Sunday, October 28, 2012

Đất diễn...



Nhóm chúng tôi có sáu người, chơi thân từ hồi Đại học. Mỗi đứa một quê, một tuổi, một tính cách nhưng lại vô cùng gắn kết với nhau. Nhóm có bốn đứa con gái, hai thằng con trai, đa phần là nghèo chỉ có Vy là được sinh ra trong một gia đình giàu có. Chúng tôi cùng tồn tại trong cuộc sống của nhau bằng vô vàn khuyết điểm. Làm đau nhau bằng những mối quan hệ tình cảm nhì nhằng. Yêu thương nhau bằng những vết đau của đời vẽ hằn trên từng khuân mặt. Và một lý do nữa để sáu đứa gắn kết lại với nhau là bởi vì Hà Nội là đất diễn, chúng tôi cần đến nhau trong một vở diễn bởi không ai lại độc diễn một mình mãi được.
Tôi qua thăm Quang khi anh đang ngồi đánh cờ vua một mình, điều ấy chẳng có gì lạ cả. Tôi bảo:
-Đánh một mình thế này biết thờ vua nào, giết vua nào?
Quang cười khùng khục bảo:
-Loạn hết rồi. Giết được con nào cứ giết cho nhanh hết ván.
-Vậy anh chơi để làm gì?
-Giết thời gian là chính. Còn em làm việc như điên như thế để làm gì? Để chết à?
Tôi cười nhạt, ngồi phịch xuống nền nhà, ngửa cổ nhìn đám mạng nhện giăng đầy trên mái nhà rồi thủng thẳng đáp:
-Ừ! Để chết.
Anh vẫn say mê với bàn cờ của mình, thi thoảng lại nghe một cuộc điện thoại ngắn với những ngôn từ cộc lốc. Thiên hạ đầy người bảo anh cục cằn, khối kẻ nói anh mất dạy. Anh nghe xong, cười khùng khục bảo “kệ mẹ đời”. Tôi thích cái vẻ bất cần đấy của anh, bất cần đủ để không làm tổn thương người khác và cũng chẳng để ai làm tổn thương mình. Quang rất ít nói, ngồi với anh cả buổi chiều cần mẫn chắp nhặt lắm cũng chỉ được vài ba câu chuyện vô thưởng vô phạt dở dang. Anh quan tâm đến tất cả mọi thứ bằng cái cách như chẳng quan tâm gì hết.
 Đôi ba lần trong một tháng đứa này tạt qua nhà đứa kia như chỉ để nhìn thấy nhau vẫn đang còn tồn tại. Cũng có hôm trời mưa Quang gọi cho tôi chỉ để hỏi “bên ấy có mưa không?”. Dù chúng tôi ở cùng một thành phố chật vanh vách, len qua mấy cái ngõ chợ là đến nhà nhau. Cũng có hôm trời Hà Nội bão to, ngoài đường lớn đã bộc rễ vài cây cổ thụ. Tôi gọi cho Quang hỏi đang làm gì thế? Quang cười bảo còn biết làm gì ngoài chơi cờ vua một mình. Tôi nghe thấy tiếng anh lạc đi trong tiếng mưa xối xả và tiếng cửa sổ đập uỳnh uỳnh. Lúc sắp cúp máy thấy tiếng anh cười khùng khục, hỏi sao mà cười? Anh bảo mới nuốt sống một con tướng, thế là xong một ván cờ. Tôi nhìn ra mịt mùng mưa gió mà lòng se sắt. Không đủ sức bấm số gọi cho bốn đứa còn lại. Tự nhiên lại nghĩ dại, nhỡ mà Hà Nội cứ bão to thế mãi…
                                         * * *
Trong số sáu đứa thì Nhu và Chi là hai đứa vô âu vô lo nhất. Mỗi đứa hồn nhiên một kiểu, toàn kiểu chả giống ai. Nhu tin đời một cách nhiệt tình, chẳng bao giờ thấy nó hoài nghi dù đời phũ phàng đập nó túi bụi nhiều lần. Có nói, nó cũng bảo “Tại em kém chị những ba tuổi, hoài nghi sớm quá cuộc đời hóa ra buồn”. Nó nói rồi mang tiếng cười đi lẫn vào đám đông ồn ào chỉ để lại trong mắt tôi vài chấm xanh đỏ từ bộ váy hoa sặc sỡ. Hôm nay có thể bị phụ tình, ngày mai Nhu lại sẵn sàng yêu như chưa bao giờ được yêu nhiều đến thế. Chi nhìn Nhu với cái ánh mắt đầy ngưỡng mộ rồi ngoảnh sang tôi bảo:
-Sau này Nhu nhất định sẽ sướng, chị có nghĩ vậy không?
Tôi nhìn em, nhoẻn cười bảo:
-Em rồi cũng hạnh phúc. Tin chị đi.
Chi thích nghe những câu như vậy. Nó khiến em vui như một đứa trẻ nhỏ cầm trên tay thứ đồ hàng bán mua, tiền bằng lá mà cứ ngỡ là vô giá. Nhưng em khác Nhu ở chỗ, em yêu thương có giới hạn, mọi thứ đều được em tính toán rất sằng phằng. Ai yêu thương em, em yêu thương hết lòng, ai phản bội em, em trả lại họ sự im lặng đủ khiến đối phương đau cả một đời. Em chẳng bao giờ mảy may giằng níu. Đời với em rất đơn giản “sống thế nào thì nhận thế ấy”. Quang cười bảo kể mà hồn nhiên được như Chi cũng là có đẳng cấp lắm rồi.
Đùng một cái Chi lấy chồng, cả nhóm chẳng kịp khuyên răn, dặn dò điều gì. Hỏi sao mà vội vàng thế, Chi tặc lưỡi bảo “lấy cho xong. Đằng nào chả phải lấy chồng”. Chồng Chi đẹp thì không đẹp nhưng giàu có lại được tiếng rất thương vợ chiều con. Đàn ông vừa thành đạt vừa chỉn chu với gia đình như gã hiếm lắm. Lần nào cả lũ có dịp gặp nhau, tôi cũng bảo Chi:
-Gái một con có khác, đẹp đến ngỡ ngàng. Thôi thế là em hạnh phúc rồi. Giá mà đứa nào cũng được như em thì tốt.
Chi không nói gì, chỉ cười với ánh mắt khóe môi vô cùng đằm thắm. Quang có kiểu trêu bạn rất phũ, ngồi múc từng thìa cafe bỏ vào miệng như xúc cơm. Ngắm Chi đắm đuối đã đời rồi tặc lưỡi phán một câu xanh rờn:
-Đúng là gái gặp hơi trai như thài lài gặp… Mà trai đây là phải trai có tiền nhé. Chứ trai nghèo như mình gái nó va vào lại chun mũi như gặp giấm. Thôi mấy em ngồi đấy mà ngậm ngùi làm gì, cố gắng mà làm đẹp rồi chọn giai mà lừa như Chi ý, đời có phải sung sướng không.
Chi ngẩng lên nhìn lướt qua Quang đầy chát chúa. Họ đã từng có một thời rất yêu nhau…
                                             * * *
Hai nhân vật cuối cùng trong nhóm chúng tôi giờ đã thành vợ thành chồng. Vy tiểu thư đài các người Hà Nội yêu và lấy Dương vốn xuất thân trong một gia đình không lấy gì làm khá giả. Lấy nhau xong Dương dọn về nhà bố mẹ Vy sống. Chuyện của họ chúng tôi chỉ biết vậy, dù thân mấy họ cũng không nói gì nhiều. Người ta thấy Dương chiều nào cũng vậy, nếu không tụ tập bia bọt với bạn bè ở quán bia Hải Xồm thì cũng cầm vợt đi đánh cầu lông trong câu lạc bộ. Thiên hạ chẹp miệng bảo “Thằng ấy thế mà sướng. Chuột sa chĩnh gạo”. Câu ấy vốn không dành cho đàn ông, Dương nghe thấy cũng bỏ ngoài tai. Gặp nhau chỉ thấy Dương kể chuyện cười cóp nhặt đâu đó. Đôi khi là những mẩu chuyện cười nhạt nhoét, cả bọn chẳng đứa nào buồn nhếch môi vậy mà Dương vẫn cười sặc sụa. Quang từng bảo với tôi rằng anh không khi nào dám chạm vào nụ cười ấy của Dương. Hỏi vì sao? Quang trả lời cộc lốc: “Sợ vỡ!”. Khi ấy là mùa hạ, chúng tôi vừa chia tay Nhu xong. Chẳng hiểu vì lý do gì Nhu quyết định rời thành phố nhanh đến vậy dù mấy năm sinh viên lúc nào em cũng khăng khăng sẽ bám trụ Hà Nội đến tận cùng.
Hôm ngày lễ 30-4, dân tỉnh lẻ đổ xô về quê còn điểm đến của dân thành phố là các tụ điểm du lịch. Mấy đứa tôi chẳng đứa nào nghĩ đến chuyện về quê như thể chả đứa nào có quê để mà về. Chúng tôi chúng tránh nói về quê hương, như thể sợ chạm vào cánh cửa kí ức luôn được cài then cẩn thận. Mặc cảm về cái nghèo như vô hình đeo bám dai dẳng trong tâm trí chúng tôi. Quang từng bảo:
-Anh xa quê từ năm mười sáu tuổi, lang bạt kiếm ăn khắp nơi. Xin đi học mấy lần bổ túc mới có cái bằng cấp III để thi Đại học. Bây giờ thành kỹ sư công nghệ thông tin rồi mà về quê người ta vẫn gọi mình là Quang cá mắm.
-Hồi xưa chắc anh ốm nhom ốm nhắt hả?
-Không! Người ta gọi là Quang cá mắm vì anh chuyên đi bới hố rác bên doanh trại bộ đội trước nhà để lấy những túi đầu cá mắm họ vứt về ăn. Nhiều khi túi cá mắm bị lẫn đủ thứ rác rưởi hôi thối đầy ròi bọ.
-Thế thì cũng đâu có gì là xấu đâu.
-Ừ thì có ai bảo là xấu đâu. Nhưng có những thứ kỉ niệm mà mình không bao giờ muốn nhắc lại. Nó làm cuộc đời mình luôn có thứ cảm giác dù có cố gắng đến thể nào thì vẫn không thể tinh tươm lên được.
Tôi quay mặt vào tường nằm thở dài. Hình như Quang vừa chạm vào cái dằm vướng víu sẵn trong tim tôi bao nhiêu ngày tháng. Nó giống như một khối u lành tính, tưởng như không nguy hiểm mà vướng víu và ám ảnh vô cùng. Tôi cũng có một tuổi thơ nghèo đói, ngày nào cũng là nỗi ám ảnh ăn rau dại thay cơm. Ngày nào cũng ngồi nhìn đứa bạn thân nhà kế bên vác rá đi vay gạo rồi lại vác rá về không. Ngày nào ở làng cũng có đứa trẻ con say sắn sống. Tôi nhớ ánh mắt con chó Vàng thảm thương nhìn tôi khi nó trút hơi thở cuối cùng vì đói. Cái đói đến người còn không có ăn thì nói gì đến chó. Tôi khóc cạn nước mắt mấy ngày thương Vàng của tôi, chú chó thông minh, tận tụy vẫn hay đưa tôi đi học chiều lại đón tôi về. Cái ngày tôi còn được cắp sách tới trường cứ tức nghẹn, giày vò trong tâm trí non nớt của tôi. Vàng ơi! Vàng ơi!
Ngày lễ 30-4 vì nghĩ mấy đứa kia có gia đình hết rồi nên chẳng dám làm phiền, tôi len qua mấy chợ nhỏ để mò đến phòng Quang. Chợ ngày lễ cho khác, thiếu tiếng bám mua, bới móc nghe cũng có vẻ thơm tho. Tôi ngồi xem Quang đánh chờ hồi lâu, mỏi mắt thiếp đi lúc nào không biết. Lúc tỉnh dậy đã thấy Dương nằm còng queo bên cạnh, hơi thở nồng mùi rượu. Quang vẫn mải mê với ván cờ vua, thi thoảng lại chau mày chửi bới đầy hằn học. Tôi véo Quang rồi hất mặt về phía Dương hỏi:
-Sang bao giờ thế? Có chuyện gì à?
Mắt vẫn không dời khỏi bàn cờ, Quang thở dài bảo:
-Nó sang ngủ nhờ thôi mà. Tí tỉnh dậy lại mò về tổ.
-Sao tự nhiên hôm nay lại vậy?
-Từ lâu rồi, thi thoảng nó lại qua ngủ nhờ một tí. Chẳng qua là em không gặp đấy thôi.
-Hôm nào sang cũng say thế này à?
-Ừ! Hôm nào cũng say như thế.
Tôi ngồi bó gối nhìn Dương. Nhìn hồi lâu thấy nước mắt Dương từ từ chảy xuống nền nhà. Đúng lúc ấy thì Quang cười sặc sụa, tôi thắc thẩm “lại thịt được con tướng chứ gì?”. Quang đứng dậy, vuỗi mông vừa đi ra ban công vừa hát ông ổng “đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng, ngọn gió hoang vu thổi buốt xuân thì…” Tôi nghe mà như có mưa rơi ở trong tim…
                                         * * *
Tôi chủ động gọi cho Vy đúng lúc bé Na quấy khóc ầm ĩ. Giọng Vy khẳn đặc dời dạc đầy mệt mỏi. Nói chuyện được dăm ba câu Vy bảo bận ru con ngủ rồi tắt máy. Tôi xoay qua nhìn bốn bức tường bỗng giật mình nhận ra tường nhà treo quá nhiều gương. Tôi soi khuôn mặt mình nhạt nhòa từng góc tối sáng khác nhau, thử bật cười nhưng thấy trong gương nụ cười méo xệch. Tôi gỡ dần từng chiếc gương đến khi trên tường chỉ còn lại những dấu đinh. Nằm dài, vắt tay lên trán và khóc. Khóc nức nở cho những vai diễn của chúng tôi.
Hà Nội mùa này nhiều lúc đến bực mình với những cơn mưa đỏng đảnh. Có đến nằm ăn vạ ở phòng Quang thì cũng chỉ thấy mưa rơi rách nát cả lòng. Khó khăn lắm mới lôi Quang ra khỏi ván cờ, hai đứa nằm cạnh bên nhau nói những chuyện trên trời dưới biển. Nhiều khi mọi câu chuyện đều bắt đầu bằng thì tương lai “Khi nào giàu…”. Nghe giống như chúng tôi đang bắt đầu kể những câu chuyện cổ tích của thời hiện đại.
-Khi nào giàu em sẽ ra nội thành mua một mảnh đất thật rộng rồi xây nhà vườn. Em sẽ trồng thật nhiều hoa. Anh có tưởng tượng được không, hẳn một ngôi nhà hoa nhé! Cuộc sống mới tươi đẹp làm sao?
Quang cười khùng khục, quay ngắt đầu lại nhìn tôi:
-Một người cả mấy năm không thấy mua một bông hoa nào về cắm như em mà lại chỉ mơ ước về ngôi nhà hoa thì kể cũng lạ thật.
-Biết làm sao được. Cuộc sống ở đây chật chội tù túng quá, em nhìn hoa mà thấy tội không cả lỡ mua về.
Chúng tôi nằm im lặng bên nhau rất lâu, đã bắt đầu cảm nhận được cái nóng hầm hập của nền nhà bốc lên nhờ mưa. Sau khi nằm đếm từng tiếng hạt mưa rơi ngoài mái hiên, như chợt nhớ ra điều gì đó, tôi hỏi Quang:
-Thế còn anh?
-Anh à? Anh mơ ước đơn giản lắm. Sẽ lấy vợ rồi sinh con. Em biết đấy những đứa trẻ đẹp như thiên thần sẽ làm đời chúng ta tươi trẻ lại. Sẽ thuần hóa những ngỗ ngược, bướng bỉnh của chúng ta. Lũ trẻ… lũ trẻ sẽ cho chúng ta thấy đời thật đáng sống!
Câu chuyện nói đến đó thì trời tạnh mưa. Mà kể cũng kì lạ thật, khi mà mấy hạt mưa cuối cùng còn nhỏ tong tỏng ở mái hiên thì trời đã nắng tươi roi rói. Trời đất nũng nịu như một cô gái mười tám tuổi. Quang tiễn tôi ra ngõ, vỗ về tôi bằng cái cách của những thằng đàn ông thường vỗ về nhau. Cũng may nhờ có mấy cái vỗ vai của anh mà thấy đoạn đường về như ngắn lại. Khi tôi vừa về đến phòng trọ thì Vy gọi điện bảo muốn được tôi chạy đến và ôm Vy một cái. Tôi òa khóc như đứa trẻ.
Có lẽ trận mưa ban chiều cũng đã làm mờ hết phấn son…

          Vũ Thị Huyền Trang

Thursday, October 25, 2012

Đóng thế...


 
“Tôi lao vào giữa đám đông, nhoài người về phiá chiếc quan tài người ta đặt mẹ tôi trong đó. Phía trên là bát cơm người ta đắp đầy ú ụ cùng với một quả trứng. Còn tôi thì vùng vẫy như một con thú bị chặt mất tay chân, máu chảy mà chưa chết. Ánh nắng, mặt trời thì cứ rọi sâu vào mắt, nung nấu và bức bách. Nhưng tôi không thể tiến về phía mẹ dù chỉ nửa bước.
-Mẹ ơi! Đông lắm! đông lắm, họ kìm kéo con này. Đông lắm!
Rồi tôi thấy chân tay mình bủn rủn, không chịu được nữa rồi. Tôi đang khụy xuống dần dần.
Giật thót mình một cái, một đường máu lạnh chạy từ đầu tôi tới gót chân. Tôi nhận thấy ngực mình đang rơi vào trạng thái nửa tỉnh, nửa mơ. Tôi cố dùng hết sức lực để cử động ngón tay, rõ ràng tôi thấy mình cử động, nhúc nhích, rồi tôi đứng dậy, vén màn ra khỏi giường. Tôi chạy, chạy đi đâu không biết. Thế mà hóa ra tôi vẫn nằm im bất động”
Tôi luôn nghĩ tôi là người đóng thế các nhân vật của chính mình. Tôi tạo ra chúng với những hỉ, nộ, ái, ố…quằn quại trong cái đau mà chúng không thể nào dự đoán hay trốn thoát. Đôi khi với công việc ấy tôi thấy mình là kẻ đáng thương. Đôi khi thấy mình là kẻ độc ác. Đôi khi thấy mình là kẻ vô vị hoặc chẳng ra gì. Tôi là một diễn viên xuất sắc nhìn theo một khía cạnh nào đó.
Anh nhăn trán sau khi đọc xong truyện ngắn của tôi. Anh lúc nào cũng khiến người ta cảm thấy anh đang quan tâm đến vấn đề được nói đến, anh sẵn sàng dành công sức, tâm huyết nếu người ta cần. Anh là thế, ít ra là đến thời điểm hiện tại.
-Sao em không cho nhân vật này chết đi?
-Tại sao lại phải chết.
Anh làm điệu bộ với cái vẻ: “Chết là hết chuyện, mọi việc sẽ suôn sẻ hơn”. Tôi im lặng và tự hỏi mình: “Ừ nhỉ, tại sao mình lại không cho nhân vật ấy chết?”. Câu hỏi ấy lập tức được gạt phăng ra “mình có quyền được tạo ra nhân vật của mình theo một lối riêng”. Chấm hết. Tôi lao vào giữa dòng người đông đúc trong thành phố, tuyệt nhiên không còn cảm thấy vướng bận gì về vai diễn của mình. Bởi ngoài đường còn có quá nhiều vai diễn.
Tôi diễn một người có văn hoá để không vượt đèn đỏ, không chửi bậy lúc tắc đường, không vừa đi vừa nghe điện thoại và cố gắng để không săm soi những người bên cạnh mình. Tôi diễn vai một kẻ đủ tỉnh táo, tinh ranh để chẳng bị thằng cướp đường sơ múi của mình bất cứ cái gì, kể cả là một cái nhìn lãng phí. Tôi đóng tất cả các vai có thể cho đến khi tôi về đến phòng trọ, với một niềm mong mỏi rằng không gặp bất cứ ai để khỏi phải thay trang phục diễn. Thế thôi.
Khi nằm một mình trong nhà trọ chưa đầy 8m2, chật chội, nóng nực nhưng dù sao tôi cũng cảm thấy thật thoải mái. Ít nhất là tôi được yên thân. Cũng có nhiều khi tôi cười một mình, khóc một mình, hoặc vừa cười vừa khóc. Tôi nghĩ khi ấy tôi mới thật là chính mình.
                                                * * *
Tôi viết. Viết trong nhạt nhoà nước mắt mảng màu kí ức của riêng mình:
Con nhớ vào một buổi chiều mẹ rẽ nắng sang sông
Mẹ đi lấy chồng
Mẹ làm vợ lẽ
Có mưa bong bóng đâu mà con mất mẹ
Gần hai mươi năm
                                      nắng vẫn buốt tim người.
Không nghĩ rằng có lúc mình lại đau như thế, cơn đau đến tức ngực và ngộp thở. Muốn phá tan bốn bức tường xung quanh, muốn phá tan mảng sông đầy nắng. Muốn chạy nữa…Chạy mãi…trên bờ cát trắng để những dấu chân in ngược tìm thấy mẹ. Nỗi hận đã làm tôi không một lần đủ sức  sang sông tìm mẹ, gần hai mươi năm trời tóc đã đổ sương giăng…
Không biết rằng đã có biết bao nhiêu chuyến đò giăng trong mắt tôi vời vợi đắng cay mỗi lần trở về thăm quê cũ. Tôi biết mình đang chờ đợi trong mỏi mòn hờn giận, thứ hờn giận mà tôi luôn tự phủ nhận, luôn chối bỏ.
Trong các trang viết của mình tôi thường hay viết về những đứa trẻ không có mẹ, nhưng không bao giờ tôi giải thích sự vắng mặt của người mẹ. Như là đối với tôi việc không có mẹ là một điều tất nhiên, chẳng có gì là lạ cả. Hay tôi viết về sự hoảng loạn của những đứa con vẫn mơ giấc mơ hoang mất mẹ. Sự hoang mang đã ăn vào nhân vật của tôi sâu lắm… Có đâu đó những thắc mắc của người đọc, có đâu đó vài lời giải thích bâng quơ…Tất cả đều nhạt nhoà, tất cả đều chẳng làm tôi thay đổi.
Bói.
Lang thang quanh bờ hồ. Không có việc gì làm, thấy có một người đàn bà ngồi xem bói. Nổi hứng, thế là bói. Thầy phán những điều rất vòng vo, ngoằn nghoèo, kể cả những lời hoa mĩ mà văn chương của tôi chưa khi nào dùng đến cả. Thầy bảo:
-Cái số này là phải hai lần đò mới ổn. Nếu không thì ở goá.
Cười.
Thấy bảo:
-Lấy chồng muộn thôi, thì còn may chăng yên ổn.
Cười. Hỏi:
-Yên ổn là sao thưa thầy?
-Là chỉ phải đi một lần đò thôi, chỉ có điều tình cảm vợ chồng không được mặn nồng cho lắm.
Phá lên cười.
Thầy bảo:
-Cười là mất thiêng.
Im tịt. Không phải vì sợ.
Thầy lại bảo:
           -Con mồ côi phải không?        
Gật đầu. Không hiểu sao tôi lại gật đầu không một phút đắn đo. Chợt thấy buồn. Bố tôi vẫn còn. Mẹ tôi vẫn còn. Bố tôi chỉ đi theo một người đàn bà. Mẹ tôi chỉ đi theo một người đàn ông. Tôi ở lại một mình, thế có phải là mồ côi không nhỉ?
Tự nhiên sống mũi cay cay. Bảo thầy:
-Thôi thầy ạ. Hết bao nhiêu tiền con gửi, thầy đừng xem nữa.
Thầy bảo:
-Tuỳ tâm.
Chẳng biết mình rút tờ xanh hay tờ đỏ. Mọi thứ cứ nhạt nhoà, chóng vánh.
Đi.
Không biết là sẽ đi đâu. Cứ lên xe và nổ máy. Hình như đã đi qua ba cái đèn đỏ, hai cái đèn xanh vẫn chưa thấy cái đèn vàng. Lại đi…ý nghĩ kéo tôi đi vô định…
                                         * * *
Từ đó tôi bắt đầu sống ở một thế giới khác, cái thế giới chìm nghỉm, nghẹt thở như khi mình bị người ta bịt mũi ghì nằm xuống mà hù dọa. Thế giới ấy chắp nối, nó hoang tàn, rơi vãi những cái đời thường mà hàng ngày tôi vẫn gặp. Nó cũng là vùng đất mới với những cảnh vật và con người mới. Tôi lại nghĩ đến những câu chuyện cổ tích đầy tốt đẹp. Tôi cũng có những giấc mơ, nhưng nó không đẹp, những giấc mơ mọc ra từ những chiếc gai nhọn hoắt đâm vào tôi, lăn xả vào tôi. Tôi mơ thấy mình lao xuống một vực thẳm mà chưa ai nhìn thấy đáy. Những đốm xanh đỏ, tím vàng, quấn tôi xuống, xoay tôi chóng mặt. Tôi gọi rất to nhưng cũng chỉ như người đứng giữa vách đá. Tiếng hét đập vào vách vang xa, chỉ tưởng thế rồi chưa thấy đáy đâu thì tôi đã bị xoáy vào một đám ma. Khăn tang trắng con đường quê tôi. Tôi thấy mẹ tôi chết. Rồi tôi cứ khóc kiệt sức mình rồi lại tỉnh. Tôi cứ trông chờ vào những câu chuyện cổ tích, vào những ông bụt bà tiên. Nhưng tôi đợi mãi…”
Lại viết. Viết như một bản năng mà dường như lại không phải bản năng. Định nghĩa về bất cứ thứ gì tồn tại đối với tôi đều không khó, nhưng cứ mỗi khi định nghĩa về bản thân là mọi thứ đều rối tung, rối mù lên cả. Kệ. Thế mới là cuộc đời - Một cuộc khổ ải - Hay là một cuộc chơi thú vị.
Lại buồn, chẳng hiểu sao dạo này mình lại trở nên bất cần như thế.
Mồ côi
Mồ côi
Mồ côi
Thấy chán ghét cụm từ đó vô cùng nhưng nó lại luôn ám ảnh. Đôi khi hơn cả chán ghét là nhói đau, là hờn giận. Không muốn đổ vào đầu nhân vật thế là tắt đèn đi ngủ. Trằn trọc mãi tự nhiên thấy buồn. Cô đơn. Trống rỗng. Thấy mình đúng là mồ côi thật. Chẳng có bất cứ ai bên cạnh cả. Nếu mà mình ốm thì sao nhỉ? Ai sẽ đắp khăn cho mình? Ai nấu cháo cho mình? Ai sẽ dặn mình đừng nằm nhiều, phải đi lại cho đầu óc thoải mái? Ai? Ai? Ai?
Nước mắt chảy dài. Buồn như chưa bao giờ được buồn như thế nếu không muốn nói là đang tuyệt vọng và chán nản. Không muốn nói là cuộc đời vô vị, là mình đang muốn chết.
Thế thôi!
                                                * * *
Chẳng hiểu vì sao lại chọn nghề văn, chẳng hiểu vì sao lại chạm tim đau nhiều thế. Bảo đừng nhớ những cái cần phải quên thì lại nhớ, nỗi nhớ như là mặc định. Đôi khi chẳng hiểu nổi mình với những nỗi buồn vời vợi. Những câu văn đau, những nhân vật phải thay nhau lên giàn thiêu mà cuộc đời vẫn chưa thanh thản. Đôi lúc nhận ra một sự thật mà không biết nên buồn hay lên vui nữa rằng cuộc đời tôi cũng chỉ là một nhân vật bất đắc dĩ trong cuốn tiểu thuyết dài kì của thượng đế mà thôi. Chẳng biết cuối cùng thì thượng đế sẽ cho tôi chết hay là sống, sống hạnh phúc hay là đau khổ nữa…Đôi lúc không muốn cố gắng. Cứ ngồi yên một chỗ. Và phó mặc.
Nhưng ngồi yên thì ngòi bút lại đi, ngòi bút đi vào tâm can con người như vạch ra từng tia máu.
Đôi khi cho nhân vật mình cười nhưng chính mình lại khóc.
Đôi khi cho nhân vật chết đi như chính mình cũng đang phải gặm nỗi đau ấy rồi chết dần mòn.
Đôi khi muốn giết quách cái nhân vật ấy đi mà vẫn phải mỉn cười với nó.
Đôi khi…
Có hàng trăm cái “đôi khi” làm tôi chảy máu. Thế là lại phải đi. Đi để biết nhiều hơn về cuộc đời để đừng chỉ viết về nỗi đau của riêng mình mãi. Có ai đó đã nói rằng nếu người viết cứ mài mòn mãi kỉ niệm, kí ức mà không chịu đắp bồi thì cũng sẽ có ngày trắng tay, nghoảnh đi nghoảnh lại chẳng còn gì mà viết. Có phải tôi đang sợ đích danh điều đó hay không, hay là tôi chỉ đang sợ một điều gì đó còn xa vời lắm…
                                               * * *
“Cũng không nhớ nổi khi nào và bằng cách nào tôi thoát ra khỏi cơn ác mộng hãi hùng như thế. Chỉ biết sau một tháng hành hạ đầu óc và thể xác, tôi mòn mỏi đi nhiều. Các khớp đau dã dời, lưng đã gù càng gù hơn. Đầu tôi ong ong như tiếng trống đám ma, tiếng khóc mướn, tiếng cuốc xẻng va nhau đào huyệt. Trời đất! Tôi sớm muộn gì cũng sẽ thần kinh. Thà thế còn hơn, suy cho cùng sướng nhất vẫn là người vô âu vô lo. Mà là người ai chẳng phải lo nghĩ, chỉ những thằng đần độn, ngớ ngẩn và thần kinh là sướng. Nhưng nhỡ đâu, thần kinh có cái khổ của thần kinh thì sao nhỉ? Thế thì tôi biết phải làm sao? Làm sao bây giờ chứ? Tôi bóp gì hai bàn tay vào hai thái dương. Cảm tưởng như mười đầu ngón tay đang tụ máu. Một ý nghĩ tội lỗi man rợ chợt loé lên. Tôi cười, nụ cười đỏ nhoét, toàn máu ở chân răng: “Sao mẹ không chết đi? Chỉ cần mẹ chết là mình không phải suy nghĩ về bất cứ điều gì. Mình cũng thôi bị ám ảnh. Phải! Sao bà không chết quách đi chứ?
Ai ngờ mấy tháng sau mẹ tôi ốm  thật. Khi bà ốm người ta mách tôi lên tận Sapa lấy thuốc nam may ra mới cứu được mẹ. Tôi lì lợm không đi, cứ đứng chân giường nhìn mẹ trừng trừng tưởng như con người hoá đá tự bao giờ. Cha tôi đưa mẹ xuống bệnh viện trung ương. Bệnh khám đúng, thuốc phát đủ. Vậy mà tim mẹ đập ngày càng yếu đi. Vì bà không lúc nào ngủ hay nhắm mắt. Bà cũng cứ nhìn tôi trừng trừng. Bỗng nhiên lúc ấy, trong tôi sôi lên lòng căm thù mẹ cùng những câu chuyện, những quẻ bói ám ảnh, đeo đẳng bào mòn tôi. Rõ ràng tôi thấy tôi lao vào mẹ, gì chặt cổ đến khi mắt bà trắng dã không nói lên được một lời. Không! Là tôi vẫn ngồi cuối giường, chỉ nhìn mẹ thôi, hai tay vẫn đặt lên đầu gối. Bố và anh tôi bên cạnh mẹ. Sao lại thế. Bác sỹ vào lắc đầu thất vọng. Mẹ chết, mẹ ra đi thật. Tại sao tôi cũng không hiểu được nữa…
Trong cơn mơ, bao giờ đám tang mẹ tôi cũng kêu gào thảm thiết. Nhưng lần này, lần thật sự này, tôi lại không mảy may rơi một giọt nước mắt. Tôi câm lặng bên mọi tiếng kêu gào. Tôi không khóc.”
Bế tắc.
Đôi lúc bế tắc không biết phải viết tiếp như thế nào nữa. Rồi hoang mang… “Phải chăng nhân vật này sẽ không thuộc về mình nữa”. Những lúc như thế tôi thấy dường như tôi không chỉ bất lực trong trang viết mà còn đang bất lực trong chính cuộc sống đời thường. Những lúc như thế tôi hay khoá cửa lại và đi lang thang…Không chủ định là đi đâu, cứ để cho đôi bàn chân bước theo quán tính riêng của nó. Như thế đôi khi cũng hay. Ta giải phóng cho một cái gì đó để lơi lỏng chính cái thòng lọng đang thít chặt cổ ta, thít chặt vào cuộc sống của ta.
Hà Nội những buổi chiều mùa hè ngột ngạt hơn mức người ta vẫn nghĩ về nó. Bụi đường và khói xe vô hình đã ủ lên khuôn mặt bao người một màu sắc khác, mùi vị khác. Vì thế mà không ai muốn cười với ai, không muốn nói chuyện với cả người thân mình đang ngồi đằng sau nữa. Đôi khi chả vì một cái gì người ta cũng sẵn sàng cáu gắt. Và đôi khi tôi cũng muốn gây sự với bản thân mình, cũng chẳng rõ vì một lý do gì nữa.
                                                * * *
“Hóa ra tôi tự đặt cho mình nhiều cuộc đối thoại, tự gây những xung đột tạo nên cảm xúc. Tự dày vò bản thân. Tôi làm thế để làm gì nhỉ? Tôi cũng không biết nữa. Tất cả cứ diễn ra như một quy luật, như một nhu cầu tự nhiên mà tôi cũng không bao giờ nắm bắt được. Tôi nói lảm lảm như thế ở bất cứ nơi nào, miễn là lúc đó không có người, tôi nói khi trong vườn chỉ có những cây xoài già nhăn nhó mình dưới nắng tháng mười. Tôi nói khi đàn gà con rúc mình vào bóng mẹ trong một buổi sáng mùa đông. Tôi nói khi chỉ còn tôi phả chiếc bóng lên tường biểu diễn những màn kịch câm vô thức, tôi nói cả trong nhà xí nơi tôi chốn mình ngồi hàng giờ, nghĩ vẩn vơ. Tôi nói khi ngọn lửa tôi cời vẫn trỗi dậy những khát khao… Còn khi có mọi người xung quanh, tôi vẫn tự tạo cho mình những cuộc đối thoại trong tâm tưởng và bị nó nhấn chìm, cuốn đi, xoáy tít, rồi cũng chẳng biết khi nào tôi tỉnh lại, trở về cuộc sống đời thường? Nhưng ngay cả khi sống trong thế giới của riêng mình, tức là cả khi tôi đang thức tôi vẫn luôn luôn gặp những cơn ác mộng hành hạ tâm trí. Rõ ràng tôi đang ngồi trước mặt mẹ, mẹ đang cặm cụi giã lạc muối, bàn tay mẹ nện chày đều đều. Vậy mà trong óc tôi bỗng hiện ra một thế giới khác. Những vòng hoa mưa gió tàn rũ, đất đỏ hiện ra. Nghĩa địa buồn thê thảm. Tôi khóc tự bao giờ, mà đến khi mẹ giật giọng tôi mới cảm nhận thấy hai hàng nước mắt chảy dài trên má.”
Đêm mơ!
Mơ thấy mình bị bỏ rơi trong một hoang đảo. Không hiểu cái gì đã lôi tôi vứt vào giữa cái thế giới cô đơn ấy, chỉ biết khi tôi tỉnh dậy trong hoang đảo không có cả tiếng một loài chim, không cả tiếng gió. Chỉ tiếng sóng biển vỗ vào cõi hoang mang sâu thẳm. Tôi đã chạy…chạy…chạy mãi vẫn chỉ thấy tiếng bước chân mình vọng lại khoảng không bất tận. Khi tôi sắp ngã quỵ xuống bãi cát vàng tôi giật mình vừa vui mừng, vừa hoảng sợ vì bắt gặp một bóng người đang trải dài phía trước nhưng hoá ra đó chỉ là chiếc bóng của chính tôi. Tôi cô đơn đến tuyệt vọng, tôi hú tiếng hú của vượn gọi bầy, tiếng hú hoang rợn đến mức làm tôi bừng tỉnh và thoát khỏi cơn mơ ấy. Nhưng hoang đảo thì vẫn còn tồn tại trong tâm trí tôi mãi tận sau này. Tôi biết chắc là như thế.
Căn phòng của tôi đêm đó là một hoang đảo ghê sợ. Khi tôi tỉnh dậy, tôi sờ xung quanh giường tôi chỉ thấy một khoảng không, một sự trống rỗng đến tột độ. Không một chiếc gối, không một mùi mồ hôi khác…Và nhận ra rằng đã lâu lắm rồi…Lâu lắm mình cũng không có cả thói quen sờ sang bên cạnh để tìm một chỗ dựa, tìm một hơi ấm thân quen.
Bất chợt! Tôi úp mặt vào bàn tay của mình đang run lên vì cô đơn và khóc. Khóc nức nở, khóc như thể đó là thủ tục cuối cùng của sự sống để rồi mãi mãi không còn tồn tại nữa. Càng khóc càng thấy mình cô đơn, cô đơn hơn cả khi đang ở trong hoang đảo…Tôi chợt nhớ mẹ quay quắt. Tôi thèm được gọi một tiếng “mẹ” vô cùng. Thế là hình như tôi đã gọi trong nỗi cô đơn ấy nhưng hình như không ai trả lời. Tôi vẫn khóc. Tôi nhớ lúc bé mỗi khi đêm gặp ác mộng, khi tỉnh dậy tôi vẫn thường quờ tay sang bên cạnh để tìm mẹ, rồi thể nào mẹ cũng ôm tôi vào lòng và nựng. Mẹ nựng khéo lắm, mẹ bảo trên đời này không hề có ma. Người sống còn không sợ thì làm sao mà phải sợ ma cơ chứ. Mẹ nói rất nhiều nhưng bao giờ tôi cũng rúc vào nách mẹ ngửi cái mùi mồ hôi ấy mà ngủ tự lúc nào. Tuyệt nhiên không còn cảm thấy hoảng sợ nữa. Đêm bình yên đến lạ.
Đêm nay muốn với tay thấy mẹ biết chừng nào nhưng nhận ra rằng mẹ đã xa vời vợi. Không hiểu là tôi đã buông tay ra khỏi mẹ hay là mẹ đã buông tay tôi trước, chỉ biết lúc nghoảnh lại thì đã chẳng thấy mẹ đâu nữa. Bỗng nhiên tôi thành đưa trẻ mồ côi.
Sáng ra!
Muốn sải cánh về dòng sông quê đi tìm mẹ.
Cái cảm giác đầu tiên khi lao vào giữa dòng người là một nỗi vui mừng xen lẫn sợ hãi. Vì tôi nhận thấy rằng cái thế giới mà tôi đang sống không phải là một hoang đảo, trái lại nó đang tắc nghẽn vì đông đúc những người với người. Nhưng bụi đường và khói xe lại làm tôi thấy cái mơ ước đi tìm mẹ  mới ngột ngạt làm sao, phù phiếm làm sao.  Đường Hà Nội vẫn làm cho người ta thấy ngột ngạt hơn những gì mà bản thân tưởng tượng.
Thế thôi!
                                                * * *
Đến cơ quan.
Bác bảo vệ lừ mắt chỉ vào chỗ để xe cố định. Chả hiểu ai đã phân luồng như thế, nhưng cứ hôm nào tôi mải nghĩ ngợi lung tung mà lơ đãng cái bổn phận của mình là y như rằng bị nhắc nhở. Lại một ngày thần kinh không ổn định. Biết là thế nhưng không tài nào chấn chính nổi.
Anh xoay xoay cốc cafe, trầm ngâm nhìn xuyên vào những đốm nắng đầu tiên.
Hỏi:
-Lại cafe à?
Anh nhún vai rất điệu nghệ:
-Giải trí ấy mà. Sao hôm nay mặt cô em hốc hác thế? Bị phụ tình à?
Choáng.
Anh chưa bao giờ ăn nói với tôi bằng cái giọng bụi đời và “vô tâm hoá” thế. Cứ như giữa tôi và anh chả hề quen biết gì. Cứ như tôi chỉ là kẻ phục vụ bàn, hỏi anh uống thứ nước gì và bị anh đáp lễ bằng những câu đầy lễ độ như thế đấy. Cảm giác ngay lúc này là mình đang sống giữa một tập thể nhưng chẳng khác gì hoang đảo. Tránh không nhìn sang phía ấy, muốn bịt tai để những giọt cafe đừng rơi nhấm nhẳng như nỗi cô đơn đang gặm nhấm.
Bật máy tính. Lại viết. Chả thể làm gì khác là chốn vào các trang viết cả. Gõ loạch coạch, thấy mọi thứ dường như cũng suôn sẻ nhưng tự nhiên lại bôi đen và ấn enter, rồi tắt luôn. Biết không thể phục hồi được nữa, cũng không muốn phục hồi. Muốn đi bụi thật, bỏ lại vô số lề thói và nguyên tắc để đi bụi một lần. Dĩ nhiên là đi một mình, dĩ nhiên là chẳng có ai để ý xem tôi đi đâu và làm gì vào bất cứ khoảng thời gian nào. Ở đây mọi người không có thói quen như thế, cũng như họ có thói quen dửng dưng với mọi việc xảy ra xung quanh mình. Chỉ có thể là một người thật sự quan trọng mới quan tâm và lo lắng, nhưng tôi thì lại không có được điều đó.
Bịt kín mặt và lao ra đường, nếu có ai đó gọi tôi là con điên cũng đúng. Tôi đang điên loạn vì sự bức bí phát ra từ chính trong từng đường gân, thớ thịt, từng mạch nguồn suy nghĩ. Tôi biết nếu bản thân không giải phóng được thì rất có thể nó sẽ bốc cháy lên giữa đường Hà Nội như cái xe máy mà tôi đã từng chứng kiến. Thế đấy, cuộc đời tôi là thế đấy.
Chạy xe vẩn vơ. Đèn đỏ. Đèn xanh. Dừng. Đi…Cứ thế! Cảm giác như nghe thấy tiếng kêu u u phát ra từ trong óc, chắc tại nó khô khốc quá, nó cũng đòi tra dầu mỡ như bất cứ một bộ máy nào khác. Nó đã quá tải, nó không được quan tâm thường xuyên và đúng mức hay nó không có những liều thuốc tinh thần thú vị? Tất cả đều đúng hoặc tất cả đều sai…Chẳng mang lại một ý nghĩa gì. Xe vẫn cứ lao trên đường phố, đôi khi phanh kít lại. Nhận ra vô khối cái đầu cần tra dầu mỡ chứ chẳng riêng gì mình. Thấy vui vui, chẳng hiểu vì sao lại thế.
Bỗng!
Gió thổi lạnh gáy, người qua lại bên cạnh mình ít dần đi. Nhận ra mình đã lao đi vun vút về phía ngoại thành. Lại đi, có một cái gì đó cứ kéo mình đi mãi cho đến khi ngửi thấy một mùi vị quen thuộc, một ánh nhìn quen thuộc: “Quê hương”. Không tin nổi mình đã phóng đi hơn một trăm cây số trong vòng mấy tiếng đồng hồ. Phóng đi như một con điên.
                                                * * *
Mộ của bà cỏ hoang đã mọc rất nhiều. Có lẽ một cơn mưa nào đó vừa mới đi qua, một bàn tay ai đó vừa sờ lên cỏ vẫn còn ấm lắm. Hay là nước mắt, nước mắt của một người cháu có kí ức tật nguyền để rồi lớn lên kì thị chính miền quê đã sinh ra mình và bỏ rơi luôn nấm mồ của người đã cưu mang mình từ tấm bé.
Khóc.
Khóc như một lần nữa thấy mẹ sang sông đi lấy chồng bỏ lại tôi cùng đống đồ hàng mồng tơi, không người ngã giá. Để mỗi chiều đi học về phải đối mặt với lũ chăn bò hay chặn đường bắt nạt: “Đồ mồ côi. Đồ không có ai nuôi. Đồ bị bỏ rơi. Lêu lêu! Lêu lêu!” Nó giống như một chuỗi nhạc khủng khiếp của tuổi thơ mà thi thoảng trong những giấc mơ vội vã của mình tôi vẫn bắt gặp.
Luôn tự dối lòng mình rằng: “Mày chỉ là một đứa trẻ bị mồ côi không hơn không kém. Bố mày đã chết. Mẹ mày đã chết. Người thân duy nhất của mày là bà nội cũng đã về với đất lâu rồi”. Nhưng trong tận thẳm sâu vẫn thấy một nỗi tủi hờn cứ chực trào dâng. “Còn biết tủi hờn, còn biết ghét giận là còn biết yêu thương nhiều lắm”. Đột nhiên tôi thấy sợ cái suy nghĩ của chính mình. Tôi không muốn phải công nhận rằng tôi đang giận mẹ, tôi không muốn công nhận rằng tôi còn có bố mẹ trên đời. Điều ấy làm tôi bị tổn thương. Tôi đã cố chối bỏ nhưng tôi đang khóc, tôi ngửi thấy mùi của phù xa, của sóng sông của cát trắng phía bờ bên kia vời xa ấy…
 Nó lững thững đi tìm…
-Ai… đ…o…ò..na…ò! A…i đò đ.i..i...i!
Nghe chênh chao mặt sóng. Người lái đò ca câu gì nghe buồn đến mức không nhớ nổi. Rồi nhìn tôi chằm chằm. Hỏi:
-Sang sông tìm mẹ phải không cháu?
Chẳng hiểu sao tôi lại gật đầu. Người lái đò đẩy mạnh tay lái rồi nhìn phía xa xa, nơi cánh chim chiều đang bay về tổ.
-Mẹ cháu chết rồi, còn tìm chi nữa. Tro còn tưới bến sông này.
Nghe như bầu trời vừa rơi xuống dòng sông trống rỗng. Sóng nước chênh chao, ngả nghiêng như trận bão lớn đang về. Tôi gọi mẹ. Tôi gọi rất to nhưng mẹ không đáp lại:
-M…ẹ…Ơ…i…i….i…!
                                                * * *
Tôi bỏ nhà lên chùa đòi sư bà cắt tóc đi tu. Cha tôi tìm gặp căn ngăn. Lạy cha. Tôi khóc. Người thân trong gia đình không hiểu tại sao. Sư bà nhìn lại, nói những lời không trọng lượng:
-Lòng con đã thật sự tĩnh chưa? Quên hết mọi chuyện đời trần tục hay chưa? Nếu không, có cạo đầu, tụng kinh cũng vô tác dụng.
Tôi gật đầu:
-Lòng con đã tĩnh.
Mà trong lòng gào lên cơn cuồng phong dữ dội.
Anh trai lên thăm, tôi không ra tiếp. Sư bà gật đầu:
-Đã quyết, ắt con làm được.
Ai ngờ tiếng gõ mõ tụng kinh chính là màn cười man rợ của mẹ vọng về.
Tôi ốm liệt giường mấy ngày. Sư bà vào ra không nói một lời. Tại tiếng gõ mõ tụng kinh át đi! Lại là mẹ hiện về rất gần đây thôi, bên tay tôi, đúng rồi,  bên má tôi. Đòi móc mắt tôi.
Tôi lao ra khỏi phòng, ra gian thờ chính giằng bộ mõ của sư bà quăng ra khỏi cửa. Tôi lao ra ngoài, hoảng loạn.”
Tôi nhận ra rằng không phải tôi đang cầm ngòi bút để tạo ra các nhân vật của mình với các số phận khác nhau. Không phải tôi tôi đang bỏ mặc chúng với những hỷ, nộ, ái, ố của cuộc đời…Mà chính là chúng đang bỏ mặc và cười nhạo tôi đấy chứ. Chúng cười tôi cả đời phải đi đóng thế, cả đời không sống nổi với bộ mặt của chính mình. Chúng cười tôi giả dối, cười trái tim mềm yếu của tôi không dám đối mặt với kí ức tật nguyền, không dám tha thứ, không dám yêu thương. Chúng đang coi tôi là loài búp bê đặc biệt, thứ búp bê hoàn hảo đến tội nghiệp.
Cuối cùng đời trả thù lao cho những vai diễn của tôi bằng một cái kết đau đớn nhất. Thế là tôi đã mồ côi thật, tôi bắt đầu hoảng sợ về cái sự thật ấy. Tôi sợ thành phố, tôi chạy chốn con người và công việc. Tôi muốn tìm cho mình một hoang đảo thật sự. Nơi mà tôi không phải đóng bất cứ vai diễn nào trên đời. Nơi chỉ tôi đối mặt với chính tôi.
Cũng may trong phút hoảng loạn ấy, tôi chợt nhớ ra rằng tôi còn cha tôi. Người cha đã bỏ mẹ con tôi theo một người đàn bà khác. Tôi không biết mình có còn đủ sức cho một cuộc kiếm tìm nữa hay không. Nhưng tôi vẫn sẽ ra đi…
                                                              9-6-2009

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

Ba người trong quán mưa...



Từ lúc gặp lại chị đến giờ nhỏ cứ thao thao bất tuyệt kể về tình yêu của mình với một anh chàng tên K nào đó. Nhỏ kể chuyện tình yêu như kể lại một bộ phim truyền hình Hàn Quốc nhiều tập, nhiều tình tiết rối rắm. Mà vì rối rắm quá nên nhỏ chỉ nhớ được khúc đầu và khúc cuối của phim thôi. Còn khúc giữa không biết vì vô tình hay cố ý nhỏ quên chẳng đả động gì đến. Đúng lúc ngoài đường phố mọi người đang nháo nhác chạy mưa thì nhỏ kể đến đoạn nhỏ gặp K khi đang chen lấn mua hàng giảm giá trong siêu thị. Anh Khương- bạn trai chị nghe xong thì cười bảo:
-Hai người gặp gỡ trong hoàn cảnh lãng mạn quá cơ!
Chị hết nhìn nhỏ lại quay sang nhìn ông bồ tủm tỉm cười:
-Anh Khương không biết đấy thôi. Con nhỏ tài săn hàng khuyến mãi lắm. Cứ chỗ nào có hàng giảm giá là sà vào bằng được kể cả có sắp muộn giờ làm hay trời có sắp sập đi chăng nữa.
-Hèn chi!
Nhỏ che miệng cười khúc khích, rồi lại kể tiếp đoạn đầu tình yêu đầy hạnh phúc của mình. Vừa kể nhỏ vừa bấm từng đốt tay tính rành mạch từng kỉ niệm. Nào thì kỉ niệm mùa đông hai đứa đi ăn kem tràng tiền ngoài bờ hồ Lúc nổ máy xe ra về do mải nói chuyện mà K không biết rằng nhỏ vẫn chưa kịp leo lên xe, bỏ nhỏ lếch thếch đi bộ một đoạn dài. Kỉ niệm Hà Nội mùa hoa điệp, K rất kiên nhẫn lẽo đẽo làm phó nháy cho nhỏ và tụi bạn. Kỉ niệm mùa đông hôm trời mưa K chở nhỏ đi làm. Cái áo mưa của K bị thủng một lỗ ngay giữa lưng, nhỏ ngồi sau cứ nhằm đúng cái chỗ thủng mà hứng mưa đổ vào cho ướt sũng rồi cười khúc khích. Nhỏ kể đến đây thì anh bật cười quay sang nhìn chị bảo:
-Cái này thì giống em quá nhé! Hèn chi mà hai chị em lại thân thiết nhau đến thế. 
-Nhưng mưa Sài Gòn thì đỏng đảnh hơn. Chắc tại vì mưa đỏng đảnh  nên anh cũng không đủ kiên nhẫn được như K.
-Thôi nào! Em không thấy anh vẫn ngồi đây bên em sao?
Nhỏ không quan tâm đến mấy lời giận dỗi vu vơ của chị. Nhỏ mải nhìn Khương cười, nụ cười hối lỗi ấm áp và đáng yêu đến lạ. Rồi nhỏ nói bâng quơ như thể nói với chính mình “ừ! Cả em và chị đều thích mưa hèn chi lần nào chị gọi cho em cũng đều nghe thấy mưa rơi lạnh buốt bên tai”. Anh định châm lửa hút thuốc nghĩ thế nào lại thôi. Chị thả những viên đá nhỏ cuối cùng vào cốc, khoáng leng keng…leng keng… Nhỏ gõ mười búp măng xuống bàn, nhịp nhàng như một người nghệ sỹ lướt trên từng phím đàn. Ngoài kia mưa trắng một màn trời, mưa đã rất lâu mà con người vẫn không thôi nhốn nháo…
                                             * * *
Chị gục đầu xuống bàn, nghiêng mắt ngắm mưa chăm chú như một đứa trẻ. Thi thoảng chị lại hỏi một câu, buông thẫn thờ giữa cái không khí trầm lắng, ảm đảm của quán xá ngày mưa. Ba người ngồi bên nhau, đối thoại một cách rời rạc nhưng không hiểu sao không ai muốn đứng dậy để kết thúc cuộc gặp gỡ này.
-Không biết bao giờ mưa mới tạnh?
-Có thể là tí nữa. Cũng có thể là đến đêm chị ạ.
-Dù sao cũng chẳng biết làm gì cho hết tối nay. Cứ mưa đến đêm cũng chẳng sao- Khương thủng thẳng nói.
Nhỏ nghe thấy một tiếng thở dài. Chắc là của chị. Chị dường như không chịu nổi sự im lặng của ba người nên bảo:
-Kể tiếp mấy khúc tình yêu của em đi cưng!
-Ờ! Hay em kể khúc cuối chị nghe nha! Cũng mùi mẫn phết!
-Happy ending chứ gì? Cưới luôn đi để chị với anh Khương còn kịp ăn cỗ trước khi bay về Sài Gòn. Mà mùa này có phải là mùa cưới không em?
Khương xoay xoay tách cafe nhìn chị bảo:
-Mùa nào chẳng là mùa cưới. Yêu thì cưới thôi chứ hơi đâu chờ tháng chờ năm cho mệt.
-Thế sao yêu nhau bao lâu rồi mà chưa thấy khi nào anh tính chuyện cưới em?
Nhỏ cười:
-Mùa này là mùa hoa phượng. Cháy đỏ cả một góc trời rồi tàn lụi. Hình như tình yêu và hôn nhân cũng thế. Cứ đắm đuối hết mình rồi đến một ngày tự nhiên giật mình vì ngoảnh lại chẳng thấy bóng dáng của nhau hiển hiện trong đường trái tim ấy nữa.
Chị rời mắt khỏi những hạt mưa, ngoảnh lại nhìn nhỏ:
-Trong khúc cuối của tình yêu thì K của em đã đi đâu sao?
-À vâng! Đã đi sang một hướng khác chị ạ.
-Thế mà…chị cứ tưởng hai người đã tính chuyện cưới hỏi cơ đấy.
-Thì hẳn…Nhưng ngay cả khi hôn nhân cũng chỉ là một tờ giấy kết hôn thì có gì mà giằng níu nhau khi hai con tim không còn cùng nhịp đập.
-Là lỗi của K sao?
Khương cười:
-Lỗi của ai thì chẳng quan trọng, duyên số có thế thôi. Có muốn níu kéo cũng chẳng được, cứ coi như người ta không là của mình. Giằng níu trong tình yêu là thứ giằng níu kinh khủng nhất.
Nhỏ cười, nhìn Khương bằng ánh buồn héo hắt. Có mấy khi nhỏ buồn đến thế đâu. Còn chị vẫn nhìn chăm chú vào ô cửa sổ ướt nhòa mưa rồi bất chợt hỏi Khương:
-Anh nói nghe như thể anh đã hoặc đang phải trải qua điều khủng khiếp ấy không bằng.
Khương không nói gì quay sang nhỏ hỏi:
-Em chắc vẫn còn yêu K nhiều chứ?
-Nhiều như một thói quen. Em đã quen có K bên cạnh bốn năm rồi giờ không dễ gì quên được đâu anh.
-Cũng chẳng sao. Thực ra thì tất cả chúng ta đều cần có thời gian để mà quên mà nhớ.
                                         * * *
Có lẽ thấy ba người ngồi đã khá lâu, trời đã tối mà cơn mưa thì vẫn dai dẳng không ngớt chút nào. Nên một nữ nhân viên phục vụ bàn lại gần lịch sự hỏi:
-Quý khách có muốn dùng bữa tối tại đây không ạ? Nhà hàng của chúng tôi ngoài phục vụ đồ uống còn kiêm luôn phục vụ các bữa ăn nữa ạ.
Chị nói chị muốn ăn phở Hà Nội. Anh chọn mì xào. Nhỏ chọn một đĩa cơm rang thập cẩm. Ngồi nhìn nhỏ ăn một cách ngon lành, anh cười bảo:
-Biết thế anh cũng chọn cơm rang như em để ăn có phải hay không.
-Mì xào cũng ngon mà. Nếu không em gọi món khác cho anh nhé!
-Mì xào nhiều dầu mỡ quá không tốt cho cho anh. Thôi khỏi! Anh nói vậy thôi chứ anh dạo này chắc do ăn nhiều đồ béo nên anh mắc bệnh ngán ăn rồi.
-Tại sao không chọn phở? Anh không biết là phở Hà Nội rất ngon sao?- Chị hỏi.
-Phở ăn không chắc dạ. Mà anh cũng không thích. Không phải cứ cái gì người ta khen mình cũng thấy ngon.
Chị không nói gì, khẽ cười, gắp từng sợ phở ăn nhẩn nha như trẻ biếng ăn. Nhỏ nhìn chị ăn mà nghĩ nếu nhỏ là đàn ông chắc là nhỏ sẽ yêu chị đến mê mệt mất. Chị đẹp. Nét đẹp đằm thắm của gái xấp xỉ ba mươi. Điểm nhấn trên khuân mặt thanh tú ấy phảng phất nỗi buồn của đôi mắt hồ thu. Đôi mắt ấy từ nãy đến giờ thi thoảng vẫn lặng hướng ra ngoài cửa sổ chớp mưa. Nhỏ muốn thử chạm vào nỗi buồn man mác đẹp đến thánh thiện ấy. Bởi nhỏ không tin rằng trên đời lại có người con gái đẹp mỏng manh như chị.
Nhỏ quen chị cách đây ba năm khi cùng đi chung trên một chuyến tàu Bắc Nam. Chị ra bắc thăm mẹ và em còn nhỏ thì trở về sau một chuyến đi du lịch ngắn ngày trong Sài Gòn. Chỉ kể rất nhiều điều về mẹ bằng thứ ngôn ngữ của tình mẫu tử thiêng liêng. Chị yêu thương và tôn thờ người mẹ đã chịu nhiều gian truân vất vả để giữ gìn được hạnh phúc của mình. Chị bảo:
-Mẹ chị là con gái miền Tây, không quen bon chen cũng chẳng giỏi tính toán mà khi theo chồng ra Bắc phải học hỏi mọi thứ mới có thể làm dâu con miền Bắc được. Mười mấy năm rồi năm nào chị cũng ra thăm mẹ. Giờ mẹ chị đã già rồi, tóc muối, mắt hằn dấu chân chim, hàng ngày vẫn nhắc về một thiên đường ở thế giới bên kia mờ ảo.
-Mẹ chị từng lỡ dở một đời chồng?
-Ừ! Số mẹ chị lận đận. Trước lấy bố chị nhưng chung sống không hạnh phúc. Sau khi ly hôn thì mẹ nuôi em trai còn chị sống cùng bố. Mẹ chị khổ nhiều vì yêu thương nhưng đã yêu ai là vun vén hết lòng. Sau này chị cũng sẽ yêu như mẹ.
                                              * * *
Đã ba năm trôi qua, năm nào nhỏ cũng gặp lại chị vào mùa mưa như thế này. Nhưng hai năm trước chỉ có hai chị em ngắm mưa, chị không hỏi về  tình yêu của nhỏ. Nên nhỏ cũng không có cơ hội kể về khúc đầu, khúc cuối của chuyện tình giữa nhỏ với K. Hai năm trước cũng không có Khương ngồi đây. Có lẽ vì thế mà mưa của hai mùa trước cũng nhẹ nhàng hơn. Bất chợt nhỏ đưa mắt nhìn Khương, thoáng chút bối rối Khương ngoảnh vội ra cửa sổ. Chị là người bắt gặp khoảnh khắc ấy đúng lúc quay lại gọi “Nhỏ ơi!”. Ba sự lúng túng gặp nhau trong một vài giây bất động. Cũng may mà tiếng đổ vỡ cốc chén từ bàn bên cạnh, tiếng người mẹ quát đứa con nhỏ nghịch nghợm đã phá tan tình huống khó xử ấy. Nhỏ vội vàng hỏi chị:
-Chị bảo gì em vậy?
Chị vẫn còn chưa hết luống cuống khi nhìn thấy những ngón tay của nhỏ đan vào nhau một cách vụng về. Chị giả bộ nhìn quanh quán rồi vỗ nhẹ vào tay nhỏ hỏi:
-Quái lạ! Chị chẳng nhìn thấy lối ra nhà vệ sinh đâu cả.
-À! Quán này thiết kế nhà vệ sinh ở bên ngoài. Chị phải đi vòng ra ngoài, nhà vệ sinh gần khu cây cảnh đó chị. Chị nhớ đi nép vào hiên không mưa hắt ướt hết đó.
Nhỏ có lẽ đã không hiểu rằng những cái vỗ nhẹ nhàng vào tay nhỏ khi nãy thật ra là những cái vỗ về của chị. Chị nhận ra trong ánh mắt của Khương dành cho nhỏ có chút thương mến, rung động cũng giống như lần đầu tiên Khương nhìn chị cách đây hai năm. Chị cũng thoáng chốc buốt tim trong cái bối rối rất đàn bà của Nhỏ, chị cũng đã từng như thế. Chị bước vào nhà vệ sinh tô đậm thêm môi son, chải lại mái tóc xoăn uốn lọn buông hững hờ rồi thong thả bước ra. Lúc này cơn mưa vẫn còn dai dẳng, một bên vai chị bị mưa táp vào ướt nhẹp. Lúc quay lại chỗ ngồi Khương tút giấy trong hộp đưa cho chị bảo lau đi cho đỡ ướt. Chị cười…
Chị liếc nhìn đồng hồ, lẩm bẩm dự đoán chắc ít nhất cũng phải chín giờ tối thì may ra mưa mới ngớt. Cũng không thể tự nhiên đứng dậy đòi về giữa trời mưa gió mịt mùng trong khi chẳng có việc gì quan trọng. Cũng chẳng có cuộc điện thoại nào gọi đi mà nhỏ và Khương thì dường như vẫn muốn còn nán lại. Biết làm gì để giết thời gian trong lúc chờ mưa tạnh? Sao tự nhiên với chị cuộc gặp gỡ lại trở lên gượng ép đến thế? Ừ! Chắc là tại có thêm sự xuất hiện của Khương, nếu không thì hai chị em đã bình yên ngồi ngắm mưa và kể với nhau đủ thứ chuyện đàn bà. Thiếu gì chuyện để nói với nhau, nhưng có thêm Khương thì những câu chuyện hào hứng ấy lại trở lên vô duyên hơn bao giờ hết. Vậy ba người thì sẽ nói chuyện gì? Chị nghĩ ngợi rồi quay sang nhỏ bảo:
-Vậy còn khúc giữa tình yêu của em thì sao? Vì lý do gì mà em và K lại chia tay khi đã từng yêu nhau nhiều đến thế?
Nhỏ dùng ngón tay chấm nước rồi miết lên bàn chậm chậm. Không vội trả lời câu hỏi của chị, nhỏ nhún vai bảo:
-Chị thử đoán xem. Theo chị thì vì sao chứ?
-Chắc là tại em tham công tiếc việc nên không còn thời gian chăm chút cho tình yêu như xưa nữa?
-Chị sai rồi. Với em tình yêu ấy vẫn nồng nàn đến tận phút cuối cùng.
-Vì em không còn xinh đẹp và quyến rũ như xưa chăng?- Khương hỏi.
-Anh nghĩ thế sao? Vậy bây giờ ngồi trước mặt anh, nói thật đi, dưới con mắt của một người đàn ông như anh thì em có còn sức quyến rũ không?
Anh lúng túng ngoảnh sang nhìn chị, chị cười bảo:
-Ý anh ấy bảo em vẫn còn sức hấp dẫn lắm.
-Vậy thì lý do ấy không hợp lý nhé!
Chị chống cằm suy nghĩ một lúc rồi bảo:
-Vậy thì chắc chắn vì một người thứ ba đúng không?
Nhỏ cười:
-Ừ thì… trong các cuộc chia tay đến phần nửa nguyên do là có bóng dáng của người thứ ba. Tuy nhiên câu trả lời của chị đúng nhưng chưa đủ.
Khương hỏi:
-Em đã mất K đúng lúc em dành nhiều tình yêu thương và kì vọng vào K nhất đúng không?
-Sao anh biết?
-Ừ thì… Tại nỗi buồn trong mắt em đã nói lên điều đó.
Chị khẽ cười khi phát hiện ra Khương và nhỏ khi nói chuyện hơi hướng, giọng điệu rất giống nhau. Chị cũng đang tự hỏi không biết Khương đọc được điều gì trong mắt chị bây giờ? Hay là Khương còn đang bị hút vào câu chuyện tình của nhỏ. Nhỏ không để ý đến phút suy tư của chị bởi nhỏ đang mải kể cho Khương nghe khúc giữa chuyện tình yêu của nhỏ. Nhỏ bảo:
-Chuyện rất đơn giản thôi. Trong một chuyến đi nghỉ mát do công ty tổ chức, K đã phải lòng một cô gái khác. Họ gặp nhau có hai ngày trên biển, họ nói với nhau những gì, nghĩ cùng nhau những gì, thậm chí là làm gì cùng nhau em cũng thể biết. Chỉ biết rằng sau chuyến đi đó trở về em và K đã chia tay. Có thể là họ chỉ cùng ngồi ngắm hoàng hôn bên bờ biển. Cũng có thể là K đã lau nước mắt cho cô ấy… Điều đó rồi cũng có quan trọng gì đâu. Chỉ biết rằng tình yêu là điều rất mong manh. Bỗng một ngày ta mất nhau là vì thế…
Khi nhỏ kết thúc câu chuyện thì ngoài trời cũng tạnh mưa. Trong quán những vị khách đợi lâu đều vội vã trở về bên gia đình hay một vòng tay ấm. Đến lúc này nhỏ dường như mới bừng tỉnh khỏi miền kí ức. Nhỏ thấy sốt ruột vì đống quần áo phơi trên sân thượng không ai rút hộ vào và mấy chậu cây cảnh để chênh vênh bên cửa sổ. Nhỏ hỏi chị còn ở lại Hà Nội lâu không? Chị nói chắc là về sớm vì cũng còn nhiều việc tồn đọng trong đó cần giải quyết. Khương ngỏ ý muốn xin số điện thoại của nhỏ để tiện liên lạc. Nhỏ nhìn dáng chị bước nhanh về phía trước, phía hàng cây đang trút nốt những hạt mưa còn đọng lại khi trận gió vừa thổi đến. Lúc này nhỏ mới nhận thấy đôi vai bé nhỏ của chị khẽ run lên trước gió, hình như đợt này ra Bắc chị gầy hơn. Nhỏ không trả lời Khương mà bước nhanh vừa kịp níu lấy bàn tay chị lúc chị định sang đường trong dòng xe cộ ồ ạt sau mưa. Nhỏ bảo:
-Đợi đèn đỏ rồi sang chị ạ.
Đúng lúc ấy thì đèn đỏ bật. Nhỏ nắm lấy bàn tay chị thong thả bước sang đường. Bỏ lại Khương phía sau vẫn còn đang đứng loay hoay với mớ suy nghĩ rối rắm và lạc lõng của mình. Cho đến khi chị ngoảnh lại với gọi “Anh ơi!” thì Khương mới vội vã sang đường…

VTHT

Sunday, October 14, 2012

LINH CẢM



Anh đã ở đâu vào giờ phút ấy? Câu hỏi đó cứ trở đi trở lại trong tâm trí để ám ảnh Đan ngay cả lúc hai đứa đang ngồi sát bên nhau hàng giờ trong im lặng. Sự hoang mang và hoài nghi của một trái tim yếu ớt đã không cất nổi thành lời. Rất nhiều ngày sau hôm xảy ra tai nạn, Đan đã có mặt tại đây trong căn phòng bốn mùa hoang hoải gió.
-Tối thứ ba tuần trước anh đã làm gì?
Thoáng chút giật mình, anh quay lại nhìn Đan rồi nhăn trán suy nghĩ khá lâu:
-Thứ ba tuần trước à? Lâu rồi làm sao anh nhớ được. Mà hình như không có gì khác,  anh vẫn đọc sách và uống cafe như mọi tối.
-Chỉ thế thôi sao?
-Ừ! Chỉ vậy thôi, tối nào cũng vậy. anh tưởng điều đó em thừa biết chứ? Mà tại sao em hỏi vậy, có chuyện gì à?
Lòng Đan chùng xuống, bỗng chốc thấy mình như đang rơi xuống vực sâu thăm thẳm một cách nhẹ bẫng, không trọng lượng. Đã biết trước câu trả lời rồi sao còn hỏi, thà cứ để mọi thứ mông lung đôi khi còn tìm ra lí do để ngụy biện vỗ về mình. Còn bây giờ thì Đan đã biết chắc chắn rằng vào cái đêm khủng khiếp chưa từng thấy trong cuộc đời mình, anh vẫn bình thản uống cafe và đọc một cuốn sách nào đó trong cái chồng sách cũ cao ngật ngưỡng kia. Một đêm như mọi đêm, dẫu cho ngoài kia có bão giông, dẫu cho người con gái anh yêu có đang đối mặt với hàng nghìn nỗi hoang mang, sợ hãi, thậm chí là cận kề cái chết. Dù đã quá hiểu và chấp nhận yêu anh suốt bốn năm, nhưng sao giây phút này Đan lại cảm thấy mọi thứ đã hoàn toàn sụp đổ. Trước khi trở về phòng, để kết thúc cho chuỗi thời gian trôi qua trong im lặng, Đan đã hỏi anh:
-Cuốn sách mà tối đó anh đọc tên gì vậy?
-À! Một cuốn sách về tình yêu.
-Nó hay chứ?
-Cũng thú vị. Em có muốn đọc không?
Đan lắc đầu, lặng lẽ về phòng trong chiếc váy voan trắng bồng bềnh. Anh vẫn ngồi đó, thả trôi những ý nghĩ vu vơ cùng làn khói thuốc.
Đan đã vắng nhà một tuần. Lúc đầu cô dự định về quê hương khói cho nội và quét dọn nhà cửa, vườn tược trong một vài ngày. Anh bận công việc nên không thể đưa Đan về được, một mình cô phóng xe hơn trăm cây số về đến nhà thì trời đã nhập nhoạng tối. Thắp hương cho nội xong, lòng dạ Đan bỗng nhiên bồn chồn đến lạ. Một mình ngồi giữa cảnh rừng ruộng, tiếng ếch nhái và những con đom đóm quắc vào màn đêm sự hoang vu, lạnh lẽo. Nỗi nhớ nội và những ám ảnh tuổi thơ lại ồ ập tràn về khiến Đan như rơi xuống bờ vực thẳm của sự mất mát, cô độc. Khi thấy không thể chịu đựng được, Đan phóng xe về thành phố ngay trong đêm. Nhưng thật không may khi trên đoạn đường vắng Đan gặp đám thanh niên chừng ba, bốn người đi chơi đêm rượt theo trêu chọc. Trong giây phút lao xe như điên dại rồi ngã văng ra giữa đường cua, trong những tích tắc cận kề giữa sự sống và cái chết lòng Đan chỉ nghĩ về anh. Ngay cả khi bị thương nằm lại giữa đường trong đêm vắng lạnh, Đan chỉ muốn bằng linh cảm của những người đang yêu anh sẽ đi tìm... Nhưng cuối cùng lại là bàn tay của một người xa lạ nắm lấy tay Đan, lau những giọt nước mắt đau đớn và sợ hãi rồi ngồi chăm cô trong bệnh viện cả một đêm dài.
Suốt một tuần nằm dưỡng thương trên tầng 2, ngày nào Đan cũng nằm im chờ đợi từng bước chân gấp gáp, vội vã lao lên từ cầu thang. Cũng có khi đang ngủ lại giật mình vì tiếng chân ai ngập ngừng trước cửa phòng. Nhưng khi mở mắt ra chỉ thấy toàn thương yêu, lo lắng của những người xa lạ dành cho nhau. Không có bước chân nào đang kiếm tìm Đan, điều đó cũng có nghĩa anh chẳng hề linh cảm thấy Đan đang gặp nạn, Đan đang chờ mong anh từng phút. Cho đến khi Đan trở về căn phòng này, trong giây phút đầu tiên gặp lại, anh dừng lướt trên những trang sách chằng chịt chữ chỉ để hỏi Đan:
-Em về rồi đấy à?
Bình thản như Đan vừa trở về sau chuyến thăm quê thường nhật, như thể suốt một tuần qua chưa hề có chuyện gì hệ trọng xảy ra đối với cô.
Trong suốt khoảng thời gian chữa vết thương ở bệnh viện thị xã Sơn Tây, phòng trọ của cô không hề khóa cửa. Thế nhưng khi trở về nhà, bình hoa sen trắng đã héo rũ bên cửa sổ, bụi đã phủ đầy bàn trang điểm và bức thư viết dặn anh chăm sóc bình cá cảnh vẫn chưa được mở. Cũng may, anh còn nhớ cho lũ cá ăn để ít nhất khi Đan trở về cũng không phải nhìn thấy cảnh tượng những con cá nằm phơi bụng.
                                                   * * *
Đan mồ côi từ nhỏ, sống với bà nội đến năm mười sáu tuổi thì nội mất. Đan ra thành phố vừa học vừa bươn trải, ngày ngày lầm lũi trở về căn phòng trọ một mình. Phòng trọ nằm trên tầng hai, chủ nhà là một bà cụ nhiều tuổi, không có con cháu thân thích nên chiều nào cũng ngồi trước cầu thang đợi Đan về để chuyện trò khuây khỏa. Còn anh, vốn thiếu thốn tình cảm của mẹ từ nhỏ do mẹ bỏ hai bố con anh để đi bước nữa. Bằng một cách nào đó dòng đời đã xô đẩy Đan và anh lại với nhau, kể từ khi anh chuyển về trọ ở phòng đối diện phòng cô. Bà chủ chiều chiều lại đợi thêm một người, ngôi nhà ấm cúng hơn hẳn dù cho anh chẳng mấy khi cười nói. Nhờ cùng ngồi ngắm mưa với nhau ở cuối hành lang vài lần thế là thành bờ vai cho nhau dựa.
Đan và anh đi bên cuộc đời nhau lặng lẽ như hai chiếc bóng. Thi thoảng trở về nhà sau một ngày dài mệt mỏi, Đan tạt qua phòng anh, hai đứa nấu ăn rồi nằm dài bên nhau nghĩ vẩn vơ. Thi thoảng sau giấc mơ về hình bóng mẹ, anh ôm choàng Đan từ phía sau, nghe rất rõ từng nhịp tim nhau đập mạnh trong lồng ngực. Đó phải chăng là sự đồng cảm của hai con người thiếu thốn tình cảm, cứ thế dựa vào nhau để tồn tại. Không giận hờn, ghen tuông, không đối thoại ngày ngày, thậm chí không cả những cuộc tranh luận hào hứng. Thế nhưng cả Đan và anh luôn nghĩ rằng cả hai thật sự cần có nhau, ngay cả khi có nhau chỉ để lặng thầm như thế. Đã có lần trong một buổi chiều mưa Đan bảo:
-Nếu một ngày bỗng nhiên một trong hai chúng ta bốc hơi khỏi cuộc đời này thì sao nhỉ?
Anh nhấp nhẹ hụm cafe, nheo mắt nhìn Đan dò hỏi:
-Nếu là anh?
-Em không biết nữa. Quên đi một thói quen đã khó nữa là quên đi một con người. Nhưng nếu người bốc hơi lại chính là em?
-Có thể sáng anh vẫn đi làm rồi tối lại cafe và đọc sách. Chờ cho đến khi nào anh cũng bốc hơi khỏi thế giới này.
Ngay lúc đó Đan đã thắc mắc là tại sao anh không hề nghĩ đến chuyện sẽ đi tìm Đan. Những người yêu nhau sẽ biết cách để tìm thấy nhau dù cho có cách xa cả nửa vòng trái đất. Họ không chấp nhận sự mất mát, không chịu ngồi yên chờ đợi. Họ thậm chí có thể lao vào lửa hoặc rơi xuống vực sâu chỉ để tìm thấy người yêu. Còn Đan và anh, đã bốn năm dài yêu nhau mà cả hai người chưa bao giờ nói nhớ nhung nhau, hay bởi vì xa cách chưa bao giờ đủ...
Suốt một tuần nằm viện, Đan không thể nào liên lạc được với anh vì điện thoại đã vỡ vụn trong vụ tai nạn. Ngay cả sim điện thoại cũng văng đâu mất. Mặc dù Đan rất muốn liên lạc với anh nhưng cô không thể nào nhớ nổi số sim anh đang dùng. Những con số cứ nhảy lộn xộn trong đầu để đến khi chắp nối lại thì thành ra những giọng nói lạ hoắc và vô cảm của một cụ già, một gã cáu bẳn miền trong hay một cô ả chua loét và kênh kiệu. Rất lâu rồi, kể từ khi học cách quên đi những ám ảnh u buồn về quá khứ thì dường như Đan cũng dần quên luôn mọi thứ xung quanh. Cho đến lúc chỉ có một mình nằm co quắp trong bệnh viện Đan mới nhận ra mình có một trí nhớ tồi chỉ vì đã vô tâm quá mức.
Những ngày sống trong chờ đợi, đã có lúc Đan chợt nghĩ rằng, nếu như hôm đó không may Đan bị chấn thương sọ não, khi tỉnh dậy không còn nhớ nổi mình là ai, mình đến từ đâu. Không thể tìm về căn nhà trọ có bà chủ cô độc trong thành phố thì chắc hẳn anh cũng sẽ không kiếm tìm hoặc không biết Đan ở đâu mà kiếm. Bởi vốn lẽ anh không có linh cảm của những người đang yêu. Giác quan thứ sáu chỉ thực sự dành cho những người biết thương yêu và luôn hướng về nhau.
                                         * * *
-Anh có bao giờ nghĩ chúng mình yêu nhau chỉ như một thói quen?
-Như anh uống cafe và đọc sách vào mỗi tối sao?
-Hình như vậy. Em có cảm giác hai đứa mình dựa vào nhau chỉ để không thấy mình đơn độc. Để luôn thấy có một kẻ chìa bờ vai cho mình lúc buồn, để mỗi khi trở về phòng biết rằng bao giờ cũng có một người chờ ở đó. Như thế có được gọi là tình yêu không anh nhỉ?
-Có thể.
-Có thể?- Giọng Đan chùng xuống, như mắc nghẹn nơi cổ họng.
Sau một chuỗi im lặng, anh vẫn không thôi dời mắt khỏi quyển sách, giọng bình thản:
-Sao bỗng nhiên em lại muốn hỏi về tình yêu. Có chuyện gì đó không ổn sao em?
Sáng hôm sau, khi anh vẫn còn chìm trong giấc ngủ còn đượm mùi cafe và câu chuyện tình yêu của tiểu thuyết Quỳnh Dao thì Đan xách vali chầm chậm bước xuống từng bậc cầu thang. Đan chọn cách ra đi bởi cô sợ mình sẽ không chịu nổi sự cô đơn chế ngự ở nơi này. Đan cứ tưởng khi tựa vào vai một người nào đó thì đời cô không còn cô đơn nữa, nhưng không ngờ hai con người càng cố bấu víu với nhau càng cô đơn bằng những khoảng cách vô hình. Đan đi vì nghĩ rằng nếu cô còn tiếp tục ở lại, thì một ngày nào đó không xa, khi không chịu đựng nổi bao hoang hoải của cuộc đời, biết đâu Đan sẽ tìm đến cái chết trong chính căn phòng trọ nhỏ bé này. Khi đó chắc anh vẫn ở phòng đối diện bình thản đọc sách và nhấm nháp cafe. Dù cửa hai phòng chỉ cách nhau đúng một bước dài.
Đan ra đi bởi biết rằng nếu tình yêu đủ lớn thì nhất định anh sẽ biết cách tìm thấy Đan một lần nữa trong cuộc đời này... 

                                                        Vũ Thị Huyền Trang

Tuesday, October 9, 2012

Nữ chính...



Như thường lệ, sau mỗi chuyến công tác kéo dài chị thường đến thăm Uyên. Lần này vì bận giải quyết một số công việc nên đi xa về từ đầu tuần mà mãi cuối tuần mới ghé qua thăm em được. Xóm trọ vắng hoe, cửa phòng Uyên khóa im ỉm không quên dán kèm một tờ giấy vẽ chiếc mặt cười ngộ nghĩnh, chị biết nó dành cho chị. Moi dưới chậu hoa lấy chùm chìa khóa, chị mở cửa phòng nằm ngủ một giấc trưa trong không gian bình yên thân thuộc. Cứ mươi lần đến thăm em thì thể nào cũng phải bảy, tám lần không gặp em như thế. Chị cũng quen không còn hỏi em đi đâu và làm gì? Bởi chị biết thể nào cũng nhận được câu trả lời “Em trốn phố”. Lâu lâu em lại trốn phố một lần rồi mang về đầy hoa thơm cỏ dại trên môi cười hồn nhiên. Cứ như thể em đang được hồi sinh sau những ngày dài trốn trong vỏ bọc già nua ở thành phố này.
Em tự nhận mình là một cô gái thông minh và nhiều may mắn thế nên chẳng khó khăn gì để ngay sau khi tốt nghiệp em đã có một chỗ làm tử tế. Khi chị còn làm trưởng phòng nhân sự ở công ty cũ, em mới chỉ là một nhân viên bình thường. Chị đi chẳng bao lâu em đã thế chỗ chị một cách đầy vững vàng bản lĩnh. Quỹ thời gian của phụ nữ thành đạt thường chẳng có là bao, ấy thế mà tháng nào em cũng đôi lần gọi điện mời chị đi cà phê tán ngẫu. Em thường diện váy maxi sặc sỡ, tóc xoăn bồng bềnh tăng thêm quyến rũ bằng đôi môi mọng đỏ. Em là người khiến chị thấy nuối tiếc tuổi xuân của mình hơn ai hết. Lần nào gặp nhau cũng chỉ thấy em cười rạng rỡ, hỏi sao đến tuổi này vẫn chưa lấy chồng? Thoáng cụp mi buồn em hỏi “Chị có hạnh phúc không?”.
Hỏi câu ấy độ mươi lần thì em bắt đầu có suy nghĩ trốn phố. Trước chuyến đi đầu tiền em gọi chị đến bảo:
-Em đi có vài ngày thôi à! Nhưng sẽ không có thời gian ngồi tán ngẫu với chị nữa chị có buồn không? Chìa khóa nhà em để dưới chậu hoa, nếu chị mỏi mệt cứ đến đó ngủ một giấc trưa chị nhé.
-Sợ cả thành phố rộng lớn này không có ai chứa chị lúc gục lòng hay sao mà phải lo cho chị vậy nhỏ. Em cứ đi chơi vui là được.
Em chẳng còn bé bỏng gì, chị cũng đã tàn phai trông thấy bởi biết bao nhiêu toan tính vậy mà còn ngồi đây vỗ về nhau. Em bảo thành phố này bé xíu chẳng có ai ngoài chị nên em phải đi. Chơi với chị hoài cũng sợ chị rầy la mà chị cũng rảnh rỗi gì cho cam, suốt ngày bay như chim hết thành phố này đến thành phố khác bỏ mặc em lại một mình. Nói xong, em nháy mắt cười tinh nghịch rồi hòa lẫn vào dòng người lúc tan tầm đông nghịt, chị đứng đó nhìn theo mà thương cái dáng nhỏ bé đơn độc ấy. Chị cứ thắc thẩm hoài cớ sao em chị xinh đẹp giỏi giang là vậy mà không có người thương? Hay là nhiều người muốn thương mà thương không nổi? Nhắc chuyện chồng con với em, lúc nào em cũng chỉ tính cười trừ như thể chẳng bao giờ biết thương nhớ một ai. Người đâu mà lạ…
                                         * * *
Em ốm. Đấy là lần duy nhất em trở về sau khi trốn phố với bộ dạng thảm hại đến thế. Chị nhìn em mà xót xa than:
-Nếu thấy cuộc sống ở đây quá mệt mỏi sao em không dời khỏi đây luôn. Tính chi chuyện trốn phố vài ba ngày, cập rập đi đi về về cũng đã hết hơi thời gian đâu mà nghỉ ngơi nữa. Nhìn xem em này, mấy chốc mà tàn phai nhan sắc.
Em dụi mặt vào gối, nói nhẹ bẫng:
-Chị à! Em chưa thể rời nơi đây được.
-Em còn việc gì quan trọng cần làm hay là tiếc sự nghiệp mà mình đang phấn đấu? Mà cũng phải, ở tuổi như em dễ gì có được…
-Em đợi một người.
-Đợi ai? Sao chưa bao giờ chị nghe em nói về người đó? Đàn ông phải không? Người ta đang đi xa à?
-Không! Người ta đang ở rất gần em thôi chị.
Uyên nói rồi lặng lẽ khóc. Em nằm khóc rất lâu, những giọt nước mắt của em đọng lại dưới bìa cuốn sách “Em là của anh” của nhà văn Johanna Lindsey, nước mắt trong veo vương mấy sợi tóc đẹp tựa như một hồ thu. Chị ngồi ngắm em và nghĩ chắc hẳn em đang yêu, chỉ có tình yêu mới khiến con người ta dằn vặt khổ sở đến thế. Chị tự cười nhạo mình khi chưa gì đã nghĩ em chẳng biết yêu. Già như chị rồi còn điêu đứng liêu xiêu vì hai chữ tình yêu huống hồ em. Lúc đang cắm hoa sen vào bình, thấy em khẽ thở dài trong giấc mơ tự nhiên chị giật mình. Mẹ từng nói chị cũng rất hay thở dài lúc đang ngủ say như thế. Ừ mà chắc gì đã là một giấc ngủ say…
Sau hôm đó chị lại bận công tác triền miên. Em ở lại thành phố quản lý lũ nhân viên tiểu yêu chắc cũng chẳng dễ thở gì. Bằng chứng là lúc chị gọi về, thấy em gầm lên qua điện thoại. Em bảo hình như năm nay sao Thái Bạch chiếu đúng đỉnh đầu em thì phải. Nhân viên nữ thi nhau nghỉ đẻ, nhân viên nam say bia bọt tùm lum hết ông này đến ông khác, công việc bỏ bê trễ nải. Tuyển được mấy đứa mới vào thì toàn bọn sấc láo không thể tả. Chị nghe xong thì cười bảo:
-Có lẽ em thiếu một tách cà phê với chị đây mà. Mai chị về rồi có định hò hẹn không đây.
Tiếng em cười giòn tan như quên đi mọi bực dọc trong lòng. Em bảo nhất định phải hẹn chứ, người bận rộn như chị thì hở lúc nào là phải chộp tức thời. Chị cũng đâu có vừa, trước giờ hẹn chị gọi điện đến bảo:
-Bữa nay tưởng nhàn mà nhiều việc ghê nhỏ ơi. Làm từ sáng đến giờ chưa hết việc.
Em giãy nảy:
-Mặc kệ! Chị hẹn em rồi đó. Em đang trên đường đến quán nè. Chị mà bỏ em ngồi một mình là không yên với em đâu.
-Vậy chứ hôm nay đến đó có chuyện gì hay không mà chèo kéo bằng được chị. Chị nói trước là chị không rảnh đến đó chỉ để nghe em kể mấy chuyện tào lao ở công ty đâu nhé. Chị làm ở công ty đó gần chục năm rồi mới đi, thuộc tính cách mấy người đó đến từng chân tơ kẽ tóc.
Em nhăn nhó:
-Thế chị muốn nghe chuyện gì nào?
-Chuyện tình yêu của em đi. Không phải em bảo em đang chờ một người nào đó hay sao?
Em xì một tiếng rõ dài bảo chị già rồi mà còn tài buôn chuyện. Chị soi gương thít lại dây váy và tủm tỉm cười. Bỗng dưng vì trêu chọc em mà hôm nay chị thấy mình trẻ thêm vài tuổi…
Chị đến quán trễ mười lăm phút so với giờ hẹn. Em như thể vẫn giữ nguyên bộ mặt phụng phịu từ cuộc điện thoại nãy giờ, nên vừa nhìn thấy chị đã quạu cọ:
-Trông cái nụ cười ủ mưu của chị mới đáng ghét làm sao. Em đến sớm nên đã ngồi đây đợi chị gần một tiếng đồng hồ rồi đấy. Liệu mà đền bù đi, không là em dỗi đấy. Mà có mang cốm cho chị nữa này, phải vòng vào tận khu phố cổ mới mua được cốm ngon cho chị đó.
Chị nhéo cái má phúng phính như con nít của em và bảo:
-Muốn đền gì đây cưng? Kem nhé!
                                         * * *
-Em quen anh ấy trên mạng từ hồi em còn là sinh viên. Anh ấy người Hà Nội nhưng du học ở nước ngoài. Nói chung tính hay lắm, cởi mở và biết quan tâm chia sẻ. Hồi đấy điện thoại di động chưa phổ biến như bây giờ nên chủ yếu là chát chít và viết thư qua lại. Dù chẳng thề thốt với nhau điều gì nhưng cả hai đều tin và hiểu nhau lắm.
-Thế rồi sao?
-Chẳng sao cả. Anh ấy nói học xong sẽ về nước rồi lấy vợ, sinh con. Đến lúc em ra trường đi làm thì thường xuyên liên lạc với nhau. Ríu rít suốt ngày như đôi tình nhân vậy. Ấm áp lắm chị ạ và em cứ chờ đợi một hạnh phúc xa xôi, trọn vẹn hơn.
-Chị không hiểu tại sao…
Chị chưa nói hết câu thì em đã cắt lời:
-Hôm nay chị chỉ nghe em kể thôi, đừng nói gì cả được không? Em biết chị định nói những gì nhưng chị biết đấy con tim thường có lý lẽ riêng của nó. Em đã tin rằng con người ấy, trái tim ấy thuộc về mình như thể đó là định mệnh. Mà đã là định mệnh thì sẽ chẳng có gì thay đổi cả.
Chị khẽ thở dài, ngước nhìn em dò hỏi:
-Thế rồi sao nữa, hắn có về nước không?
Em cười chua chát:
-Có! Có về chứ chị. Nhưng mà không phải để gặp em.
Em im lặng rất lâu, tay khoắng tách cafe sủi bọt. Chị muốn an ủi em vài câu mà không biết nói sao chỉ thương đến ngập lòng. Em bảo chuyện xảy ra đã ba năm rồi, kể từ ngày em đi vào ảnh viện áo cưới cùng đứa bạn thân. Trong lúc ngắm bạn thử váy cưới, em đã nghĩ đến việc một ngày gần nhất mình cũng được trở thành cô dâu xinh đẹp đi bên cạnh người đàn ông ấy. Em đã nghĩ sẽ nuôi tóc dài để ngày cưới tết tóc quanh đầu chắc trông sẽ dịu dàng lắm. Em đã nghĩ sẽ cưới vào mùa sen nở, chính là mùa này đấy chị. Sẽ chọn màu son cánh sen cho vừa nền nã vừa quyến rũ… Nói đến đó rồi em đột nhiên chững lại. Chị đọc được sự hụt hẫng và mất mát dường như vẫn còn nguyên vẹn trong đôi mắt ấy. Đắn đo hồi lâu cuối cùng chị cũng hỏi:
-Rồi em gặp người đàn ông ấy ở ảnh viện áo cưới đúng không? Mà lại không chỉ đi có một mình đúng không?
Em bật cười:
-Phải chị ạ. Sến như phim Hàn Quốc ý.
-Rồi nữ chính xử sự ra sao?
Em nhún vai:
-Thì còn biết làm sao nữa. Ngồi ngắm luôn vợ người ta thử váy cưới chứ sao. Mà phải công nhận là cô ấy đẹp. Đẹp hơn em là cái chắc, dáng chuẩn, khúc nào đi khúc ấy đến em nhìn còn mê nữa là…
-Còn nhân vật nam chính thì thế nào?
-Chị xem phim Hàn Quốc thì thấy rồi đấy. Có vẻ lúng túng nhưng tảng lờ như không quen. Mặc dù từng ngắm ảnh nhau hàng ngày thuộc vị trí đến từng nốt ruồi nhỏ trên khuân mặt.
-Thế thì em còn chờ đợi điều gì nữa?
-Em đợi người ta đến nói với em một lời. Dù gì cũng đã từng vì nhau mà vui, vì nhau mà hy vọng. Kể cả người ta có không thương yêu em, có đi lấy một người con gái khác thì cũng phải nói với em một lời chứ chị. Chứ tại sao lại im lặng từ bấy đến giờ…
Chị thở dài, nhìn em thương xót:
-Ôi cái đứa em khờ khạo này. Người ta đã thế rồi thì chờ đợi làm gì chứ. Người biết nghĩ thì đã không làm cho em phải tổn thương. Chỉ có em là cứ ôm lấy chuyện cũ xưa mà tự dằn vặt mình cho thêm khổ. Em có chờ mười năm chứ cả trăm năm thì cũng chẳng có một lời nào cho em cả. Biết không?
Nhân vật nữ chính gục đầu xuống bàn khóc nức nở. Chị ngồi đó chẳng biết phải nói sao. Cuộc đời trăm mối tơ vò cũng khiến lòng chị có mấy khi thanh thản. Em rồi cũng như chị thôi, cứ ôm riết mấy thứ mà người khác cho là vớ vẩn linh tinh ấy vào lòng rồi có được gì đâu? Chị muốn khuyên em hãy khép lại những ngày tháng cũ mà mở rộng trái tim mình đón nhận một tình yêu khác đi. Nếu thấy mỏi mệt quá thì đến một nơi khác bình yên hơn mà sống đi, nhưng mà sợ khuyên không nổi. Thôi đành…
Em ngước đôi mắt ầng ậc nước lên, nói chị đừng xót xa em. Cũng có thể đến một ngày em sẽ thôi không chờ đợi nữa…
                                         * * *
Vào một ngày mưa, chị đi công tác ngồi ở xứ người mà nhớ thương đứa em gái nhỏ. Lúc chị điện về thì nữ chính bảo đang vào siêu thị mua một đống đồ hộp để cuối tuần này đi chơi. Chị hỏi:
-Lại trốn phố đấy à?
Tiếng em cười giòn tan lẫn vào tiếng loa thông báo oang oang trong siêu thị:
-Vâng! Nhưng là hẹn hò đấy nhé. Không phải thui thủi một mình nữa đâu nha! Bọn em sẽ làm một vòng khắp các tỉnh miền Đông Bắc. Chị ghen tị dần đi là vừa.
-Em làm chị bất ngờ đấy. Nam chính là ai thế, sao chưa nghe em kể?
-Bí mật, em mới quen vài tháng nay thôi nhưng mà hợp lắm. Sau lần này sẽ về ra mắt chị. Mà từ giờ em là nữ chính hạnh phúc, không phải là nữ chính đau khổ nữa đâu nha!
Chị nghe tiếng em cười khúc khích mà tưởng như tiếng mưa reo vui ngoài ô cửa xứ người. Chị thì nhớ phố lắm rồi, mong được về nhà để vỗ về mấy đứa nhỏ và để được hẹn hò xem mặt nam chính của em.

                                        Vũ Thị Huyền Trang

Friday, October 5, 2012

Bất tử...



Năm 2040. Tại một căn gác nhỏ giữa thủ đô Hà Nội -Việt Nam.
Chiếc đồng hồ quả lắc đã nhấm nhẳng buông đúng 8 tiếng vang khắp ngôi nhà. Vậy là đã 8h sáng nhưng khác hẳn những ngày thường, hôm nay Hạnh Văn vẫn nằm ngủ. Bên cạnh giường ngủ của cô, đặt một chiếc bàn trang điểm, trên chiếc bàn chỉ có duy nhất một vỏ hộp thuốc hình chữ nhật, nhỏ như đốt ngón tay nằm chổng chơ ở đó. Bên cửa sổ có một bình hoa hồng đỏ, cửa sổ được vén sẵn rèm cho ánh nắng buổi sớm ùa vào tràn ngập khắp căn phòng.
Hôm nay là một ngày cực kì quan trọng, nó cũng giống như ngày cô được sinh ra trên đời này một lần nữa để rồi mãi mãi ở lại với thế giới đầy tươi đẹp này. Suốt hơn ba mươi năm qua Hạnh Văn đã phải cố gắng làm việc cật lực để có thể mua được lọ thuốc bất tử. Và trong gia đình thì Hạnh Văn là người uống thuốc bất tử cuối cùng.
                                         * * *
Có nhiều người đã không thể đợi đến ngày được uống loại thuốc bất tử đó. Họ đã chết ngay trên đường đua số phận, lúc ấy cái phát minh vĩ đại kia của khoa học cũng không thể đến cứu họ kịp thời. Đơn giản vì họ chưa đủ tiền để có thể mua được nó.
Việc mua được 1 lọ thuốc bất tử cũng giống như vào những năm 2000 người ta mua một căn nhà ở thủ đô. Dĩ nhiên với số tiền tỉ, thì người mua được cũng không ít mà người chỉ dám ước thôi cũng rất nhiều. Thiên An là một trong số những người chỉ dám ước ao đó. Thậm chí cậu còn bất hạnh hơn khi không thể đợi được đến ngày đủ tiền mua thuốc thì đã chết vì suy kiệt sức lực, sau mấy chục năm làm việc cật lực. Ngày Thiên An mất, Huệ Văn càng lo sợ hơn cho số phận của mình khi xã hội đầy dẫy những bệnh truyền nhiễm mới mà khoa học lại chưa thể tìm ra thuốc chữa. Điều này thì có hai lí do, một là có thể những người đứng đầu của nền khoa học hiện đại thấy không cần phải mất thêm chút sức lực nào cho việc nghiên cứu các vác xin phòng bệnh, hay thuốc chưa bệnh nữa, vì họ đã phát minh ra một loại thuốc vĩ đại nhất đó là thuốc bất tử rồi. Việc còn lại là trách nhiệm bản thân mỗi cá nhân trong cộng đồng phải tự kiếm tiền mà mua lấy thuốc. Thứ hai là khoa học chưa thể có thời gian để tìm ra loại vac xin phòng và chữa bệnh khi mà chưa hoàn hồn với bệnh dịch này lại đến bệnh dịch khác.
Bởi vậy trong thời đại này có thể nói rằng mục tiêu phấn đấu lớn nhất của cá nhân mỗi người là mua cho bằng được sự bất tử bằng cái giá đắt cắt cổ. Nhưng suy cho cùng thì đó là thuốc bất tử chứ có phải là vài ba loại thuốc cảm cúm nữa đâu. Và cũng suy cho cùng thì tất cả các mục tiêu khác cũng chỉ phục vụ cho cái mục tiêu vĩ đại ấy. Nói một cách khác, khi mỗi cá nhân đã thực hiện được mục tiêu bất tử của mình thì mọi mục tiêu khác đều trở nên dễ dàng. Thế là ok! Ra đường không phải nhìn mặt, xem tướng xem người này muốn gì, người kia muốn gì. Mọi người chỉ có chúng một mục đích duy nhất. Thế vừa dễ sống lại vừa khó sống.
Trong giấc mơ của những thằng đàn ông đã vắng dần bóng dáng của đàn bà, thay vào đó là những con số bằng tiền chỉ đủ mua một hộp thuốc bất tử. Và thế là trong thời đại này tình yêu chả là cái gì hết. Ai ai cũng hiểu và vui lòng chấp nhận nó. Hạnh Văn và Thiên An cũng vậy. Họ đã định ngày cưới từ rất lâu, chỉ đợi ra trường là sẽ cưới ngay. Nhưng ngay từ khi có thông tin rằng các nhà khoa học nổi tiếng nhất trên thế giới sẽ tìm ra loại thuốc bất tử vào năm 2030 thì họ cũng bắt đầu quay theo cái guồng quay chung của xã hội. Đám cưới dường như chẳng còn cần thiết gì, nghĩ theo một hướng nào đó thì đám cưới nghe vẻ cũng xa vời như cái lọ thuốc bất tử mà lúc ấy chỉ có trong tương lai, hứa hẹn. Cho đến khi thuốc bất tử có mặt trên thế giới gần chục năm trời nó vẫn chỉ là mơ ước. Khi Thiên An qua đời cậu ta thành ra chẳng có gì. Hạnh phúc cũng không, tình yêu thì càng xa vời nữa. Ngày Thiên An mất, trong đám tang Hạnh Văn có khóc, nhưng ai cũng hiểu cô khóc không phải vì thương người yêu. Bởi tình yêu làm gì có chỗ đứng trong thời đại này, cô khóc vì cô sợ cô cũng sẽ chết trước khi mua được sự bất tử cho mình.
Bất tử ơi là bất tử!
                                         * * *
Trong gia đình Hạnh Văn thì chỉ có một mình cô là tri thức, còn lại tất cả mọi người, kể cả bố mẹ cô đều kinh doanh. Mỗi người kinh doanh một loại hàng, mỗi người đều có cách moi tiền của thiên hạ riêng. Riêng cái đồ trí thức như cô là không có cách nào kiếm tiền ngoài làm việc tám tiếng một ngày, lấy lương đều đặn. Buổi tối tranh thủ viết lách thêm để lấy tiền. Cũng chẳng nhằm nhò gì cả. Nó chỉ đáng mấy đồng lẻ so với bố mẹ, anh em cô. Mỗi lần về nhà đều nghe anh cô cười khà khà bảo:
-Thế là tao sắp mua được thuốc bất tử rồi. Cả nhà này thua tao hết.
Mỗi lúc như thế chỉ thấy bố mẹ im lặng tính toán giấy tờ gì đấy. Còn thằng em trai thì cười khẩy, ý nó bảo chả biết ai hơn ai đâu. Cuối cùng thì thật bất ngờ, với cái công ty sản xuất nước lọc của mình, bố mẹ cô đã mua được thuốc bất tử đầu tiên.
Anh trai bảo:
-Tẩm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi.
Thằng út nhìn đầy tiếc rẻ. Còn Hạnh Văn chả thấy vui cũng chẳng buồn. Đúng hơn là cô đang lo lắng. Lại lo lắng. Con người ta nhỏ bé đi cũng vì lo lắng.
Thi thoảng bố mẹ cô lại bảo:
-Chúng mày không nhanh mà mua lại chết mất xác lúc nào không biết đấy.
Em út lại bảo:
-Việc ấy mẹ có lo cũng không được. Mà con chắc rằng là mẹ không muốn lo vì nếu thực sự biết lo lắng cho các con thì bố mẹ đã nhường thuốc bất tử cho chúng con rồi.
Bố đang đọc tờ báo có mục hài hước, cười khùng khục. Nhà có hai người bất tử có khác, cứ như trên đời này chẳng phải lo lắng thêm điều gì nữa cả. Mà đúng như thế thật chứ còn gì nữa.
                                         * * *
Hai năm sau ngày bố mẹ Hạnh Văn thành bất tử thì đến anh trai cả. Anh trai làm nghề kinh doanh, chuyên phân phối bánh kẹo.
Nhà có ba người bất tử.
Thằng út thi thoảng lại như phát điên lên trước đống giấy má. Nó làm kế toán cho một công ty tư nhân. Thi thoảng nó chửi đổng:
-Mẹ kiếp! Ước gì chúng nó chết hết đi.
                                         * * *
Khoảng một năm sau thì thằng út cũng bất tử. Nó cười khà khà:
-May quá mình chưa chết. Cái nghề của mình kể ra thì cũng không quá phụ bạc. Chỉ có cái nghề viết văn của bà thì xem ra ế ẩm thật rồi. Thật tội nghiệp.
Trong nhà chứa nhiều thùng rượu và vỏ bao thuốc lá hơn. Bệnh tật đã không còn làm người ta thấy sợ.
Thứ duy nhất khiến những người bất tử sợ đó là súng đạn, dao hay tai nạn dao thông. Những thứ có thể làm người ta chảy máu. Nên càng nhiều người bất tử thì thành phố càng đỡ tắc đường. Hơn bao giờ hết con người lại thấy sợ con người như thế. Người ta không dám chạm mặt nhau, kể cả những người thân trong cùng một gia đình.
                                * * *
Đêm trước ngày Hạnh Văn có thể đủ tiền để mua sự bất tử cho mình, cô lại bị nỗi lo sợ hành hạ bằng những cơn ác mộng. Thật là kinh khủng!
Hạnh Văn lúc thì mơ thấy mình tai nạn giao thông ở một ngã tư đông đúc. Không hiểu người kéo ở đâu ra mà đông thế. Như thể họ ra đường không phải vì họ tham gia giao thông mà chỉ với một mục đích là giết lẫn nhau. Họ đâm vào nhau, họ lăn xả vào nhau cào cấu. Hạnh Văn bị thương và không thể thoát khỏi đám đông hỗn loạn ấy. Cô đã bị chết ngạt trong biển máu.
Cũng có khi Hạnh Văn mơ thấy mình không vì một lý do gì cũng lăn ra chết, miệng sùi bọt trắng, chân tay sưng vù, mắt mở trừng trừng không ai vuốt nổi. Cũng có lúc Hạnh Văn mơ thấy cô tự cầm dao đâm vào mình nhiều nhát rồi nằm lăn ra đất, máu mê bê bết, không người chôn cất.
Mỗi lần tỉnh dậy Hạnh Văn đều hoảng hốt, ngồi thu lu trong bóng tối. Để rồi sáng dậy lại ngồi nhẩm đi tính lại số tiền mà mình có được cất kĩ trong một cái tráp để trong hộp giường. Những đồng tiền in chồng chất dấu vân tay vẫn  còn dính mồ hôi và nỗi lo sợ của một nữ vẫn động viên đang bị bỏ lại sau cùng trên đường đua số phận, còn những người khác đã ung dung về đích. Và cô rất sợ mình sẽ không thể gắng gượng để có thể về đích mà sẽ gục gã giữa nửa chừng.
Ôi nỗi lo sợ của con người!
                                         * * *
Cuối cùng thì Hạnh Văn cũng đủ sức chạy về đến đích. Nhưng cũng như những vẫn động viên đã quá gắng sức, khi về đến đích cũng là lúc Hạnh Văn gục ngã. Một cơn đau đớn vật vã quật Hạnh Văn nằm liệt giường suốt một tháng liền. Cũng may là cô đã thành bất tử nếu không đợt ốm ấy rất có thể sẽ quật cô gục hẳn.
Sau đợt ốm ấy Hạnh Văn không hiểu sao mà mình lại không thể vui vẻ, nói cười và tận hưởng cuộc đời bất tử của mình. Cô suốt ngày rầu rĩ, câm lặng không nói không cười, cũng ít ra đường ngoài lúc đi làm hay có việc gì thật cần thiết. Từ khi Thiên An mất cho đến tận bây giờ cô mới thật sự thấy đau. Hay nói đúng hơn là cho đến tận khi nỗi sợ hãi về cái chết không còn xảy ra với bản thân nữa, thì người ta mới có thể nghĩ đến người khác, và những điều khác.
Hạnh Văn tự thấy mình không thể tìm thấy một người đàn ông nào được như Thiên An nữa. Người đàn ông mà cô đã bỏ rơi ngay cả những ngày bệnh tật để lao vào vòng xoáy kiếm tiền, phục vụ cho mục đích bất tử của mình. Căn phòng của cô lúc nào cũng bốc lên cái mùi rẫu rĩ, màu ủ rũ và tiếng thở dài của những vật vô tri. Tất cả như chỉ nhằm vào mục đích dày vò , dằn vặt chủ nhân của nó trong nỗi cô độc của chính mình.
Từ khi bất tử Hạnh Văn cũng không chú tâm đến việc chăm sóc bản thân mình. Mọi sinh hoạt hàng ngày bị đảo lộn thậm chí là bê trễ. Những bữa ăn không còn cảm giác ngon miệng, những giấc ngủ không sâu. Thậm chí là nhiều đêm Hạnh Văn đã cố ru mình vào giấc ngủ nhưng cảm giác vẫn không bị đánh lừa. Mắt mở trong trong nhìn xuyên vào bóng đêm, càng thấy nỗi buồn thăm thẳm…
Đã rất lâu rồi Hạnh Văn không trở về nhà bố mẹ, cũng không liên lạc gì với anh em trai cả. Cô không còn cảm giác được hạnh phúc, bình yên khi ở bên họ như lúc nhỏ. Nhiều lúc trong bóng đêm những mảnh vụn kí ức về tuổi thơ trong ngôi nhà có năm người. Mùa mưa năm người chụm lại ủ ấm cho nhau khi căn nhà dột tứ phương, mùa nắng mấy anh em nằm dài dưới gốc ổi ngủ, bố mẹ thay nhau tay quạt, giấc mơ cổ tích ùa về. Những năm tháng ấy sao mà thiêng liêng mà ấm áp. Trong giấc mơ thèm khát yêu thương của mình, Hạnh Văn đã khóc như trẻ nhỏ, những giọt nước mắt nuối tiếc hiếm hoi của cuộc đời.
                                         * * *
Mùa đông…
Chiếc điện thoại đã chết máy không phải vì thời tiết lạnh đến đóng băng mà có lẽ vì đã rất lâu rồi nó không hoạt động. Không một cuộc gọi, không một tin nhắn, thậm chí nhiều lúc thèm khát một cuộc nháy máy cũng chỉ là vô vọng. Và chủ nhân của nó cũng không thực hiện một cuộc gọi hay nhắn một cái tin nào. Một cuộc nháy máy cũng không. Có lẽ chiếc điện thoại đã chết trong nỗi cô độc ấy. Và chủ nhân của nó cũng đang bị mùa đông vây hãm.
Ngoài cửa sổ, giỏ phong lan cuối cùng cũng đã lụi.
Thi thoảng những cơn gió đập vào ô cửa sổ như muốn phá tung căn phòng để ùa vào. Tiếng gió như tiếng chó sói cắn đêm. Lạnh và run sợ.
                                         * * *
Hôm đó là 25 tết. Những người dọn dẹp vệ sinh được đặt hàng theo chu kì trong mỗi năm đã phát hiện ra xác của Hạnh Văn nằm lạnh cóng trên giường. trên tay cô là chiếc dao gọt hoa quả rất sắc và nhọn. Máu chảy ra từ cổ. Máu cũng đã đông. Người ta ngạc nhiên rằng tại sao không khí trong căn phòng ấy lại lạnh thế trong khi đó ngoài trời đã ấm lên từ mấy ngày hôm trước. Tết mà! Vài ba người nghèo khổ đã đi mua áo ấm cho con, người giàu mua đào, mai, sâmpanh, quà tết. Dòng người lũ lượt…
…Và rất nhiều người trong số họ đang đi mua thuốc bất tử cho mình. 
                                                                      KTX 12h57 10-10-2009
Tôi viết truyện ngắn này khi đọc được trên mạng những thông tin dự báo tương lai này:
“Ray Kurzweil, nhà phát minh và tương lai học 61 tuổi, nói rằng tri thức mới trong lĩnh vực công nghệ  thông tin  và di truyền đang tăng lên với tốc độ khó tin. Theo ông, về mặt lý thuyết, nếu sự hiểu biết của nhân loại  cứ tiếp tục tăng như hiện nay, trong vòng 20 năm nữa, công nghệ  nano có thể giúp chúng ta tạo ra những sản phẩm  có chức năng giống hệt các cơ quan  nội tạng. Khác với cơ quan  nội tạng, những sản phẩm  ấy không bị lão hóa nên không bao giờ chết.”

Vũ Thị Huyền Trang