Chị lại nhốt mình trong phòng tranh của con gái và ngắm nhìn những đôi mắt đang căng cựa. |
“Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu
hẹp
Giấc mơ con đè nát cuộc đời con…”
-Chế Lan
Viên-
Chị ngồi vẹo cổ ngắm nắng qua ô cửa sổ. Cái dáng ngồi thất thểu đến tội
nghiệp ấy không làm cho mấy vạt nắng vàng đang nhảy nhót ngoài kia bớt lung
linh. Chỉ có điều mảnh vườn nhỏ quá, nó chỉ bằng một thẻo đất nhỏ mà ở quê người
ta vẫn thường chừa lại làm lề. Thế mà chị cố trồng được đủ thứ, hai dãy hoa sen
cạn chạy dài, một giàn hoa tầm xuân leo kín tường, một cây ớt lúc nào cũng sai
quả lúc lỉu để bố chồng ngâm măng. Riêng phần của mẹ chồng là mấy cây đinh lăng,
vài ba bụi cối xay, cỏ sữa, cam thảo đất. Toàn mấy thứ thảo mộc chị lấy tận quê
ngoại xuống để mùa hè bứt cành phơi uống nước cho hạ nhiệt. Vậy thôi cũng đã
chật cứng cả vườn, chật đến mức muốn đi hái thứ gì là phải lách nghiêng chân để
tránh dẫm vào cây cỏ. Thế mà mấy hôm nọ chồng chị mua về cả đống hạt rau diếp
cá, xà nách, húng chó, tía tô... Anh bảo trồng lấy một khoanh để mỗi bữa có rau
sống mà ăn. Anh nhìn một lượt khu vườn, chỉ đúng chỗ hai hàng hoa sen cạn rồi
bảo “hoa hoét làm gì, có ăn được đâu”. Nói xong phăng phăng nhổ hết hoa của chị
và gieo hạt rau xuống đó. Đấy là cái lí do của mấy ngày hôm nay chị hay ngồi
nghển cổ nhìn ra mảnh vườn tiếc nuối…
Chị đang ngồi ước giá mà lòng chị cũng nhảy nhót reo vui được như những tia
nắng kia, thì tiếng chuông điện thoại bàn đổ dồn khiến chị giật mình vỡ vụn dòng
suy nghĩ. Ở đầu dây bên kia anh dặn gọn lỏn vài từ “Anh bận. Không về ăn cơm
đâu” rồi cúp máy. Chị thở dài nghĩ ngợi, con thì đứa đi du học đứa về quê ngoại
nghỉ hè, chồng thì đi nhậu nhẹt vậy còn nấu nướng làm gì cho mệt, chị thì ăn
linh tinh gì chả được. À! Phải nấu chứ, không nấu lấy gì cho con mèo lười ăn,
tính nó rất quái bữa nào cũng phải có cơm trộn cá. Mà phải là cơm nóng, chứ mấy
hạt cơm nguội khô là nó ngoảnh mông đi một mạch không thèm đắn đo. Có nhiều hôm
thấy chị vắng chồng con ngồi nhai cơm nguội một mình bị nghẹn nấc nên nấc xuống.
Nó ngồi chễm chuệ trên cửa sổ kêu ngoeo ngoeo ý bảo “đấy bà chủ thấy chưa, cơm
khô khốc thế đến bà còn nuốt không nổi cớ sao bắt tôi ăn”. Chị lườm lườm nó
trách “mày thì làm được cái gì, chuột thì không có để bắt, suốt ngày chỉ kêu đòi
ăn luốn cuốn vướng chân”. Nhưng mà nếu không có nó bầu bạn, chắc chị sẽ héo rũ
trong mùa hè này mất.
Lúc chẳng có việc gì làm, chị mang những bức tranh của đứa con gái lớn ra sắp
xếp lại. Nếu chị không động tay vào chúng thì bụi sẽ phủ mờ, bụi còn sẵn sàng
nhấn chìm cả phòng vẽ trên tầng bốn. Từ khi nó đi du học, căn nhà này như tắt
hẳn một mảng màu rực rỡ, màu của tuổi trẻ. Chị ngồi nhớ khi nó còn ở nhà, nó
thường diện đồ rộng thùng thình, cắt tóc ngắn như con trai, miệng cười tươi như
hoa và trốn nhà đi bụi như cơm bữa. Chả cần son phấn, mascara cũng chẳng cần nề
hà phép tắc, chị cảm tưởng con bé cứ sống hồn nhiên bản năng như cây cỏ. Gặp gió
thì lay, gặp mưa thì mát, gặp nắng thì trổ hoa ngông nghênh, thách thức. Ấy vậy
mà chính chị lúc nào cũng mong muốn uốn nắn, bẻ cong cái mầm xanh mơn mởn ấy
giống như người ta uốn bờ rào, cây cảnh để mãn nhãn người đời. Cuối cùng thì
được gì? Con bé căng cựa vuột xa vòng tay chị. Thời gian đầu chị đã từng rất đau
khổ vì nghĩ mình đẻ con ra mà mất con, đến ngay cả tâm tính nó thế nào chị cũng
không nắm bắt được. Nhưng bây giờ mỗi khi ngồi một mình trên phòng vẽ của con,
chị lại nở một nụ cười pha lẫn chút tiếc nuối xót xa. Chị mừng vì nó ít ra đã
dám sống thật với bản thân mình. Hơn chị của ngày xưa…
* * *
Chị ngày xưa từ quê lên phố học. Bươn trải trầy trật mới tồn tại vất vưởng ở
thành phố này. Giống như hầu hết những đứa con gái tỉnh lẻ khác, chị mơ ước được
ở lại thành phố này. Không hẳn vì chị thích sự năng động nơi đây, nói đúng hơn
là chị đã mệt nhoài. Nhưng chị sợ cảm giác bị thất bại khi phải lủi thủi về quê.
Sợ sẽ chìm đắm trong những ngày dài ở quê chờ việc. Sợ nỗi ám ảnh nghèo đói, vất
vả của đời chị sẽ kéo dài cho đời con cái sau này nếu cứ bám lấy miền quê khốn
khó. Chị bắt đầu kiếm tìm mọi cơ hội cho mình, giống như đi tìm một tấm vé thông
hành để trở thành người thành phố. Ước mơ của những đứa con gái tỉnh lẻ lúc ấy
chỉ có thế. Nó mãnh liệt hơn tất thảy mọi nhu cầu. Nó vùi lấp những mơ ước cao
đẹp khác. Dù cho không ít người có miễn cưỡng phủ nhận nó nhưng vẫn cứ lao vào
cuộc kiếm tìm điên cuồng trong cái vẻ thản nhiên thường thấy.
Chị đẹp. Đàn ông theo chị nhiều, giàu sang hay nghèo hèn đều có, trai tỉnh lẻ
hay trai Hà Nội cũng đủ cả. Sẽ là dễ dàng có được tấm vé thông hành làm công dân
thành phố lâu dài nếu như trái tim chị lại không chót yêu một chàng trai nghèo
tỉnh lẻ. Sự đời vốn cứ thích chéo ngoe như thế mới đủ thử thách con tim. Mới có
một ngày như hôm nay chị ngồi đây mà tiếc nuối. Suy cho cùng chị cũng giống như
con nhện sống ba nghìn năm trước cửa miếu Phật bà Quan Âm(*). Hàng
ngày ngập trong khói hương và những lời cầu khấn vẫn chỉ ngộ ra rằng ở đời thứ
quý giá nhất là thứ không có được và thứ đã mất đi. Dù sau đó khi nhện được phật
cho vào sống cõi người dưới thân xác Châu Nhi. Để rồi trải qua nhiều buồn đau
cuối cùng đã nhận ra thứ quý giá nhất chính là hạnh phúc hiện đang nắm giữ chứ
không phải là thứ không có được và thứ đã mất đi. Còn chị chắc kiếp trước tu
chưa thành tâm nên kiếp này vẫn chỉ tiếc giọt sương từng đến bên đời mình rồi
rơi vỡ mất. Hình như ai trong chúng ta cũng vậy thôi, mỗi người mang giấc mơ về
một giọt sương đã được cơn gió Trường Phong mang đến rồi mang đi sau khi lỡ gieo
vào lòng ta giấc mơ lấp lánh màu hạnh phúc. Thế nên chị cứ nhớ mãi về người đàn
ông đó, người mà chị đã từng yêu.
…Người từng vẽ lên trong kí ức chị một giấc mơ bình yên ấy là Phương. Phương
từng bảo:
-Chúng ta sẽ hạnh phúc trong một ngôi nhà nhỏ có khu vườn rất rộng. Đất đai
quê anh trù phú lắm, cánh đồng và gió trời, tiếng chim và hương hoa. Nơi đó em
cứ việc trồng thật nhiều loài hoa mà em thích, một vài cây vú sữa cho các con và
thật nhiều vị thuốc. Em ở nhà viết văn chờ anh sau mỗi chuyến chở hàng về là
ngôi nhà lại tràn ngập tiếng cười. Nên hãy theo anh về quê đừng bon chen chốn đô
thành này không hợp với em đâu.
Chị coi đó là một lời cầu hôn nhưng đã bị chối từ dù anh đã vẽ ra một thế
giới bình yên chị đã từng ước mơ trong thẳm sâu ý nghĩ. Chị chối từ vì chị sợ
những giấc mơ đẹp đẽ quá thường không thành hiện thực. Nhất là khi nghề lái xe
đường dài của anh với bao nhiêu trắc trở sao có thể trở thành bến đỗ bình yên
của chị. Chưa kể về trình độ học vấn và hoàn cảnh gia đình Phương cũng thua kém
chị nhiều. Chị yêu Phương thật lòng nhưng chị cần một người đàn ông giỏi giang
hơn mình mới có thể chở che cho chị cả cuộc đời. Phương đã xoáy vào lòng tự ái
thẳm sâu trong chị khi nói rằng thành phố này không phải là nơi dành cho chị.
Chị sợ cảm giác thất bại. Phải rời bỏ một nơi nào đó trong hối tiếc cũng là một
thất bại. Vì thế chị đã chọn Phan để là người bám trụ lại Hà Nội duy nhất trong
số đám bạn thân hồi đại học. Chiếc vé thông hành đã có, chị quay cuồng nửa đời
người ở đất này ngoảnh lại thấy cô đơn một cõi…
Xót xa tìm thương nhớ tuổi đôi mươi…
* * *
Chị ngồi lau bụi trên từng bức ảnh của con. Mỗi vệt lau lại hiện ra một mảng
màu mơ ước. Bức tranh nào cũng ẩn hiện một cánh cửa, cánh cửa đó bị đóng kín
nhốt chặt một đôi mắt đang hừng hực lửa như muốn thiêu đốt tất cả. Chị có cảm
giác như có cái gì đó tức tưởi, muốn căng cựa, giãy giụa để trốn thoát sự kìm
hãm, tù túng. Chị nhìn rất kĩ từng bức tranh, trái tim chị đau buốt khi nghĩ về
những ngày dài nhốt chặt con trong phòng vẽ. Chị giả vờ như không nghe thấy
tiếng đập cửa, tiếng gào khóc van xin của con. Chị chỉ nghe thấy sự hả hê trong
trái tim một người mẹ đã từng bất lực về đứa con ngang bướng. Những ngày sau con
hoàn toàn câm lặng. Dù cho chị hoảng sợ đã mở toang cánh cửa thì con vẫn ngồi đó
không bước chân ra thế giới bên ngoài. Chỉ sống nhờ thùng mì tôm, nước lọc và
một cái nhà vệ sinh khép kín. Lúc nào chị bước vào cũng thấy con cặm cụi vẽ.
Những cánh cửa và đôi mắt, chớp mi tựa mặt hồ thu…
Chị thích tất cả những bức tranh con vẽ như thể con bé không chỉ vẽ cho nó mà
vẽ cho cả sự tù túng trong cuộc đời của chị. Chị đã sống quá nhiều cho lý trí.
Giống như một cỗ máy luôn được nâng cấp, lập trình những thứ hiện đại nhất. Cuộc
đời đã nhấn nút, cỗ máy cứ thế mà hoạt động. Người máy thì không có trái tim.
Còn chị thì dường như đã đánh rơi trái tim mình ở đâu đó khi mang lời cầu hôn
của một người đàn ông thả lên trời. Chị giờ ngồi đây tưởng tượng ra khu vườn
thật rộng, chị ngồi đọc sách trên một chiếc xích đu màu trắng. Dưới tán cây râm
mát chim chóc hót véo von, vào mùa thu lá vàng phủ đầy lối đi, phủ êm đềm những
giấc trưa không mộng mị. Chị sẽ viết những câu thơ mang đôi cánh của gió, mang
màu sắc của hoa và tiếng nói cất lên từ tâm hồn chân thật nhất.
Ở mảnh vườn như thẻo đất thừa này hàng ngày chị nhìn những loài cây chen chúc
nhau để đón ánh nắng, để mọc chồi, đơm bông. Khi chị ngồi bên cửa sổ đọc sách,
những câu chữ như cũng đang căng cựa muốn nhảy bung khỏi trang giấy đóng khung.
Mọi thứ đều trở lên ngột ngạt và nhễ nhượi. Thằng nhỏ nhà chị chỉ mong nhanh đến
hè là ra tàu về quê ngoại để tránh lịch học hè dày đặc. Để được theo ngoại đắp
mương tát tép, được lẽo đẽo theo thằng em con nhà chú đi thả diều trên núi, được
lùi lụt ngô khoai nhem nhuốc những ngày hè. Mỗi lần con từ quê điện lên, chị
nghe thấy trong tiếng cười vô tư lự của con dường như có chút tiếc nuối vu vơ
của chị. Con bảo:
-Dạo này chiều nào ngoại cũng phải lên núi tìm con. Cứ thả diều một lúc thấy
gió thổi mát rượi là nằm xuống ngủ quên lúc nào không biết. Con biết chỗ nào
ngày xưa mẹ hay mang ngô lên nướng, biết cả chỗ mẹ ngồi trú mưa những hôm đi
chăn trâu. Bây giờ cái hốc đá đó mọc lên toàn nấm, nấm gì hay lắm mẹ ạ, có rất
nhiều màu sắc.
Chị nghe con kể mà muốn trốn phố về quê. Muốn bỏ lại căn nhà bốn tầng lúc nào
cũng thấy thiếu tiếng người. Chồng chị đi công tác suốt ngày, đôi khi chẳng phải
vì công việc anh cũng vui thú bạn bè ở một miệt vườn xa lắc lơ nào đó. Hình như
trong nhà chị ai cũng chán phố nên bỏ lại ngôi nhà này cho chị trông nom. Chiều
nay đứa bạn thân điện hỏi thăm, sau tràng cười giòn tan, sau câu chuyện công
việc chồng con, bạn không quên hỏi chị một câu đau đến điếng lòng:
-Thế nào, làm người thành phố có thấy thích không?
Chị bỗng tắt nụ cười, mắt rơm rớm bảo:
-Dạo này chưa gì đã mắc bệnh tuổi già. Ngày nào cũng chỉ ngồi nhớ cố hương
thôi.
Bạn lại bảo:
-Mình chuyển về đây công tác đã chục năm rồi, gấp đôi cả quãng thời gian đã
sống ở dưới đó. Vậy mà thi thoảng vẫn nhớ phố đến cồn cào nữa là…
-Vậy hóa ra chúng ta thiếu cái gì thì nhớ cái đấy à?
-Cũng có thể là vì ai cũng cần phải có một cái gì đó để tiếc nuối, nhớ nhung.
Nỗi nhớ cũng giống như một món đồ trang sức càng đẹp thì càng đắt. Đời ảo
nhỉ?
Chị cười bảo bạn dạo này học đâu cái thói ưa triết lý. Ở đầu dây bên kia
không thấy có tiếng cười. Nắng bên này cũng tắt. Con mèo nằm quận tròn trên cửa
sổ lim dim mắt. Chị lại nhốt mình trong phòng tranh của con gái và ngắm nhìn
những đôi mắt đang căng cựa.
Vũ Thị Huyền Trang
No comments:
Post a Comment