Tuesday, September 4, 2012

Chú chim sẻ nhỏ

chú chim sẻ
Chú chim sẻ

Mới bảnh mắt ra nó đã gõ cửa ầm ầm như kiểu trời sắp sập đến nơi rồi. Nó bảo:
-Tao sắp lấy chồng và sắp dời bỏ thành phố này để đi đến một thành phố khác.
 Nói rồi nó ngồi thừ ra. Tôi hỏi:
-Sắp lấy chồng thì làm sao mà buồn?
Nó bảo:
-Hôm nay đi đường gặp một con chim sẻ què, tí nữa thì kẹp phải nó. Tội nghiệp! Không biết có tránh nổi dòng người vừa đông vừa phóng như rồ ấy không?
Nó ngồi ở phòng tôi suốt một buổi sáng. Im lặng và nhìn ra cửa sổ. Đến trưa thì nó đi, trước lúc đi nó bảo:
-Giá như lúc ấy dừng lại nhặt con chim thì vẫn tốt hơn. Chắc nó đã chết mất rồi.
Tôi không để cho hình ảnh con chim sẻ què của cô bạn gái ám ảnh mình quá năm phút, bởi tôi có quá nhiều chuyện để lo. Lo làm sao để mỗi tháng kiếm được trên ba triệu, làm sao nộp đủ bài cho sếp, làm sao để về thăm nhà được một lần trong cái guồng quay tất bật này. Bấy nhiêu thứ thì thử hỏi còn thời gian đâu mà nghĩ đến chuyện của một con chim sẻ. Thật nhảm nhí vô cùng.
Bẵng đi một thời gian, nó lại đến chơi nhà, không điện thoại trước, không hẹn hò mà chỉ bằng cái kiểu gõ cửa uỳnh uỳnh như trời sắp sập đến nơi rồi. Tôi đùa:
-Đến năm 2012 chắc thượng đế sẽ thuê bà làm người đánh hồi chuông cuối cùng của ngày tận thế.
Nó cười bảo:
-Nhảm nhí thế là cùng.

                                         * * *

Chắc hẳn mẹ đã rất sợ hãi và cô độc sống trong những giây phút cận kề cái chết. Sông nước mùa lũ thì đầy, mẹ ngụp lặn với thủy thần trong từng ấy thời gian chờ đợi một bàn tay, một tiếng ai đó kêu cứu mà biết bao người dân chài làm ngơ không cứu mẹ. Lúc ấy chắc hẳn mẹ đã nhớ đến con, nhớ đến mái nhà tranh bên kia sông, gió lùa mấy mùa thêm lạnh. Chắc hẳn  những giấy phút ấy trong mẹ có biết bao nhiêu nỗi sợ hãi, sợ cái chết, sợ sự cô độc, sợ cả việc nếu mẹ chết đi rồi ai sẽ nuôi con… Hồi ấy trong nỗi đau đớn, hoảng sợ tột cùng khi mất mẹ, con vẫn còn đủ tỉnh táo để hỏi được rằng tại sao không một người dân chài nào cứu mẹ? Tại sao?
Những ngày mưa mẹ vẫn cặm cụi lên rừng hái thuốc thận cho những người sông nước. Mẹ phải tranh thủ đi hái những ngày mưa để phơi ngày nắng. Nhiều khi không phơi kịp mẹ ngồi sấy thuốc trong bếp khi đôi chân đã sưng tấy vì cây rừng đâm phải. Mẹ đã chữa khỏi cho biết bao nhiêu người mà không lấy đồng nào, mẹ đã yêu thương họ bằng tình yêu của người chị, người mẹ. Nhưng trong chính lúc mẹ sắp chìm nghỉm giữa cơn xoáy lũ, bọn trẻ con kể lại rằng đã có ít nhất  mười người đàn ông thuyền chài đã đứng làm ngơ. Con thật sự đã căm giận họ đến nhường nào và con còn căm giận cả chính mình sao hôm ấy lại không đội mưa đi tìm mẹ… Tại sao?”
Nó chưa bao giờ kể với tôi nghe về cuộc đời của nó. Dù thi thoảng nổi hứng lên tôi cũng gặng hỏi. Nó bảo:
-Bao giờ chết rồi tao khác kể cho.
Tôi phì cười, bảo:
-Chết rồi biết ma gì mà kể.
Nó lại thở dài, hát vu vơ, đôi khi nổi hứng nó chọc ghẹo khiến tôi chẳng yên thân làm nổi việc gì. Chọc chán nó nằm quay lưng vào tường ôm con gấu cũ rích của tôi ngủ li bì. Đấy thường là những ngày mưa.
Đêm nọ, cơn mưa mùa hè ập đến ầm ĩ cả mái tôn, tôi ngồi viết lách linh tinh không hiểu sao lòng cứ nóng như lửa đốt. Cánh cửa lớn hút sự chú ý của tôi khi những tiếng gõ nhẹ tưởng chừng như đợt mưa rào táp vào. Chần chừ một lúc tôi cũng ra mở cửa. Nó đứng đấy, ướt lạnh, mặt cúi gằm, đôi bàn chân trần đang tím lại. Phải khó khăn lắm mới lôi được nó vào nhà.
Chúng tôi đã im lặng khá lâu. Thi thoảng nước mưa trên cây xà cừ trước cửa nhà trọ lại đổ ào xuống, làm tôi giật mình. Những lúc ấy tôi nghoảnh lại nhìn xem nó còn thức hay ngủ, khuôn mặt đã khô hay vẫn còn ướt nhoè. Thậm chí có lúc thấy nó ngồi gục bất động trên chiếc bàn gần cửa sổ tôi phải cố gắng nhìn xem nó còn sống hay đã chết. Tệ thế đấy.
Sáng hôm sau đang lồm cồm bò dậy tắt chiếc chuông hẹn giờ và mặc vội bộ quần áo để chạy đến cơ quan thì nó lên tiếng:
-Bà có muốn nghe tôi kể chuyện đời tôi không?
Nhìn cái kim đồng hồ đã chỉ quá 7h30, tức là tôi chỉ còn có ba mươi phút, chen qua bốn năm quãng tắc đường để đến cơ quan. Nếu chậm một phút cũng bị trừ lương, hỏi làm sao tôi có thể gật đầu rồi ngồi nghe nó kể. Tôi lao ra ngoài nhanh như một cơn gió.

                                         * * *

Trời lại mưa to. Cơn mưa hắt vào cánh cửa như có ai đó đang lay gọi kêu cứu rồi đuội sức quá lại lặng im, một lúc sau lại tạt vào. Ruột gan tôi nhấp nhổm không yên. Ý nghĩ về đêm mưa hôm nào, về cô bạn gái đứng im lặng dưới mưa làm tôi giật mình chạy lại mở toang cánh cửa. Không có ai, những cơn mưa vẫn tiếp tục hắt vào cái khoảng trống, ướt hết cả thềm nhà. Tôi toan định đóng cánh cửa thì bắt gặp một chú chim yếu ớt, nằm co ro bên bậc cửa. Tôi đã đóng cánh cửa lại và leo lên giường đi ngủ dù trong lòng hơi day dứt. Nhưng những đợt mưa lại táp vào cánh cửa mạnh hơn, nó đốt cháy lòng tôi như thể nếu tôi không cứu chú chim thì tôi cũng sẽ chết vì lạnh mất. Khi tôi quay ra mở cửa lần thứ hai thì chú chim đã chết cứng mất rồi.
Sáng hôm sau không phải là chiếc đồng hồ báo thức đã gọi tôi dậy, mà là tiếng chuông điện thoại. Người ta gọi cho tôi để thông báo rằng cô bạn gái của tôi đã chết. Tôi hỏi:
-Sao lại chết? Bị cảm lạnh phải không?
Ở đầu dây bên kia trả lời cụt lủn rồi tắt máy:
-Tự tử.
                                         * * *

“Người ta bảo làm nghề chài lưới thì không được cứu người chết đuối, vì như thế chẳng khác nào giật lấy miếng mồi của hà bá. Mà một khi hà bá đã nổi giận thì sẽ đắm thuyền, chết không tìm thấy xác. Vì thế mà những người đàn ông chài lưới hôm đó đã không cứu mẹ.
Mẹ ơi! Con cô đơn quá. Cuối cùng thì người đàn ông ấy cũng đã dời bỏ con. Thế mà con cứ nghĩ đấy sẽ là một chỗ dựa vững chắc, con sẽ lấy chồng và chuyển đến một thành phố tốt đẹp hơn. Thành phố này thì ngột ngạt lắm, con dường như chẳng có ai thân thuộc cả. Con đã hứa với mẹ sẽ cố gắng nhưng con mệt mỏi quá rồi”
Quyển sổ nhật kí của con bạn, tôi tìm được dưới gối. Tôi nhớ một lần nó từng bảo thứ gì quý nhất nó cũng đều để dưới gối cả. Nên khi tôi tìm được hai bức ảnh, một ảnh một người phụ nữ rất đẹp nhưng buồn, tôi đoán đó là mẹ nó. Còn một bức ảnh nữa là tôi. Khi ấy tôi thấy tim mình thắt lại.
Đám ma nó vắng teo, bà con thân thuộc chẳng còn ai, chỉ có lũ trẻ con xóm chài đưa đi ra đồng. Lúc sống nó không muốn trở về nơi này nhưng đã đến lúc tôi nghĩ cần phải đưa nó trở về bên người mẹ thân yêu của nó. Ngày đưa nó ra cánh đồng, trời cũng mưa dữ dội, tôi ướt lướt thướt, khung ảnh nó cũng ướt nhòe như khóc. Trong giây phút ấy tôi nghĩ về con chim sẻ què giữa dòng đường tấp nập mà nó từng kể cho tôi, nghĩ về cái đêm mưa nó đứng trước cửa nhà và buổi sáng hôm sau nó đã từng hỏi tôi “có muốn nghe nó kể về cuộc đời nó hay không?”. Tôi nhớ và tôi khóc. Giá như…
Tôi chợt nhớ về con chim sẻ nhỏ nằm chết cóng ở bậc cửa nhà tôi đêm hôm đấy. Cái đêm mà nó cũng dời bỏ thế giới này. Chưa khi nào tôi lại cảm thấy mình giống con chim sẻ nhỏ đang sải đôi cánh yếu mềm giữa một ngày trời mưa to như thế. Mà những chú chim sẻ nhỏ bao giờ cũng thật đáng thương…
chú chim sẻ
Chú chim sẻ

Trang Rêu!

No comments:

Post a Comment