Monday, September 3, 2012

Chạy ngược chiều


Ngày 27 – 06  - 1982

Chiều nay con mèo cụt (vì nó bị Hương đốt hết râu, không bắt chuột, chỉ nằm bếp. Mẹ ghét, mẹ ghét lây sang cả Hương). Nó khóc. Tại Hương thấy mắt nó chảy hai dòng đùng đục, trông tội lắm cơ. Mấy con dế Hương hun, nhốt trong chai, ai làm tuột nắp, nó chạy hết rồi. Chắc là con mực đấy, đồ hư thân (mẹ vẫn mắng Hương thế khi Hương làm sai điều gì). À! Mà mẹ hôm nay cũng khóc. Mẹ bưng mặt chạy ra bụi chuối, nơi Hương làm đồ hàng ý. Lúc nãy thấy mắt mẹ bị tím (đấy là bị đau, Hương đau rồi Hương biết). Ai mà làm mẹ đau nhỉ? Hương mà biết là Hương ghét lắm.
                                           Lê Hương (năm nay 7 tuổi)
Đang ở trong phòng với mẹ tự nhiên thấy hôm nay mẹ vào ngủ với Hương. Hương buồn ngủ, Hương đi ngủ đây.

Ngày 12 – 04 – 1985.

Hôm nay mình đang ngủ thấy bố to tiếng quá! Bố quát mẹ. Chiều thấy bố đi uống rượu về, say đi chân không vững. Vừa về đến nhà đã thấy mẹ mắng bố: “Uống cho lắm vào, về mà khật khưỡng. Không làm lấy gì mà đổ vào mồm”. Mẹ còn nói nhiều hơn nữa, nhiều lắm. Mình sợ chẳng dám nghe, chạy lẩn vào xó bếp ngồi mãi đến tối ăn cơm mới chịu ra. Chỉ có bố và mình ăn, ăn không được, bố đổ luôn xuống mâm, thấy thương bố nhưng mà sợ không dám nói gì. Mẹ không ăn cứ đi ra đi vào, vừa đi vừa khóc. Mình chẳng dám nhìn, ăn không nhai, ăn vội cho xong. Sao mẹ lại nhin cơm? Tội mẹ quá. Có ai bắt mẹ nhịn đâu. Là mình mình sẽ không nhịn. Đói thì khổ lắm, khóc cũng khổ. Chẳng thèm!
Lê Hương.




Ngày  07 -7- 1990.

Hôm nay bố mẹ đã đánh nhau trước mắt bạn bè mình. Điều đó thật là khủng khiếp. Mình xấu hổ thì ít mà thất vọng thì nhiều. Tại sao bố mẹ lại xử sự như thế nhỉ? Bố đi đánh đề về, thì ngày nào mà chẳng vậy. Tại sao mẹ không biết chấp nhận? Nếu đã không biết chấp nhận được thì tại sao mẹ không bỏ bố? Sau này nhất định mình sẽ không như thế. Nếu tình cảm đã không còn gì thì chẳng nên níu kéo sống cùng nhau. Mình sẽ ly hôn, không phải đấy là cách tốt nhất sao. Đỡ phải lo nghĩ và cũng tránh như mẹ, lúc nào cũng dày vò và đay nghiến con cái: “Chỉ tại chúng mày mà tao còn cố sống ở cái nhà này đến bây giờ, không thì tao bỏ cái nhà này lâu rồi.”
Mẹ đã vẫn ở vậy, vẫn chấp nhận và cuộc sống gia đình trở nên ngôt ngạt. Mỗi lần cha đi đánh đề, uông rượu về là mẹ chửi, những câu chửi không du di mà thẳng đều, tăm tắp. Khi mẹ mệt quá những câu chửi trở nên lộn xộn. Mẹ chửi dai dẳng, hình như không biết chán. Những lúc ấy mình chỉ ngồi một xó và cầu nguyện cho sớm kết thúc. Nhưng bao giờ mình cũng không còn nhớ nổi thực sự nó đã kết thúc từ khi nào và mình cũng thôi cầu nguyện từ khi nào nữa. Mọi thứ đối với mình như một cơn ác mộng. Mình đâm ghét chính mình, đàn bà sao lắm chuyện, cằn nhằn suốt ngày, điếc tai người thân, thiên hạ.
Bố thua đề, lại có sẵn men say, việc gì đến sẽ phải đến. Bố lồng lên như một con thú dữ xông vào đánh mẹ. Năm nay mình mười lăm tuổi, không biết đã bao lần chứng kiến những cảnh như thế, nó hằn sâu vào tâm trí. Nhiều lúc nỗi ám ảnh mạnh mẽ khiến mình đau đớn như có một dòng điện chạy qua đầu. Những lúc ấy mình chỉ biết bo chặt đầu và ngồi khóc. Những vòng dây xích quất tím đen chân mẹ. Những cái bóp cổ còn hằn dấu tay hay cái choảng đầu bằng mũ cối. Nhiều khi trong cơn mơ mình cứ thấy có một bàn tay gân cốt trước mặt. Nỗi hoảng sợ tràn về…
Nhiều người khuyên mẹ: “Một điều nhịn là chín đều lành”. Mẹ gạt đi: “Nhịn là nhịn thế nào. Mà loại ấy có nhịn cũng còn lâu mới nên người… Mấy kiếp” Nếu là mình, mình sẽ nhịn. Cứ nhìn gia đình mình thì thấy, hôm nào bố mẹ lành nhau là y rằng bố làm việc hăng hái lắm, còn tức lên bố ngủ từ ngày này sang ngày khác. Đến bữa thì dậy ăn. Mà kể cả không ngủ bố vẫn cứ nằm.
           
                                                               Cô gái sợ hãi


Năm 1995 (giao thừa 30 /12 /1995 – 1996 AL)
Cả năm nay mình không còn tâm trạng nào ngồi viết những dòng nhật ký cho riêng mình nữa. Giây phút này muốn ôn lại những vui buồn của cả năm dài, trước khi mình qua tuổi hai mươi.
Cuộc sống gia đình mình thì vẫn căng thẳng rồi. Nhưng mình biết thương mẹ mình nhiều hơn. Mình thương cả cuộc đời của những người phụ nữ. Nó như một điềm báo về tương lai phía trước của mình.
Mỗi bữa cơm mẹ hay có một thói quen rất “khổ”. Mẹ hay tính tiên từng món ăn trên đốt ngón tay. Món ăn thì chẳng có gì ngoài mấy con cá mắm, hay cá đông lạnh, lạng tôm khô. Rau nhà tự cấy. Bao giờ mẹ cũng dừng lại khi chưa hết đốt của một ngón tay. Có lúc mẹ tính cả tiền gạo của nhà mình làm ra, rau nhà mình trồng ra. Nhiều lúc bực quá mình gắt “Sao bữa cơm mẹ cứ tính tiền làm gì, ăn mất cả ngon”
Mình nhớ mình đã khóc suốt đêm khi nghe mẹ kể về cuộc đời sâu kín của mẹ. Mà chính mình - người con gái mẹ sinh ra với ước mong gần gũi sẻ chia đã không hiểu được điều ấy.
… Mẹ kể trước kia mẹ yêu một người con trai, yêu lắm nhưng gia đình họ không đồng ý, vì họ đã chót nhận lời với một gia đình khác. Mẹ đã tự rời xa: “Bát nước đầy đổ xuống đất không hớt lại vẹn nguyên”. Khi đó mẹ đẹp nhất làng, ông bà ngoại cứ kiên quyết “Phải lấy chồng giầu mới sướng”. Thế mà ngược lại với mong muốn và sự sắp đặt của mọi người, mẹ lấy bố - người con trai nhà nghèo đông anh chị em, bố lại hy sinh ngoài mặt trận. Khi đến với mẹ bố bị gia đình ngoại phản đối kịch liệt, nhất là các dì, các chị. Mẹ vẫn lấy, kiên quyết lấy “Sướng khổ mặc con”. Lấy bố về, mẹ khổ trăm đường, phải gồng lưng làm việc trả món nợ nhà chồng vay làm đám cưới. Khi sinh con ra chưa được bao lâu mẹ đã phải nhoài mình ra cánh đồng tìm rau cu sếu, rau má về ăn. Sữa không có cho con bú, đêm con khóc, mẹ như người điên dại ôm con vào lòng trong nỗi sợ hãi vu vơ… Ngoài kia người ta đang ri rỉ khóc cho lũ trẻ sơ sinh của làng, bị bệnh tật, thuốc thang thì không có, chúng cứ ra đi mãi…
Sau này con bị bệnh, mẹ bán đi thổ cư ra rừng vỡ đất. Những năm tháng cơ cực đã làm mẹ tiều tuỵ, kiệt quệ đi nhiều.
Mẹ kể, mẹ rất hay khóc, khi bồ thóc của nhà ngày một vơi đi. Bố xúc mang đi bán cho bà Tý đầu làng để đi chơi gái, rượu chè, hút thuốc, mẹ câm lặng một mình. Sắp đến giao thừa rồi, mẹ vẫn ngôi dưới bếp đồ xôi cúng tất niên. Bố chưa về, giao thừa nào cũng vậy. Chỉ có mình là không biết thôi. Tại sao mãi tận bây giờ mình mới biết một bí mật được chôn chặt tận mấy tầng tâm thức gia đình. Bố đã có bồ và một đứa con, mỗi năm vài lần bố sang sông thăm họ. Giao thừa nào cũng chỉ có hai mẹ con ở nhà. Sao mình ngu ngốc thế? Sao bây giờ mình mới bíêt? Mà biết để làm gì?
Mình thấy thương mẹ quá. Gần hết cả cuộc đời cam chịu. Rồi mình sẽ không lấy chồng cho mà xem. Mình ở vậy còn hơn. Chẳng phải cô giáo mình vẫn thường đùa: “Chồng con là cái nợ nần…”  Cô giáo ở một mình mấy chục năm trời có thấy làm sao đâu. Nhẹ tênh chẳng phải lo nghĩ gì. Trông cô lúc nào cũng phơi phới. Đến tuổi của mẹ chắc cô cũng chẳng già đến thế.
Mà nếu có phải lấy chồng, mình cũng sẽ chẳng bao giờ lấy chồng nghèo như mẹ. Khi miếng ăn còn chưa đủ nói gì đến sự tốt đẹp ở đời. Đói bụng thì thường sinh ra cáu bẳn, cãi nhau. Lấy chồng nghèo, vạ vật kiếm ăn, cuộc đời sinh ra cơ cực… Nói tóm lại, mình sẽ không lấy chồng và nếu có phải lấy cũng không lấy chồng nghèo. Thế thôi!
Năm mới rồi đây, lớn rồi đấy, nhớ mà giữ lấy những điều mình nghĩ, khổ mãi rồi…
Chúc bố mẹ sang năm mới đỡ vất vả hơn chứ cuộc sống cứ như thế này đến ngột ngạt mà chết mất. Người ta cứ bảo khổ mãi khắc quen. “Khổ” thì ai  mà quen nổi.

Ngày…Tháng…Năm…
Hôm nay là một ngày bình thường như bao nhiêu ngày khác của cuộc đời mình, vẫn bộn bề lo toan và tự dằn vặt trăm mối tơ vò. Từ ngày biết mẹ mắc bệnh nặng đến giờ chẳng đêm nào mình yên giấc cả. Rất gần thôi, phía bên kia bức tường là mẹ mình, tưởng có thể sờ thấy cơn đau đang hành hạ mẹ từng giờ. Cái bệnh đau đại tràng quái ác ấy sao mà dai dẳng thế, để đêm nào trong căn nhà không cửa, gió thông thống lùa vào càng làm cho tiếng rên rỉ kêu đau của mẹ như những nhát dao cứa vào tâm trí mình  một nỗi ám ảnh khôn nguôi.
Giá như…Giá như cuộc sống không quá cực khổ, mẹ không phải tảo tần, đầu tắt mặt tối từ lúc về nhà chồng thì chắc gì mẹ lại mắc bệnh. Một ngày làm quần quật từ mờ sương đến tối mịt, ăn vội ăn vàng bát cơm lại lai lưng ra làm tiếp, không được nghỉ ngơi hỏi làm sao không sinh ra bệnh. Giá như bây giờ gia đình mình khấm khá một chút, có tiền đưa mẹ đi chữa bệnh thì cũng đâu đến nỗi. Đằng này lo cái ăn qua ngày cũng còn vất vả, nhiều khi mẹ lên cơn đau dữ mà thuốc không có, bữa cơm đạm bạc chẳng có gì bồi dưỡng, thương mẹ mà chẳng biết phải làm gì. Sao cái làng quê mình nghèo thế không biết, từ khi mình sinh ra đã thấy nghèo, lớn lên vẫn nghèo chẳng biết bao giờ hết khổ. Năm nay mưa gió chẳng thuận hoà, cánh đồng trước mặt đã lâu lắm không được cơn mưa nào đã bong vẩy từng lớp đất, con người còn khó chịu huống chi cây lúa, cây ngô. Chắc mùa này còn đói dài dài…
Mình đang suy nghĩ xem có lên đi học may dưới huyện hay không, nếu đi học thì đời mình may chăng thoát được cảnh chân lấm tay bùn, quanh năm “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Xuống huyện rồi không chừng vừa kiếm được việc làm ổn định, mưa chẳng đến mặt, nắng chẳng đến đầu mà lại còn kiếm được một tấm chồng. Mà buồn cười thật, sao mình lại nghĩ đến chồng con vào lúc này nhỉ. Mình còn lo làm sao ra tiền cho mẹ đi chữa bệnh đây này, chứ chồng con thì lo gì mà chắc gì mình đã lấy. Không phải cả làng này ai cũng bảo “ Con Hương thì lấy đâu mà chả được tấm chồng”. Ờ! lấy đâu chả được tấm chồng nhưng biết có ra chồng không hay lại ôm rơm nặng bụng. Như mấy đứa bạn trong xóm, cũng chồng đấy, cũng cưới xin đàng hoàng mà chẳng hiểu thế nào ba bảy hai mốt ngày lại dắt  con về nhà mẹ đẻ, mặt mũi xưng húp. Có đứa đi chợ nhìn thấy bạn bè vội lấy nón che mặt mà quay đi hướng khác vì sợ chê cười, sợ níu lại hỏi xem làm “ làm sao ra cơ sự ấy?”. Mình cứ nghĩ đến thương còn không hết nào dám chê cười, đành rằng cứ bảo sau này nhất định không chịu lấy chồng nghèo nhưng mẹ vẫn bảo con người có số phận cả đấy thôi. Chả gì mấy thằng choai choai trong làng chưa gặp đã  nhe nhửn chêu “ Chị Hương á, cứ kiêu mãi đi, không chịu lấy chồng có mà ế, hồng nhan thì bạc phận đấy bà chị ạ”. Ừ! Bạc phận như mẹ là cùng, mà như thế thì sống còn có ý nghĩa gì đâu.
Nhà có mấy anh em, các anh thì đã vợ con cả rồi thành ra nhà còn có một mình vừa là niềm vui, vừa là gánh nặng. Dạo này anh Phương xóm bên hay ngấp nghé ở cổng làm mọi người cứ chêu luôn. Kể ra nhìn người ta cũng tội, mẹ cứ nói dóng là người ta con một, gia đình gia giáo, trông lại vừa mắt. Thế mà không hiểu sao mình chẳng thể tiếp chuyện người ta được, có một khoảng cách nào đó đã được tạo ra từ rất lâu rồi mà mình không thể rút ngắn được. Chắc là mẹ hiểu, làm sao mà mẹ lại không hiểu được con gái mẹ cơ chứ. Người con cái cả đời cứ cố gắng để không dẵm vào bước chân của mẹ. Mẹ đã lội từ con đường quang đãng vào cánh đồng lầy lội để rồi bập bõm lội mòn mặt trăng, mặt trời mà vẫn chưa hết đồng chiều. Quay lại thì không thể, đi tiếp cũng không xong thế nên cứ cắm chân xuống bùn và tự tạo cho mình mơ ước.

Ngày…Tháng…Năm

Mình đã bảo là sẽ không yêu đâu mà đã yêu thì phải yêu một người khác cơ, một người giàu có, tương lai sáng sủa. Thế mà lại đem lòng yêu Phương chứ. Buồn quá! Giận bản thân mình quá, chả hiểu sao lại ngu ngốc nhận lời. Biết là người ta tốt thật nhưng sau này cuộc sống có được bảo đảm chỉ bằng lòng tốt hay không? Nhẽ ra mình nên kết thúc mấy năm theo đuổi của Phương bằng một lời từ chối thẳng thừng đằng này lại tự gò mình vào mối quan hệ yêu đương. Nhưng mà mình yêu người ta thật lòng, rõ ràng là không thể chối cãi được điều đó. Thế mới biết vì sao người ta lại khổ vì yêu nhiều đến thế, mình cũng chỉ là con người, có sắt đá bao nhiêu đi nữa thì cũng vẫn chỉ là một đứa con gái mà thôi. Tại sao có biết bao nhiêu người con gái trên đời anh lại cứ phải theo đuổi mình rồi để làm khổ nhau cơ chứ?
Bố mẹ có vẻ vui khi thấy mình gần gũi với Phương, điều đấy cũng dễ hiểu thôi nhưng sao trong niềm vui ấy lại thấy sự chua chát phảng phất trong những nụ cười. Tối nay khi mình đi vào buồng thay áo, nghe mẹ hỏi Phương:
-         Sau này có đến được với nhau thì chúng mày định tính thế nào? Ý mẹ là tính làm cái gì mà sống hay là lại chân lấm tay bùn chăm ba sào ruộng như bố mẹ để cả đời vẫn  không ngóc mặt lên  được?
Nhìn Phương ngồi vân vê tà áo mà ái ngại. Tương lai của mình là thế đấy.
Năm nay mưa nắng thuận hoà, mùa màng cũng tốt. Vụ lúa này mẹ bảo sẽ cho mình xuống huyện học may đây, năm trước đã định đi mà túng quá. Phương có nghề, có việc rồi, mình thì cũng phải lo phần mình đi chứ.
Chán! Chẳng biết cuộc đời mình sẽ đi đến đâu nữa. Thôi thì cố được đến đâu thì cố vậy. Chẳng phải mẹ vẫn bảo “đời người có số” cả đấy thôi. Số phận thì nằm trong bụng đã có số rồi, có tránh cũng không thể được. Mà sao tự nhiên mình lại nghĩ thế nhỉ, chả giống với mình ngày xưa gì cả. Thôi, không nghĩ gì nữa. Chả nghĩ làm gì cho mệt, chắc gì mình mới Phương đã đến được với nhau mà suy nghĩ cho đau đầu. Vừa xoè bàn tay ra thấy đường nào đi đường đấy, thể nào mà chả sướng.
Ngủ cái đã, cả ngày làm việc đã mệt lử rồi. Dạo này hết mùa nên nhàn rỗi, mẹ   nhờ lấy được mấy thang thuốc bắc xem ra bệnh có phần dịu bớt. Nghe thấy mẹ thở đều đều mà nhẹ nhõm. Đêm nay thể nào mình cũng ngủ ngon lắm đây.


Ngày 25 – 07 – 2005.

Hôm nay tôi quyết định sẽ ngồi tại chiếc bàn gỗ đã chóc sơn này lần cuối để khép lại trang nhật ký của mình ở tuổi ba mươi. Ngày mai tôi lên xe hoa về nhà chồng. Trong buồng, mẹ đang kìm nén từng tiếng nấc. Tự nhiên thấy mình buồn, cứ bảo sẽ không lấy chồng nhưng ba mươi rồi con gì, thấy người ta tay bế tay bồng, ốm đau được chồng nấu cho bát cháo. Lớn rồi không thể ở cả đời bên cha mẹ. Dù có muốn đến nhường nào thì cũng có một ngày cha mẹ cũng phải ra đi. Tự nhiên thấy sự cô độc vô cùng, lại thèm khát một mái ấm gia đình.
Chiều nay nhận được thư Phương. Anh trách tôi đã rời bỏ anh chỉ vì anh nghèo quá. Đúng là tôi yêu anh thật nhưng làm sao tôi có thể theo anh, ký gửi cả cuộc đời mình cho một người đàn ông lương công nhân chỉ đủ ăn qua bữa. Đành rằng hai vợ chồng khổ một tí cũng không sao. Nhưng sau này đẻ con ra lấy gì mà nuôi chúng ở chốn thị thành đến cái tăm cũng phải mua.
Chia tay tôi, anh cũng sẽ hạnh phúc hơn. Bởi tôi là người phụ nữ không tốt, thật không xứng đáng với anh. Đêm nay tôi sẽ khóc lần cuối cùng cho anh. Để ngày mai tôi về nhà chồng giầu sang và sung sướng. Cũng hết một kiếp đàn bà…
Chông tôi liệu có yêu thương tôi đến hết cuộc đời. Mẹ bảo: “Con trai môi đỏ đĩ lắm”. Mẹ vẫn muốn tôi lấy Phương. Xin lỗi mẹ. “Sướng khổ con chịu” nhưng không thể sống nghèo như cha mẹ được, khổ lắm, cực lắm!
Mai con về nhà chồng, liệu cuộc sống sau này có hơn mẹ hay không? Đời đàn bà sao sinh ra đã khổ…
Mai con đi lấy chồng

Ngày 30 – 03 – 2008

Mẹ ơi! Chồng con phụ bạc con quá nhiều mẹ ạ. Sao ngày xưa mẹ bảo “Môi đỏ đĩ lắm” con không tin, để giờ đây con sống trong sự dằn vặt đau khổ tận cùng. Lần đầu tiên con phát hiện ra hắn hay về muộn và trên người bao giờ cũng có mùi rượu, mùi son phấn, con đã lồng lộn kêu gào, bới nhiếc và nhục mạ. Con đã làm gì thế mẹ? Để rồi hắn nhìn con như nhìn kẻ thù và ngày nào về cũng sặc mùi hoang lạnh. Lúc nào con cũng muốn xông vào hắn để cắn xe ra từng mảnh.
Giờ con chán việc mua sắm và làm đẹp, chán mọi công việc nội trợ. Và chán luôn cả việc ra đường. Một mình trong căn nhà năm tầng giữa thành phố không một người thân thích, lùi lũi ra vào. Nắng cũng không chiếu lọt để tách con ra thành chiếc bóng. Dù chỉ là một chiếc bóng cũng bớt cô độc hơn mẹ nhỉ?
Con rất muốn quay về bên mẹ, nhưng một thời: “ Sướng khổ con chịu” Giờ quay lại sao đành. Thấy thương mẹ quá! Gồng gánh hạnh phúc nhỏ nhoi đi gần hết cuộc đời mình. Mẹ ơi! mẹ đã đơn độc đến thế nào? Con lại nhớ có lần giữa đêm mưa gió, mẹ lao mình ra ngoài bụi chuối và ngồi khóc. Mẹ ơi! Con chó, con gà, mưa nắng còn biết rúc vào nhà, sao đời mẹ khổ?
Đêm qua con lại nằm mơ thấy Phương. Phương nhìn thấy con, anh ấy quay đi cùng với vợ con. Con thấy gia đình họ rất hạnh phúc. Sáng dậy, con thấy buồn buồn. Đến giờ nấu cơm rồi đấy mẹ nhỉ? Nhưng con thì nấu để làm gì, khi mình con nấu, mình con ngồi cô độc giữa ngôi nhà rộng lớn không một tiếng người cười nói.
Chả hiểu sao cái số con lại khổ thế này, chồng đã chẳng ra đằng chồng lại không đẻ được lấy một mụn con. Thời con gái cũng chẳng lăng nhăng, dại dột gì. Cơ thể lúc ấy vẫn bình thường thế mà lấy chồng về cảm nhận thấy được sự thay đổi, khác lạ từng ngày một. Đã mấy lần cứ mừng hụt tưởng mình mang thai. Cũng thấy buồn nôn, thèm ăn thế mà không phải, chưa gì đã mừng rơi nước mắt. Giá mà có thai chắc chồng con cũng đối xử với con tử tế hơn. Vậy hoá ra là lỗi tại đàn bà, cái gì cũng tại đàn bà hết. Có êm ấm hay không, có cơm lành canh ngọt hay không hoá ra cũng đổ tại đàn bà. Mà nghĩ cho cùng thì cũng đúng, giá có tiếng trẻ con trong nhà thì cũng bớt nhàm chán đi bao nhiêu, đằng này cứ đi là thôi chứ về nhà ra chạm mặt, vào chạm mũi, nhìn nhau đã chán chứ nói gì đến chăm sóc thương yêu lẫn nhau mẹ nhỉ? Biết thế mà ông trời chẳng thương con gì cả. Nào con có mong con trai quý tử gì đâu, chỉ cần có lấy một đứa con dù trai dù gái cũng là hạnh phúc lắm rồi. Cứ cho là chồng trăng hoa, ngày nào cũng đi từ sáng đến đêm mới về, thử hỏi có đứa con khi bé thì nó bi bô, lớn lên thì nó thủ thỉ, tỉ tê đủ các thứ chuyện mà không đỡ cô quạnh hơn sao? Ngày xưa mẹ vẫn bảo “ Tao sống đến bây giờ trong cái nhà này là vì chúng mày đấy. Chứ nếu không tao chả thiết sống làm gì”.
Đời con chán lắm, cứ cố gắng để tránh thật xa con đường mà mẹ đã đi thì hình như càng dẫm phải, dù điểm xuất phát ban đầu đã ngược chiều nhau. Mẹ không biết đâu, có nhiều đêm nằm bên cạnh người chồng nồng nặc mùi rượu, mùi nôn mửa con thấy mình là người đàn bà vô duyên nhất thế gian. Có muốn níu kéo hạn phúc gia đình cũng không được nữa rồi, đáng nguyền rủa sao cái giống đàn bà yêu chồng mà không được chồng yêu. Người ta bỏ tiền ra lấy mình về làm vợ mà cũng không biết đường làm vợ. Trong những cơn say ngật ngưỡng trở về, có đôi khi hắn dội lên đầu con hàng trăm nghìn câu sỉ vả và để kết thúc cho bài diễn thuyết bằng hơi men ấy, bao giờ hắn cũng nhận định một câu chắc như đinh đóng cột “ Giống đàn bà như cô không đuổi ra khỏi nhà là còn may rồi, là tôi còn nhân đạo chán. Đừng có than thở làm gì cho khổ. Muốn sướng à? Cứ đẻ cho tôi được một đứa con rồi muốn gì cũng được. Nếu không là tôi đi lấy vợ khác đấy. Lúc ấy tôi trả cô về nơi sản xuất đấy. Giống đàn bà nhưn cô thì hỏng, hỏng thật. Chả làm cái quái gì.”
Nhiều đêm nhìn trăng chênh chếch sau những ngôi nhà cao tầng con càng thấy mình cô đơn, nhỏ bé biết nhường nào. Con cũng giống như vầng trăng kia mê muội nên bị bắt vào chốn thị thành để bây giờ muốn tìm đường thoát ra thì không kịp nữa. Thương thay cho vầng trăng mắc cạn giữa đêm giằm, chẳng thể hội tụ cùng mây cùng gió được. Cũng có lúc con thấy trăng đang khóc, giọt nước mắt của đàn bà nhưng lại là tiếng khóc của trẻ thơ đòi sữa mẹ. Những lúc như thế con cảm giác như dòng sữa đang về trong bầu ngực đã bầm dập cả rồi, mỗi lần nghe thấy tiếng trẻ con khóc trong đêm con lại giật mình sờ xung quanh xem có phải là con mình đang khóc đấy không? Chưa bao giờ thèm cái cảm giác được làm mẹ như lúc này, sao mà nó thiêng liêng vừa gần gũi lại vừa xa vời thế.
Mẹ biết không, những lời ru ngọt ngào tha thiết của mẹ vẫn thường ru các cháu khi con còn ở nhà đã ngấm vào con tự lúc nào không biết. Có đôi khi ở nhà một mình trong mấy bức tường con vẫn vô thức cất lên lời ru nhè nhẹ, rồi giật mình chỉ sợ ai đó nghe thấy lại chê cười chế nhạo. Cũng có đôi khi con tự ru mình rồi chìm vào giấc ngủ khi nào không biết nữa. Thấy nhớ mênh mang rừng ruộng, đồng quê trong từng hơi thở, nhớ căn nhà của mẹ thông thống gió thổi vào bốn mùa không ngớt. Thấy thèm được nghe tiếng thở đều đều của mẹ sau bức vách phả vào màn đêm quê mình tĩnh lặng, thèm được nghe tiếng ngáy của cha sau một ngày bộn bề toan tính. Thấy thương cha mẹ nhiều hơn, không còn gợn chút giận hờn trách móc. Sướng khổ thôi thì đổ tại ông trời…
Phương ơi! Nếu biết em phải sống khổ sở thế này chắc là anh còn thương em lắm. Thương làm gì người con gái như em. Anh cứ ghét bỏ em đi, cứ nguyền rủa em đi bằng cách sống sao cho thật hạnh phúc, vui vẻ. Cứ vợ đẹp con khôn cho bõ những ngày ngu dại theo đuổi một người con gái như em. Ở đời tính ra cũng công bằng cả đấy thôi, ông trời khôn khéo thật, chẳng công bằng với người đời bằng cách muốn gì được đấy mà “ghét của nào trời chao của ấy”. Có thế em mới khổ đến nông nỗi này đây.
Mẹ ơi! Con gái còn thua cả mẹ nữa rồi, cứ mải miết, gắng sức mà chạy ngược chiều. Mặc cho những đợt gió độc liên tục quật ngang khuôn mặt thì con vẫn cố gắng dùng hết sức mình mà chạy. Cứ chạy…Đôi khi dừng lại, nghoảng lại…Rồi lại chạy tiếp, dồn hết sức cho quãng đường cuối cùng trước mặt. Để đến đích mới nhận ra đó chỉ là cái đích ảo vọng mà thôi. Con thua mẹ thật rồi, thua mẹ trăm nghìn lần chưa hết. Mẹ còn đứng tiếp trên đường đời vì có những đứa con, còn con thì chỉ có một mình thôi, chỉ một mình cùng với sự dằn vặt, dày vò sẽ không bao giờ nguôi ngoai cả.
Mẹ ơi! Con thua mẹ thật rồi!

Tivi vừa báo: “ Ngày mai, gió mùa đông bắc tràn về!”mẹ ạ! Con ngục đầu bên ô cửa, nghe như gió đang thêu dệt một khúc ru man mát đồng quê có mùi lúa mới. Phải rồi, mùa này quê mẹ lúa còn non, ngậm miệng cắn đôi hạt lúa tưởng có thể cảm nhận được mùi thơm như dòng sữa mẹ. Chắc hẳn  gió đưa hương lúa về để níu kéo con với cuộc sống này đây.
Nhắm mắt, thấy con cò trong ca dao đang ngụp lặn dưới quãng sông sâu khi mặt trời cũng ngụp trong đỉnh núi, tiếng đàn trâu lọc cọc gõ mõ về làng mỗi buổi chiều êm ả. Đã qua rồi cái nghèo cái đói mà vẫn thấy thương hoài định mệnh một lời ru.

Trang Rêu!

1 comment: