Sunday, September 23, 2012

Hai nửa...

  


Như thế, khi ngồi vắt vẻo trên thành lan can sân thượng khu nhà trọ, Vân thường hỏi Minh một câu cũ rích:
-Không biết giờ này một nửa của tôi đang ở đâu và đang làm gì ông nhỉ?
Minh đáp tỉnh bơ:
-Đang ở trong một cái nhà vệ sinh công cộng nào đó và giải quyết nỗi buồn thế kỷ.
Cũng có khi Minh đủng đỉnh:
-Một nửa của bà đang ở đây, ngay bên cạnh và lắng nghe những câu hỏi vớ vẩn của bà. Còn bây giờ thì thôi ngay cái điệp khúc sến chuối ấy đi.
Là y như rằng lần nào Minh cũng nhận được cái lườm sắc lém của Vân cùng với một quả thụi nhẹ vào giữa ngực. Rồi hai đứa giải chiếu, nằm chỏng kheo, ngửa mặt lên trời, khi Minh hát nghêu ngao mấy bài nhạc trẻ thì Vân vẫn mải mê nghĩ về một nửa của mình. Đó hẳn nhiên sẽ là một người đàn ông hoàn hảo, đủ  làm mê hoặc bất cứ một người con gái nào, đủ để Vân không bao giờ cảm thấy nhàm chán khi hai người ở bên nhau. Mà với Vân, trong tình yêu kị nhất là sự nhàm chán. Minh sờ trán Vân bảo:
-Chắc ngày xưa nghe nhiều chuyện cổ tích quá à mà bây giờ hồn vía cứ trên mây mãi thế? Thằng cha hói đầu, bụng phệ hiện tại của bà đâu rồi, đừng bảo lại bị bà đá rồi nhé!
-Đừng nhắc đến thằng cha ấy. Người đâu mà kẹt xỉn, đi chơi với gái mà tính toán từng đồng.
-Bà yêu người ta hay yêu cái túi tiền, tính đào mỏ tình yêu mãi à? Thế thì chẳng bao giờ tìm thấy chàng trai hoàn hảo đâu.
-Tôi không xấu xa như ông tưởng đâu nhưng là con gái thì phải được cưng chiều chứ. Mà mấy ông đấy tôi chỉ yêu cho vui thôi, đó không phải là nguyên mẫu lý tưởng của tôi.
Minh ngồi bật dậy trở về phòng, tự nhiên thấy ngột ngạt vô cùng. Vân dời khỏi xóm trọ bằng lớp son phấn lòe loẹt sau khi nhận được cuộc điện thoại của một gã đàn ông nào đấy. Khi chạm Minh ở cầu thang, Vân dặn:
-Tối nhớ cắm cơm nhiều chút, phần tôi một suất nhé. Thằng cha này chả bao giờ đãi tôi bữa nào ra hồn cả. Mà nếu tôi về muộn, nhớ ra mở cổng giúp tôi nghe chưa, thể nào cũng có khối chuyện để kể cho ông nghe đấy.
Minh đứng bên cửa sổ, nhìn theo bóng dáng Vân ngồi vắt vẻo trên con xe mô tô đồ sộ của thằng cha đầu hói. Lòng bỗng nhiên buồn tênh, trống rỗng như thể ngày nhỏ mỗi lần định chạm tay vào chùm bong bóng xà phòng thì nó đã vỡ tan vào không khí, không để lại dấu vết nào. Nhiều khi, Minh muốn lặng lẽ dời khỏi khu trọ này vào một buổi sáng tĩnh lặng nào đó. Ra đi không chào từ biệt ai, không gửi lại chút tin tức gì, không nhìn sang cửa phòng đối diện. Nơi mà Vân đang ngủ vùi trong lớp phấn son chưa kịp gột rửa và mùi rượu phả ra trong từng hơi thở. Cũng có khi Minh muốn đạp tung cánh cửa kia, lôi Vân dậy dội cho vài gáo nước lạnh để cô tỉnh táo. Để trở về thành Vân của những ngày đầu gặp gỡ chứ không phải vẻ trâng tráo, bụi bặm và sành đời của một đứa con gái sống cẩu thả, vô trách nhiệm với chính bản thân mình. Nhưng vì lẽ gì mà Minh vẫn ngồi đó, chờ cho đến mục ruỗng những tháng ngày trôi theo son phấn và nước mắt của Vân.
                                         * * *
Minh và Vân chuyển về khu nhà trọ này cùng một ngày, trời mưa như trút. Hà Nội ngập ngụa trong cơn mưa kỷ lục tháng 10- 2008. Đồ đạc hai đứa đều chẳng có gì, cái ba lô nhẹ tênh và khuân mặt mệt mỏi, chán chường sau một chặng đường dài dắt xe trong biển nước. Sau vài lần va nhau ở cầu thang, khi thì Vân nhờ Minh sang sửa dùm cái cầu chì, cũng có khi Vân kiếm đâu vài cuốn sách của Haruki Murakami mang quẳng sang phòng Minh bảo “Đọc đi, nghe bảo hay lắm đó”. Thế là thành thân nhau, thi thoảng hứng lên hai đứa đi chợ thổi cơm chung, Vân buộc tóc cao ngồi gõ vung chờ Minh lụi cụi rán xong đĩa chả cuốn lá lốt. Trong lúc Minh hứng chí kể về mấy ả điệu chảy nước ở công ty thì Vân chống cằm ngồi nghe chăm chú, thi thoảng lại phá lên cười.
Minh làm việc trong một công ty truyền thông, thi thoảng phải đi công tác vài ngày còn lại quẩn quanh, tiêu tan tuổi trẻ trong thành phố và căn phòng trọ tít hút tầng năm. Nơi ấy Minh có thể nghe thấy bước chân nhẹ nhàng và tiếng hát trong trẻo cất lên mỗi tối Vân đi làm về. Lần nào Vân cũng ghé qua phòng Minh để chuyện trò, để khóc và cũng có khi chỉ để ngồi im lặng, nghĩ ngợi vẩn vơ. Trước lúc lệt bệt quay về phòng, Vân bao giờ cũng hỏi:
-Không biết một nửa của Vân đang ở đâu Minh nhỉ? Hắn đang làm gì và có mảy may nghĩ gì đến tớ không?
Minh đã chán không buồn trả lời câu hỏi ngớ ngẩn ấy, anh ngồi nhìn bóng dáng Vân bước vào phòng cô và đóng sập cửa lại. Với Minh, tuy đã ở cùng khu trọ với Vân đã hơn một năm nhưng kì thực anh chẳng hiểu gì về người con gái ấy. Ngay cả nghề nghiệp của cô, anh cũng không biết, có hỏi Vân cũng chỉ lắc đầu cười. Cũng có khi Vân bảo:
-Minh quan tâm làm gì đến nghề nghiệp của Vân, bạc lắm, đơn giản nó chỉ là một công việc kiếm tiền.
Khi đó Vân còn ăn mặc kín đáo, đi lại nhẹ nhàng, còn xưng tên với Minh. Sau này tình cờ một lần Minh đi cafe cùng bạn, thấy Vân hát mê đắm trên sân khấu nhỏ, mắt buồn đẫm, tiếng hát có lúc như tiếng khóc. Lúc trồ Vân ở khu vệ sinh trong quán, thấy Vân đang ôm eo thằng cha nào già khọm. Nhìn thấy Minh, Vân cười, nụ cười khinh đời và bất cần chưa từng thấy. Từ đấy Vân xưng “tôi” với “ông”, đi về lọc cọc giầy cao gót, mùi rượu nồng, phấn son chát chúa không còn nhận ra cảm xúc.
-Có giọng hát hay như vậy, sao em nghĩ đến việc phát triển lâu dài mà chúi đầu vào mấy quán cafe đèn mờ vậy?
Vẫn cái vẻ trâng tráo, Vân bảo:
-Đèn mờ thì sao? Chả đứa quái nào sơ múi được tôi cái gì cả. Chúng nó cần gái đẹp như một vật trang trí còn tôi thì cần tiền. Cả hai bên đều có lợi như thế cũng tốt chứ sao?
-Nhưng một người đàn ông hoàn hảo thì không chấp nhận như thế.
-Người đàn ông hoàn hảo ấy là ông chắc?
-Không!
-Thế thì đừng ý kiến. Người đó phải yêu tôi và chấp nhận mọi thứ thuộc về tôi thì mới là người hoàn hảo.
Rồi Vân nằm vật ra, chậm dãi kể đủ thứ chuyện, hầu hết đều xoay quanh đàn ông. Khi thì là thằng cha đã một vợ ba con, tính tình phóng khoáng nhưng lúc nào cũng chỉ mong chiếm đoạt cô. Lúc thì gã họa sĩ, tình thì có mà tiền thì nhẵn túi, tóc tai bù xù hôi hám, dù quý tính nhưng cô không thể chạm môi hôn đến lần thứ hai trong cuộc đời. Cũng có khi Vân lại kể về thằng cha hói đầu bụng phệ, nói một tháng đưa cô một triệu với điều kiện đừng ôm eo thằng khác. Vân cười khẩy bảo với Minh “thằng cha đó coi tôi không bằng một con búp bê để tủ kính”. Rồi gục mặt vào vai Minh khóc, bàn tay vụng về của anh chạm nhẹ vào tóc cô thấy xa xót một điều gì khó tả…
Từ khi sống gần nhau, không khi nào Minh thấy Vân nói về gia đình, quê hương, cũng không bao giờ đến thăm một nơi nào đó. Có gặng hỏi, Vân cũng chỉ cười buồn bảo ở đâu có người chờ mình thì ở đó là nhà. Vân ghét nghe bất cứ ai kể về gia đình với hạnh phúc căng tròn và niềm tự hào hiện rõ trên khuân mặt. Ngoài ra Minh không hiểu gì về cô, tựa như cái tên “Vân” vốn là mây trời, là phù du tưởng gần mà hóa xa xôi lắm…
                                         * * *
Trời lại mưa rả rích. Vân trở về khu trọ sớm hơn, để mặc cho nỗi buồn âm ỉ lụi tàn dần. Vân mang ra chai rượu nhỏ, bày ít mực khô, nói:
-Đêm nay say nhé!
-Mai tôi còn phải đến cơ quan làm việc. Mà đàn bà đừng nghiện ngập mấy thứ đấy. Trông khó coi lắm.
Mất hứng, Vân vứt chai rượu chỏng chơ góc nhà, nằm dài dưới nền phòng Minh, gỡ mực khô nhai trệu trạo. Như chẳng có gì để nói với nhau nhiều hơn mọi khi một chút, Vân lại quay sang vấn đề muôn thưở nhưng giọng đã nhiều hoài nghi và mệt mỏi:
-Liệu tôi có thể tìm được một nửa của mình hay không? Hay tôi là một người dư thừa sau khi thượng đế đã xắp xếp mọi đôi lại với nhau? Nếu tôi bị lẻ đôi thì có nghĩa mãi mãi tôi chỉ là vật trang trí, là trò chơi cho kẻ khác. Phải không ông?
Khi Minh ngẩng lên, bắt gặp đôi mắt ầng ậc nước của Vân nhìn mình như kêu cứu, như muốn bấu víu, muốn nói “hãy làm ơn ở bên tôi, ôm lấy tôi và giúp tôi vượt qua quãng thời gian khủng khiếp này”. Nhưng Minh đã không đủ sức làm bờ vai cho Vân tựa, không biết phải nói gì cho cô nguôi ngoai, không dám làm gì cho đôi mắt kia thôi giỏ lệ. Hai người ngồi bên im lặng bên nhau, thời gian nặng nề trôi qua trong dằn vặt, hoài nghi và đau đớn. Chính giây phút ấy Minh cứ tự hỏi liệu mình có thể yêu người con gái đang ngồi trước mặt bằng tất cả sự rộng lượng, bao dung, cái thứ vốn ít có ở nhiều thằng đàn ông. Liệu có thể chấp nhận Vân và lãng quên những câu chuyện tanh mùi thực dụng, quên hình ảnh những cái ôm eo, quên hình ảnh thằng cha đầu hói... Và biết đâu, ngay cả sau này khi đã chấp nhận tình yêu ấy, Vân vẫn sẽ ra đi trong lớp phấn son ma mị và trở về trong nồng nặc hơi men. Biết đâu trong một giây phút nào đó đang nằm trong tay nhau, Vân lại hỏi về một nửa của mình liệu đang ở nơi đâu? Khi ấy Minh sẽ là cái gì? Sẽ lại là một cuộc vui không hơn không kém.
                                         * * *
Minh đưa thiệp mời cho Vân sau buổi sáng Vân chạm mặt một người con gái lạ bước ra từ cửa phòng Minh với chút gượng ngùng và mái tóc còn chưa kịp chải. Lần đầu tiên Vân ngập ngừng đứng trước cửa phòng Minh mà không thể bước vào. Cũng là lần đầu tiên khi đối diện với nhau, Minh không dám nhìn thẳng vào mắt Vân như những lần ngồi bên nhau nữa. Tối đó, sau khi uống khá say, Vân leo lên sân thượng đã thấy Minh ở đó. Vân châm thuốc, rít một hơi thật mạnh rồi phả khói vào mặt Minh cười khanh khách.
-Lại còn cả hút thuốc nữa à? Từ bao giờ vậy?
-Lâu rồi. Thích thì hút, chả ảnh hưởng đến ai. Mà sao nhanh vậy?
-Cái gì nhanh?
-Thì việc ông lấy vợ. Sao chẳng bao giờ thấy ông kể với tôi về người con gái ấy. Quen nhau lâu chưa?
Minh nằm ngửa cổ lên trời, khẽ thở dài:
-Vừa đủ để có thể hiểu nhau.
-À! Cái đó người ta gọi là một nửa đây mà. Dù sao cũng chúc mừng ông đã tìm thấy một nửa cho mình.
Vân nói rồi loạng choạng đi xuống phòng. Minh lặng im, thấy buốt nhói nơi ngực trái.
Ngày cưới Minh, Vân có mặt từ sớm nhưng ngồi khuất trong đám đông, lặng lẽ nhìn cô dâu, chú rể cúi lạy gia tiên và rạng rỡ khi trao nhẫn cưới. Một cảm giác hụt hẫng xâm chiếm lòng Vân, như thể cô vừa mất đi một điều gì vô cùng quý giá. Khi Vân bước ra khỏi đám cưới, Minh khẽ buông lỏng tay cô dâu, lặng lẽ nhìn theo như thể đang bất lực và nuối tiếc khi một phần hồn đã bay đi mất. Đám đông không mảy may quan tâm đến cô gái vừa dời khỏi đám cưới, cũng không nhận biết được cảm giác chênh vênh của chú rể. Họ chỉ làm đúng phận sự của một đám đông trong ngày đại hỉ. Họ hô vang:
-Hôn nhau đi! Hôn nhau đi!

Chú rể khẽ giật mình, luống cuống đặt lên môi cô dâu một nụ hôn vội vã.

Khách trọ...


                                                                       
 Khách trọ đến ở đã được một tuần, đã quen với căn phòng mới và quen cả việc mỗi ngày nhảng qua tường sang nhà chủ xách nước hai lần. Khách trọ tên Huyền, bà chủ vẫn gọi Huyền đen, Huyền tuyền âu yếm, ngọt ngào như cái cách bà gọi con misa cưng của bà. Huyền chẳng bao giờ thèm giận, vẫn sáng một lần, chiều một lần sách hẳn cái can to đoành sang đựng nước. Nhà bà chủ không giàu, có hai cái phòng cấp bốn, hai mẹ con bà ở một phòng với vài ba thứ đồ linh tinh không đáng giá, còn một phòng bà cho Huyền thuê trọ với giá ưu đãi. Từ đó nhà bỗng có ba người.
Nhà chủ rộng rãi, thật hiếm có một nhà nào ở giữa trung tâm thu đô lại đặc sệt tính nhà quê như thế. Ngoài vườn trồng vài ba bụi chuối, nuôi hẳn một đàn gà mười con, con nào con ấy vàng ươm. Ban ngày gà mái cục con ầm vườn, ban đêm thì gà trống gáy cả ngõ phố tỉnh giấc. Vài bụi mía tím vẫn còn trắng phấn, vài gốc cam bị sâu đục vàng, cây mít đã đến mùa ra quả. Tất cả đều gợi cho khách trọ cảm giác thân thuộc như quê mình. Đôi khi, giữa đêm tỉnh dậy vì tiếng gà gáy mà khách trọ cứ ngỡ mình đang nằm ngủ giữa quê nhà.
Đất nhà bà chủ đắt lắm, bao nhiêu người đến hỏi mua nhưng bà đều lắc đầu cười. Có hôm buột miệt khách trọ hỏi:
-Nhà thì ít người sao bác không bán bớt đất để làm gì rộng thênh thang thế này?
Bà bảo:
-Để cho thằng Hùng lấy vợ, sinh con, con lại sinh ra cháu. Đất bao nhiêu cũng chưa đủ chứ thế này đã ăn nhằm là gì. Ở rộng rãi cho nó thoải mái, chen nhau chật chội thì chỉ có mà tổn thọ thôi.
Đôi khi khách trọ nghĩ bà chủ thật dại, bao nhiêu người bán đất để có nhà lầu, xe hơi mà bà thì chỉ thích sống đạm bạc. Thế mà ai nói gì bà cũng chỉ cười cho qua chuyện. Cuộc sống của hai mẹ con bà không giàu có nhưng cũng tạm đủ. Bà trước kia bà mở quán cắt tóc nho nhỏ ở vỉa hè, sau này vừa là có tuổi, lại làm ăn không thuận lợi như trước kia nữa vì quán cắt tóc, gội đầu massage nổi lên khắp nơi nên bà không làm nữa. Suốt ngày quanh quẩn chăm mấy con gà và cơm cháo chờ anh con trai đi làm về. Anh Hùng học xong Đại học, xin luôn vào một công ty điện tử, lương tháng vài triệu, lúc nào cũng thấy anh vui vẻ, tính y hệt bà chủ. Người ngoài bảo “được cả mẹ lẫn con”, khách trọ thì nghĩ thầm họ như người ở nông thôn lạc xuống phố không bằng. Người đâu mà chân chất, thật thà đến lạ.
Dạo này nhà có ba người nên mỗi sáng đi chợ bà dặn mình mua nhiều hơn một chút. Bình thường chỉ nửa cân hến là hai mẹ con nấu canh ăn đủ, bây giờ bà mua cả cân mà vẫn lo sẽ thiếu. Bình thường bà chẳng bao giờ ăn được mướp đắng nhưng từ khi biết khách trọ thích ăn thì tuần nào bà cũng ghé hàng rau mua mướp đắng ít nhất một lần, rồi tạt qua hàng trứng mua về xào lên cho khách trọ. Mặc dù hai phòng ăn riêng, nhưng cứ đến bữa ăn là bà lại bê một bát thức ăn đứng bên bờ rào bằng bê tông gọi khách trọ ra dúi vào tay rồi lặng lẽ đi vào. Đôi khi mua hoa thắp hương mồng một, lại nghĩ phòng con gái cần phải có lọ hoa mới ra dáng thế là bà cũng đi mua hoa, mua bình về dúi cho khách trọ. Con trai bảo đùa:
-Mẹ chiều khách trọ hơn cả chiều con.
Bà chủ mắng yêu:
-Bố anh! Anh thì đã có mẹ lo cho từng miếng ăn, còn người ta một thân một mình sống giữa thành phố này, đói lo không ai biết. Lúc ốm đau không ai chăm, cũng là người thì phải biết thương người ta chứ.
Con trai chỉ cười, rồi tặc lưỡi bảo:
-Sao mà mẹ lại thương người hơn cả bản thân mình thế không biết được. Chưa nói dứt câu đã thấy bà ra bờ rào hỏi khách trọ:
-Cháu có gội đầu với bồ kết không? Bác đun luôn cho nhé!
Khách trọ sờ mái tóc rối bù của mình sau một ngày đạp xe đi làm thêm quanh Hà Nội, rồi vâng khe khẽ.  
Khách trọ đẹp. Cái vẻ đẹp thùy mị, dịu dàng của người con gái thôn quê. Lên thành phố ăn học đã được ba năm nhưng nhìn khách trọ không thay đổi nhiều so với buổi đầu mới đến đây thuê nhà. Vẫn mái tóc đen dài, vẫn mặc những bộ quần áo kín đáo mà tươm tất, vẫn nụ cười dễ làm mê đắm trái tim người khác. Khách trọ hiền, ít nói nhưng rất biết an ủi và giúp đỡ người khác. Những hôm trời hanh nắng, thấy bà chủ ra hiên nhà ngồi buồn thiu, để mấy con gà vào tận nhà quấy mà bà không buồn đuổi. Biết bà buồn, khách trọ lân la nhổ tóc sâu, chuyện trò hoặc chỉ ngồi im lặng nghe bà chủ thở dài từng tiếng. Những hôm mưa triền miên ngày đêm, trời đất, khi con trai đã đi làm, bà chủ lại ra hiên ngồi, nhìn mông lung ra màn mưa. Khách trọ ở bên này cũng ra hiên ngồi, tự nhiên không hiểu sao thấy buồn vu vơ, một nỗi buồn xa lắc...
                                                * * *
Ngày nhỏ, khách trọ cũng có những ngày ngồi ngóng vọng trong trời mưa như thế. Khi người mẹ hiền mất đi, khi bố phải theo những chuyến tàu lên biên giới làm ăn. Nhà chỉ còn mình bà nội với Huyền, mái lá cọ không tránh nổi những cơn mưa ồ ạt mùa hè, không che kín những cơn gió buốt rét mùa đông, không giấu nổi nỗi buồn đìu hiu, se sắt khi mùa thu đến. Mẹ mất vì bệnh ung thư vú, để lại trong trí óc Huyền mãi mãi là đôi mắt mẹ lúc nào cũng ầng ậc nước, giọng nói buồn như mưa, và đôi bàn tay những lúc ôm Huyền vào lòng mỏng manh như gió. Từ ngày mẹ mất, ngày nào Huyền cũng ra hiên ngóng, dù đã mấy lần nội bảo “mẹ con mất rồi, về một thế giới khác rồi và sẽ không bao giờ quay trở lại nữa đâu”. Huyền biết điều ấy, nhưng vẫn không thôi ngóng đợi. Ngày ấy Huyền còn tin vào cổ tích.
Huyền lên lớp bảy thì nội mất. Đúng vào những ngày mưa tầm tã như thế này. Nội đi rất nhẹ nhàng, khi hai bà cháu đang ngồi ngoài hiên thì nội kêu mệt vào giường nằm, một lúc sau nội gọi Huyền vào, nội ôm Huyền trong tay rồi hai bà cháu chìm vào giấc ngủ. Khi tỉnh dậy, Huyền kể chuyện về giấc mơ gặp mẹ ở một nơi rất đẹp với thật nhiều hoa bướm, chim muông. Huyền nằm im trong vòng tay bà, nói mãi, nói mãi vẫn không thấy bà lên tiếng, Huyền giật mình lay gọi mới biết nội đã đi rồi. Đôi môi nội buồn thiu, nhưng vòng tay ôm Huyền vào lòng thì vẫn chắc và rất ấm đến lạ. Bố đi làm xa, lúc đó nhà chỉ còn mình Huyền, nhìn ra màn mưa trắng trời mà thấy sao mình nhỏ bé, đơn độc thế...
Từ đó bố thôi không đi lên biên giới làm ăn nữa mà ở hẳn nhà chăm nom Huyền. Hàng ngày bố đi làm đồng, rảnh rỗi thì đi làm thuê bất cứ việc gì miễn là để có tiền cho Huyền ăn học. Dù bố đã cố gắng yêu thương để bù đắp những thiếu thốn tình cảm cho Huyền, nhưng cô không nào sao thôi nguôi ngoai nhớ mẹ. Nỗi nhớ như từng mạch máu cứ chảy rần rật trong da thịt, nỗi nhớ như cơn mưa, như từng đợt gió táp vào lạnh buốt. Huyền nhớ những buổi chiều hai mẹ con ra đồng tát tép, mặt Huyền lắm lem vì nghịch nước, mẹ âu yếm dùng bàn tay vẫn còn tanh mùi bùn, quyệt vội vào chiếc áo mồi của mẹ rồi dịu dàng lau má cho Huyền. Mùa đông, nhà nghèo nên Huyền chỉ có độc chiếc áo khoác hoa đã vá nhiều chỗ. Những hôm mưa, áo bị ướt, mẹ phải ngồi suốt canh thâu hơ áo để ngày mai Huyền có áo mặc đến trường. Lúc khoác chiếc áo vào người hơi ấm của than lửa, của tình yêu thương bao la từ mẹ khiến Huyền thêm ấm áp, chỉ có đôi mắt mẹ là trũng sâu vì thiếu ngủ. Những đêm mùa hè, cả vùng nông thôn đều chưa có điện, cả nhà nằm ngủ ngoài hiên, mẹ ngồi quạt cho mọi người đến lúc ngồi ngủ gật lúc nào không biết. Từ khi mẹ không còn trên cuộc đời này nữa, thì đối với Huyền nó là một thiếu hụt không gì có thể bù đắp được.
Từ ngày xuống thành phố học, lúc còn ở trong kí túc xá, hàng ngày thấy những bà mẹ khác xuống thăm con bằng sự lo lắng, những cử chỉ yêu thương, những vỗ về hiền hậu Huyền lại thấy chạnh lòng. Nhiều đêm nằm nghe đứa bạn gọi điện về cho mẹ khóc vì nhớ nhà. Nhiều đêm chùm kín đầu trong chăn khóc khi thấy đứa bạn nhận được thư của mẹ với những nét chữ của người không quen cầm bút, nhưng dòng chữ nào cũng ướt nhòe nước mắt. Dần dần sự thiếu hụt tình cảm của người mẹ khiến Huyền sống khép mình trong nỗi cô đơn và nhiều khi là cả sự mặc cảm và đố kị. Để tự giải thoát mình, Huyền xin ra khỏi kí túc xá và đi tìm nhà trọ.
Huyền làm khách trọ nhà mẹ con bà Cẩm đã được ba năm. Ở đây Huyền ít bị tổn thương, trừ những hôm bà Cẩm lôi cậu con trai đã lớn tướng ra giữa sân để bà vừa cắt tóc vừa cằn nhằn:
-Tóc tai để rậm rịt thế này mà cũng dám thò mặt ra đường, mà cũng dám mơ tưởng đến con gái người ta hả?
Là thể nào Hùng cũng nhăn nhó;
-Mẹ đừng cắt cho con quả đầu giống những năm 90 là được. Mà thôi, mẹ cứ để con ra quán cắt cho xong.
-Ngồi im đấy cho mẹ. Cứ cạo chọc không còn cái tóc nào là được đúng không? Đợi con mò ra quán thì có khi thành vượn.
Huyền ngồi bên này ngó sang, miệng thì cười mà tim sao nhoi nhói.
                                         * * *
Nhà bà chủ hóa ra cũng có con gái nhưng đã mất vì tai nạn lâu lắm rồi. Nhiều lúc buồn buồn bà chủ bảo:
-Nó mà còn sống cũng sẽ xinh đẹp như cháu vậy. Da nó trắng hồng, tóc đen mượt vì chiều nào bác cũng đun bồ kết cho nó gội. Hôm ấy con bé xin phép sang nhà bạn hỏi mấy bài tập khó, lúc dắt xe ra cổng nó còn quay vào bảo chỉ đi chốc lát rồi về ăn cơm. Thế mà bác ngồi ở hiên này đợi mãi, đợi cho đến tận bây giờ vẫn không thấy nó về...
Khách trọ có lúc buột mồm lại hỏi về bác trai. Bà chủ cười, hất tay chỉ vu vơ ra ngoài đường bảo:
-Ông ấy bỏ mẹ con bác đi lâu rồi. Bây giờ có vợ con trong Sài Gòn ý.
Mắt bà chủ rưng rưng. Khách trọ ngồi buồn xo. Hùng đi làm về thấy vậy là cằn nhằn:
-Mẹ đi vào nhà ngồi đi, chứ cứ ngồi ngoài này mưa tạt vào ốm thì sao, con nhắc mẹ bao nhiêu lần rồi. Lạnh lắm!
Khách trọ ra trường, ở thêm được hai năm nữa thì phải lòng mẹ con bà chủ. Sau mấy lần bà Cẩm bảo con trai chịu khó đưa khách trọ về quê thăm bố. Sau mấy lần khách trọ gặp phải dịch sốt, nằm li bì ở nhà được Hùng hỏi han ân cần, tự tay bà Cầm bón cho từng thìa cháo nhỏ tận tình như một người mẹ. Và sau cả rất nhiều buổi chiều nhìn bà Cầm ngồi ra hiên ngóng vu vơ đứa con gái nhỏ, tự nhiên khách trọ thấy yêu những con người trong ngôi nhà này như một phần thân thuộc. Hùng đã bàn với khách trọ đón bố xuống ở cùng nhà cho vui. Bà Cầm đã bàn chuyện phá bỏ bức tường rào, đập bỏ hai phòng cấp bốn rồi xây một cái nhà cho tử tế. Hai phòng giờ đã ăn chung nhau, bà chủ coi khách trọ là con cái trong nhà, giục hai đứa nhanh đưa nhau đi mua nhẫn cưới, thuê váy áo còn chụp ảnh cho kịp không lại hết mùa xuân.

Vũ thị Huyền Trang

Mùa nắng hanh hao...



Trái tim tôi đã mãi mãi ở lại mùa nắng hanh hao ấy...

Tôi tỉnh dậy sau một giấc ngủ trưa, thấy mùi nắng sộc vào mũi tôi qua khe cửa khép hờ rêu mốc. Tiếng gà mái cục con ngoài gốc roi nghe nôn nao đến lạ. Tôi ngồi dậy, ra chiếc chõng mắc ngoài gốc cây nằm đung đưa hóng nắng. Bên cạnh xóm trọ là con mương nhỏ chảy qua bốc lên mùi hăng hăng của đất, và tanh nồng của nước. Tôi hít thật căng lồng ngực, nhắm nghiền mắt, tự nhiên tim cứ ứa ra khe khẽ một nỗi đau. Mùa nắng hanh hao thứ hai mươi đã đến, tôi đi miết mà không tìm thấy hồn mình về lại. Mãi mãi cái buổi trưa năm ấy đã đánh cắp tất cả những thương yêu hồn nhiên nhất trong trái tim tôi. Mưa nắng đã nhạt phai hàng trăm nghìn thứ ở đời mà sao nỗi đau vẫn còn nguyên sắc đỏ.
Mẹ điện xuống nhắc tôi ngày giỗ Bống. Tôi dã dời gói ghém nỗi đau bắt chuyến xe khách cuối cùng về quê trước khi trời ập tối. Thấy tiếng chân tôi khua lá khô xào xạc, ngoại ngồi nép bên hiên bống giật mình luống cuống gọi “Bống ơi! Bống nhỏ về với ngoại đấy à?”. Mẹ lật đật chạy ra, vấp phải bậc cửa ngã nhào xuống đất. Tôi vội chạy vào đỡ mẹ, thấy đôi mắt mẹ ngước lên nhìn tôi hoang hoải, trống rỗng và hụt hẫng. Tôi cười bảo “Là con đây mà, thưa mẹ. Con đã về rồi”. Mẹ ừ một tiếng nhẹ bẫng, ừ như không ừ, thế mà đã kịp cứa vào tim tôi nhói buốt. Ở nhà này không ai mong nhớ gì tôi cả, ít ra tôi cũng đã vắng nhà bốn tháng. Đó là khoảng thời gian dài đằng đẵng và nặng nề trôi đi trong tôi. Nhưng dường như so với ngoại và mẹ thì lúc nào tôi cũng chỉ đi chơi đâu đó, quanh quẩn làng trên xóm dưới. Khi nào đói thì lại về, hơi đâu mà để ý, mà nhớ thương cho mệt xác.
Tôi nhìn lên ban thờ, Bống cười mắt tít, má đồng tiền xinh xinh lúng liếng. Nước ảnh đã mờ cũ, vài ba chỗ đã bắt đầu hoen ố. Ừ thì cũng hai mươi năm rồi, một phần ba đời người chứ có ít ỏi gì đâu. Tôi giờ cũng vừa qua tuổi ba mươi, trong khóe mắt những vệt buồn thời gian đọng lại đầy ẩn ức. Thế mà Bống vẫn cười ngây thơ, mỗi lần tôi trở về, em vẫn chào tôi bằng những nỗi đau không tuổi. Giá mà em có thể hiểu được rằng trái tim tôi vẫn ngày ngày rỉ máu vì sự ra đi của em. Dẫu cho thời gian đã gắng sức, dẫu cho hàng trăm nghìn lần trong cuộc đời hạn hẹp này tôi cố vứt đi nỗi ám ảnh để vui sống. Thì nụ cười của em và nước mắt của mẹ, sự thẫn thờ của ngoại vẫn in đậm trong tâm trí. Bống ơi!
Bữa cơm chiều ngoại bảo tôi:
-Phải chi hôm đó bay đừng dẫn nó đi tắm sông có phải bây giờ nó đã cao bằng con sào, đã thành thiếu nữ. Ờ! Mà cũng có khi nó lấy chồng rồi làm mẹ. Mấy hôm nọ ngoại thấy nó về, đứng ở ngoài hiên cười cười, tao vẫy gọi mãi mà nó không vào, cứ đứng cười một lúc rồi đi. Tội nghiệp!
Tôi cúi gằm mặt, cắm cúi ăn cho xong bữa. Lúc ngẩng lên thấy ngoại ngồi thẫn thờ, tôi gắp thức ăn vào bát ngoại nhưng bị ngoại gạt ra. Thức ăn văng tung tóe xuống mâm, ngoại khóc hờ, vừa khóc vừa nói “Bay là chị mà không biết trông em. Tội đó có đáng chết không?”. Mẹ nhìn tôi bảo:
-Ăn nhanh rồi ra vườn hái lá hương nhu về đun cho em nồi nước. Ngày xưa nó vẫn thích tắm bằng loại lá ấy, nó thường khen nước thơm mỗi khi được mẹ dùng nắm lá kỳ lưng.
Tôi khẽ gật đầu, vội buông bát chạy vội ra vườn. Tôi sợ nếu còn ngồi đấy thêm vài phút chắc thể nào tôi cũng òa khóc như con nít.
Tôi ngồi đun nước cho em, khói rơm cay mắt. Chợt nhớ những buổi hai chị em lùi lụt nước ngô, phồng mang trợn má thổi bắp ngô nỏng hổi dính than đen nhẻm. Bống vừa gặm ngô vừa nhìn vết nhọ trên mặt tôi cười tít mắt, những ngón tay nhỏ xíu, hồng hồng nhẹ nhàng lau má cho tôi. Những hôm mưa hai chị em ngồi ngoài hiên, chờ mẹ đi chợ về, Bống đòi làm công chúa đội vương miện mưa. Tôi hỏi:
-Nếu được làm công chúa, Bống có còn thời gian chơi với chị nữa không?
Bống ngẩng lên nhìn tôi bằng ánh mắt long lanh hạnh phúc, cười hở chiếc răng sún đen vì ăn nhiều kẹo bột. Em bảo:
-Bống thương chị bé nhất nhà mà. Chị bé đi đâu thì bống sẽ bám đuôi chị thật chắc.
Thế mà mùa hè năm ấy, Bống một mình ra đi, nhanh như sau một giấc mơ tỉnh dậy đã không còn thấy Bống. Rõ ràng hôm ấy là ngày nắng đầu tiên sau đợt mưa đầu mùa hạ. Hai chị em bảo nhau đi bày bán đồ hàng với đủ thứ đồ nghề như lỉnh kỉnh. Hôm ấy ngoại còn tặng hai đứa cái rá con con được đan bằng tre ngâm rất đẹp. Ngoại dặn hai đứa chơi với nhau rồi vào ngủ, chiều ngoại đi chùa sẽ mang về nhiều oản. Bống thích lắm, cứ một lúc lại ra ngõ ngóng xem có thấy bóng ngoại trên con đường nhỏ hay không. Trời thì nắng to, mồ hôi Bống nhễ nhại, những sợi tóc mai bết lại trên trán. Tôi nghĩ đến con sông phía bên kia rặng tre râm mát, mùa hạ nước ngập chỉ còn dải cát nhỏ nằm thoai thoải hai bên bờ, chỗ đó thật lý tưởng để chơi đùa. Tôi rủ Bống:
-Hai chị em mình xuống bờ sông chơi cho mát đi. Chị sẽ vun cát cho em xây lâu đài. Thích không?
Mắt em mở to, tròn xoe, miệng nhoẻn cười thích thú. Thế là tôi dắt em chạy băng qua cánh đồng thẳng hướng dặng tre râm mát. Chúng tôi đã chơi ở đó rất vui, gió từ sông thổi vào mát rượi. Bỗng nhiên nhìn dòng sông lấp lánh, Bống bảo:
-Khi nào lớn lên em sẽ xuôi thuyền theo dòng sông này tìm bố.
-Vì sao chứ?
-Vì ngoại từng nói bố lên thuyền đi khai thác cát rồi từ đấy đi luôn. Bố đang ở đâu chị nhỉ? Em nhớ bố.
-Em lại thèm kem mút phải không. Không có bố thì chị sẽ mua kem cho em suốt đời. Chịu không?
-Chịu!
Bống chọc nách tôi rồi cười khúc khích, xinh xinh hai núm đồng tiền. Chơi một lúc khá lâu, tôi kéo bống lên bụi tre nằm nghịch rồi ngủ quên lúc nào không biết. Chính giấc ngủ ấy đã cướp mất em tôi và đẩy tôi vào những ám ảnh khôn nguôi. Tôi nhớ như in hình ảnh Bống nhấp nhô trên mặt nước, tay vẫy về phía tôi, gọi tên tôi. Tôi lao ra dòng sông, nước chảy xiết, em tôi chìm nghỉm. Khi tôi tỉnh dậy, điều đầu tiên mà tôi nhìn thấy là ánh mắt đau đớn, hoang hoải của bà và mẹ. Không ai hỏi han tôi câu nào, tất cả xúm lại ngoài hiên nhà. Tôi đoán em đang nằm đó. Tim tôi dường như đã vụn vỡ từ buổi nắng hanh hao hôm ấy. Mãi mãi không thể nào vui trở lại.
                                         * * *
Tôi về nhà vẫn thường nằm ngủ cùng mẹ. Lúc nhỏ mẹ bao giờ cũng khom người ấp hai chị em tôi vào mùa đông, tôi rất thích cảm giác ấm áp ấy. Ngay cả mùa hè mẹ cũng thường vòng tay qua đầu khum khum như một mái nhà che chở cho hai đứa. Thế nhưng từ khi Bống mất, mẹ lúc nào cũng nằm quay lưng lại phía tôi, kể cả tôi trở về sau một khoảng thời gian dài. Và cả những hôm tôi sốt đùng đùng, mẹ trườm khăn, giã thuốc, bón cháo cho tôi chu đáo chỉ duy có một điều, mẹ vẫn nằm quay lưng lại với tôi. Tôi nghe tiếng mẹ thở mỏng tang mà xót xa, thèm muốn được choàng tay ôm mẹ. Nhưng tôi không bao giờ đủ sức...
Ngoại có thói quen dậy lúc nửa đêm. Thi thoảng lại thắp hương lên ban thờ nói “Cháu ơi cháu sống khôn chết thiêng, có về bên bà thì xin cháu bước vào nhà. Đừng đứng ngoài hiên gió to, cảm đó”. Rồi ngoại khóc hờ, nước mắt như đã cạn khô cùng mấy chục năm thương nhớ. Chắc ngoại còn ám ảnh hôm đưa tang Bống, do tục lệ kiêng mang những người chết đuối vào nhà mà phải đặt Bống ngoài giọt ranh. Trời nắng hanh hao, rồi bất chợt đổ cơn mưa. Mưa tái tê lòng người, em tôi dầm mưa ướt sũng. Có phải vì thế mà mỗi lần trở về em đều không bước chân quá thềm nhà. Tôi nghĩ, quặn thắt thương em, thương ngoại, thương mẹ và thương mình quá đỗi. Bống ơi!
Sau đám giỗ em, tôi lại đi, lúc ra đến cổng còn tần ngần ngoảnh lại. Thấy mẹ đứng ở đầu hiên nhìn, tôi biết mẹ cứ đứng thế thôi chứ không khi nào mẹ bảo “Ở nhà thêm vài ngày nữa con. Đi gì vội thế”. Tôi đi, những bước chân ngập ngừng, chậm chạp, chỉ mong sao có ai đó ới một câu, tôi sẽ quay lại, sẽ khóc cười, sẽ không bao giờ dời xa miền quê này nữa. Nhưng dường như có sự xuất hiện của tôi ở nơi đây chỉ càng làm cho nỗi đau khơi gợi.
Tôi ra bờ sông ngồi, nhìn chiếc thuyền khai thác cát trôi dọc sông mà bỗng nhiên nhớ em, nhớ bố. Không biết em đã tìm gặp được bố chưa, bố đang ở cõi thực hay đã về cõi ảo? Bao nhiêu năm qua, những chiếc thuyền ngược xuôi mang theo lời đồn thổi. Người thì bảo bố đã xuôi về vùng đất khác, có một cuộc sống bình yên bên người vợ và những đứa con xinh. Người bảo bố tôi lang bạt tứ phương, đâu cũng là quê hương, ngả lưng ở đâu thì đấy là nhà. Nhưng cũng có không ít người bảo bố tôi cùng vài người thợ khác đã bị lũ cuốn khi uống rượu say, ngủ quên trên thuyền đúng đêm thác lũ. Đã nhiều lần tôi định hỏi mẹ về bố nhưng dường như dòng sông đã đổ ập vào bà quá nhiều nỗi đau nên bà không còn muốn đối diện với nó nữa. Mẹ sợ một lần nữa nỗi đau sẽ khiến trái tim bà rệu rã. Tôi rất muốn gặp Bống trong cơn mơ, bởi tôi biết chắc rằng kể cả khi đã về một thế giới khác em cũng khẽ không quên ước mơ đi tìm bố. Còn tôi, tôi đang làm gì trong thế giới này suốt hai chục năm qua? Hay chỉ biết quẩn quanh với nỗi đau trong kí ức?
Bỗng nhiên tôi rất thèm được sống một ngày thật bình yên, quên hết đi mọi nỗi ưu phiền, sống như thể cuộc đời chẳng có gì khiến mình phải đau đớn nhiều thêm nữa. Tôi cũng rất muốn ngoại và mẹ cũng được sống khoảng thời gian còn lại của cuộc đời thanh thản. Bỗng nhiên tôi thấy nhớ bố vô cùng, nhớ một khuân mặt người không mấy khi hiện rõ trong tâm trí của mình suốt hai chục năm qua. Một nỗi nhớ vừa gần gũi vừa mông lung rất lạ. Tôi đã đi qua tháng ngày bằng cách ôm nỗi đau quá khứ để quay lưng lại với những thương yêu thực tại. Tôi tự hỏi bố đã ở đâu, làm gì trong mấy chục năm qua. Liệu bố có nhớ đến chị em tôi loắt choắt chạy ra bờ sông ngóng bố mỗi chiều. Để chờ một que kem mút, để được úp mặt vào ngực bố hít hà mùi mồ hôi, được nắm tay bố vui cười khúc khích. Liệu bố có biết những mùa nắng hanh hao Bống đã nhớ bố đến nhường nào.
Tôi đi tìm bố...

                                                        Vũ Thị Huyền Trang

Lạc mất nhau...



Hai người đã lạc mất nhau dù đã đính hôn và đang sống trong 1 thành phố nhỏ bé này

Chị và anh đã đính hôn và vẫn sống trong cùng một thành phố. Hàng tháng họ vẫn gặp nhau ít nhất một lần, anh vẫn thực hiện trách nhiệm với người vợ chưa cưới của mình. Người ngoài thì thấy rằng họ vẫn đang rất bình yên, hạnh phúc. Chỉ có những người trong cuộc như chị mới biết rằng hai người đã lạc mất nhau.
Chị là giáo viên dạy văn của một trường cấp III trong thành phố, còn anh là hướng dẫn viên du lịch. Mới nghe đã thấy hai nghề nghiệp có những đặc điểm và nhịp sống khác nhau. Anh thích những chuyến đi của mình, sự thay đổi không khí liên tục ấy tạo cho anh sự năng động mà bất cứ người trẻ nào cũng mơ ước. Công việc của chị thì khác, một ngày gần mười tiết học, vẫn là những tác phẩm ấy, bài giảng ấy và những khuân mặt học trò đầy trầm tư hay tinh nghịch ấy. Chị rất yêu nghề, nhưng đôi khi sự lặp đi lặp lại ấy cũng khiến nàng buồn chán. Phải là người có bản lĩnh nghề nghiệp và yêu nghề lắm chị mới có thể vượt qua được những phút giây nản lòng. Nhiểu lúc anh đùa:
-Xem ra chỉ có sự lãng mạn của một cô giáo dạy môn văn là sợi dây mỏng manh nối kết anh lại với em.
Chị cười. Nghĩ anh nói thật đúng, nếu chị là một giáo viên dạy toán hay bất cứ môn gì khác có lẽ mỗi lúc gặp nhau cả hai người sẽ chẳng có gì nhiều để nói với nhau. Tình yêu đến lạ kì, trước kia chị vốn không tin vào thứ tình yêu sét đánh. Nhưng chị lại là người yêu anh ngay từ cái nhìn đầu tiên ấy.
Dịp 20-11 năm ngoái nhà trường có tổ chức cho các giáo viên đi du lịch ở Sapa hai ngày nghỉ cuối tuần. Người dẫn tour chuyến đi ấy là anh, khỏe khoắn trong bồ đồ thể thao mùa đông, mặc cho cái rét buốt giá dưới 100c của cơn gió mùa bất ngờ ập đến, anh vẫn hoạt bát nói cười, hướng dẫn, giúp đỡ và chia sẻ với mọi người trong đoàn. Anh chu đáo đến từng chi tiết nhỏ, anh lo cho sức khỏe của mọi người hơn lo cho chính bản thân mình. Điều ấy khiến chị cảm động và ấm áp. Trong suốt chuyến đi cảnh sắc của Sapa không lôi cuốn chị bằng chính nụ cười luôn thường trực trên môi anh. Dường như anh cảm nhận được sự quan tâm ấy, anh cũng dành cho chị sự quan tâm đặc biệt. Dù suốt hai ngày trời hai người không hề chò chuyện riêng tư. Trong buổi tối cuối cùng, cả đoàn giao lưu với nhau, chị đọc một bài thơ tình của nhà thơ Bằng Việt. Khi đọc đến bốn câu thơ:
Có chút gì thích thú rất thơ ngây
Là dự đoán về nhau mà không cho nhau biết
Là nghĩ ngợi nhiều điều, mà nghĩ chưa tới hết…
Hạnh phúc gieo từng chuỗi ú tim dài…
Dù không hướng ánh mắt mình về phía anh, nhưng chị biết anh đang nhìn mình đầy ý tứ. Tình yêu của họ bắt đầu đầy lãng mạn như thế. Anh vẫn trở về thành phố một lần trong tuần sau những chuyến đi, để được đứng ở cổng trường chờ chị. Hẹn hò trong một quán cafe, anh mải mê kể về những chuyến đi, những vùng đất mới, những con người xa lạ mà cũng đầy gần gũi. Những trải nghiệm của anh làm chị ấm lòng, nhưng đôi khi trong chị lại gợn lên một nỗi hoang mang, hoài nghi đến lạ. Anh vẫn thích ngồi nghe chị đọc thơ, đôi khi cao hứng chị ngâm lên khe khẽ. Đã có lần anh bảo:
-Mẹ anh mất sớm, mỗi khi nhớ đến mẹ anh lại nhớ quay quắt giọng mẹ ru con. Ngày xưa mỗi đêm, mỗi ngày anh đều được nghe lời mẹ ru đứa em trai đầy ấm áp. Nghe vừa bình yên vừa buồn đến lạ. Bây giờ mỗi khi nghe em ngâm thơ, anh lại thấy có cái gì đó rất giống những điệu hát ru của mẹ.
Chính trong những phút giây ấy, chị thấy anh gần gũi hơn bao giờ hết. Nhưng chị không muốn nhìn thấy anh buồn, mỗi khi nghe anh thở dài chị thấy mình có lỗi.
Chị rất muốn chia sẻ những chuyến đi của anh dù chị chẳng hiểu nhiều về nó. Nhưng sự lắng nghe đối với anh dường như là chưa đủ, cái bến bờ bình yên cho anh trở về sau những chuyến đi không đủ níu giữ anh. Thế nên những chuyến đi của anh bắt đầu dài hơn, có khi một tháng anh mới trở về thành phố một lần. Chị đã quen với việc mỗi chiều thứ sáu khi tan trường, chị ra cổng ngóng anh. Dù biết là anh chưa về, những ngày cuối tuần như dài ra bất tận.  
Càng ngày anh càng yêu những chuyến đi của mình, được đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời khắp ba miền đất nước. Anh được gặp gỡ nhiều người, những mối quan hệ luôn luôn mới ấy khiến anh không còn nhiều thời gian dành cho chị, dù chỉ là nhớ về nhau. Cuộc sống mỗi ngày mỗi cuốn anh đi xa chị. Anh hiểu và đôi khi anh buồn vì nghĩ rằng mình không phải là bờ vai cho chị dựa. Nhưng họ đã đính hôn, đơn giản vì anh biết chị là người phụ nữ của gia đình. Một người vợ thủy chung luôn chờ anh trở về bên bậc cửa, một người mẹ khéo léo nuôi dạy những đứa con bé bỏng. Một người con dâu hiếu thảo với cha già. Một người chị dâu đủ tình yêu thương, sự khôn khéo để bao bọc những đứa em, khi mẹ anh mất sớm. Biết bao nhiêu người đàn ông trên thế gian này đang cần một người phụ nữ như chị, nhất là những người theo chủ nghĩa xê dịch như anh.
Ngày đính hôn, cha anh mừng mừng tủi tủi, nắm tay hai con dặn dò:
-Hai đứa nhớ phải hết lòng thương yêu nhau. Bố không sống được bao lâu bên các con nhưng lúc nào bố cũng mong rằng các con sống hạnh phúc bên nhau. Cha mẹ ngày xưa nghèo còn đùm bọc nhau vượt qua biết bao nhiêu khó khăn, các con bây giờ đứa nào cũng có công ăn việc làm ổn định, tương lai sáng sủa hơn nhiều. Muốn thương yêu nhau thì trước tiên phải học cách tôn trọng, nhường nhịn, tin tưởng nhau mà sống các con ạ.
Trong giây phút nắm lấy bàn tay già nua của cha anh, chị đã nghĩ không gì có thể mang anh dời xa chị.
                                        
                                         * * *
Anh lại quen một người con gái nữa trong chuyến đi Cửa Lò. Một nữ doanh nhân trẻ tuổi, năng động, thông minh và đầy quyết đoán tên Linh. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để rất nhiều chàng trai mê đắm. Vẻ đẹp thông minh của người con gái ấy khác hẳn vẻ thùy mị, dịu dàng của chị. Anh bắt đầu sống trong những giai điệu cảm xúc rất mới lạ. Dù anh luôn nhớ rằng mình là một người đàn ông đã đính hôn, và chị luôn chờ anh về lúc thành phố đã lên đèn. Lý trí bảo con tim đừng xôn xao, rung động nữa nhưng con tim cứ đập rộn ràng mỗi khi nghĩ về người con gái ấy. Ở bên Linh, những cuộc tranh luận kéo dài đầy thú vị làm cho anh thấy yêu cuộc sống này hơn. Sự tinh tế, nhạy bén của Linh có sức hút kì lạ, khiến anh dù rất nhiều lần đắn đo nhưng vẫn phải cầm máy điện thoại lên để được nghe thấy giọng nói ấy, tiếng cười trong trẻo ấy.
Anh thừa hiểu Linh không thuộc về mình, người đàn ông cô ấy thực sự cần và luôn luôn chờ đợi càng không phải là anh. Tình yêu vốn không cần phải lý giải về những điều ấy bởi nó có quy luật riêng mà chỉ con tim đang yêu mới hiểu. Đôi khi sự chờ đợi thủy chung của chị đã không làm cho anh thấy hứng thú như những buổi đầu mới hẹn hò, yêu đương nữa. Họ bây giờ giống như những người cùng đi trên một con đường, Linh thản nhiên đi tìm người đàn ông của mình, bỏ mặc anh lẽo đẽo theo sau. Anh cứ mải chạy theo Linh, lại để mặc cho chị đứng bên đường chờ đợi. Biết là như thế nhưng anh vẫn không thể nào dừng lại, anh cứ đuổi theo chiếc bóng phù dung ấy…
Ngày cưới đã đến gần. Bố liên tục gọi điện giục anh về lo chuyện trăm năm, anh cứ khất lần khất nữa, nói không thể bỏ đoàn giữa chừng khi chuyến đi chưa thực sự kết thúc. Một mình chị hết lo nhà gái lại ghé qua thu xếp nhà trai mà lòng chị thì mông lung khó tả. Anh ít trở về thành phố hơn. Dù chị biết có những tour không kéo dài đến thế, anh không về thành phố chỉ đơn giản là anh đang tránh gặp chị mà thôi. Nếu là tình yêu thì dù xa nhau đến mấy chắc chắn anh sẽ biết cách làm cho chị thấy ấm áp và gần gũi như những buổi đầu. Nếu là tình yêu chị đã không phải chờ đợi trong quá nhiều im lặng. Dù mỗi ngày anh gọi cho chị một lần nhưng cũng chỉ để hỏi xem chị có khỏe không? Chị đã ăn cơm chưa? Công việc của chị trong ngày hôm ấy thế nào? Nó giống như những lời thăm hỏi xã giao. Chị nhận ra tuyệt nhiên không có chút nhung nhớ nào trong mấy phút chuyện trò qua điện thoại. Nhưng chị vẫn chờ chiếc điện thoại cất lên bài hát tình yêu, vẫn mong được nghe thấy tiếng anh, vẫn muốn biết là anh đang rất ổn, vì chị vẫn còn yêu anh lắm.
Trời phú cho những người phụ nữ một giác quan tuyệt vời, sự linh cảm của họ luôn luôn đúng. Như chị đã linh cảm về sự thay đổi trong trái tim anh. Chị biết, anh đang đi tìm một người con gái khác, nhưng giá như điều đó xảy ra sớm hơn thì chắc anh sẽ không ngỏ lời cầu hôn chị. Và chị cũng không mắc vào tình thế tiến thoái lưỡng nan như bây giờ. Chị nhắn cho anh “chúng ta đều đã lớn rồi. Hy vọng rằng quyết định kết hôn không phải là nhất thời. Nếu có thể anh hãy nói cho biết mình cần phải làm gì… Mình em, em không thể quyết định nổi vì em rất yêu anh”. Anh đã không hồi âm lại.
Trước ngày cưới một tuần anh trở về. Những bước đi của anh mệt mỏi, rã rời khiến tim chị thắt đau. Họ hẹn nhau ở quán cafe quen thuộc. Anh không mang theo câu chuyện về những chuyến đi như mọi lần gặp lại. Chị cũng không định ngồi nghe anh nói, càng không muốn ngâm cho anh những câu thơ khe khẽ vì chị nghĩ anh đã không chờ đợi chúng. Họ im lặng khá lâu, sự im lặng làm trái tim chị như tan nát. Trong phút giây ấy chị biết rằng mình đã mất anh.
-Chúng ta đã lạc mất nhau, anh có nghĩ thế không?
Anh ngồi im lặng.
-Em không muốn phải đi tìm anh mãi đâu. Nếu anh cứ cố tình muốn dời xa thì làm sao em có thể tìm thấy anh được.
-Hãy cho anh một chút thời gian được không em. Để anh cân bằng lại.
-Chỉ còn một tuần nữa là đến đám cưới rồi. Chúng ta đều đã lớn mà hôn nhân thì không phải một trò chơi. Anh đừng nghĩ em sẽ trói chặt anh chỉ bằng một chiếc nhẫn đính hôn. Vì em biết mình không thể giữ chân anh suốt đời khi mà những chuyến đi luôn chờ đợi anh phía trước. Anh nói đúng, nghề nghiệp của chúng ta quá khác nhau mà tình yêu của em lại không đủ mạnh để gắn kết. Từ giờ phút này coi như em đã cửi trói cho anh. Cũng may là em chưa gửi thiếp mời đi đâu hết.
Lúc chị bỏ đi, anh vẫn ngồi lặng câm trong quán. Anh rất muốn giữ tay chị lại, nhưng con tim lại muốn đi về hướng khác. Còn chị, chị hiểu rằng hai người đã lạc mất nhau dù chị và anh đã đính hôn và vẫn sống trong cùng một thành phố nhỏ bé này.

Vũ Thị Huyền Trang

Wednesday, September 19, 2012

Hậu chiến trường...




Tôi trở về nhà sau ba năm đi Malai làm ăn biệt tăm biệt tích, không thể kể hết nỗi vui mừng của dòng họ, gia đình khi nhìn thấy tôi vác balô lóc cóc phía đầu làng. Mẹ tôi gào khóc như trong nhà có tang thương, mẹ thắp hương khấn vái khắp nơi, đâu đâu cũng ngửi thấy mùi hương khói. Mẹ than:
-Ối bố ơi! Bố về mà xem, cuối cùng thì cháu nó cũng về nhà rồi ông ạ. Thôi thì ông thương con thương cháu, ông về ông bảo ban các cháu giúp vợ chồng con. Không phải tại chúng con không biết thương ông mà cũng chỉ vì giời bắt chúng con nghèo khó không có tiền đi tìm mộ ông về được. Thôi thì con sẽ đi chiêu hồn nhập mộ cho ông. Mong ông phù hộ độ trì cho các con, các cháu.
Tôi ngồi lặng cuối giường, mọi suy nghĩ đang rơi vào khoảng không trống rỗng. Tôi tiều tuỵ như thế này đây sau cái bồng bột của tuổi trẻ muốn được đổi đời, muốn thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn, quanh năm đầu tắt mặt tối như mấy đời nhà tôi, mấy đời của cái  làng quê bé nhỏ này. Ba năm đủ để  đời làm dập nát cuộc đời tôi, tôi trở về thấy quê mình đổi thay nhiều quá, tôi soi mình vào mảnh gương vỡ bé bằng bàn tay mà không còn nhẫn ra mình nữa. Tôi cũng đổi thay quá nhiều rồi, không còn là thằng trai tơ đôi mươi chưa va vấp cuộc đời như ba năm về trước. Mẹ tôi tóc đã bạc đi nhiều, đôi mắt trũng sâu hơn còn cha tôi thì ngày càng im lặng. Ngày tôi về cha không nói câu gì ngoài lúc ngồi trong bữa cơm có đông đủ anh em, họ hàng, cha không nhìn mà chỉ giục tôi “ăn đi” rồi ngồi tu rượu. Đứa em gái tôi đã lấy chồng, đứa cháu nhìn thấy tôi râu tóc để dài nó sợ, nó khóc thét lên rồi đái cả ra quần. Người ta thì cười còn tôi thấy cay cay sống mũi.
Ba năm. Thằng cháu đích tôn là tôi trở về nhìn lên ban thờ ông mà rơi nước mắt. Vẫn bức ảnh của ông từ rất lâu rồi bà tôi mang thuê người ta vẽ truyền thần, bây giờ trên ban thờ bám đầy mạng nhện và những hạt thóc lép từ hướng gió thổi vào, tôi thấy di ảnh ông dán đã nhấm mòn một mắt. Mắt bên phải, mắt gần tim, vết nhấm nhôm nhoam như vết đạn bắn toang hoác trên khuôn mặt của ông. Trong bữa cơm sum họp gia đình đứa cháu tôi nghịch ngợm, mẹ nó chỉ lên ảnh ông, thằng bé sợ tái mặt. Tôi hỏi:
-Sao mà cháu sợ?
Nó úp mặt vào ngực tôi bảo:
-Ngáo ộp đấy, bác ơi ngáo ộp.
Tôi cay lòng ôm đứa cháu nhỏ bé đang thút thít khóc, tôi muốn vùng dậy và đập phá. Đập phá bất cứ thứ gì để giải toả cơn ức chế đang dồn nén trong tôi. Tôi đang tức giận ai? Tôi đang giận em tôi? Hay giận đứa cháu bé bỏng của tôi? Hay tôi đang giận chính tôi, người con trai cả trong gia đình, người có trách nhiệm phải lo chuyện hương hoả tổ tiên sau này? Chỉ ba năm sau khi tôi dời bỏ quê hương ra đi mọi thứ trong căn nhà này đều trở nên hoang lạnh, sự hoang lạnh khiến con người ta xa dời nhau hơn, lảng tránh nhau hơn.
Đêm.
Tôi ra ngồi ngoài hiên với cha, cha im lặng khá lâu. Cha thở dài đuổi nỗi buồn vào mênh mông bóng tối, nhưng vầng trăng vẫn đổ trên mái tóc hoa râm chút tàn lạnh của đêm dài. Tôi muốn nói với cha thật nhiều rằng vì sao tôi lại quyết ra đi và vì sao trong ba năm ấy tôi biệt tăm biệt tích không một mẩu tin nhắn về nhà. Tôi muốn kể cho người đàn ông, cho chỗ dựa vững chắc của cuộc đời tôi về những tháng năm lưu lạc xứ người hàng ngày chỉ mong kiếm được miếng cơm sống cho qua ngày để tìm đường về với gia đình, tôi muốn nói với cha tôi rằng tôi nhớ ông nhiều lắm, người mà ba năm về trước vì sự nông nổi của mình mà tôi từng giận dỗi. Tôi còn muốn kể về những giấc mơ dẫn đường tôi trở về đây, giấc mơ có hình bóng một người đàn ông lạ, liệu đó có phải là ông nội tôi, người liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống mỹ của dân tộc? Nhưng hình như cha chỉ muốn tôi im lặng và ngồi bên cạnh ông như thế. Đêm ở quê tôi dài thật dài, dài như những đêm tôi nằm lạnh xứ người ngóng vợi…
                                         * * *
Tôi vẫn gặp một người đàn ông trong giấc mơ của tôi. Người ấy luôn giấu mặt, người ấy bảo tôi rằng:
-Cháu ơi! Sáng mai cháu đừng đi về phía ấy.
Sáng hôm sau tôi không dám mang rượu đi về phía tôi định đi, lũ bạn rừng hỏi: “Tại sao?”, tôi bảo “Thôi đừng đi, tao thấy nóng ruột”. Chúng nó cười: “Chết đói đến đít rồi còn bầy đặt”, bữa rượu hôm ấy bị cảnh sát bắt, những thằng đi bị tống tù. Tôi ngồi ngẩn ngơ góc rừng lòng hoang mang tột độ. Tôi không biết người đàn ông về trong giấc mơ đêm qua là ai? Tôi không biết rồi sẽ phải đi tiếp về hướng nào để sống, để kiếm được chút tiền mang về trang trải nợ nần? Tôi không biết phải bấu víu vào cái gì giữa rừng đại ngàn xứ lạ, nước độc, cây độc, lòng người cay độc. Tất cả cứ như con rắn lá màu xanh ẩn nấp và rình rập.
Đêm ấy và còn nhiều đêm sau nữa vẫn là người đàn ông ấy chỉ lối cho tôi đi, thoát ra khỏi hiểm nguy để rồi cuối cùng trở về bên đêm trăng thanh bình bản quán. Có lần trong giấc mơ của mình, tôi nghe thấy có tiếng súng rồi người đàn ông ấý thét lên một tiếng kinh hoàng. Đó là cái đêm trước hôm tôi trở về nước, cái đêm lòng tôi hoang mang cực độ. Đêm. Tôi không còn bấu víu vào được điều gì nữa, kể cả một giọng nói mơ hồ cũng đã biệt tăm. Tôi nhớ đến câu cuối cùng mà người đàn ông ấy nói với tôi:
-Cháu ơi! Mai cháu phải về thôi, cháu cứ thế này rồi sớm muộn gì cũng phải bỏ xác nơi này.
Tôi vội vàng tìm mọi cách trở về bằng số tiền ít ỏi của mình tích cóp được, bỏ lại những bữa đi buôn rượu lậu, bỏ lại cái cuộc sống người rừng như RobinSơn ngoài hoang đảo. Bỏ lại nỗi cô đơn nhiều lúc đến cùng quẫn, bỏ lại cái cuộc sống nửa người, nửa thú. Tôi đi theo tiếng gọi của người đàn ông lạ. 
                                         * * *
Mấy hôm sau ngày tôi về, mẹ tôi đón thầy cúng về thay bát nhang cho tổ tiên và hỏi chuyện chiêu hồn nhập mộ cho ông. Thầy cúng là một người đàn bà khoảng hơn ba mươi tuổi, người phốp pháp, ăn mặc giản dị nhưng mồm miệng lúc nào cũng nói về cái đại hạn nào đó của loài người sẽ đến vào năm 2010, tôi nghe đau đến điên đầu.
Bà tôi ngồi một mình dưới bếp khóc vụng, tôi xuống thấy bà đang vội lau nước mắt. Tôi hỏi:
-Bà thấy không khoẻ chỗ nào trong người? Sao bà lại ngồi đây khóc?
Bà lắc đầu, bà bảo:
-Mày cứ mặc bà, người già tủi thân thì khóc chứ có lí do gì đâu. Mày cứ lên mà lo việc chiêu hồn nhập mộ cho ông, dù gì mày cũng là cháu trưởng. Nghe bà, cứ lên nhà trên đi.
Tôi toan định bước đi nhưng nghĩ thế nào tôi mon men lại gần, ngồi thủ thỉ với bà, vì cũng đã lâu lắm rồi tôi không có dịp được gần gũi bà như ngày xưa nữa. Đôi lúc tôi cũng sợ nếu đến một ngày nào đó bà lại ra đi theo ông thì cái thế giới  cổ tích đầy tốt đẹp của ấu thơ tôi sẽ vụt tan đi mất.
-Bà ơi! Lúc cháu đi bà có nhớ cháu không bà?
Bà vỗ vỗ vào vai tôi, từ bé tôi vẫn thường được bà âu yếm theo cách ấy. Rồi bà chửi, bà chửi yêu cái thằng cháu giời giết của bà, thằng chết vùi, chết dập:
-Mày ác lắm, có phải nhà này để mày đói đâu mà mày phải bỏ đi biệt xứ. Đã thấy khổ chưa cháu? Mày đi ở nhà có bao việc đều đổ tội cho ông nội mày hết. Hễ tí là lại đi xem bói, người ta bảo tại ông mày hy sinh không tìm thấy xác nên về hành con cháu. Ờ đấy! Thế mà cũng đã gần bốn mươi năm sau ngày ông mày hy sinh, bốn mươi năm đâu phải chiến trường hả cháu?
Bà khóc.
Tôi lặng người đi theo từng tiếng nấc của bà, sự tủi thân của người già là vậy đấy sao? Trước kia lúc nào tôi cũng mong muốn rằng sẽ học hành thật tốt rồi sau này có điều kiện sẽ đi vào Nam tìm ông, đưa ông về với quê hương cho toại ước nguyện của bà. Thế mà tôi đã quên đi cái điều hứa nhỏ nhoi với chính bản thân mình. Bà tôi thì gần đất xa trời, cha mẹ tôi cũng đổ bóng về phía bên kia con dốc của cuộc đời, còn tôi sau ba năm bầm dập dường như vẫn thấy mình ngu ngơ lắm…
Tôi nhớ…
Vào cái ngày chú tôi vác dao cắt máu thề lìa bà và bố tôi rồi đi lên vùng cao theo vợ, còn một chú khác thì rượu chè, cờ bạc suốt ngày rồi về đánh đập vợ con. Cô tôi đi lấy chồng những tưởng được giàu sang, phú quý ai dè bị người ta lừa, người ta đi lấy vợ khác bỏ lại cô cùng đứa con ngỗ ngược không biết đường nào mà dạy bảo. Bà tôi suốt ngày hết tha thẩn ngoài vườn lại vào ngồi trước bàn thờ ông than khóc: “Ối ông ơi là ông, ông chết đi rồi sướng cái phận ông, ông bỏ lại mình tôi gánh cái nỗi đoạ đầy. Ngày xưa tôi bảo ông đẻ một, đẻ hai. Ông cứ muốn sinh năm, đẻ bảy làm gì để bay giờ khổ cái thân tôi. Con không ra đằng con, dể không ra đằng dể”. Những lúc ấy cha tôi ngồi một mình ngoài hiên lau nước mắt. Để đêm về lúc nào tôi cũng mơ thấy có một người đàn ông khóc, người ấy không phải là cha tôi. Có nhiều khi tôi giật mình nhìn di ảnh của ông, tôi sợ tôi đã gặp ông ở đâu đó mà lại không nhận ra ông. Tôi sợ ông buồn.
                                         * * *
Bà tôi kể…
“…Tuần nào ông cũng viết đều đặn một bức thư gửi về, ông hỏi về từng đứa con, từng người thân, từng trận bom nổ trên quê hương ai còn? Ai mất? Rồi ông kể cho bà nghe những con đường ông đi qua, những trận đánh ông từng chiến đấu…Cho đến bức thư cuối cùng bà nhận được của ông thì ông bảo ngày mai ông vào chiến đấu trong đường 9 Nam Lào. Từ đấy bà biệt tin ông. Người đưa thư không bao giờ rẽ vào cổng nhà mình nữa, cho đến một ngày…Người ta vào đưa giấy báo tử của ông”.
Bà bảo ông đã trải qua rất nhiều trận đánh, có những lần bức thư của ông còn dính vệt máu trên nét chữ run run. Nhưng chưa bao giờ ông kể về những nỗi đau mà ông gánh chịu hay những vết thương ông đang mang trên người. Ông chỉ kể cho bà nghe về chiến thắng, về niềm vui hay nỗi mong mỏi trở về. Bà bảo khi ông tôi hy sinh cô út mới vừa tròn hai tuổi, cô chưa một lần được ông hỗm bồng, chưa bao giờ được nhìn thấy mặt cha mình để kịp lưu lại chút ấn tượng gì. Thế nên lúc nào bà cũng thương cô út nhất. Sau này trong những lần ông trở về trong cơn mơ lúc nào ông cũng bảo ông thương các con các cháu, vì đứa nào cũng lận đận, đứa nào cũng  sống dở chết dở rồi mới nên người được. Bà thương ông, thương cuộc đời mình nên bà chỉ khóc. Ông bảo:
-Bà đừng khóc nữa, con người ta sinh ra có phúc phận cả rồi. Chỉ cần cố gắng hết mình, còn được đến đâu thì hay đến đó. Bà đừng suy nghĩ nhiều mà thêm khổ. Trong chiến tranh, tôi ra chiến trường nhà chỉ còn có mình bà, bà còn thay tôi nuôi mấy đứa con khôn lớn nữa là bây giờ. Thôi! Tôi xin bà, bà đừng khóc nữa.
Mỗi lần nghe bà kể về những giấc mơ cha tôi chỉ ậm ừ cho qua chuyện, cũng có đôi lúc cáu quá cha tôi gắt:
-Người sống còn chẳng ăn ai nữa là người chết. Chết đi rồi thì còn biết gì nữa mà than với khóc. Chết là thành giun, thành đất mà thôi.
Bà tôi khóc vụng, mắng vụng cha tôi: “Cha bố cái quân láo mồm. Bố nó  mà nó còn bảo thế đấy”. Những lúc ấy tôi bảo bà:
-Bà chấp gì bố cháu, lần sau ông về bà đừng kể với bố cháu là được. Bà cứ giữ ông cho riêng bà thôi. Bà nhé!
Bà lại cười:
-Cha bố nhà mày, bà già rồi còn giữ ông làm gì nữa. Mấy năm nữa thì bà cũng về với ông thôi
Tôi lại bảo:
-Còn lâu. Bà còn sống với cháu lâu lắm, bà cứ để ông sống dưới đó một mình cho thoải mái, thi thoảng ông còn gặp bạn bè, gặp đồng đội nhâm nhi rượu chè một tí. Bà chỉ mong xuống đấy để quản ông cháu chắc. Bà phải sống bên cháu lâu lâu cái đã. Bà nhỉ?.
Không ngờ bà lại khóc, bà bảo:
-Tao mặc xác chúng mày chứ, tao khổ cả đời rồi, bây giờ cũng đã đến lúc tao phải sống cho mình chứ. Tao chỉ muốn nhìn thấy thằng cháu đích tôn lớn khôn rồi lấy vợ mau mau. Lúc ấy tao nhắm mắt cũng được rồi.
Bà lúc nào cũng nói như đang hờn dỗi ai một điều gì đó, nhiều lúc tôi nghĩ người già cũng như những đứa trẻ con, lúc nào cũng cũng sẵn sàng bật khóc  chẳng biết vì những lí do gì. Người già sao mà mỏng manh, dễ vỡ…
                                         * * *
Trước cửa nhà tôi người ta bắt đầu san lấp ruộng rừng để đền bù cho những người bị mất đất trong dự án làm đường cao tốc lên biên giới. Máy ủi, máy cẩu chạy ầm ầm suốt ngày, bụi bám trong từng hơi thở, từng bữa ăn. Chưa bao giờ tôi lại thấy không khí ở quê mình trở nên ngột ngạt đến thế, bức bí đến thế. Chiếc mộ giả của ông mẹ mới mời thầy về chiêu hồn nằm đúng vào khoảnh đất trong dự án, cái máy cẩu mấy lần định dùng cái cần cẩu to toành để múc nên nhưng cha mẹ tôi đã kịp thời can thiệp. Lũ trẻ trâu thấy thế cười hô hố, chúng khua chân múa tay chạy theo mấy cái khối sắt di động khổng lồ, chúng bảo:
-Cứ múc cái mộ đi đi, người chết rồi còn biết gì là đau nữa đâu chú máy cẩu ơi!
Đứa khác lại bảo:
-Mộ giả đấy, mộ thật đếch đâu mà sợ.
Tôi dứ dứ quả đấm về phía lũ trẻ.
Nhưng chiều đó cả nhà tôi đi làm đồng vắng, mẹ tôi bảo làm cố nốt mấy buổi đồng rồi mẹ lại mời thầy về làm lễ di chuyển mộ. Thế mà ở nhà không hiểu lũ trẻ trâu đập phá hay cái máy cẩu đã làm mộ ông tôi vỡ nát. Bà tôi ôm mặt ngồi khóc cả buổi chiều, dỗ thế nào bà cũng không chịu về ăn cơm. Bà ngồi khóc hờ ông, bà bảo:
-Cứ thế này thì ông chết mấy lần hả ông? Còn tôi đau mấy lần hả ông? Đêm nay ông lại ở đâu?
Mấy đứa trẻ trâu đứng xung quanh cười khì khì, tôi cáu sườn tóm được đứa nào bạt tai đứa đấy. Tôi chửi:
-Về hỏi bố mẹ chúng mày xem thế nào là liệt sĩ?
Chúng nghe xong lại cười khì khì, chúng bảo: “Liệt sĩ thì cũng chết quách rồi”. Bà tôi càng khóc to hơn, tôi định dồn quật cho lũ trẻ một trận thì cha tôi ngăn lại. Ông bảo: “Chấp làm gì lũ nhỏ, chúng có biết chiến tranh là gì đâu mà chấp”.
Đêm.
Tôi nằm nghĩ vơ vẩn một mình mà thấy buồn vời vợi, chẳng hiểu vì sao lại buồn. Bỗng nhiên tôi nhớ đến giọng nói người đàn ông trong giấc mơ của tôi ba năm lưu lạc xứ người. Bỗng nhiên tôi thấy giọng nói ấy rất quen, như nó lẫn trọng của cha tôi và của cả bản thân tôi nữa. Bỗng nhiên tôi thấy vừa hoang mang vừa ấm áp đến yên lành. Trăng giữa tháng tròn vành vạnh, tôi ngóng ra ngoài hiên mong trú tạm vào chốn bình yên, tĩnh lặng của bóng đêm. Bỗng nhiên tôi nghe thấy đâu đó có tiếng khóc thút thít lẫn vào tiếng gió vừa chao nghiêng qua vườn chuối trước nhà, tôi vùng dậy, ngó qua ô cửa sổ, thấy bà tôi ngồi lẫn vào mảng màu tối sáng, bà ôm di ảnh của ông trên ngực. Tôi thấy bên mắt bị dán nhấm của ông có vệt nước đục ngầu.
Tôi nhìn ra cánh đồng trước mắt, nơi mảnh đất đang được san bằng kia rồi sẽ mọc lên những nóc nhà san sát, rồi sẽ che khuất cả tầm nhìn dài rộng. Rồi chẳng biết sẽ có những đêm trăng ngan ngát hương cau bình yên nữa hay không…Lòng tôi chợt gợn những đợt sóng buồn. 


Vũ Thị Huyền Trang

Bồ hòn đắng...

  


Thêm chú thích

Chiều hắt vào mắt Cội những vệt lá màu vàng li ti, lăn tăn như vừa chao qua hơi gió. Nhưng đó là màu vàng trong thế giới riêng của nó, thứ màu sắc hiếm hoi hơn cả thứ ánh sáng thi thoảng vụt qua trong tâm tưởng nó. Hôm nay mẹ nhận được thư Hạnh, mẹ cũng vui, hình như Hạnh lại bắt đầu một hành trình mới…Mẹ không nói rõ, chỉ nghe thấy tiếng mẹ cười. Lạ lắm! Cười mà như khóc. Gió lăn tăn trong mắt, hình như gió cũng đổi vàng.
Anh cả về, bước chân mài lên nền đường bê tông nghe chợn rợn làm những đợt sóng vàng trong mắt Cội giật mình tan loãng. Cội co mình, dúi đầu vào đống rơm sợ sệt, tai chạm đất, nghe những bước chân như con dao đang mài sắc trên hòn đá xanh. Không! Cội sợ lắm, lúc này mẹ không có nhà, tiếng dao càng miết vào nền đá.
Anh cả cúi gằm mặt, từng bước chân chúi từng mũi giầy xuống đất như muốn xới tung tất cả những gì vướng bận. Đi qua đống rơm thấy Cội, anh nheo mắt đá nó chúi đầu sâu vào đống rơm:
-Đáng đời mày. Trông như con chó ấy.
Cội khóc, nước mắt xác xơ như rơm, cọ vào nhau ran rát. Nó không thấy khó thở, không buồn chui ra và ngóc đầu lên mặc dù nó biết ngẩng lên sẽ gần trời hơn một chút, sẽ bình yên hơn một chút. Vết đá vào mông nhưng nhức, mẹ vẫn chưa về, sương xuống lạnh như nước mắt phủ lên tấm thân còm nhom của nó. Với nó sẽ không có đêm đâu, nhưng nó biết nếu mẹ không về thì thể nào trăng cũng đổ tràn qua vai và vung vãi trên những cọng rơm sõng soài này mất.
Mẹ về, tai vẫn gần đất, tiếng bước chân mẹ nhẹ như lướt trên mây. Nhưng kìa, chân mẹ đang run lên cầm cập, bùn đất cũng run lên bấu víu theo chân mẹ.
-Cội ơi! Thằng Cội đâu rồi, sao lại để cửa cho gà vào rãi tung tóe thế?
Cội giật mình. Thôi chết rồi, con gà hoa mơ hư lắm, thể nào nó cũng bới tung bành mẹt rau lang chiều băm để tối mẹ về nấu lợn. Thể nào mẹ cũng mắng cho mà xem. Nghĩ thế Cội run run rúc đầu sâu hơn vào cây rơm. Rơm hiền và ấm lắm. Lúc buồn Cội thích chơi chốn tìm với trăng lắm lắm. Ngủ đi, trăng không tìm thấy được đâu. Nghe nào! Ngoan lắm.
Mẹ hất tung tóe rơm vàng, lôi đầu Cội ra bằng được. Nó co người, lấy hai tay yếu ớt giơ lên chẳng biết để chống đỡ cái gì. Bàn tay mẹ đang cào cấu, mẹ tức giận, khi tức giận chắc là già đi nhiều lắm. Cội buồn! nó cứ luôn hỏi tại sao mẹ không ôm nó vào lòng. Chắc các bà mẹ khác phải làm như thế chứ. Hay chỉ có trăng là mẹ, mỗi có trăng rõ ràng là Cội thấy ấm lắm, trăng luồn vào từng kẽ tóc, nên nó cười, cười để trăng chui vào bên trong bụng. Bụng cũng ấm lắm, ấm như thứ ánh sáng hiếm hoi đã trôi qua đời nó…Trăng có âm thanh, thứ âm thanh du dương cũng hiếm hoi đang ru Côi ngủ ngon lành, xoa dịu mỗi cơn đau khi ánh sáng trở về nửa chừng rồi tắt phụt, đau đáu và âm ỉ…
Mưa! Có lẽ đã rất lâu rồi mới mưa, Cội mò ra mái hiên, hứng những giọt nước mưa mát tròn, lan tỏa ra bàn tay lâu ngày đã không còn cảm giác. Cội nhớ Hạnh lắm, đứa em gái hiền ngoan từ nhỏ, đứa em luôn đút cơm và bênh Cội mỗi khi bị hai người anh bắt nạt. Hạnh nhanh thuộc thứ ngôn ngữ của Cội lắm và cũng chẳng bao giờ mắng mỏ gì Cội hết. Thế mà Hạnh lại đi học xa, cả nhà sướng nhất cô út vừa được ăn học vừa là con gái rượu. Cội nóng mặt thế này chắc là Hạnh sắp về thăm nhà rồi đây, trên rừng đang mùa sim chín. Thế này có khi mai Cội phải nhờ mấy thằng trẻ con hái hộ ít sim dành cho Hạnh, nó thích ăn nhất sim chín trâu vừa tịm vừa thơm mồn. Cội co mình dưới mái hiên nghĩ về những ngày thơ nhỏ khi bốn anh em rủ nhau lên đồi mùa sim chín rộ. Bao giờ hai anh trai cũng tranh giành hết phần sim mà Hạnh hái cho Cội đúc trong túi áo ngực. Khi ấy Cội hay khóc lắm, cứ hơi tí là chả biết làm gì ngoài ngồi bệt xuống ăn vạ, ăn vạ để được Hạnh bênh vực nhưng từ lâu Cội đã không được làm thế rồi vì Hạnh đã đi xa, ở trong nhà này sẽ chẳng còn ai bênh Cội nữa, kể cả mẹ.
Dạo này trong giấc mơ Cội hay được gặp bố lắm, bố bảo cả nhà bố thương Cội nhất vì chỉ mình Cội phải gánh hết cái tội, cái nợ của dòng họ, gia đình. Rồi bố khóc, bố bỏ đi luôn. Lần nào bố cũng về rất vội, không biết còn sống bố thế nào vì nó mù loà, nó không được nhìn khuôn mặt bố. Đến lúc bố chết nó lê vào định sờ mặt bố một lần thì bị anh cả gạt ra. Trong giấc mơ nó thấy bố thật hiền, bố gầy lắm, đôi mắt vàng vọt và bộ quần áo thì rách bươm cả rồi. Đã mấy lần nó mon men lại gần mẹ thủ thỉ “Mẹ mua quần áo đốt cho bố Cội đi, bố ở dưới đấy rét lắm. Mùa này lạnh lắm, mẹ lạnh mẹ còn có bếp sưởi, bố Cội lạnh bố không có gì làm ấm người đâu”. Nhưng lần nào mẹ cũng hất Cội ra, mẹ bảo: “Người sống tao còn không lo nổi nữa là người chết. Chết thì hết, biết gì. Chỉ khổ thằng sống thôi”. Mà đêm qua lạ lắm, bố về mà chỉ khóc thôi, Cội có ấm ớ hỏi thế nào bố cũng chỉ lắc đầu. Mãi đến lúc sắp đi bố mới bảo “Chúng nó hỏng hết, bố thương Cội, thương mẹ Cội rồi còn khổ nữa chứ chẳng như thế này đâu”, rồi bố lại đi. Từ đêm qua giấc mơ ấy cứ ám vào Cội, phải suy nghĩ nhiều lắm, Cội thì khổ quen rồi. Nhưng mà…Nhưng mà…
    
                                           * * *
Hôm nay giỗ bố…
Khách khứa đến cũng đông, mẹ chỉ mời họ hàng thân thích hai bên mà đông thế đấy. Mọi người đi qua chỗ Cội ngồi ai cũng hỏi han. Có những người hỏi Cội hiểu, có nhiều người hỏi Cội chả hiểu làm sao được. Bên nội quý Cội nhất vẫn là thím Sang, lần nào đến chơi thím cũng dúi cho Cội mấy cái bánh rán hay vài quả ổi. Sáng nay thím bảo:
-Thằng Cội sắp lấy vợ được rồi.
Mẹ bảo:
-Ối giời! Cái của tội của nợ, mình còn thấy khổ, ai nó thèm rước về mà vợ với con.
-Chị cứ nói thế chứ, thiên hạ thiếu gì người có hoàn cảnh. Người ta thương mình người ta vẫn lấy.
-Cũng mong là được thế. Khổ! Được mấy đứa anh rõ là đẹp là tài. Thế mà ông trời lại sinh ra nó.
Lần đầu tiên Cội thấy thật buồn cho thân phận của mình, chứ trước đây Cội yên phận lắm, có mơ ước thật nhưng chưa bao giờ Cội trách than ông trời hay bố mẹ đã sinh ra Cội tật nguyền như thế. Mẹ luôn luôn cáu gắt với Cội, mẹ bảo Cội làm quẩn chân, làm việc gì cũng khó khăn. Cội vẫn thương mẹ. Mẹ bảo Cội làm mất mặt mấy anh em trong nhà vì có dẫn bạn về cứ thấy một thằng em tật nguyền ngồi co ro ở cửa, vướng mắt lắm. Cội vẫn thương mẹ. Lúc gần gũi nhất, mẹ khóc bảo: “ Sao ngày xưa mày không chết quách ngay khi mới sinh ra đi. Sống làm gì cho khổ thế này hả con, người không ra người, ngợm không ra ngợm”, Cội càng thương mẹ nhiều hơn. Nhưng hôm nay Cội nhận ra mình là gánh nặng làm mẹ phải lo lắng, vất vả, muộn phiền hơn. Mà hình như tàn tật như Cội thì sẽ không bao giờ được sống một cuộc sống bình thường như bao nhiêu người khác. Cội cũng muốn được như hai anh của mình. Mẹ luôn hãnh diện vì các anh trước làng xóm, trong các câu chuyện của mẹ chẳng bao giờ thấy nhắc đến tên Cội cả. Nhưng Cội vẫn thương mẹ nhất nhà.
Tối.
Mấy bác hàng xóm sang hỏi mua gà. Chẳng biết là gà non hay già, trống hay  mái, đẻ rồi hay chưa. Vì suốt cả buổi Cội tha thẩn ngồi chơi ở hè nghe mãi vẫn chẳng thấy ai nhắc đến chuyện gà qué cả. Mẹ hôm nay rất vui, Cội nhận ra điều đó.
-Chị Tạo ơi thằng cả nhà chị lương được bao nhiêu?
-Cũng cao thím ạ, hơn hai triệu một tháng. Mà cái thằng ấy ngoan lắm, lĩnh lương về cũng biết đưa cho mẹ đấy. Chứ như con người ta, mẹ còn phải nói khản cả cổ vẫn chẳng có ý kiến gì ấy chứ.
-Vâng. Thế là nhất chị rồi còn gì nữa, các con đều trưởng thành rồi.
-Ừ! Từ khi anh nhà mất đi, một thân một mình nuôi con nhiều lúc cũng nản lắm, nhưng may là được ba đứa nó ngoan ghê cơ, lại giỏi giang. Đấy, con Hạnh mà ra trường thì lương lậu cũng khá, còn thằng thứ hai đang bảo sang năm lấy vợ.
-Yêu ai mà lấy hả chị?
-Nào tôi có biết gì đâu, chỉ thấy nó bảo ông giám đốc quý lắm nên định gả con gái cho. Thôi thì đấy cũng là cái phúc của nhà mình thím ạ.
Ra là thế. Nếu Cội không chịu khó lê la nghe lỏm thì chẳng bao giờ Cội biết được những chuyện gia đình thế đâu vì có ai nói đâu mà biết. Té ra là anh hai sắp lấy vợ, thế là nhà lại có thêm người. Cội chẳng biết nên buồn hay nên vui nữa, chẳng biết chị dâu có thương, có chơi với Cội không nữa hay lại giống như các anh hắt hủi Cội suốt ngày. Cội lại lê ra sân, hôm nay chắc là có trăng, Cội thấy tay mình mát lắm, trăng tràn khắp cơ thể chỗ nào cũng mềm như nhung. Đêm nay Cội có trăng làm bạn.
Anh hai về.
Anh bước đi vội vàng, mẹ đã đi làm từ sáng. Mẹ dặn Cội ngồi cơi ở cửa buồng mẹ để trông nhà. Mẹ mới bán được đàn gà tiền còn cất trong chăn. Nghiện bây giờ nhiều lắm, mẹ bảo không trông là mất ngay, mà mất thì trưa nay Cội phải nhịn cơm. Nhịn thì Cội chả sợ đâu nhưng nếu mất tiền thì thương mẹ lắm. Thế nên từ sáng cứ tha thẩn chơi một mình ở đây, thấy bọn trẻ con đùa nhau dưới đường vui ghê mà không dám lân la.
Anh hai về không nói không rằng cứ lùng sục cái gì đấy khắp nhà trong nhà ngoài, Cội thấy có tiếng động ghê quá mới ú ớ hỏi liền bị anh hai hất ra khỏi cửa buồng : “Tránh ra. Đồ vô dụng”. Anh vào buồng một lúc rồi đi ngay, vội lắm. Cội lại tha thẩn ngồi chơi vì mẹ dặn không phải tìm cách nấu cơm đâu, chỉ cần trông tiền, cơm cháo mẹ về sẽ nấu.
Mẹ đi làm đồng về.
Việc đầu tiên là mẹ vứt cái quốc xuống nền sân, lần nào mẹ cũng thế nên đó là tiếng động quen thuộc để phân biệt mẹ với những người khác. Mẹ chưa vào đến nhà đã hỏi Cội:
-Từ sáng đến giờ mày không đi đâu đấy chứ?
Cội gật đầu, ậm ừ trong mồm. Cội thấy hôm nay mình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, chắc là mẹ không mắng đâu. Cội có làm sai cái gì đâu mà mắng chứ.
Mẹ đi vào buồng.
Mẹ thét lên rồi kêu giời kêu đất, mẹ giãy giụa dưới đất.
Cội sợ quá. Không hiểu chuyện gì.
Mẹ bị mất tiền, trưa đấy Cội bị phạt nhịn cơm, mà đúng ra là không ai nấu cơm cả. Mẹ vẫn nằm khóc trong buồng.
Không! Cội không có lỗi, Cội vẫn trông nhà từ sáng, không bỏ đi đâu chơi cả. Làm gì có ai vào nhà, Cội mù nhưng trời phú cho người mù đôi tai thính lắm. Cội nhớ ra rồi, không có ai lạ vào nhà cả chỉ có anh hai thôi. Nhưng nói ra mẹ không tin, mẹ đánh Cội bằng roi. Đau lắm. Nhưng Cội thương mẹ nhiều hơn.
-Mày không trông nhà để kẻ trộm vào lấy mất tiền lại còn đổ cho anh mày. Đồ hư đốn! Đã không làm được việc gì ra hồn lại còn dám bêu rếu, vu oan cho anh nữa. Đồ hư đốn. Tao cấm mày được nói thế, người ta không biết, người ta lại cười vào mặt mẹ mày không biết dạy con. Mày đã không ra gì đừng làm anh mày khổ lây.
Cội biết rồi. Mẹ chỉ cần nói thế thôi Cội cũng biết thân biết phận. Cội có nghi cho anh hai đâu. Đấy là Cội thấy thế nào thì bảo thế.
     Cội là cái nợ cái tội của cái gia đình này, của đời mẹ Cội.
                                           * * *
Anh cả đã mấy tuần rồi không về. Mà công ty thì ngay trên huyện, mấy anh xóm bên vẫn đi đi về về mỗi ngày nhưng anh cả không thích thế. Mẹ có nói thế nào cũng không được, mẹ nói nhiều quá có lần anh quát ầm lên:
-Về cái nhà này làm gì, khổ như chó ấy. Về mà nhìn nhau à.
Lần gần đây nhất anh về sắm ba lô quần áo. Mẹ hỏi:
-Con định đi đâu?
-Đi đâu thì liên quan gì mà hỏi?
-Con ở nhà với mẹ, nhà cửa có, việc gì mà đi đâu. Con người ta còn mong được làm gần nhà mà về đằng này mày làm gần thì cứ chuồi đi là sao.
Anh cả không nói gì cứ nhất quyết đi, mẹ lôi lại, anh hất ra làm mẹ ngã xuống sân ngay cạnh chỗ mà Cội đang nghịch linh tinh.
Cội thương mẹ quá, Cội đứng dậy giơ quả đấm ra trước mặt. Cội định đánh anh cả đấy, nhưng anh đã xô Cội ngã dúi ngã dụi xuống sân. Từ đấy Cội ghét anh cả lắm. Mà anh cũng chẳng về nhà. Cội biết mẹ mong chờ từng ngày nhưng Cội thì Cội mong anh đừng bao giờ về nữa.
Sáng. Trưa. Chiều. Tối.
Hàng xóm sang chơi. Sang mua bán. Ghé ngang qua. Ai cũng hỏi:
-Thằng cả đâu mà lâu rồi chả nhìn thấy mặt mũi nó là sao?
Mẹ trả lời những câu giống hệt nhau:
-Khổ thân thằng bé, công việc bận quá nên phải ở lại cơ quan ít khi về lắm ạ. Có về thăm mẹ thì chỉ về một chốc buổi tối. Lúc ấy có khi các bác cũng ngon giấc rồi.
Nếu ai đó còn vặn vẹo thêm:
-Thế sao thằng Đông con bà Thìn cũng làm ở chỗ đấy mà ngày nào cũng về qua nhà đấy thôi. Hay là thằng cả nhà mình nó lại tụ tập đâu rồi. Thanh niên bây giờ ghê lắm, không cẩn thận có ngày mất con như chơi đấy.
Mẹ sẽ tỏ vẻ khó chịu:
-Con nhà người ta khác, con nhà mình khác. Thấy nó bảo là cơ quan giao cho công việc làm thêm ngoài giờ nên phải ở lại, chứ chúng nó chỉ lo làm ăn chứ còn thời gian đâu mà tụ tập hả chị.
Chỉ mình Cội biết là mẹ đang rất hoang mang.
Đêm.
Mẹ khóc. Đấy là thứ âm thanh buồn bã nhất trong đời Cội. Trăng hôm nay chốn rồi, mọi thứ cứ nóng ran lên khắp cơ thể. Cội muốn bò lại ôm lấy mẹ nhưng chỉ sợ Cội lại làm mẹ thất vọng, chán nản thêm cuộc đời này.
Lần đầu tiên Cội biết ước ao thực sự. Ước được lành lặn như mấy anh em khác trong nhà: Biết nói, biết cười tròn vành rõ tiếng. Có một đôi chân lành lặn muốn đi thẳng được thẳng, rẽ ngang được ngang, mà ngay cả nằm bò cũng ra nằm bò chứ không như Cội. Ước có một đôi mắt có thể nhìn thấy trăng.
 Ước tất cả mọi thứ để khỏi là nỗi buồn của mẹ.
                                           * * *
Sáng. Một ngày mùa màng đã xong xuôi. Mẹ lặng lẽ đi ra đi vào, thở dài thườn thượt. Cội thấy nóng ran khắp người. Ngoài kia trời đang có gió.
Bác đưa thư gọi ồi ồi ngoài cổng:
-Nhà chị Lợi ơi ra mà lấy thư con gái này.
Mẹ đã bóc thư hay chưa mà cứ im lặng mãi. Cội không hỏi nhưng mẹ bảo:
-Con Hạnh viết thư về xin tiền. Sao tháng này nó xin nhiều thế.
Cội mới ngẩn người ra nhớ Hạnh. Hôm nọ giỗ bố em Hạnh cũng không về, cũng gần một năm rồi đấy.
Trưa. Cội tha thẩn chơi một mình dưới gốc khế, nơi mà ngày xưa Cội và em Hạnh hay chôn các con vật xấu xố chết lúc còn nhỏ dưới này. Mỗi một cái mộ được đánh dấu bằng một hòn gạch. Trưa nay Cội thấy ở đâu ra mà nhiều chó mèo lắm, cả lũ gà con nữa. Chúng kêu inh ỏi lắm, chẳng biết mẹ có nghe thấy không nữa. Cội thì không sờ thấy chúng chỉ thấy chúng kêu quanh quẩn mà thôi. Cội thấy nóng mặt bừng bừng. Hay là các con vật hiện về, Cội không tin vào những điều nhảm nhí đâu nhưng sao hôm nay kì lạ lắm…
Có người lạ đến nhà. Người ta bảo mẹ lên mà bảo lãnh cho anh cả và anh hai. Cội chỉ nghe được có thế thôi. Mẹ ngất lên ngất xuống, Cội gọi ầm ĩ khắp mọi người nhưng ai hỏi mẹ cũng chỉ bảo: “Tại tôi làm ngoài đồng lúc nắng nhất nên chắc bị cảm thôi”.
Cội biết mẹ nói đúng một điều rằng hôm nay là ngày nắng nhất. Mặc dù ngoài trời không có một hạt nắng nào gay gắt cả.
Tối.
Cội phải tự lê la mò mẫm nấu cơm. Rơm dễ bén quá làm bỏng cả ngón tay út. Cội khóc, lâu lắm rồi lại khóc nhưng phải nín ngay vì sợ mẹ nhìn thấy. Mẹ buồn phiền.
Cội năn nỉ thế nào mẹ cũng không chịu ăn cơm.
Mẹ thắp hương khắp nhà thì phải, Cội thấy mùi hương ám xung quanh người. Dù Cội sợ mùi hương nhất trên đời nhưng không dám cản mẹ đâu. Mùi hương làm Cội hoang mang lắm.
Mẹ khấn: “Ông ơi, thế là sướng nhất ông trên đời, đẻ con rồi chết đi không phải chịu trách nhiệm gì về cuộc đời của chúng. Ông bỏ tôi lại một mình mà gánh chịu bao cái tội nợ của cuộc đời. Các con ông hư hết cả rồi, ông về mà cứu chúng nó cho tôi. Người sống không bảo được đâu, người chết như ông có khi còn được việc. Chúng nó có mệnh hệ gì tôi làm sao mà sống nhìn bà con hàng xóm…”
Cội ngồi một mình một góc lẩm bẩm: “Con không cha. Con không cha”
Câu này Cội học ở bọn trẻ trâu.
Đêm.
Mẹ không ngủ trong buồng như mọi bận. Mẹ mò xuống bếp nơi Cội nằm. Mẹ bảo:
-Tối nay mẹ ngủ với con.
Cội hỏi:
-Các anh hư hả mẹ?
-Không. Các anh con vẫn ngoan. Ai hỏi cái gì con cứ bảo không biết. Đừng vạch áo cho người xem lưng con ạ.
Cội gật đầu, rúc sâu vào ngực mẹ.
Chỉ có Cội là bé nhỏ thôi. Cội là con của mẹ, đứa con tật nguyền nhưng thương mẹ nhất. Ước gì Cội có thể làm trăng, trăng lúc nào cũng mềm như nhung, trăng không bao giờ làm cho người ta đau. Trăng là ân huệ.
Mẹ rúc vào ngực Cội khóc. Nước mắt của mẹ cũng tật nguyền như trăng. Trăng tật nguyền như Cội vậy.
                                                                                  22-01-2009
                                                               

     Vũ Thị Huyền Trang

Đừng buông tay...



Đừng bao giờ buông tay nhau thêm một lần nữa

Anh gọi cho chị vào lúc 12 giờ đêm chỉ để nói với chị rằng anh sẽ đi lấy vợ dù tình yêu đối với chị vẫn còn sâu nặng lắm. 12 giờ đêm, trong xóm quê nghèo, chị khóc òa giữa bao nhiêu nỗi niềm cay đắng. Những ngày chị rời bỏ anh thì anh tìm mọi cách níu lại tình yêu trong chị. Đến ngày chị quyết định sẽ không bao giờ buông tay anh thêm một lần nào nữa thì tự anh lại muốn dời xa chị. Tình yêu đâu phải là chò chơi trốn tìm thuở nhỏ?
Anh hơn chị mười tuổi, đã qua một đời vợ, ngoại hình nhìn qua thấy xấu nhìn lâu cũng không thấy duyên, tính tình thật thà có phần hơi cục mịch. Anh làm chủ thầu các công trình xây dựng ở thành phố Nam Định. Nhờ người quen chị xin vào làm chân nấu nướng cho dân công trình của anh. Thế rồi quen nhau, yêu nhau lúc nào không biết. Nhiều lúc chị bảo:
-Anh vừa xấu vừa già, sao em lại yêu anh nhỉ? Hay là anh bỏ bùa em đấy, nếu anh bỏ bùa thật thì giải bùa cho em với. Để em còn về với mẹ, lấy tấm chồng quê cho yên phận.
Anh cười bảo có bùa thật thì đã sao, sẽ chẳng bao giờ anh chịu rời xa chị.
Nhà chị nghèo, vì nghèo nên chị không được theo đuổi ước mơ trở thành cô kỹ sư nông lâm, mà phải đi làm sớm lấy tiền giúp đỡ gia đình. Quê chị tận trên miền ngược, thu nhập chỉ nhờ vào rừng chè và ruộng đất cằn, mà chè thì bấp bênh nay giá này mai giá khác. Nhà chị lại đông anh em, tuy không phải là con cả nhưng mọi công việc lớn bé trong nhà chị đều phải chung tay gánh vác. Học xong cấp ba, đi làm được năm năm mà ước mơ thuở nào vẫn không nguôi cháy trong lòng chị. Có nhiều đêm, chị mơ thấy mình đứng giữa bạt ngàn màu xanh của núi rừng quê hương. Trên mảnh đất cằn cỗi mẹ vẫn trồng sắn hàng năm sẽ thay một giống cây mới, đạt giá trị năng suất cao cho đời sống người nông dân quê chị thêm no ấm. Từ bé, chị đã rất đỗi yêu thương quê hương, càng yêu thương càng quặn lòng khi thấy quê mình nghèo quá. Nghèo là bởi đất đai khô cằn, là người nông dân không dám thay đổi cây trồng, không có vốn đầu tư, không thử nghiệm. Đã có lúc nghĩ đến những khó khăn trước mắt, chị không ít lần liên tưởng đến hình ảnh con thuyền rách nát và khát vọng vươn tới biển khơi. Nỗi khát khao ấy còn lớn hơn cả tình yêu chị dành cho anh.
Khi đã kiếm được ít vốn, khi kinh tế gia đình cũng đã tạm ổn, chị quyết định vừa làm vừa ôn thi Đại học. Anh bảo sẽ nuôi chị học, nuôi đến khi nào chị tự đứng được trên ước mơ của mình. Chị cười, trách anh sao chưa gì đã tính chuyện nuôi nhau.
Ngày chị đỗ Đại học cũng là ngày chị dẫn anh về nhà ra mắt. Bố nheo mày hỏi:
-Chú nào đây con?
Mẹ thở dài nói nhỏ con gái:
-Đừng bảo với mẹ là mày yêu người này. Còn trẻ đẹp, thiếu gì người mà đi yêu người hơn mình cả mười mấy tuổi hả con? Giàu cũng không ham con ạ.
Chị ôm mẹ nũng nịu phân trần:
-Anh ấy cũng đâu có già và xấu quá. Anh ấy tốt là được rồi mà mẹ, hơn nữa mẹ chẳng từng bảo yêu người hơn tuổi cho già dặn, chín chắn đấy thôi ạ.
Mẹ thở dài:
-Cô đến tuổi này cũng là già dặn lắm rồi. Mà đã tìm hiểu kĩ chưa, bằng này tuổi rồi có khi người ta có vợ ở quê rồi cũng nên, cứ đâm đầu vào rồi lại tự làm khổ mình thôi con ạ.
Người làng ai hiểu thì chậc lưỡi bảo “thôi thì cái duyên cái số nó vồ đến nhau chứ biết làm thế nào được”. Người thì bảo “chắc con bé bị bỏ bùa mê thuốc lú. Rõ khổ”. Những lời nói ấy đều đến tai anh, nhưng anh không nói gì, vẫn vui vẻ nói cười mỗi lúc được gần chị. Thi thoảng vẫn bỏ công việc sang một bên để đưa chị về miền ngược, nơi chị bắt đầu cặm cụi với từng hòn đất. Chị bảo “đất nghèo nhưng vẫn có thể làm giàu được”. Anh thấy thương chị nhiều hơn. Đã không ít lần vì sức ép gia đình và khoảng cách quá xa mà chị tính đến chuyện chia tay, nhưng anh vẫn khẳng định tình yêu của mình dành cho chị bằng những vỗ về yêu thương lúc vui buồn. Để rồi chị nhận ra rằng anh cũng giống như một phần ước mơ của chị, cái mầm hạnh phúc bé nhỏ ấy cũng cần được nâng niu.
Chị ra trường, nhận công tác ở quê, cũng là lúc mẹ anh lâm bệnh nặng. Ước muốn cuối cùng của mẹ là nhìn thấy anh tìm được hạnh phúc cho mình bằng một dám cưới có đông đủ anh em, họ hàng chứng kiến. Mẹ bảo chị:
-Nhà chỉ có một mẹ một con nên mẹ muốn sau này Hùng và con về đây sống còn thắp hương cho bố mẹ, tổ tiên. Kinh tế cũng đầy đủ rồi, con về đây bán hàng, sinh con rồi coi sóc nhà cửa, đất đai. Chứ mẹ không muốn Hùng lên quê con ở mà cũng không muốn vợ chồng con mỗi đứa một nơi. Nếu con thuận lời thì về làm dâu nhà mẹ.
Chị nắm bàn tay gầy guộc của người đàn bà đã hy sinh cả đời để chăm sóc cho người chị yêu thương. Bàn tay đã lạnh đi nhiều vì mưa nắng, vì nỗi cô độc của người già và vì sự héo hắt chờ đợi người con trai yên bề gia thất sau một lần đứt gánh giữa đường. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để chị mủi lòng. Nhưng ước mơ ươm mầm xanh cho quê hương vẫn chưa làm được, đất cằn cỗi vẫn bạc màu nghèo đói. Và…liệu chị có được vượt qua được những rào cản gia đình để đến với anh?
                                           * * *
Anh ngồi bên mẹ, nghe hơi thở yếu ớt đều đều như những tiếng thở dài của mẹ. Anh là đứa con duy nhất mẹ mang nặng đẻ đau, gắng gượng nuôi anh khôn lớn ngay cả khi bố đã mất, bao nhiêu khó khăn đè lên đôi vai bé nhỏ của mẹ. Ngày anh lấy vợ, mẹ khóc vì mừng vui con đã yên bề gia thất, nhưng nào ngờ cái hạnh phúc nhỏ nhoi ấy của mẹ anh cũng không thể gìn giữ được. Nàng dâu đầu tiên của mẹ ra ra đi mang theo một bí mật mà mẹ không hay biết. Con trai mẹ mắc bệnh vô sinh. Từ ấy đến giờ mẹ vẫn giục anh mau mau lấy vợ để mẹ còn bế cháu. Anh cứ ậm ừ cho qua chuyện vì không muốn mẹ thêm lo lắng. Cho đến bây giờ, khi nhìn mẹ nằm đây vẫn không yên vun vén cho anh, tự nhiên anh thấy có lỗi với mẹ thật nhiều.
Bác sĩ nói mẹ không sống được lâu nữa, tuổi già sức yếu lại thêm bệnh cao huyết áp lâu năm. Tuổi trẻ anh đi tứ xứ giang hồ, đến lúc đứng tuổi rồi quay trở về bên mẹ thì nhận ra mẹ vẫn gần đây mà lại như bóng mây bay ngang qua cuộc đời rồi tan vào hư vô. Trong những ngày chăm sóc mẹ tại bệnh viện, anh đã phải suy nghĩ rất nhiều. Mẹ nói hạnh phúc lớn nhất đời mẹ là có anh, cũng vì có anh trên đời nên mẹ đã vượt qua tất cả những sóng gió cuộc đời. Càng thương mẹ bao nhiêu anh càng nhận ra tình yêu của mình dành cho chị là ích kỉ. Suốt gần chục năm yêu nhau, anh chưa từng khi nào dám thú nhận với chị rằng anh không thể có con. Cũng chính vì chạy chữa khắp nơi không khỏi mà người vợ đầu đã bỏ anh đi. Anh sợ nếu nói ra chị cũng sẽ dời bỏ anh như thế. Anh cứ nghĩ đơn giản rằng nếu trong nhà cần tiếng trẻ con thì chỉ cần đi xin một đứa nhỏ về nuôi, nhưng có lẽ anh đã không hiểu được sự gắn kết thiêng liêng bền chặt của tình máu mủ ruột già. Những điều ấy có lẽ chỉ những người phụ nữ mới hiểu và họ cần có nó như cần một bờ vai, một mái ấm gia đình.
Anh nhớ đã từng có lần hỏi chị:
-Ngoài ước mơ trở thành cô kĩ sư nông lâm, mang màu xanh trù phú đến cho quê hương em còn mơ ước gì nữa không?
Tay chống cằm, gõ nhẹ những búp mang lên gò má chị bảo:
-Em muốn lập gia đình để sinh những đứa con ngoan. Em thích tiếng trẻ con, thích được chăm bẵm, vỗ về, hôn hít chúng.
Rồi chị thở dài bảo giá như chị có thể thực hiện được được những điều tốt đẹp mà mình mơ ước. Ngay lúc ấy anh đã chạnh lòng nghĩ rằng mình không thể là bến đỗ cuộc đời của chị. Cho đến ngày hôm nay khi mẹ anh cần một nàng dâu, chị cần một mái ấm đủ bền vững để theo đuổi ước mơ của mình thì việc anh cần chị dường như đã là điều không thể. Anh tự hiểu được anh không có quyền giữ chị lại cho riêng mình nữa. Chị thuộc về những người dân nghèo ở miền quê ấy, thuộc về mảnh đất khô cằn đang chờ bàn tay người ươm mầm, tưới tắm. Và chị còn thuộc về tiếng cười của những đứa con do chị sinh ra, chăm bẵm chúng. Chính vì thế nên anh gọi cho chị để nói rằng anh sẽ đi lấy vợ. Lúc ấy kim đồng hồ trên tường chỉ đúng 12 giờ đêm, tiếng mẹ anh thở đều nhưng mong manh, yếu ớt. Khẽ gục mặt vào hai bàn tay. Anh khóc.
                                         * * *
Người nông dân đã bắt đầu ươm cây cho dải rừng bao quanh làng. Trung du có phần lớn diện tích là đất feralit trên đá phiến, đá vôi và các đá mẹ khác. Nơi đây có khí hậu nhiệt đới ẩm, gió mùa, có mùa đông lạnh, lại chịu ảnh hưởng sâu sắc của điều kiện địa hình vùng núi. Vốn có thế mạnh đặc biệt để phát triển các cây công nghiệp có nguồn gốc cận nhiệt và ôn đới, ngoài cây chè chị quyết định đưa xoài, nhãn vải, đu đủ vào trồng thêm và đưa cây keo, cây tràm trồng trên những dải đồi cao hơn. Ban đầu chị áp dụng trên đồi nhà mình và phần đất để khô cằn lâu năm của bà con chòm xóm. Công việc mới chỉ dừng lại ở bước đầu, còn biết bao nhiêu khó khăn trước mắt. Chính vào lúc này chị cần anh ở bên cạnh biết nhường nào. Vậy mà…
Chị đã 28 tuổi. Ở cái tuổi ấy con gái chưa lấy chồng được coi là gái lỡ thì. Dân làng đồn ra đồn vào nói “hồng nhan thì bạc mệnh”, mẹ chị thở dài mỗi đêm đến héo hắt ruột gan. Cũng chỉ yêu anh, tin anh mà chị dành trọn trái tim mình suốt gần chục năm trời. Bây giờ anh nói một câu chia tay, bỏ lại chị ngồi đây với nỗi buồn khi tuổi xuân đã ở lại sau lưng. Chị đã chấp nhận anh như đã từng chấp nhận những mơ ước và khó khăn của cuộc đời mình. Nhưng chính anh lại là người dời xa chị. Anh nói vì anh không thể có con, không mang đến hạnh phúc cho chị được. Vậy mà anh đã níu kéo chị suốt mười năm. Muốn giận anh, muốn quên ngay anh và đi tìm hạnh phúc mới cho mình nhưng tại sao con tim cứ nhu mì, cứ gọi tên anh mãi…
Đêm nay, chị muốn đi tìm anh, muốn một lần nữa níu tay anh lại. Cho dù anh nói rằng sẽ đi lấy vợ thì chị vẫn muốn đi tìm anh. Bởi tình yêu của chị dành cho anh lớn lao hơn cả những khó khăn, xa cách. Gần mười năm thương nhau đâu phải ít ỏi gì mà sao bỗng nhiên đêm nay anh lại buông tay chị. Chỉ cần nắm chặt tay nhau thôi là được rồi. Nếu chị tìm được anh lần này, chị sẽ bảo anh “đừng bao giờ buông tay em thêm một lần nào nữa”.
Chỉ cần nắm chặt tay nhau thôi là được... 
                                                                HN 11- 2010

                                                         Vũ Thị Huyền Trang