Monday, February 18, 2013

Những tiếng xuân lòng...

  

Vũ Thị Huyền Trang, Trang rêu

Chị ngồi nghĩ về mùa xuân của đời mình khi những tia nắng mới ngoài kia đang lung linh nhảy nhót. Có quá nhiều kí ức sâu chuỗi những khoảnh khắc thiêng liêng như cũng đang nhảy nhót trong lòng chị một cách đầy tươi mới. Đã lâu lắm rồi chị mới có thể chạm vào kí ức của chính mình. Cuộc sống bình lặng nơi đây đôi khi khiến chị lạc lối với những ngày tháng hạnh phúc cũ xưa, ngoảnh đi đâu cũng chỉ gặp bóng mình cô độc. Cho đến khi anh đến trong cuộc đời chị, nhen lên ngọn lửa yêu thương đã từng nguội tàn tro lạnh, thì một mùa xuân mới thực sự hồi sinh trong lòng chị.
Chồng chị là công an điều tra, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cách đây đã bốn năm. Khi đó chị vừa tròn hai sáu tuổi, lấy anh được ba năm và đã có với nhau một đứa con trai kháu khỉnh. Cuộc sống gia đình đang yên ấm, ăm ắp niềm vui thì anh ra đi bỏ lại trong lòng chị khoảng trống không gì bù đắp được. Suốt bốn năm qua chị sống trong nỗi đau mất mát. Nỗi đau khiến chị đôi lúc muốn quên đi những tháng ngày hạnh phúc. Bởi chỉ sợ nhớ nhung sẽ làm tim chị vỡ tan, ngày sẽ trôi đi nặng nề và ngày mai luôn là nỗi ám ảnh khôn nguôi. Chồng mất khiến những hình dung về tương lai rơi vào ngõ cụt. 
Gia đình chồng nhiều lần cám cảnh chị thui thủi một mình nuôi con mà thúc giục chị đi bước nữa. Chị nghĩ về thứ hạnh phúc căng đầy bỗng nhiên biến mất theo mây khói mà sợ hãi nếu một lần lại phải đối mặt với nỗi đau. Chị lặng lẽ sống nuôi con, bởi đối với chị con trai là điều quan trọng nhất, là niềm an ủi lớn lao để chị cố gắng sống và làm việc. Thị xã nghèo, nhịp sống trôi đi bình lặng đến mức ngày tháng dần trôi đi không đọng lại trong chị chút gợn sóng nào. Nhiều lúc lòng chị cứ tự hỏi phải chăng thị xã vốn buồn hay là tại lòng chị đang thiếu vắng những niềm vui?
                                            * * *
Thị xã tự nhiên chộn rộn hẳn lên kể từ khi tỉnh có quyết định xây dựng cụm công nghiệp nhỏ trên nền đất nông nghiệp cằn cỗi ngoài rìa thị xã. Ban đầu mới chỉ có vài người về đo đạc địa chính, ấy vậy mà vài ba quán nhỏ đã lác đác mọc ngay sát khu dự án. Rồi thì các loại máy móc được huy động, nhân công cũng ùn ùn kéo về khiến đoạn đường trong thị xã thi thoảng tắc nghẽn. Điều này từ trước đến nay chưa bao giờ xảy ra, ấy là chưa kể bụi bặm bay mù mịt khắp nơi khiến trên chiếc ban công nhỏ của chị, cây cối như cũng đang nghẹt thở. Chị thầm lặng quan sát mọi thay đổi nhỏ nơi đây bằng thái độ không có gì thích thú, nhưng chị cứ tự nhủ dẫu sao mọi thứ rồi sẽ đi vào ổn định, cuộc sống của chị cũng chẳng ảnh hưởng là bao. Cho đến khi anh xuất hiện trong cuộc đời của chị…
Hiệu trưởng thông báo sẽ có thêm ba học sinh mới từ nơi khác chuyển về đều là con các kĩ sư về xây dựng các nhà máy. Lớp chị được phân công nhận một học trò nữ kèm theo thông tin bé gái này mồ côi mẹ và mắc bệnh tự kỉ. Chỉ bấy nhiêu cũng đủ làm chị lo đứng lo ngồi suốt cả tuần. Lo làm sao để có thể giúp bé gái hòa đồng với mọi người. Lo khi đến với một môi trường mới bé sẽ càng co mình lại trong sự sợ hãi, cô đơn mà chị thì vốn thương những tâm hồn non nớt ấy. Chị hỏi vị hiệu trưởng già:
-Tại sao thầy lại chọn em để gửi gắm em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt này ạ?
-Vì bố cô bé nói muốn chọn một cô giáo chủ nhiệm dạy môn văn.
Chị bắt đầu thấy tò mò về người phụ huynh này, chị nghĩ chắc hẳn anh rất thương yêu đứa con gái bé bỏng của mình. Cũng giống như chị thương con trai sớm phải mồ côi bố khi còn chưa hiểu được thế nào là ơn cha sâu nặng. Lần đầu tiên gặp một người đàn ông dắt con đến trường, đứng ngấp ngó ngoài cửa lớp, đầu tóc hai cha con rối bù, trong chị trào lên lòng thương cảm. Bé Phương vừa nhìn thấy chị đã sợ hãi ôm chặt bố. Phải khó khăn lắm anh mới có thể trấn an được cô con gái bé bỏng. Nhìn những ngón tay thô ráp của anh vụng về buộc lại tóc cho con, nhìn cách anh vỗ về con bằng ánh mắt tràn ngập thương yêu không hiểu sao chị lại nhớ đến người chồng quá cố của mình. Trong phút chốc, cơn gió lạnh ùa  thổi qua lòng chị tái tê khiến chị như đang sống trong một thế giới tràn ngập ảo giác. Mà thứ ảo giác hạnh phúc mới tàn nhẫn làm sao. Cũng may là tiếng anh đã đánh thức chị thoát khỏi vùng ảo giác ấy:
-Thầy hiệu trưởng có hẹn ngày mai đưa cháu đến trường. Nhưng ngày mai thì tôi lại bận việc nên hôm nay tôi đưa cháu đến đây nhờ cậy cô giáo dạy bảo cháu. Cháu Phương mất mẹ từ nhỏ, tôi lại bận bịu liên miên nên ít có thời gian ở bên cháu. Tôi chỉ mong sao cô Mai coi cháu Phương như con mình thì tôi sẽ rất yên tâm. Cháu nó nhát lắm cô ạ!
Chị cười, nắm chặt bàn tay nhỏ xíu của bé Phương trong tay mình, lòng tự hứa nhất định sẽ thương yêu cô bé. Đấy là buổi đầu tiên chị gặp anh, anh nói đã chuyển về định cư tại thị xã để bé Phương tiện việc học hành. Thị xã thì dường như quá nhỏ, quãng đường từ nhà chị đến nhà anh chẳng xa xôi là bao. Nên sáng nào đến trường chị cũng ghé qua nhà anh đón bé Phương, cũng thấy anh tất bật, nhoáng nhoàng vừa làm cha vừa làm mẹ. Thương cảnh gà trống nuôi con nên chị thường thu xếp công việc nhà để qua lại đỡ đần bố con anh. Cũng là để gần gũi hơn với bé Phương, tìm cách giúp bé thoát khỏi tình trạng tự kỉ kéo dài.
Cũng may là còn có bé Nam con trai chị, thằng bé tính vui vẻ lại rất thương bạn. Từ khi biết Phương, thằng bé lúc nào cũng quấn quýt bên bạn. Nhìn cảnh con trẻ chơi với nhau anh từng bảo chị:
-Giá mà bé Phương có chị có em thì đã chẳng đến nỗi như vậy. Nhưng tiếc thay mẹ cháu mới sinh được có một mình cháu mà đã vội ra đi. Về đây  may là nhờ mẹ con cô Mai không thì chắc cha con tôi sẽ buồn lắm đấy.
Bắt đầu là những câu chuyện xã giao, chuyện người ta ăn gì mặc gì, chuyện thời sự tận Iran, Iraq, rồi đến chuyện tương lai của thị xã khi khu công nghiệp đi vào hoạt động. Toàn những chuyện trước kia chị chẳng mấy bận tâm, giờ cũng có khi trở thành vấn đề bàn luận kéo anh chị ngồi lại với nhau cả tiếng đồng hồ. Chị không còn nhiều khoảng thời gian trống trong ngày chỉ biết ngồi nhìn cuộc sống trôi đi lặng lẽ. Chị thấy bận bịu hơn khi có thêm một đứa trẻ để lo lắng, có thêm một nơi để thi thoảng chị chạy qua xem bố con anh ăn uống thế nào. Không biết anh cảm thấy thế nào chứ với riêng chị, kể từ ngày có bố con anh bầu bạn chị thấy thị xã bớt buồn đi hẳn.
Bé Phương từ ngày có bạn chơi cùng xem ra cũng đã bớt nhút nhát hơn. Phương bện cô giáo lắm, đến trường thì quanh quẩn bên cô, về nhà nhiều khi cũng gọi điện mách cô bố cháu thế này, thế kia, hư ơi là hư cô ạ. Chị nghe như ở đầu dây bên kia anh đang nhìn con cười âu yếm. Tự nhiên lòng chị thấy chộn rộn một niềm vui khó tả, rồi lại tự trách mình sao chưa gì toàn nghĩ chuyện đẩu đâu…
                                         * * *
Năm nay tết về thị xã sớm hơn mọi năm, vì còn cả tháng nữa mới đến tết mà dọc hai bên phố đã thấy bầy bán cây cảnh, câu đối, đôi ba nơi còn treo bảng dịch vụ gói bánh trưng. Chị bỗng nhiên cũng thấy trong lòng vui vui, cũng muốn sắm sớm vài ba món đồ trang hoàng lại ngôi nhà nhỏ trong vài ba ngày tết. Tiện thể sắm luôn cho bố con anh chậu đào, đào năm nay người ta chở tận trên miền ngược, các cụ tấm tắc khen thế đào năm nay sao mà đẹp…
Một buổi chiều, lúc đón con từ trường về tự nhiên bé Nam bảo mẹ:
-Sao nhà mình không đón bạn Phương về ở cùng nhà cho vui hả mẹ?
Chị cười:
-Con có nuôi được bạn không?
-Con sẽ ăn ít hơn, sẽ không đòi đồ chơi đẹp và quần áo mới nữa được không ạ?
-Nhưng biết bạn Phương có muốn về ở cùng nhà với mẹ con mình không chứ?
Bé Nam dựa đầu vào lưng mẹ thủ thỉ:
-Bạn ấy quý con mà, cũng yêu cả mẹ nữa, chắc chắn là bạn ấy sẽ chịu về.
-Thế còn chú Hùng thì sao nào?
-Chú cũng về ở cùng nhà luôn cho mẹ vui.
-Sao con nghĩ là mẹ sẽ vui?
Bé Nam cười giòn tan sau vai mẹ:
-Để chú về nhà thay bố gội đầu, đấm lưng cho mẹ, quét mạng nhện tít trên cao và cõng con đi chơi ở công viên mỗi tối. Như thế chắc chắn mẹ sẽ vui mà.
Sao bỗng nhiên lòng chị như vừa chao nghiêng, nôn nao đến khó tả. Những lời con nói như chạm vào miền sâu thẳm kí ức về những ngày tết mấy vợ chồng con cái xum vầy. Những năm ấy tết chẳng sắm sửa gì nhiều mà thấy sao đủ đầy, ấm cúng. Tiếng cười luôn tràn ngập ngôi nhà nhỏ vì có một người đàn ông hài hước, yêu vợ thương con. Từ khi chồng mất đi thì dường như cái hạnh phúc nhỏ nhoi mà thiêng liêng ấy cũng mất đi. Nên khi nghe con nhắc về một người đàn ông khác, lòng chị không khỏi nghĩ suy…
Chiều hai bảy tết, anh đưa bé Phương đến thăm mẹ con chị. Anh bảo:
-Năm nay cho anh gói nhờ bánh trưng với nhé! Hai năm trước, tết nhất nhà không có bàn tay người đàn bà nên bánh trái anh toàn đặt mua ngoài chợ. Nhưng như thế thì còn gì là hương vị ngày tết nữa đúng không em? Nên nếu em đồng ý thì cho bố con anh thức canh bánh trưng cùng với nhé!
Chị nhìn ra ngoài kia, đất trời lặng lẽ vào xuân trên đôi môi ai cười mọng căng hạnh phúc. Trên những cành đào, cành mai người người nô nức chở qua trên đường. Trên chiếc áo màu đỏ tươi mà bé Nam đang tíu tít khoe mà chắc vui quá, mặc vội nên đóng lệch cả khuy, chiếc áo là món quà tết mà anh vừa mang đến. Lâu lắm rồi chị mới thấy không khí xuân ùa vào nhà tươi vui như vậy. Chị nhìn hai con quấn quýt bên nhau rồi ngoảnh sang nhìn anh tự nhiên nghe thấy nhịp đập của những tiếng xuân lòng. Khe khẽ…
Vũ Thị Huyền Trang, Trang rêu
Thêm chú thích
 Vũ Thị Huyền Trang

Vũ Thị Huyền Trang

No comments:

Post a Comment