Mặt trời ngủ ở
phía đằng kia, sau ngọn núi màu sương sớm có loài chim quanh năm dời tổ lúc
sáng mai đi kiếm mồi và về trú ngụ khi đất trời rệu rã một vòng quay dang dở.
Nó ngồi đó, chót vót trên đống rơm trước nhà nhìn về con đường xa tít tắp. Nó
ngóng vọng chờ mong một đốm người leo lắt đi về phía làng, chỉ thế thôi cũng đủ
làm một đốm sáng của ngày mới trong trái tim bé nhỏ. Và người trong bản vẫn gọi
nó là con gà trống, con chim báo sáng cất tiếng gáy bằng chính sự câm lặng của
mình, nó làm cho người dân nơi đây phải cúi mặt lâu hơn. Họ sợ phải gặp ánh mắt
nó, sợ phải đối đáp nó-Một đứa bé mồ côi vẫn ngóng chờ đứa em bị thất lạc sau
vụ sạt lở ba năm về trước nơi xóm núi này. Có người bảo nó là bông hoa hy vọng
hướng thẳng phía mặt trời mà nở, có người lại bảo nó là con ma xóm núi.
Nó nhìn xuống
bãi rau xanh mướt tầm mắt mà nhớ mẹ, mẹ nó là một người đàn bà đẹp nhất xóm núi
này lấy cha nó là người khoẻ nhất trong những chàng trai được núi rừng tôi
luyện. Nó là đứa con gái cả, người ta vẫn truyền nhau “Ruộng sâu, trâu nái
không bằng con gái đầu lòng”, nó đẹp như thiên thần, ngoan như thỏ trắng và
tinh nhanh như sóc núi. Ấy thế mà bố mẹ lại bỏ nó mà ra đi mãi mãi. Lũ trẻ con
truyền tai nhau bảo:
-Bố mẹ mày
không về nữa đâu, đừng có trông mà mỏi mắt. Đi chơi với chúng tao đi, lên núi
mà bắt cầu vồng bảy sắc, biết đâu lại gặp bố mẹ mày trên đó. Đi thôi nào, đừng
làm con ma núi nữa.
Người già
trong làng thì xoa đầu nó mà than:
-Khổ thân!
Thần núi trong một cơn say, chẳng biết cáu giận việc gì mà nổi trận nôi đình
bắt bố mẹ con là người đẹp nhất tượng trưng cho muôn hoa, người khoẻ nhất tượng
trưng cho sức vóc của dân xóm núi. Chỉ có mi là tội thôi đứa bé mồ côi mồ cút.
Nó vẫn lớn lên dưới chân núi bạc. Chờ mãi cầu
vồng chẳng thấy.
* * *
-Mẹ ơi! Mẹ có nghe thấy tiếng của con không.
Con ở đầu bên này, ở rất xa nhưng nếu với tay là mẹ sẽ nắm được tay con đấy. Mẹ
chìa tay ra đi, con sẽ ở rất gần. Gió lạnh lắm, mưa lạnh lắm. Bên ấy không có
mưa phải không hả mẹ? Bên ấy là thiên đường, người ta bắc cầu vồng để đón con
sang đấy.
Nhưng mẹ đã
không chìa tay ra, mẹ chỉ đứng nhìn và lùi dần lại phía sau bỏ mặc nó với đôi
tay bé nhỏ cứ cố gắng nhờ gió mang xa đi mãi lại đầu bên kia. Mẹ bảo: “Em con còn ở dưới kia. Mẹ không đành lòng để
nó lại một mình. Con hãy quay về cùng em đi nhé”. Và mẹ quay đi, nó không
nhìn thấy nhưng cảm nhận được những giọt nước mắt nóng ấm đang chảy từ đôi mắt
nhân từ của mẹ sang tim nó. Buông thõng tay, cầu vồng biến mất. Mẹ đã mang mưa
về xứ mẹ rồi, nơi mà thần tiên đã cố gắng bắc cầu vồng để ngăn mưa từ hạ giới.
Nó tỉnh giấc
sau một cơn sốt mê mệt kéo dài suốt một ngày một đêm, người già nhất làng bảo
thế khi bưng cho nó bát cháo tía tô hái từ bãi rau mướt xanh tầm mắt, nó trồng
để đợi em về.
Cháo rất đắng,
nó nhắm mắt lại nghe những giọt nước mắt khóc thành lời. Nó vừa trải qua một
cơn chiêm bao kéo dài, trong kí ức tuổi thơ của nó thì đây là giấc mơ vừa đẹp
lại vừa buồn nhất. Cầu vồng đã giũa ra thành muôn ngàn giọt nước, tan biến đi
cái ước mơ được siêu thoát khỏi thế giới thực tại này của nó. Khóc! Nước mắt
nóng ấm đang chảy giàn giụa khắp cổ, ướt át những sợi tóc khô như rơm mùa hạ,
mẹ đã không còn để lau nước mắt như ngày xưa mỗi lần chơi chốn tìm vấp ngã. Cha
cũng không còn để ra đầu xóm chèo lên
cây bồ kết quả căng hạt, cây bồ kết tượng trưng cho sức sống bền bì, sự sống
mướt xanh bắt nguồn từ trong gốc dễ. Người trong xóm núi ai cũng bảo nhau rằng
con gái mà gội nước từ quả bồ kết trên cây mọc đầu xóm thì tóc mượt mà, đen óng
và rất khoẻ. Thế nên cứ vào mùa bồ kết nở hoa bố lại cầu năm nay cây sai quả để
mẹ và nó lại khúc khích cười bên thau nước có đám mây lãng đãng rong chơi. Bố
vẫn thường cồng kênh nó trên vai và bảo:
-Con gái bố ăn hạt lúa của bàn tay người
khoẻ nhất xóm núi, tắm nước mạch nguồn từ núi, thơm hoa của rừng, gội đầu bằng hương bồ kết tay bố giã thể nào lớn lên cũng xinh như mẹ.
Con gái của ai mà xinh thế nhỉ?
-Con gái bố đấy-Nó hồn nhiên trả lời như
thế.
Con gái bố
ngoan hiền như trăng núi, bố đã đi rồi để lại những sợi tóc rối bời không còn
hương bồ kết. Nhiều trưa hè thằng Thung nhà kế bên chui rào sang hỏi tỉnh bơ:
-Nậm ơi, mày
có gội đầu bồ kết không?
-Ở đâu ra mà
gội?
-Tao trèo lên
hái cho, lo gì không có chứ. Tóc mày xơ hết rồi, chẳng giống con gái xóm núi gì
cả. Mày không muốn thành cô gái xấu nhất xóm này đấy chứ?
Nó chỉ im lặng
lắc đầu. Không có hương bồ kết nào thơm như hương bồ kết từ bàn tay bố, bố giã
bồ kết những đêm trăng lên khi gội nó như thấy cả trăng cũng đang chơi chò đuổi
bắt trên những sợi tóc mềm như cỏ. Thằng Thung tiu ngửu ra về lòng rối bời như
mang theo trên mười ngón tay cầm mười sợi tóc khô vàng màu nắng của cô bé láng
giềng, cô bé mồ côi mồ cút.
*
* *
Nó cố gượng
dậy sau trận ốm vì muốn được tiếp tục cái công việc của mình vào mỗi sáng sớm là
ngồi trên đống rơm nhìn xa tít tắp về phía con đường làng, lòng mong mỏi lắm
một đốm người đang đi về phía nó. Bỉết đâu đó chả là đứa em trai lưu lạc sau
trận sụt núi ba năm về trước. Dù có người bảo em nó đã chết, bị đá vùi không
tìm thấy xác nhưng nó vẫn tin rằng trong lúc mọi thứ còn ngổn ngang những người
dân tộc đi chợ qua đây đã cứu em nó mang về nuôi ở một vùng nào đó không xa
lắm. Cũng có thể là người miền xuôi lên cứu nạn mang em nó đi rồi, “Con chim
nhớ tổ, con người nhớ tông. Thể nào rồi khi lớn lên đứa em bé bỏng của nó cũng
biết đường tìm về xóm núi nghèo nàn đã từng một phen điêu đứng vì lở núi.
Thiên nhiên
gằn hắt người dân nơi đây quá, cứ tưởng ngọn núi sừng sững phía sau có thể che
chở, bao bọc những nếp nhà nhỏ bé quanh năm bám vào đồi núi để tra hạt ngô, cắm
cây lúa chờ ngày đơm bông, trổ hạt, nhà nhà quây quần no ấm. Ấy thế mà chỉ một
lần giận giữ thần núi nơi đây đã làm đổ vỡ bao nhiêu mái nhà, cướp đi những
người thân quen đến từng ngọn cỏ. Trong đó có cha mẹ nó. Ngày gió dữ qua đi nhưng
có một cơn gió không ngừng thổi trong lòng nó.
Có lẽ mẹ nó
nói đúng, đứa em đã sắp trở về. Nó phải gượng dậy dọn dẹp nhà cửa, tưới mướt
xanh bãi rau. Nếu em trở về nó sẽ đi làm nuôi em đến lớp. Thấy người xóm núi rủ
rỉ tai nhau rằng “Con Nậm lớn rồi, ngực
nó phập phồng thiếu nữ. Nó như bông hoa rừng mọc bơ vơ bên gò đất chẳng biết sẽ
về tay ai nữa. Con trai xóm núi này rồi cũng chết bởi mái tóc xơ vàng vì nắng của nó thôi. Bông hoa
mồ côi, bông hoa tự mình khoe sắc, sắc hoa buồn, lá hoa thương, hồn hoa chông
chênh nỗi nhớ.”
* * *
Chiều buông sương cho mắt em buồn
Tóc rối bời mơ ước
Cuối con đường hy vọng về làm tổ
Hương bồ kết buồn
Thương nhớ bơ vơ
…………………..
Chiều nay
thằng Thung từ cánh đồng trước nhà chạy hùng hục như ma đuổi về nhà nó bảo:
-Nậm nghe…nghe
tin gì chưa?
-Tin gì?-Nó
giật mình hỏi
-Nghe bảo đoàn
khách du lịch lần này có vào thăm xóm núi nói với cụ Thạch là có một người bạn
của họ đang nhận nuôi một đứa bé chừng mười bốn, mười năm tuổi đấy. Thằng bé
bảo là người trên này…
Thằng Thung
còn nói gì nhiều hơn nữa nhưng nó không nghe thấy, chỉ thấy gió ù ù qua tai,
gió luồn qua mười đầu ngón chân lạnh buốt. Nó đang chạy hay đang bay vì niềm
hạnh phúc như giấc chiêm bao từng gặp mẹ bên chiếc cầu vồng nhiều màu sắc. Nó
cũng không hiểu là mình đang chạy trên gió hay chạy bằng đôi chân được tết bằng
cầu vồng bảy sắc, tất cả đang rất mông lung.
Người khách
trả lời cho đôi mắt van lơn thống thiết của nó bằng một câu trả lời tỉnh queo:
-Chú thấy
người bạn kể thế chứ cũng chẳng biết thực hư thế nào đâu.
Nó khóc, nó
quỳ xuống lắc lắc gấu quần người khách lạ, dù mấy người già trong xóm núi đã
lôi nó ra bằng được. Người khách vùng vằng bỏ đi, nghĩ thế nào quay lại hứa ỡm
ờ một câu:
-Để chú về
dưới đó hỏi lại cho, có gì lần sau lên chú bảo. Thằng này thấy bảo da đen lắm,
đen như một hòn than.
Nó mang lời
hứa ỡm ờ gói kín vào giấc mơ vụng dại. Em nó không đen, em nó cũng có nước da
trắng như trứng gà bóc y hệt nó. Đó là nước da của cả cha lẫn mẹ, điều đó là sự
thật. Nhưng sao thằng bé kia lại da đen, liệu có phải là em trai nó hay không?
Câu hỏi ấy cứ luẩn quẩn trong đầu óc nó suốt một tuần trời. Nó đã tự nhủ, chắc
em nó xuống đó làm việc vất vả cho người ta lại không hợp nước đen đi là chuyện
bình thường, chứ nhất định đó là em nó chứ không ai khác cả. Em nó đấy, đứa em
bé bỏng hay tranh ăn của nó, đứa em tối ngủ hay xoay tròn gác chân lên cổ chị
và hầu như đêm nào cũng đái đầm. Nó thương em quá, không biết về nhà người ta
có thôi cái tật đó đi không, người ta có tốt cũng không thể bằng bố mẹ. Nhỡ
người ta đánh em đau? Nó nghĩ đến đấy mà nước mắt trào ra, nó muốn được ôm đứa
em vào lòng và cồng kênh khắp xóm như lúc nhỏ.
Ba năm trời, 1080
ngày nó mường tượng ra đứa em lớn lên từng ngày một. Em nó thích ăn nhất là
canh cá nấu tía tô và mốn canh đỗ mà thằng bé vẫn đặt tên là “ Món cha sinh mẹ
đẻ”, thứ món ăn mà mẹ nấu ngon và nhanh nhất. Nhưng nếu em trở về nhất định nó sẽ học nấu món canh nhanh mà
ngon được như mẹ vậy. Nó thì thầm gọi:
-Út ơi, em ở đâu, em về với Nậm đi, Nậm mong
em nhiều lắm đó. Về Nậm nướng ngô cho mà ăn, may áo mới cho mà mặc. Rồi Nậm sẽ
cho em đến trường. Em của Nậm lớn lắm rồi, mà mấy chốc mà thành một chàng trai
xóm núi khoẻ mạnh như cha, tấm lòng hiền từ như mẹ. Về đi em, về mà lớn lên mà
làm khổ con gái xứ này. Về với chị đi em…
Trả lời lại
tiếng gọi thống thiết của tình ruột thịt, của cái hy vọng, cái lý do duy nhất
và cuối cùng tồn tại trong cuộc sống này của nó bằng tiếng gió u u vô vọng đến
tái tê. Nó tụt xuống khỏi đống rơm, nhắm mắt không muốn nhìn về phía con đường
ấy nữa.
Nó khóc…
* * *
Người khách
của xóm núi đã quay trở lại. Chính nó là người nhận ra sự hiện diện ấy đầu tiên
vào buổi sớm mai con gà còn chưa lỡ đánh thức những giấc ngủ nhọc nhằn trong
mỗi nếp nhà. Khi hạt sương đã nặng trĩu hai mi mắt thì nó nhìn thấy người đàn
ông ấy. Ông ta đi về phía xóm núi, điều đó có nghĩa ông đang đi về phía của hy
vọng. Đi về phía nó…
Trời hôm nay
rất đẹp, óng ánh một màu vàng như mật, thứ mật mà loài ong cần mẫn sải cánh nghìn
trùng xa mới có thể lấy về một giọt. Nằng tràn qua tiếng cười của lũ trẻ chăn
trâu. Thằng Thung lại chạy như ma đuổi:
-Nậm ơi! Nậm
à. Ông khách ấy quay lại rồi đấy. Ra đầu xóm đi, biết đâu ông ấy chả mang về
chút ít manh mối về em của Nậm. Chạy nhanh lên Nậm ơi không người ta lại đi mất
bây giờ. Sao Nậm không ra đấy từ sáng sớm.
Nó muốn đi lắm
chứ, thậm chí còn muốn chạy thật nhanh nhưng cả hai chân không thể nào nhấc lên
được. Không hiểu tại sao. Vì vui mừng quá hay vì lo sợ sẽ nhận được một câu trả
lời cũng vô tình như cơn gió. Chân không thể bước được, miệng không thể cất lên
câu nói. Gió vẫn thúc đằng sau, thằng Thung kéo tay đi đằng trước. Ước gì, lại
ước gì có cầu vồng của mẹ “Mẹ ơi! Em ở
đâu? Em có ở rất gần?”.
Người khách
nhìn thấy nó tỏ vẻ sực nhớ ra chuyện gì đó.
-Hỏi về đứa em
đen thui đó hả?
Nó gật đầu chờ
đợi.
-Nó bỏ nhà bạn
chú đi từ lâu rồi. Không thấy quay trở về nữa, mà có thách cũng không dám,
người ta cưu mang lúc hoạn nạn mà lại bỏ đi không nói được một lời. Chắc không
phải em cháu đâu. Nhìn cháu ngoan thế này cơ mà, chắc là em cháu cũng phải rất
ngoan đúng không. Thôi chú lại phải đi rồi. Có biết nuôi bò sữa không? Nuôi đi
rồi chú mua cho nhé.
Hình như nó
lắc đầu, hay hình như là nó gật. Gió mang bước chân nó trở về căn lều nhỏ, luống
rau vẫn vô tư xanh, gió vẫn vô tư hát, núi vẫn đứng kia như thách thức điều gì
ghê ghớm lắm.
“Nếu ai đó nói rằng đá cũng có trái tim của
đá, nó nghĩ chắc hẳn trái tim ấy cũng có khi mềm như cỏ mà thôi. Mẹ ơi, đá có
biết đau không mẹ? Đá có trái tim to bằng nào để vững vàng đến thế? Nghe như mẹ
trả lời rằng:
-Đá có trái tim bé nhất bởi thế nên mới hoá
đá đứng kia suốt ngàn đời không dám để tim mình có máu.
-Mẹ ơi, thế có phải ngày sạt núi là ngày tim
đá có máu chạy qua phải không mẹ?
-Có thể.
-Thế thì ác quá. Con ước tất cả những ai ác
độc trái tim đều biến thành đá hết. Và con….Con cũng muốn tim mình thành đá. Bỉ
vì con sợ phải đau.
Mẹ
hãy mang con đi đi, đi thật xa nơi này, mặc kệ luống rau tốt tươi, mặc kệ con
đường thèm một đốm người khi sương sớm, mặc kệ cây bồ kết đầu làng vẫn đơm hoa
kết trái để tiếng giã đêm giằm bải hoải nhớ thương. Mặc kệ đi anh bạn nhà bên
mang trái tim hiền như cổ tích. Mặc kệ nỗi đau nơi này. Cầu xin mẹ hãy mang con
đi mãi. Xa thật xa…”
Nó nhắm mắt
lại, thấy gió thanh thản đùa bên tai, thấy ánh cầu vồng bảy sắc mẹ đón lưng
chừng trời. Mẹ bảo mẹ đã tìm thấy em rồi, ở thế giới bên kia cầu vồng không có
mưa đâu. Ở đó chỉ có những triền cỏ xanh ngút mắt mà hai chị em có thể thả diều
cả buổi chiều thoả thuê không biết chán. Bố sẽ vẫn hái bồ kết đem giã những đêm
giằm ướp trăng sóng sánh, mẹ hiền từ sẽ vui tay vào bếp nấu nồi canh cá tía tô,
em trai sẽ tủm tỉm cười “Chị đừng ăn tranh phần hơn của em đấy nhé”.
Cầu vồng đang
đợi ở cuối chân trời: “ Đừng giữ ta nhé
gió, cứ mặc kệ ta ra đi, gió sẽ được thanh thản uốn quanh dãy núi. Để ta đi
khỏi con ma núi nơi này, suốt mấy năm trời chỉ chờ đợi và hy vọng vu vơ… Để ta
đi nhé, xin gió đấy bởi trái tim ta bé nhỏ quá không ở lại dương gian này được.
Hy vọng đã vỡ rồi, sự chờ đợi sẽ chính thức kết thúc. Ta đi đây, cầu vồng đang
đợi phía cuối chân trời…”
Tạ Đức An
No comments:
Post a Comment