Monday, February 18, 2013

Chỉ cần nhắm chặt mắt!



Vũ Thị Huyền Trang, Trang rêu

Hồi sáng, lúc dắt bé Kẹo lượn quanh phiên chợ quê ở một nơi xa lắc chị đã thấy người ta gánh lá dong xanh mướt bán ngay cổng chợ. Đột nhiên chị sững lại, như thấy mình là cô bé mười ba chiều nào đi học về cũng chạy ra vườn cùng mẹ chọn những lá dong bánh tẻ xếp thành từng cuộn nhỏ. Những ngày giáp tết, gió sông thổi vào lạnh buốt, theo mẹ ngồi co ro góc chợ bên chiếc áo len to sụ màu đỏ rực ngắm tết về trên từng khóe miệng cười. Rồi năm chị mang thai bé Kẹo, thích thú ngồi nhìn anh vụng về gói bánh chưng dưới gốc xoài trong vườn mẹ. Mẹ khen mấy năm nay con rể gói khéo lắm rồi, anh tủm tỉm cười không quên gói thêm một cặp bánh nhỏ cho bé Kẹo. Sao bây giờ chị lại ở một nơi xa xôi để cồn cào nhớ nhà, nhớ quê đến thế này? Mấy mẹt lá dong được bày bán sớm của một cụ bà khiến kí ức về tết và những người thân trở về ăm ắp trong chị. Như thể mới chỉ ngày hôm qua thôi mấy vợ chồng con cái còn ngồi vui với nhau trong bữa cơm chiều để cùng nói chuyện năm hết tết về. Như thể chị chưa hề trằn mình khỏi vòng tay yêu thương để cuốn theo những chuyến đi rong ruổi…
Tuổi trẻ, chị vẫy vùng đây đó khắp nơi, len lỏi trên mọi nẻo đường để đi tìm những dư âm mới của cuộc sống. Nghề báo cho chị nhiều trải nghiệm, khát vọng yêu và sống. Nhưng sau những đổ vỡ của mối tình đầu kéo dài gần tám năm trời cùng với nhiều áp lực mới trong công việc, chị bắt đầu thấy mỏi mệt và cần một chốn dừng chân. Chị chọn anh, một sĩ quan quân đội đóng quân ở gần nhà, giống như chọn một giải pháp an toàn. Đàn bà thường vậy, thứ gì cũng phải an toàn, nhất là khi nhận ra tình yêu không phải là hai từ “vĩnh cửu”. Sự lựa chọn kiểu này thiên hạ thiếu gì, đâu phải mình chị để mà quá băn khoăn. Những người đàn ông khác đến bên chị họ không thích nói về những chuyện xa xôi. Họ chỉ bàn tính xem tối nay sẽ đi chơi những đâu, ăn món gì, cùng lắm là nghĩ nát óc xem ngày cuối tuần sẽ chọn phong cảnh nào để có một nụ hôn lãng mạn. Còn những chuyện ở tương lai vẫn là thế giới của riêng họ. Họ quen đặt lên tay chị những vụn vặt đời thường, chị chưa khi nào chạm vào được những lo toan lớn lao trong đời họ. Mà những thứ ấy mới thật sự cần thiết cho một mái ấm gia đình, thứ mà người phụ nữ nào đến tuổi chị cũng đều trăn trở.
Anh thì khác, hình như tâm trí anh lúc nào cũng dồn cả về phía chị. Anh bảo chúng mình sẽ sống và thương yêu nhau mỗi ngày. Sáng nào cũng thức dậy cùng nhau. Ừ! Nhất định rồi, sẽ ngồi kể cho nhau nghe về giấc mơ đêm qua khi làn da và những sợi tóc trên đầu còn đang ngái ngủ. Ơi! Em bảo sao? Lũ trẻ à? Ừ! Chúng sẽ rất dễ thương. Mỗi buổi chiều trở về nhà sau bộn bề công việc chúng ta sẽ nói với nhau về lũ trẻ, sẽ ôm ấp, hôn hít các con. Mỗi ngày qua sẽ được nhìn lũ trẻ rong chơi và làm nũng với đời. Chúng ta sẽ trẻ lại, sẽ vợi đi lo toan, sẽ thấy bình yên gõ nhịp nhàng trong từng khoảnh khắc sum vầy. Đàn bà rút cuộc cũng chỉ cần có từng ấy thôi, còn mong gì hơn thế nữa. Nhất là khi chị còn có thêm niềm vui được sống gần bố mẹ, lúc trái nắng trở trời còn qua lại thăm nom. Chị là con một, nếu lấy chồng xa lắc xa lơ thì lúc bố mẹ già biết cậy nhờ ai. Chỉ bấy nhiêu ý nghĩ cũng đủ để chị rời xa thành phố, xin về quê làm chân cán bộ văn hóa huyện rồi rục rịch lấy chồng.
                                           * * *
Chị sinh bé Kẹo xong thì xin nghỉ việc ở nhà chăm con. Anh hết giờ làm trong đơn vị còn tranh thủ lo việc kinh doanh cùng một người bạn để kinh tế gia đình không gặp khó khăn. Chị vẫn có mọi thứ mà mình muốn. Anh vẫn yêu thương và chu toàn mọi việc. Thiên hạ khối người ghen tị, nói số chị chắc tu mấy kiếp mới gặp được anh. Bố mẹ chị vui lắm, đi đâu cũng khoe con rể tốt tính, hiền lành. Chị cũng thấy chẳng chê anh được ở điểm gì, cũng thấy nhờ có anh mà đời chị được nâng niu nhiều đến vậy. Nhưng cớ sao lòng chị vẫn cứ thấy thiếu vắng, chông chênh? Ngày qua ngày chị cố gắng sà vào vòng tay anh thật nhiều để gạt bỏ, trốn tránh thứ cảm giác ấy. Nhưng mỗi ngày mỗi hiện hữu, thôi thúc chị bằng những kí ức tuổi trẻ một thời.
Hàng ngày ở nhà chăm con và chờ chồng, chị thấy mình khao khát được đi. Chút hoang dại còn sót lại trong chị vẫn đủ sức đánh thức từng giác quan. Chị chỉ cần nhắm mắt lại là thấy gió hú bên tai, mùi hoa dại và sương núi quấn quyện trong từng nhịp thở. Thấy thấy mây bay ngang vai, những rặng trạng nguyên đỏ rực cả góc trời Tây Bắc từng một thời đốt lửa trong lòng chị. Rồi mùa dã quỳ vàng rực rỡ ở một chốn xa xôi từng nêm hương cho những tháng ngày tuổi trẻ nhiều khát khao và cũng nhiều bồng bột. Anh nhận ra sự thay đổi ở chị, nhưng lại không đủ tinh tế để nhận ra những tiếng lòng thầm kín ấy. Nên mỗi ngày anh càng siết chặt chị trong vòng tay gia đình mà không biết rằng chỉ càng làm chị thêm nghẹt thở. Một buổi sáng nào đó, chị nhìn anh và bảo:
-Em thèm được đi như hồi trẻ.
Thoáng sững sờ, anh khẽ thở dài rồi vỗ về chị:
-Đợi con lớn hơn một chút, lúc ấy anh sẽ đưa em đi những nơi mà em muốn.
Nhưng bé Kẹo thì không bao giờ hết nhỏ dại, mỗi ngày đều thấy con bé bỏng cần có bàn tay mẹ ẵm bồng. Rồi thì rất nhiều lý do khác cứ giữ chân chị lại. Nào là anh bận việc đơn vị, nề nếp nhà lính đâu có thể thích xin nghỉ là nghỉ được. Nào thì bé Kẹo còn phải đi học mỗi ngày, ông bà ngoại đã già cũng không thể cậy nhờ ai việc đưa đón dù chỉ trong vài ngày được. Nào thì để khi anh về hưu, con cái trưởng thành, lúc ấy hai thân già muốn sống thế nào thì sống, đi đâu thì đi chẳng vướng bận gì. Chị chỉ còn biết im lặng, mỗi đêm gặp lại mong ước về những chuyến đi trong giấc mơ. Cuộc sống nhạt nhẽo ở thị xã nhỏ bé này đang giết dần trái tim từng một thời giàu nhiệt huyết. Chị đã luôn thầm lặng thôi thúc “nhất định mình phải đi. Phải đi…”.
Những chuyến đi trong tâm tưởng đã tách chị xa dần anh. Ngay cả khi cùng ngồi ăn với nhau một bữa cơm chiều chị cũng không thấy hình dáng anh ngồi đối diện. Phía ấy là gió, là khoảng trống bao la, là những cung đường chị từng một thời mải miết. Mỗi đêm nằm bên anh chị tưởng như mình đang nằm giữa những tầng mây, bốn bề là cây cỏ. Chị nói điều đó với nhỏ bạn thân, cái đứa ngang bướng vẫn chưa chịu chồng con, bay nhảy như sóc nhỏ. Chị nhìn bạn mà ao ước, chạnh lòng ghen tỵ với bầu trời rộng lớn mà bạn vẫy vùng,  nhỏ bạn cười bảo:
-Hình như nàng đang mắc bệnh ảo giác. Căn bệnh của những người bị dồn nén nhiều kí ức, nuối tiếc nhiều hoài niệm đẹp.
-Muốn mọc thêm đôi cánh quá. Để mà bay…
Bạn thở dài qua điện thoại, cứ ấp úng định khuyên chị câu gì rồi lại thôi. Kết thúc cuộc nói chuyện với nhỏ bạn chị ngồi nghẹo cổ ngắm vạt nắng méo mó vắt qua bức tường rêu mà lòng bộn bề khó tả. Mỗi ngày trôi qua như lấy bớt đi của chị một chút oxi, như cài thêm một nút áo khiến chị càng ngày càng khó thở. Hơn cả bầu trời rộng lớn ngoài kia, ấy là cái khao khát được giải thoát khỏi mọi sự nhàm chán, tù túng. Được làm mới cảm xúc, chống lại cái chết âm ỉ của một tâm hồn phẳng lặng, suốt bao ngày dài không gợn lên một nhịp vui nào. Thế nên tối đó chị nói với anh rất cương quyết là chị cần phải đi và nhất định sẽ đi đâu đó một thời gian dài. Anh sững sờ không nói được gì, dường như đến lúc này anh đã hiểu nếu càng giữ chặt chị trong vòng tay thì sớm muộn gì anh cũng mất chị. Mẹ nghe tin thì giận lắm, bà bảo:
-Con muốn đi đâu thì đi, để bé Kẹo lại cho mẹ. Là đàn bà phải biết cái gì cần nắm, còn cái gì nên buông bỏ. Không phải lúc nào cũng có được thứ mà mình muốn. Mỗi một giai đoạn trong cuộc đời đều có ý nghĩa riêng của nó.
Chị chỉ biết im lặng bế con đi, đàn bà thì có nhiều loại hư hỏng, như chị cũng là một loại. Nhưng chị rất sợ nếu cứ tiếp tục ở lại biết đâu đến một ngày nào đó không xa khi anh từ đơn vị trở về nhà sẽ chỉ thấy chị còn là cái xác vô hồn bên vạt nắng. Biết đâu đấy, cũng có thể chị bốc hơi khỏi ngôi nhà này chỉ để lại vài cánh hoa vương vãi. Mà như thế thì chị chỉ càng làm khổ anh thôi. Trước lúc đi, chị bảo anh là nhất định chị sẽ về. Vì chị biết mình rất yêu anh, cũng chính vì yêu anh mà chị phải đi để không biến gia đình này thành địa ngục trong sự bức bách, phá phách nung nấu từ trái tim chị mỗi ngày. Nhỏ bạn thân lên đón chị đi, nói anh đừng lo, cứ thả con chim cho nó bay thì nó còn muốn tìm đường để trở về. Anh định hỏi chị sẽ đi trong bao lâu nhưng nghĩ nào lại thôi. Hôn vợ, hôn con rồi chúc chị đi chơi vui, nhớ giữ gìn sức khỏe. Lúc ngồi yên vị trong xe rồi, nhìn qua gương chiếu hậu, thấy dáng anh lênh khênh đứng ở cổng ngóng theo tự nhiên chị  thắt lòng. Nhỏ bạn cười héo hắt, bảo để rồi xem đi được bao lâu…
                                           * * *
Chị còn đứng thẫn thờ bên hàng lá dong rất lâu nếu như bé Kẹo không lắc nhẹ tay mẹ kéo đi. Đi đến chỗ nào bé Kẹo cũng bảo giá có bố đi cùng, ăn món gì cũng nhắc giá có bố ăn cùng, chơi mấy trò con nít linh tinh mà cũng ước ao giá có bố chơi cùng mới thấy vui. Đêm, con nằm ngủ mớ gọi bố rồi giật mình thon thót ôm chầm lấy mẹ. Nhỏ bạn xong xuôi công việc cũng trốn phố tìm theo dấu chân chị mà đi. Gặp chị, bạn cười hỏi:
-Thế nào. Đã thấy nhớ nhà chưa?
Chị bặm môi, khẽ lắc đầu bướng bỉnh mà nước mắt ứa ra. Nhớ đến mấy dòng tin nhắn hồi sáng của anh mà lòng sũng buồn. Anh bảo ở quê mọi nhà đã rục rịch tết rồi. Mọi thứ mua sắm cứ để anh lo, hai mẹ con cứ chơi cho vui nhưng nhớ phải về nhà trước ngày hai bảy tết để mấy vợ chồng con cái còn đi tảo mộ tổ tiên. Anh dặn dò ân cần như thể chị đang bận đi công tác hoặc đang về quê nội chơi vài ngày chứ không phải chị nằng nặc bế con, bỏ bê nhà cửa đi mất hút cả tháng trời. Mẹ gọi điện than con rể mấy bữa nay trông gầy đi nhiều lắm, có một mình buồn nên chiều nào cũng qua nhà mẹ ăn cơm. Chị không dám kể với mẹ rằng từ hôm đi cho đến giờ chị thấy dễ thở hơn nhưng cũng chẳng có tâm trí đâu mà ngắm cảnh, lúc nào cũng chỉ thấy nhớ nhà. Sợ mẹ mắng lớn rồi mà còn dại, còn ham chơi, còn tơ tưởng những thứ xa vời. Ừ! Bỗng nhiên chị thấy mình nhỏ bé, muốn được ai đó dạy dỗ lại bằng yêu thương. Bạn cười bảo:
-Nàng thấy đấy chúng ta vẫn bé nhỏ trước đời thôi. Không trải nghiệm sao biết phải tiếc nuối và trân trọng những gì.
Chị khẽ nhún vai cười buồn:
-Ừ! Chắc là không xa anh nổi.
Khi ngồi trên chuyến xe xóc dập dềnh để trở về chị đã nghĩ chuyến đi này giống như một liều thuốc an thần, xoa dịu, vỗ về những nỗi bất an trong chị. Nhưng chị lại sợ khi trở về nhà, sống tiếp những tháng ngày đơn điệu biết đâu  lại chả có lúc chị nổi khùng. Mỗi người có một bi kịch, bi kịch của đời chị là không chịu đựng được sự ngột ngạt, nhạt nhòa. Bé Kẹo đã thôi áp mặt vào cửa kính thích thú hỏi về mọi thứ đập vào mắt. Con bắt đầu ngọ ngoạy, quay sang nhìn mẹ bằng mắt đen láy, nó rủ chị chơi trò “nhắm chặt mắt” và yên lặng chờ đợi. Chị gật đầu bảo:
-Được rồi! Nhưng mẹ không biết mẹ sẽ ngủ quên lúc nào đâu đấy!
-Mẹ phải nói cho con biết khi nhắm chặt mắt mẹ nhìn thấy những gì nhé!
-Thế còn con. Con có thể bật mí cho mẹ biết con đang thấy những gì không?
-Con thấy ngôi nhà và vườn hoa. Thấy cái xích đu màu nâu mà bố làm cho con đang đung đưa trước gió. Mà không biết bố đã sửa lại cho con mấy cái xe bọ xít chưa mẹ nhỉ? Cả con gà con vàng ươm nữa này, hôm nọ ngoại hứa sẽ cho nó ăn no mỗi ngày và canh chừng để lũ gà lớn không bắt nạt nó.  À! Mẹ có nhìn thấy không, bố đang ra cổng đứng chờ hai mẹ con mình đấy!
-Ừ! Mẹ thấy rồi! Thấy rồi…
Chị thấy mắt mình cay, lòng cồn cào khó tả. Dựa lưng vào ghế xe trong tư thế thoải mái, chị nhắm chặt mắt để nghe những ấm áp trở về khe khẽ trong tim. Chị bỗng nhớ tết quá, nhớ cái cảm giác cùng nhau quây quần trong bữa cơm tất niên, cùng chỉnh lại vạt áo cho nhau trước khi đi chúc tết trong ngày mồng một. Nhớ những món ăn do tự tay anh vào bếp, nhớ những yêu thương anh mang ra gói ghém bao vụng về của chị. Nhớ ra trong cuộc điện thoại sáng nay anh ngập ngừng hồi lâu rồi bảo “sau này mỗi tháng sẽ thu xếp để cả nhà đi chơi đâu đó một lần cho em đổi gió”. Xe đã chạy đến quãng đường đẹp êm ru, bé Kẹo dường như đã ngủ quên trong trò chơi “nhắm mắt”. Trước khi chìm vào nhấc ngủ chị nhớ cảnh tết năm nào hai vợ chồng ngồi bóc hành làm dưa muối miệng cười mà mắt mũi tèm nhem. Bây giờ chẳng cần phải bóc hành mắt chị cũng cay xè vì nhớ anh, chỉ mong sao đường về ngắn lại…
Vũ Thị Huyền Trang, Trang Rêu

Vũ Thị Huyền Trang

1 comment: