Friday, September 14, 2012

Trôi vào cổ tích...



Trôi vào cổ tích

      
 Suốt những tháng năm ấu thơ, ngoại vẫn nắm bàn tay nhỏ xíu của tôi đi từ khu vườn rộng lớn của hai bà cháu, vượt qua tất cả núi sông và biển cả để đi đến một thế giới diệu kì. Ngoại gọi đó là cổ tích, một thế giới chỉ có những đứa trẻ ngoan mới được mời vào dạo chơi cùng bà tiên, ông bụt. Bao giờ ngoại cũng ngồi một chỗ, lặng lẽ quan sát và sẵn sàng nâng đứa cháu bé nhỏ dậy mỗi khi vấp ngã, lau nước mắt cho tôi mỗi khi khóc òa và đặt lên trán tôi những nụ hôn âu yếm. Khi ấy bố mẹ tôi còn ở một thế giới nào đó, còn xa xôi hơn cả thế giới cổ tích mà bà vẫn thường đưa tôi đến. Suốt những năm tháng ấu thơ tôi chưa khi nào thôi mong nhớ họ. Dù nhận lại chỉ là mấy thứ đồ chơi xa xỉ, chút tiền ăn quà vặt và đôi ba bộ quần áo nhiều màu sắc mà tôi chỉ dám mang chúng ra để ngắm nhìn.
       Khu vườn nhà tôi rất rộng, có đủ các loại cây, mùa nào thức ấy, hoa thơm quả ngọt đủ để dẫn dụ tôi chạy nhảy cả ngày ở trong vườn. Mùa xoài mùa vải tôi bắt bọ xít, chế tạo ra chiếc xe nhỏ xíu bằng mảnh nhôm mỏng, hai bánh xe lấy từ chiếc bật lửa hỏng và ít nhựa đường ngoại vẫn thường hàn chậu. Tôi có thể tha thẩn chơi một mình cả ngày bên tiếng chim chóc ríu ran, vui nhộn. Tôi leo cành cây này chuyền qua khác, ngửa cổ nhìn những chú chim non đang được chim mẹ dạy tập bay, tập chuyền cành. Tôi thường nhìn cảnh đượng đẹp đẽ ấy một cách say sưa. Nhìn cách chim mẹ quan sát chim con từng tí một và cũng giật mình khi thấy chim mẹ hoảng hốt vì lo lắng cho chú chim non vừa mất đà, rơi xuống vòm lá xanh um. Những lúc ấy tôi thấy nhớ mẹ nhiều lắm, nhớ một gương mặt, một dáng hình chưa từng tồn tại trong kí ức của tôi. Thế mà nhớ đến quắt quay, nhớ trào nước mắt mỗi khi nhìn cả gia đình nhà chim sum họp sau một ngày dài vất vả kiếm mồi. Những lúc ấy bà thường vỗ về tôi bằng câu chuyện cổ tích ngọt ngào có chàng Thạch Sanh cứu Hằng Nga trong hang ác quỷ hay chuyện chàng Sọ Dừa có một tâm hồn đẹp đẽ. Bà kể bằng gương mặt và nụ cười cũng hiền như cổ tích còn thoảng thoảng mùi trầu trên môi bà thắm đỏ.
       Một hôm tôi bảo bà kể sự tích trầu cau xem vì sau cau trầu và vôi quyện với nhau lại thành sắc đỏ. Bà tủm tỉm cười, vỗ lưng tôi khe khẽ, khi bà kể đến đoạn anh đi tìm em, vợ đi tìm chồng rồi hóa thành tảng đá, lá trầu và cây cau quấn quýt lấy nhau. Bà không biết rằng tôi úp mặt vào lòng bà khóc vùi, khóc vụng. Tôi cứ tự hỏi tại sao bố mẹ và các anh chị lại không đến thăm tôi. Rồi tôi lại tự ước ao mình khôn lớn nhanh để có thể vượt qua những quảng cách rộng dài để đi tìm họ. Dù có thể sẽ biến thành tảng đá vôi trong rừng nằm bên dòng suối thì tôi vẫn muốn một lần được xà vào vòng tay yêu thương của mẹ cha, của anh em ruột thịt. Đó là những thứ tôi chưa khi nào có được, dù bà có vỗ về, an ủi tôi dịu dàng đến nhường nào đi nữa.
        Có những buổi trưa hai bà cháu mang chiếc trõng tre ra giữa vườn nằm. Gió khua lá xoài, lá nhãn xào xạc, tiếng chim rinh rích tìm mồi. Tôi nằm im bên ngoại nhìn những sợi tóc trắng phất phơ bay mà có một nỗi hoang mang cứ chao đảo trong lòng, nôn nao đến lạ. Tôi hỏi ngoại:
      -Ngoại ơi, liệu có loại thuốc thần kì nào giúp con người trường sinh bất tử không ạ?
Ngoại vỗ về nhè nhẹ vào lưng tôi bảo:
      -Cháu còn bé, không nên nghĩ nhiều về sự sống và cái chết. Mỗi người đều có một phúc phận. Tuy nhiên bà tin rằng ai sống tốt thì sẽ được trường sinh.
     -Thế cái bác vừa mất sáng nay ở thôn bên là người không tốt phải không ngoại? Bác ấy vẫn còn rất trẻ vậy mà...
     -À! Bác ấy là người tốt nên được đưa về thiên đường sớm cháu ạ.
     -Thiên đường là nơi đâu hả ngoại?
     -Là một nơi vô cùng đẹp đẽ nhưng cũng rất xa xôi.
     -Thế cháu có thể đến đấy không bà?
     -Ôi! Cái con cháu bé nhỏ và khờ dại của bà...
      Ngoại lại vỗ về tôi, vuốt những sợi tóc mai trên trán tôi, dường như trong đôi mắt ngoại đang căng mọng nước, mong manh như chỉ trực vỡ òa. Tôi lại nằm im, hít hà mùi trầu trong từng hơi thở ngoại. Nhưng ý nghĩ về đám ma, về tiếng kêu khóc thảm thiết và về những buổi chiều ảm đạm khi nhìn người sống khênh người chết ra bãi tha ma vẫn không thôi ám ảnh tôi. Tôi lại day lưng ngoại hỏi:
      -Thế bác ấy mất rồi thì lấy ai nuôi con bác ấy hả ngoại?
      -Cháu yên tâm, sẽ có những người tốt đứng ra bao bọc chúng. Tội nghiệp mấy đứa trẻ.
        Rồi những đứa trẻ vừa mất đi người cha ấy làm bạn cùng tôi trong khu vườn của ngoại. Ba anh em tên Hưng, Hiền, Hùng đều có khuôn mặt đẹp như những thiên thần, đó là những người bạn đầu tiên trong cuộc đời tôi bởi trước đó không đứa trẻ nào muốn lại gần tôi cả. Thường thì chúng lẳng lặng nhìn tôi, thoáng chút sợ hãi rồi bỏ chạy. Lúc còn bé, tôi chỉ nghĩ chắc vì tôi bị mù một bên mắt mà thôi nhưng lớn lên tôi phát hiện ra gương mặt mình cũng không đẹp đẽ gì. Lần đầu tiên soi mình vào vại nước mưa dưới bầu trời trong xanh vời vợi. Tôi nhìn rõ một bên mắt toàn màu trắng đục. Tự nhiên tôi cứ đứng cúi mình lặng lẽ trước vại nước mưa, tôi thấy dòng nước chảy chầm chậm từ khóe mắt màu trắng đục.
         Những người bạn đầu tiên mang đến cho tôi sự ấm áp. Chúng tôi vui chơi, yêu thương và giận hờn nhau như bao nhiêu đứa trẻ khác trên đời. Ngoại có thêm tiếng cười làm ấm cả khu vườn, làm tuổi già của ngoại như với bớt. Những đêm trăng mùa hè, ngoại hay nấu chè đỗ đen, chè hương bưởi rồi bảo tôi gọi mấy đứa trẻ ấy sang chơi. Chúng tôi ngồi quây quần bên ngoại vừa ăn chè vừa nghe kể chuyện cây khế, chuyện cây tre trăm đốt mà vui sướng khôn cùng. Đôi lúc những đứa trẻ ấy cũng hỏi ngoại về bố chúng, lần nào ngoại cũng dẫn chúng đến một thiên đường tuyệt đẹp. Nơi ấy có hoa thơm, quả ngọt, có suối róc rách chảy, có chim kêu sớm chiều, và tất cả mọi người đều được mặc đẹp, được dạo chơi như tiên nữ trong bộ phim Tây Du ký.
                                                     * * *
       Một hôm khi tôi đang tha thẩn chơi một mình thì thấy bác bưu tá đến đưa bưu phẩm cho ngoại. Đó là một mảnh vải màu nâu chắc để cho bà may áo và một chiếc mũ rộng vành được khâu bằng nhiều múi hình. Mỗi múi một màu sắc khác nhau. Trên mũ in hình con mèo con tinh nghịch trông rất đáng yêu. Ngoài ra bác bưu tá còn đưa cho bà một giấy nhận tiền, bà cầm tờ giấy hồi lâu rồi thở dài thườn thượt. Sáng hôm sau bà dặn tôi ở nhà trông nhà rồi đi bộ lên bưu điện xã, lúc trở về bà mua cho tôi rất nhiều quà bánh, có cả một con búp bê tóc vàng.
      -Bố mẹ cháu lại gửi tiền hả ngoại?
      -Ừ! Bố mẹ còn dặn cháu ở nhà phải ngoan và học giỏi.
      -Sao bố mẹ không về thăm cháu, cả các anh chị của cháu nữa?
      -Bố mẹ cháu bận lắm, khi nào thu xếp được thời gian nhất định sẽ đưa cả nhà về thăm hai bà cháu mình. Thế nên cháu phải cố gắng, chăm chỉ học hành, biết không nào!
       Thế đấy, ngoại luôn gieo vào lòng tôi sự mong chờ khắc khoải, nhưng nếu thiếu nó thì chắc tuổi thơ tôi sẽ thành ra tẻ nhạt và rỗng rễnh. Sẽ không còn những buổi chiều tôi trốn ngoại, trèo tít lên ngọn cây ổi cao nhất vườn để ngóng về phía đầu làng vào giờ tàu dừng ga vì ngoại từng bảo tất cả ai đâu xa thì đều đi bằng tàu và về cũng bằng tàu hết. Lớn lên tôi mới có xe khách chạy về huyện nhưng lên huyện thì xa lắm nên người làng tôi vẫn chọn cách xuôi ngược bằng tàu. Tôi ngồi chờ hết ngày này sang ngày khác, phân biệt được giờ tàu xuôi, giờ ngược. Nghe thấy tiếng còi tàu về như náo nức niềm vui hội ngộ của biết bao người, nhưng tiếng còi tàu đi thì nghe sao nhói buốt nỗi buồn phải chia xa. Mấy anh em Hưng hay đến và ngồi im lặng bên tôi, ngửa mặt lên vòm lá nhìn một đốm nắng len lỏi giữa tán lá dày. Chúng tôi hay nói về mơ ước. Hưng bảo:
       -Lớn lên tớ sẽ làm một thợ xây giỏi như bố tớ. Rồi tớ sẽ xây cho mẹ một căn nhà thật đẹp. Xây cả cho hai bà cháu cậu nữa, nếu như cậu muốn.
       -Còn tớ sẽ làm một thầy giáo, tớ sẽ kể chuyện cổ tích như bà cậu vẫn thường kể cho chúng ta nghe ý. Làm thầy giáo thì thật thích đúng không?- Hùng nhìn lên trời bằng ánh mắt trong veo như thể chưa có một nỗi đau nào chạm vào tâm trí. 
       Rồi Hùng quay qua nhìn tôi như chờ đợi. Tôi chưa bao giờ từng nghĩ xem lớn lên tôi muốn làm gì. Tôi lúc nào cũng chỉ cần được gặp lại những người thân của mình thì đó đã là niềm hạnh phúc lớn lao rồi. Nên tôi nói đùa với các bạn của mình rằng lớn lên tôi muốn làm phi công, tất cả đều cười ồ trước mơ ước của tôi. Lúc ấy tôi nghĩ thầm nếu ngoại nghe thấy chắc ngoại cũng phải ngỡ ngàng lắm vì ai đời con gái lại thích làm phi công. Nhưng kì thực, tôi chẳng biết gì về nghề lái máy bay cả ngoài ý nghĩ được bay trên bầu trời xanh thẳm để nhìn xuống xem khu vườn của hai bà cháu bé xíu đến mức nào. Tôi cũng không hiểu rằng bị mù một mắt như tôi thì chẳng bao giờ có thể làm phi công được, có chăng chỉ là lái những giấc mơ thánh thiện, tràn ngập cổ tích của mình trôi vào thế giới tuổi thơ để rồi chỉ còn là những mảng màu kí ức.
       Sau này lúc lớn lên tôi lại nghĩ, nếu có bố mẹ bên cạnh biết đâu tôi sẽ mơ ước khác về một nghề nghiệp nào đó với ý nghĩa đầy tốt đẹp như mấy đứa bạn. Mà ngoại thì từng bảo những suy nghĩ tốt đẹp thường mang đến một con người nhân hậu và những hành vi tốt đẹp. Đến khi trưởng thành tôi mới thật sự hiểu những gì ngoại nói, nó giống như câu thần chú “vừng ơi mở ra” trong Alibaba và bốn mươi tên cướp. Nó có thể mang đến giàu sang hạnh phúc cho anh chàng Alibaba, một tiều phu nghèo, chăm chỉ, không tham lam, nhưng nó lại mang đến cái chết với Kasim một người vốn dĩ rất tham lam. Giá như có ai đó dạy tôi cách để có một ước mơ thật đẹp...
       Những món quà ở nước ngoài thi thoảng lại được gửi về. Mỗi lần bác bưu tá đến là một lần khuấy động vào tôi những nhung nhớ, chờ mong và cả chút giận hờn con trẻ. Tôi không biết thế giới của bố mẹ tốt đẹp và xa xôi đến nhường nào mà suốt mười mấy năm trời không một lần mẹ tìm về thăm ngoại và ôm tôi một cái. Tôi thèm được sà vào lòng mẹ, sờ nắn từng đường nét trên khuân mặt mẹ. Thèm được mẹ ôm thật chặt hôn nhẹ lên trán tôi một cái trước lúc đi ngủ như bao bà mẹ khác vẫn thường làm. Tôi cũng rất muốn được cha làm cho một chiếc diều, để tôi còn có cái mà kể với anh em Hưng, chứ không phải nằm im re như kẻ không có chút kí ức nào, mỗi khi chúng kể về người cha đã mất. Tôi cũng muốn được gặp các anh chị mình, chắc chắn họ sẽ chiều chuộng, thương yêu tôi như mấy anh em Hưng vẫn thường chăm chút nhau từng tí một.
                                                          * * *
      Tôi mười sáu tuổi. Ngoại mất vào một sáng mùa thu khi đi ra vườn làm cỏ mấy luống rau. Mọi người nói do hôm đó có cơn gió độc tạt ngang, ngoại lại một mình ngoài vườn nên lúc trúng gió không ai biết. Tôi khóc dòng không biết bao nhiêu tháng ngày vì thương ngoại và vì thấy đời mình trống trải. Giá như hôm đó tôi dậy sớm ra vườn cùng ngoại thì có khi ngoại đã không ra đi như thế. Giá như có bố mẹ ở nhà thì ít ra đám tang ngoại đã không đìu hiu, lặng lẽ đến thiếu cả tiếng khóc than. Lúc đưa ngoại xuống huyệt giá như có thêm vài người ném những hòn đất nhỏ xuống huyệt chắc ngoại cũng thấy đỡ tủi hơn. Nhà không còn ai, tôi phải nhờ người hàng xóm sang dạy các lễ cúng, để ngoại có thể về nhà, ăn một bữa cơm tươm tất. Tôi nấu những món mà khi sống ngoại vẫn thường nấu cho tôi. Có thể là xôi hơi cứng, cá kho riềng không được ngon nhưng nếu có thể trở về được chắc là ngoại rất vui. Tôi học mãi không sao thuộc nổi những bài cúng, cuối cùng tôi đành khấn rằng “Ngoại về ăn với con một bữa cơm” mà thương ngoại trào nước mắt.
       Câu chuyện cuối cùng ngoại kể cho tôi hình như không phải là cổ tích. Ngoại kể về ba đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ trong một vụ tai nạn giao thông. Sau đó có hai người đàn bà đến xin nhận con nuôi, người thì chọn đứa lớn nhất có đôi mắt sáng nhìn rất thông minh. Người thì chọn cô gái có mái tóc đen mượt và nụ cười hiền hậu. Chỉ còn cô út do xấu xí hơn nên không ai nhận, cuối cùng có một người phụ nữ đã nhiều tuổi nhận về nuôi để sau này đỡ hưu quạnh tuổi già. Khi ngoại kể đến đó thì thấy ngoại lấy khuỷu tay nhăn nheo, già nua lau nước mắt. Tôi bảo ngoại:
       -Sao cháu không thấy giống một câu chuyện cổ tích ngoại ạ.
       -Ờ! Ờ! Thì nếu cháu coi nó là cổ tích thì nó sẽ là cổ tích.
       -Vậy đứa trẻ ấy sau này ra sao hả ngoại?
       -Cô bé đó rất ngoan, lớn lên cô tìm thấy anh chị em ruột của mình. Rồi cô cũng sẽ có một chàng trai để thương để nhớ vì cô có một tâm hồn đẹp nên người ta quên đi cái bề ngoài khiếm khuyết .
        Chợt nghĩ đến bản thân mình, tôi liền hỏi ngoại:
       -Thế còn cháu, lớn lên liệu cháu có thể tìm gặp những người thân của mình không và liệu có nhiều người còn muốn chơi với cháu nữa không hả ngoại?
        Ngoại ôm tôi vào lòng, rất chặt, ngoại thơm lên khuôn mặt tôi. Nước mắt hai bà cháu hào vào nhau đầm đìa. Sau khi kể câu chuyện ấy không bao lâu thì ngoại mất, tôi tiếc ngẩn ngơ vì còn nhiều điều chưa kịp hỏi.
Vắng ngoại, tôi phải tập sống một mình khi mỗi sớm mai không còn ai đánh thức dậy bằng những cử chỉ ân cần, tràn ngập tình yêu thương như ngoại. Vắng ngoại, căn nhà ba gian như càng thênh thang gió, khu vườn như bớt tiếng ríu ran chim chóc. Thi thoảng chim mẹ lại dạy chim con chuyền cành rồi bỗng chốc lẫn vào vòm lá xanh um như để lại trong tôi một khoảng trống vô hình. Những buổi trưa mắc võng nằm một mình ngoài vườn, tôi như ngửi thấy mùi trầu không của bà thoang thoảng đâu đây. Nhắm mắt vào, tưởng như mình đang bước đến một thế giới cổ tích hồn hậu và tươi đẹp. Những lúc ấy lòng tôi nhớ ngoại nhiều biết mấy...
Ngoại mất, những người dân trong làng hay ghé qua thăm tôi và thắp nén nhang cho hương hồn bà bớt quạnh quẽ. Hầu hết họ đều là những người từng được bà tôi giúp đỡ khi còn sống. Họ mang đến cho tôi mớ rau, con cá và chút tình thương ấm áp để tôi thấy đời mình không cô độc. Bỗng một ngày, một người trong làng từng rất thân thiết với ngoại đã nói với tôi rằng, tôi là đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, ở tận huyện bên được ngoại nhận về nuôi khi con nhỏ xíu. Tôi còn có anh chị ruột, cũng đã được những người phụ nữ tốt bụng cưu mang giờ chắc đã khôn lớn lắm rồi. Khi ngoại đón tôi về nhà, người làng thấy tôi mù một mắt lại mồ côi mồ cút mà đem lòng thương cảm. Ngoại dặn mọi người không ai được nói gì về thân phận của tôi cho đến khi ngoại nhắm mắt, xuôi tay về với đất trời. Bởi ngoại sợ làm tôi bị tổn thương  với một thân phận đầy bất hạnh, nhất là khi tôi chưa đủ khôn lớn để học cách chấp nhận những gì đã xảy ra trong cuộc đời mình.
Bỗng nhiên tôi nhớ đến câu chuyện cổ tích cuối cùng của ngoại mà òa khóc. Hóa ra ngoại đã từng tạc lên gương mặt cha mẹ tôi bằng những nét vẽ đẹp đẽ nhất của sắc màu cổ tích để dẫn tôi đi qua những tháng năm ấu thơ mỏng manh, khờ dại. Tôi không hờn trách ngoại mà chỉ thấy tiếc vô cùng bao ảo ảnh mơ hồ mình từng vịn vào để sống giờ đã thật sự vỡ òa.
        Tôi học cách chấp nhận những rạn vỡ tin yêu thuở đầu đời bằng câu chuyện cổ tích đầy nhân hậu mà chính ngoại đã mang lại cho cuộc đời tôi. Nghĩ đến ngoại tôi càng dặn lòng phải cố gắng sống thật tốt để không phụ công ngoại từng cưu mang, nuôi nấng và bao bọc tôi khi thơ nhỏ. Mười tám tuổi, tình yêu đầu đời đầy mộng mơ, tươi đẹp đã đến trong trái tim tôi. Người con trai đó không ai khác chính là Hưng, người đã từng bầu bạn với tôi từ thuở bé, lớn lên lại thầm lặng đi bên tôi đầy tin cậy. Có anh bên mình, tôi như được tiếp thêm nghị lực để sống có ý nghĩa hơn. Lúc này Hưng đã là một thợ xây  giỏi tay nghề đúng như mơ ước của anh lúc nhỏ. Khi Hưng bắt đầu đào móng, đặt những viên gạch đầu tiên trong ngôi nhà anh chắt chiu xây cho người mẹ suốt đời tảo tần mưa nắng của mình. Tôi mới giật mình tự hỏi mười tám tuổi rồi tôi có mơ ước nghề nghiệp gì không? Chợt nhớ đến ước mơ thành phi công mà bật cười, nghĩ thương mình và nhớ ngoại nôn nao.
 Chưa bao giờ tôi thèm khát được sống có ý nghĩa, được bao bọc, chở che những phận đời nghèo khó như ngoại đã từng làm. Tôi muốn đến những bản làng nghèo khó, muốn gieo vào lòng bao đứa trẻ lấm lem bùn đất một thế giới cổ tích đầy tốt đẹp. Nơi đó, khi còn sống ngoại đã bao lần dẫn tôi vào dạo chơi cùng câu thần chú, bên cây khế vàng, nàng Bạch Tuyết xinh đẹp, tốt bụng và những bà tiên, ông bụt đầy nhân hậu. Cuối cùng tôi quyết định thi Cao đẳng sư phạm mầm non và trở thành cô giáo trường làng sau ba năm ăn học. Hưng vẫn chờ tôi bằng thương yêu dịu dàng đầy tin cậy, khi những ngôi nhà do chính bàn tay anh xây lên đang đỏ lửa mỗi chiều và vang vang tiếng cười hạnh phúc.
Chúng tôi cưới nhau, tuy về nhà chồng sống nhưng cả hai vẫn thường xuyên quay trở về hương khói cho ngoại và chăm sóc vườn tược. Hưng bận rộn hơn với những ngôi nhà mới mọc lên ở khắp nơi. Một hôm, anh trở về nhà và mang theo câu chuyện về đứa trẻ mồ côi ở xã bên, không nơi nương tựa do bố mẹ mắc bệnh hiểm nghèo mới mất mà người thân thiết khác cũng chẳng còn ai. Cả đêm đó tôi không làm sao chợp mắt, tôi nghĩ về thân phận mồ côi của chính mình, nghĩ đến ngoại từng giang rộng vòng tay ra đón nhận khi tôi bơ vơ giữa cuộc đời rộng lớn này. Càng nghĩ, tôi càng thấy thương đứa nhỏ xã bên, lòng tôi thôi thúc ước muốn được bao bọc, chở che cho tâm hồn còn non nớt ấy. Tôi muốn mang đến một thế giới cổ tích để xoa dịu đi những mất mát đầu đời cho đứa nhỏ như ngoại đã từng làm đối với tôi. Hạnh phúc hơn khi chính Hưng là người ủng hộ, động viên tôi làm việc đó. Ngay sáng hôm sau chúng tôi vượt hai chục cây số đường rừng để tìm đến nhà đứa nhỏ mồ côi. Khi tôi đến nơi, nhìn ánh mắt buồn vời vợi của đứa nhỏ, khi ôm chặt nó vào lòng tôi bỗng bật khóc vì thấy nhớ đến quắt quay vòng tay của ngoại. Tôi thầm nhủ sẽ yêu thương và vun đắp tất cả những gì hạnh phúc nhất mà mình có thể cho con.
Một buổi sáng, trước khi đi làm, tôi soi vào mảnh gương bé xíu bên cửa sổ, không thấy còn cảm giác sợ hãi bên mắt màu trắng đục của mình. Tôi vẫn không khi nào thôi thương nhớ anh chị ruột của mình, anh giục tôi đi tìm họ giữa trời đất rộng dài. Tôi mang cả trái tim mình làm hành trang để kiếm tìm, có thể họ ở rất xa tôi cũng có thể mấy anh chị em tôi đã từng đi lướt qua nhau giữa đường đời. Tôi vẫn tin vào một ngày đoàn tụ không còn xa xôi nữa như tôi vẫn từng tin vào cổ tích. Cũng tại khu vườn này, ngoại vừa ngồi nhai trầu bỏm bẻm vừa chậm rãi gieo vào lòng đứa bé từng bất hạnh là tôi những thương yêu đẹp như cổ tích. Tôi cũng tin rằng buổi sáng hôm đó, khi người làng phát hiện ra bà ngồi tựa vào gốc cây, miệng tươi như đang cười chắc hẳn bà đã được thượng đế dẫn lên thiên đường, nơi của những linh hồn nhân hậu...

                                                       Vũ Thị Huyền Trang

No comments:

Post a Comment