ đứng nhìn tôi từ phía sau như chiếc bóng.
                                               * * *
Thi thoảng Khôi hay gợi chuyện về một vấn đề nào đó để chúng tôi tranh luận sôi nổi. Ấy là những ngày mưa, khi lòng tôi không đủ tươi vui để thả hồn vào bức tranh còn dang dở. Thói quen ấy có từ khi Khôi đủ lớn khôn để cảm nhận được cuộc sống xung quanh bằng ánh mắt buồn thăm thẳm. Có lần Khôi hỏi:
-Sao không bao giờ Khôi thấy Quân vẽ về những góc khuất của cuộc sống vậy?
-Quân chỉ vẽ những gì mình thích và am hiểu.
-Như thế không sợ thành nghệ thuật một màu sao?
Tôi phá lên cười:
-Khôi thì biết gì về nghệ thuật mà nói như đúng rồi vậy chứ?
-Quân nói thế là Quân coi thường vị khán giả trung thành của mình rồi đấy nhé. Những sắc màu rực rỡ thì cần cho cuộc sống thật nhưng nỗi buồn vẫn thường là thứ chạm đến lòng người nhất đấy.
-Biết vậy nhưng nghệ thuật cũng không thể bắt đầu bằng những điều mà vốn hiểu biết của mình là mỏng manh, hời hợt.
-Vậy tại sao Quân không dành thời gian hòa vào cuộc sống muôn màu ngoài kia để sống và cảm nhận?
-Nhưng Quân yêu cuộc sống của mình đang có. Nghệ thuật chẳng có lỗi gì về điều đó cả.
-Đấy! Chính cách nghĩ và cách sống ấy mới là hời hợt.
Chúng tôi thường kết thúc cuộc tranh luận bằng tiếng thở dài của Khôi. Tôi thường là kẻ thua trong những cuộc tranh luận kiểu ấy, có đôi điều đọng lại trong suy nghĩ của tôi. Nhưng rồi cuộc sống rực rỡ ngoài kia lại cuốn tôi vào những đam mê bất tận. Thứ đam mê không có chỗ cho nỗi buồn, cho những lo toan. Bởi tôi luôn nghĩ tại sao lại phải than khóc khi cuộc sống xung quanh mình quá đẹp. Tiếng than khóc ấy sẽ trở lên lạc lõng và kệch cỡm. Chi bằng ta hãy cất tiếng ca vui của con tim đang căng tràn hạnh phúc.
Mẹ thi thoảng trở về nhà sau đợt công tác nước ngoài, bà nhìn những bức tranh tôi vẽ với vẻ hài lòng. Bà ngắm chúng khá lâu và hỏi tôi:
-Con cảm thấy vui chứ?
-Vâng. Thế còn mẹ, mẹ có thấy vui không?
Mẹ tránh ánh nhìn của tôi, nén một tiếng thở dài rất nhẹ và bảo:
-Mẹ vui. Vui chứ!
Tôi không mấy băn khoăn về tiếng thở dài của mẹ, cứ nghĩ chắc là vài ba chuyện làm ăn không suôn sẻ rồi sẽ tốt đẹp cả thôi. Những bức tranh lại cuốn tôi đi theo từng ngày lấp lánh. Khôi vẫn ở bên cạnh đời tôi thầm lặng. Thi thoảng nàng hỏi những câu hỏi không đâu về công việc của cha mẹ tôi, về những chuyến đi dài của họ. Nàng hỏi những điều ấy cũng bằng thừa bởi vì tôi chẳng mấy khi bận tâm đến công việc và thế giới riêng của cha mẹ mình. Tôi chỉ cần thấy họ trở về nhà một tháng đôi, ba lần. Ngồi ăn chung với nhau một vài bữa cơm, vui vẻ cười nói bên nhau thế là quá đủ. Còn những điều khác biết cũng chẳng để làm gì, ai chẳng có một mảnh trời riêng với nhiều mối quan hệ và ngập tràn xúc cảm.
Nhưng Khôi thì khác, nàng quan tâm đến mọi thứ xung quanh một cách tận tình, thấu đáo. Ngay cả đến mấy con mèo nhỏ dường như nàng cũng thuộc tính nết từng con. Nàng tường tận gia cảnh của người làm vườn, thuộc làu câu chuyện tình yêu của chị nhà bếp với một anh bộ đội chuyên nghiệp đóng quân mãi tận Yên Bái. Nàng còn nhớ cả ngày giỗ vợ bác lái xe. Nàng biết mẹ tôi thích màu gì, món ăn gì, loại đồ uống hoa quả nào. Nàng như một cuốn từ điển sống mà hễ động đến cái gì tôi cũng đều phải hỏi nàng. Nhưng hỏi rồi lại quên, tôi chẳng có thói quen lưu những thứ lặt vặt ấy vào bộ nhớ. Thi thoảng Khôi cũng trách khéo tôi về điều ấy. Nàng bảo:
-Đến một lúc nào đó khi chỉ còn lại một mình Quân với thế giới này Quân có buồn không? Có còn bình thản ngồi vẽ tranh được hay không?
-Tại sao lại không chứ? Nhưng điều đó sẽ chẳng bao giờ là hiện thực vì Khôi thấy đấy cuộc sống của Quân đang rất trọn vẹn. Có một gia đình hạnh phúc và những người bạn tốt như Khôi, thử hỏi còn gì vui hơn nữa. Mà tại sao tự nhiên Khôi lại hỏi vậy, có gì bất an sao?
-À không! Chỉ là đôi khi chúng ta phải học cách đón nhận cả những điều tồi tệ nhất để tồn tại. Như thế thì đến một ngày nào đó khi cuộc sống không được như chúng ta mong muốn thì cũng sẽ đỡ hẫng hụt hơn.
Tôi nhận ra điều gì đó bất ổn trong những câu nói của Khôi nhưng những ngày sau đó vẫn trôi đi bình lặng. Khôi vẫn giữ thái độ bình thản, chỉ thi thoảng lại hỏi tôi những câu hỏi vu vơ. Hỏi rồi lại thôi như thể chẳng có việc gì thì hỏi chơi, hỏi để giết thời gian thôi nên tôi vì thế mà cũng quên khuấy mất.
Khôi đi học một trường trung cấp nấu ăn vì thế cũng ít có thời gian ở nhà hơn. Tôi học Đại học Mỹ Thuật, ngoài thời gian đến trường tôi hay phóng xe ra ngoại thành đi tìm cảm hứng. Thi thoảng trở về nhà thấy nàng đang vui vẻ chuyện trò với Phong tự nhiên tôi thấy bận lòng. Chẳng biết tự bao giờ chúng tôi đã là một bộ ba. Phong hay đến nhà tôi hơn, đến để xem tôi vẽ tranh, có khi ngồi ngắm lũ cá cảnh đang tung tăng trong bể một cách thích thú. Nhưng phần lớn Phong đến để cùng Khôi đọc sách, nấu ăn hay chuyện phiếm. Không hiểu sao đôi khi tôi thấy phiền lòng một cách lạ kì. Tôi sợ Phong cướp đi mất khoảng thời gian Khôi thường dành cho tôi. Sợ Phong chiếm mất vị trí của tôi trong lòng Khôi. Sợ mất một thứ như mặc định luôn thuộc về mình khiến tôi bất ổn. Khôi dường như cũng nhận ra điều đó. Bạn biết đấy, Khôi vốn là cô gái nhạy cảm và đầy tinh tế.
                                           * * *
Tôi vẫn chưa lần nào trả lời được câu hỏi “bạn biết gì về mùa xuân?” của Khôi thì bao biến cố gia đình ập đến. Bỗng một buổi sáng đẹp trời, tôi bình minh bằng một tách cafe và dự định sẽ phóng xe tìm một địa điểm thơ mộng nào đó để thả hồn. Nhưng ngay sau đó bố mẹ tôi đã trở về, nói với tôi về việc họ sẽ ly hôn. Mọi thứ xung quanh tôi ù đi, mờ nhạt và xáo trộn. Tôi không nhớ mình đã vượt qua giai đoạn ấy như thế nào, tôi chỉ nhớ duy nhất thái độ bình thản của Khôi khi tiếp nhận mọi chuyện. Tôi hỏi Khôi tại sao lại có thể bình thản đến như thế? Nàng cười buồn bảo:
-Ấy là Quân không nhìn thấy bão giông vẫn vần vũ trong lòng Khôi mỗi phút giây. Cũng giống như Quân chỉ nhìn thấy những sắc màu rực rỡ của mùa xuân, những mầm xanh đơm chồi, hoa tươi đua nở. Mà không nhìn thấy sự vận động thầm lặng trong vạn vật. Mùa xuân đầu phải đã là ấm áp, khi cuối xuân còn đợt rét nàng bân, rét đến thấu xương. Có khi chỉ một buổi tối thức dậy đã thấy cây xà cừ cổ thụ vẫn lừng lững án ngữ trong vườn vừa hôm qua lá còn xanh mà sáng nay lá đã đổ vàng. Vàng từng đám lá, vài ba hôm sau thì cả cây đã khoác một chiếc áo vàng úa đến tiều tụy.
-Có phải Khôi đã biết trước mọi chuyện đúng không?
-Không phải chỉ mình Khôi biết. Tất cả mọi người sống trong nhà này đều biết. Trừ Quân.
-Vậy tại sao không ai nói cho Quân biết?
-Tại sao cuộc sống của mình, hạnh phúc của mình Quân lại phó mặc cho người khác. Tại sao phải chờ người ta đến rỉ tai rằng thế giới của Quân đang dần rạn vỡ thì Quân mới hốt hoảng, mới chịu dừng mọi mộng ảo và suy xét. Tại sao không cố gắng nắm giữ và vun vén cho hạnh phúc của mình để khi nó tàn lụi rồi mới giật mình trách móc. Tại sao?
Khôi bật khóc nức nở. Từng lời nàng nói như đâm vào lòng tôi nhát dao chí mạng. Lòng tôi trùng xuống tan nát rồi tê liệt. Căn nhà trở nên trống trải, lạnh lẽo đến tàn nhẫn. Tôi mang những bức tranh về mùa xuân của mình đốt hết, từng sắc màu biến hóa trong ngọn lửa ma mị. Tôi như nhìn thấy những nụ cười mọng căng hạnh phúc trước đây giờ thành ra méo mó. Những mảng màu hạnh phúc giờ thành tro bụi. Thấp thoáng trong đốm lửa tàn tôi giật mình nhận ra có nhiều ánh mắt. Ánh mắt đau đáu của Khôi nhìn tôi từ phía sau và ánh mắt Phong khắc khoải…
Trong một chiều mưa tầm tã, chúng tôi đã không còn đủ sức tranh luận với nhau. Nhường chỗ cho những hạt mưa như ngấm sâu vào tiềm thức. Tôi bất chợt quay lại hỏi Khôi:
-Phải chăng sắp đến ngày chỉ còn lại Quân với thế giới này?
Khôi nhìn sâu vào mắt tôi buông một tiếng thở dài:
-Đã không thể còn bình thản ngồi vẽ được nữa đúng không?
-Khôi sẽ không bỏ Quân lại một mình để ra đi chứ?
                                           * * *
Không lâu sau bố mẹ tôi chuyển hẳn khỏi ngôi nhà tôi đang ở để mỗi người tự xây cho mình một mái ấm riêng. Tôi đã bắt đầu học cách chấp nhận mọi chuyện theo quy luật tự nhiên. Khôi vẫn ở lại ngôi nhà để chăm sóc cho tôi. Đã hai mươi năm trôi qua kể từ ngày Khôi được mẹ đưa về và lấm lét nhìn tôi, giờ chúng tôi đều đã thành người lớn. Khôi ước mong sau này khi tốt nghiệp trường trung cấp sẽ mở một cửa hàng ăn uống nho nhỏ. Tôi vẫn đam mê vẽ tranh nhưng lại rất ít khi ngồi vẽ. Những bức tranh của tôi là muôn vàn mảnh ghép, lúc bấn loạn lúc dịu dàng, lúc buồn thảm, lúc tươi vui… Khôi vẫn giữ thói quen đứng từ phía sau nhìn tôi vẽ. Còn Phong đến rồi đi, mang theo vẻ u buồn sâu thẳm. Cửa vẫn rộng mở, tôi vẫn đón chào Phong như đón chào một người bạn thân từng gắn bó lâu ngày nhưng dần dần Phong không còn trở lại ngôi nhà nữa.
Vào một buổi sáng mùa xuân, khi những cơn gió se lạnh luồn qua từng ô cửa. Tôi bất chợt nắm tay Khôi và bảo “Xin Khôi. Khôi đừng ra đi nhé!”.

Vũ Thị Huyền Trang

No comments:

Post a Comment