Ngân ngồi lặng hàng giờ trong
gian thờ mẹ, lòng nặng trĩu, hai hàng nước mắt lặng thầm lăn trên gò má đã gầy
xọp đi vì thiếu ngủ. Mẹ mất đã được bốn năm do một cơn nhồi máu cơ tim khi đang đi
công tác vùng cao. Khi đó Ngân vừa tròn mười tám tuổi, bao ước mơ đẹp đẽ của
cuộc đời còn ở phía trước, thế mà bỗng dưng thành đứa trẻ mồ côi mẹ. Khi không
còn mẹ trên cuộc đời, Ngân như bị rơi vào một hố sâu hụt hẫng, chênh vênh. Khi
không còn mẹ, căn nhà như rộng thênh thang và hun hút gió bốn mùa, dù bố đã cố
gắng để xoa dịu và bù đắp cho Ngân.
Bốn năm, bố tập cách làm bạn với
Ngân bằng tất cả tình yêu thương của một người cha, dù khi mẹ còn sống, suốt
bao nhiêu năm bố chỉ biết lao đầu vào công việc, vào những dự án làm ăn xuyên
biên giới. Ngân biết, khi mẹ mất, chính bố cũng là người phải tập sống cô đơn
khi không có người bầu bạn, chia sẻ mọi buồn vui trong cuộc sống. Đã có lúc trở
về sau một vui chơi với bạn bè, Ngân bắt gặp dáng rồi cô độc của bố trong chính
ngôi nhà thân thuộc. Rồi để trở thành một người cha mẫu mực, bố học cách trở về
nhà sau giờ làm việc, không la cà quán xá, không cả những cuộc tụ tập đánh cờ
vui với bạn bè. Tất cả thời gian bố dành cho việc gây dựng công ty và gần gũi,
chăm sóc Ngân. Cho đến tận khi bố gặp người đàn bà ấy, người mà Ngân vẫn thường
gọi là cô Hạnh.
Cô Hạnh trẻ, hơn Ngân hơn mười
tuổi, cô làm cho một công ty chuyên thiết kế không gian. Một năm trước nhân dịp
mùa xuân, để thay đổi không khí u ám,
trầm mặc trong gia đình, bố từng mời cô về để trang trí, sắp xếp lại ngôi nhà.
Chính cô là người đã thiết kế những ô cửa sổ nhỏ trong phòng thờ mẹ và cả một
khu vườn tràn ngập thiên nhiên từ ô đất bỏ không. Cô Hạnh đến làm việc trong
nửa tháng thì mọi việc hoàn thành, nhưng từ đó thì thoảng cô vẫn quay lại thăm hai bố con Ngân. Lúc đầu Ngân
chỉ nghĩ đó là một mối quan hệ xã giao bình thường. Thi thoảng có cô, Ngân cũng
thấy đỡ cô quạnh và trống trải. Nhưng khi Ngân đủ tinh tế để nhận ra rằng có
một điều gì đó bất ổn đang diễn ra trong ngôi nhà này, trong những thay đổi,
những buồn vui thất thường của bố. Thì Ngân cảm thấy thật sự bất an.
Đã từ rất lâu rồi, kể từ khi mẹ
mất, mãi cho đến tận hôm nay Ngân mới nghe bố khe khẽ hát trong nhà tắm, bố nói
với Ngân rất dịu dàng. Sự dịu dàng của một người đang hạnh phúc. Nhất là cái
cách bố trông chờ tiếng chuông điện thoại, bố ngồi nghĩ ngợi khi nhắn một cái
tin và đôi khi còn cười một mình trong phòng làm việc. Ngân lờ mờ nhận ra rằng
đã có sự thay đổi thật sự đang diễn ra trong con người bố nhất là khi cô Hạnh
chăm đến chơi nhà hơn. Ngân mơ hồ lo sợ rằng sẽ có một người đàn bà khác bước
vào ngôi nhà này thay thế mẹ. Ý nghĩ ấy khiến Ngân cảm thấy nhói đau và hờn
giận bố ghê ghớm lắm. Đã có lúc Ngân muốn hét lên rằng chừng nào Ngân còn sống
trong ngôi nhà này thì bố đừng hòng đưa bất cứ người đàn bà nào bước chân vào ngưỡng
cửa này. Nơi mà tất cả mọi vật dụng và ngõ ngách đều in đậm hình bóng mẹ, kể cả
khi mẹ đã đi xa bốn năm chăng nữa thì mãi mãi cũng không ai có thể thay thế mẹ.
Không ai hết.
Suốt mấy ngày nay Ngân luôn im
lặng khi trở về nhà, nhất là mỗi khi cô Hạnh ghé chơi. Ngân không còn mời cô ở
lại ăn cơm, không cho cô bước chân vào gian thờ mẹ kể cả với lí do là sang sửa
lại gian phòng. Cho đến một hôm trong
bữa cơm chiều, Ngân hỏi bố:
-Bố muốn đi thêm bước nữa phải
không ạ? Dù có là ai đi chăng nữa thì con cũng không đồng ý. Con không chịu
đựng được khi nghĩ rằng sẽ có một người đến đây để tập cách thay thế mẹ.
Bố hơi sững sờ, có thể vì trước
đây bố luôn nghĩ Ngân rất trẻ con, mọi suy nghĩ đều rất giản đơn. Thế nên Ngân
đọc được trong mắt bố chút bàng hoàng, hẫng hụt và thất vọng. Bố khẽ thở dài
bảo:
-Nếu bố lấy vợ thì...
-Thì con sẽ đi khỏi ngôi nhà này.
-Không! Nếu con không thích thì
thôi. Bố chỉ nghĩ đơn giản rằng có thêm một người thì ngôi nhà sẽ vui hơn.
Nhưng được rồi, chỉ hai bố con mình cũng rất vui phải không nào con gái. Thôi,
con ăn đi, ăn nhiều vào, dạo này bố thấy con gầy đi nhiều đấy.
Nhẽ ra khi nói được tất cả những
điều ấy Ngân sẽ thấy nhẹ lòng, thậm chí là hả hê. Nhưng khi nhìn thấy sự luống
cuống và buồn bã của bố, tự nhiên Ngân thấy lòng nặng trĩu như có một nỗi buồn
không thể cất cánh lên. Vừa là buồn cho mình, buồn cho bố và xót thương cho cả
mẹ. Nếu như mẹ biết rằng, sau ba năm bố đã bắt đầu thương yêu một người đàn bà
khác thì hẳn mẹ sẽ rất buồn. Cái ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết,
giữa tình yêu và sự lãng quên cứ ám ảnh trong từng suy nghĩ của Ngân.
*
* *
Ngân gặp Nam tại quán trà nóng ngay đầu ngõ,
nơi bác gái lúc nào cũng đon đả mời Ngân ngồi la cà một lúc sau giờ làm việc. Nam là
dân công trình, thi thoảng lại mang bản vẽ ra quán trà vừa uống vừa bàn chuyện
công việc. Gặp nhau đôi ba lần, lân la vài câu chuyện thời lạm phát, lúc cao
hứng xin nhau địa chỉ nick yahoo rồi tạt qua facebook thăm nhau như bao nhiêu
người trẻ thời internet khác. Cái thế giới vừa ảo vừa thực ấy nối con người ta
lại gần nhau hơn bằng những câu chuyện đời thường. Những ngày mưa xuân lấp
phất, Nam
lại rủ Ngân la cà trà nóng. Những ngày nắng ấm trời, cao hứng lên hai đứa đi sở
thú, đạp vịt Hồ Tây, đôi khi lai rai bên một quán bia vỉa hè. Nhiều lúc Nam bảo:
-Nếu Ngân là một đứa con trai thì
cũng không có gì kém thú vị đâu. Vẫn vỉa hè, vẫn nâng cốc và chuyện phiếm như
thường.
Ngân nguýt dài:
-Chê khéo người ta thiếu nữ tính
chứ gì?
Rồi hai đứa cười phá lên, lại
nâng cốc, lại xé mực lai rai. Lúc cao hứng Ngân hát khe khẽ một bài nhạc chế, Nam ôm bụng
cười rồi đối lại ngon ơ. Thế mà cũng có lúc Ngân chợt trầm xuống, lặng đi khi
thấy hai mẹ con người dưng đi xách làn đi chợ, cười cười nói nói với nhau. Cô
con gái cũng chỉ bằng tuổi Ngân, nếu mẹ còn sống có khi tóc cũng đã có vài sợi
bạc giống người đàn bà ấy. Tự nhiên mắt cay xè, đầu óc quay quồng, miệng đắng
ngắt không biết có phải vì đôi cốc bia hay là vì một cơn gió lạnh buốt từ đâu
vừa ùa đến chạm vào tim.
Sau những buổi rong ruổi bên Nam ,
Ngân thường trở về nhà bằng tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Đôi lúc Ngân bắt gặp bố
ngồi thẫn thờ ngoài ban công, lúc ấy trông bố già nua, khắc khổ đến nhói lòng.
Dạo này cô Hạnh không còn đến chơi nhà, lọ hoa hồng trong phòng khác đã úa
không có người thay, bố mua về vài con chim tào mào mũ hót cho vui cửa vui nhà.
Mỗi lần nhìn bố, Ngân không thể nào cất lên những bản nhạc khe khẽ của mùa xuân.
Ngay cả lúc lòng rộn ràng khi tình yêu với Nam vừa chớm nở.
Có nhiều đêm tỉnh giấc, mùi hương
nhang dẫn Ngân đến trước phòng thờ mẹ. Bố ngồi đó, thi thoảng lại chuyện trò
cùng di ảnh mẹ và làn khói mờ ảo trong ánh nến đỏ tỏa khắp gian phòng. Không
gian tĩnh lặng, tiếng động hồ quả lắc dường như càng trở lên cô độc đến tàn
nhẫn. Gió lùa vào lạnh buốt qua ô cửa nhỏ cạnh cầu thang, thi thoảng tiếng xào
xạc của những chiếc lá cây ngọc lan khô rụng càng khiến lòng cô quạnh. Ngân
đứng nép vào tường, nghe rõ từng tiếng thở dài của bố:
-Mình ạ. Mình đi rồi bỏ lại mình
tôi ở lại nơi này buồn lắm. Cái Ngân nó lớn rồi, mình có thấy không, nó giống
mình ngày xưa quá đỗi. Từ dáng người cho đến cả cái cách ăn nói nữa. Mà rồi nó
cũng sẽ yêu, sẽ yên bề gia thất. Lúc ấy chỉ còn có mình tôi trong căn nhà này thôi
mình ạ.
Ngân úp mặt vào tường, nước mắt
khẽ lăn dài, cố kìm để không bật thành tiếng nấc. Ngoài ban công, mấy con chào
mào tỉnh giấc vì lạnh vẫy cánh bay phành phạch trong lồng. Bố mệt mỏi đứng dậy,
lấy mấy mản vải che lại từng cái lồng chim. Mùi nhang như tỏa ra khắp ngôi nhà,
Ngân vào phòng mình, ngồi im lặng trong bóng tối và tự hỏi phải chăng mình đã
quá ích kỉ khi chỉ nghĩ đến cảm giác của bản thân mà không nghĩ đến sự cô độc
của bố?. Ngân nghe từng tiếng bước chân bố đang chậm chạp bước xuống cầu thang,
những bước chân vọng lại sao giống tiếng lá rơi ngoài cửa sổ. Mỏng mảnh và cô
độc.
* * *
Lại một năm nữa sắp trôi qua, cha
già đi trông thấy. Một năm với bộn bề buồn vui lẫn lộn khiến lòng Ngân trầm
lắng hơn, trưởng thành hơn. Ngân nghĩ về những nỗi buồn của bố, nghĩ đến ngày
mình theo chồng bỏ lại bố một mình mà lòng buồn rơi rớt. Ngân rất sợ sự cô độc
sẽ giết chết cha trong mòn mỏi để đến một ngày nào đó ngoảnh lại Ngân chẳng còn
ai ruột thịt trên thế gian này để mà yêu thương nữa. Để rồi Ngân nhận ra rằng
người chết thì đã chết rồi, người sống vẫn phải sống cuộc đời của mình sao cho
thật tốt. Bố bây giờ còn khỏe thì không sao nhưng sau này già yếu rồi, lúc trái
nắng trở trời ở một mình biết phải cạy nhờ ai? Thế nên đã đến lúc Ngân nghĩ đến
việc chấp nhận để bố đi bước nữa. Chấp nhận việc có một người đàn bà khác bước
vào ngôi nhà đã từng gắn liền với những vui buồn về mẹ. Dù biết sẽ rất khó khăn
để quen với sự thay đổi này, nhưng vì nụ cười trên môi bố Ngân sẽ chấp nhận và
cố gắng.
Ngân nhớ đã có một lần Nam
từng nói với Ngân rằng những người đến từ mùa xuân bao giờ cũng mang về nhiều
lộc biếc. Ngân cũng hy vọng rằng cô Hạnh sẽ mang đến cho cha niềm hạnh phúc
hiếm hoi lúc tuổi già. Thế nên khi Ngân bảo bố hãy đi bước nữa thì mắt đã không
còn cay, lòng đã không còn chông chênh nữa. Chính Ngân là người đã mời cô Hạnh
đến cùng chuẩn bị bữa cơm chiều, cùng tỉa tót cho hàng hoa hồng gai ngoài vườn
và giặt lại tất cả rèm cửa trong nhà để đón một luồng gió mới. Bố rất vui khi
trở về nhà sau giờ làm việc, trong buồng tắm lại vang lên tiếng hát khe khẽ,
mấy con chim chào mào dường như cũng vui lên, chúng hót những bản nhạc lộn xộn
và rườm rà. Ngân cố gắng để lòng không quá buồn, cố gắng để động viên mình chấp
nhận một người đàn bà khác trong ngôi nhà này khi mẹ đã không còn nữa. Chỉ cần
bố vui khi tuổi đã về già, chỉ cần trong ngôi nhà này đừng có quá nhiều tiếng
thở dài và dáng ngồi cô độc. Lòng Ngân chợt thốt lên khe khẽ “Mẹ ơi!”
Đêm đến, ngồi một mình trong gian
thờ mẹ, Ngân thấy lòng mình nặng trĩu. Thế là từ nay Ngân sẽ phải gọi một người
phụ nữ khác là “dì”, sẽ lại có những bữa cơm ba người mà Ngân biết chắc rằng
bao giờ cũng gợi lại cho Ngân rất nhiều hoài niệm mẹ: “Có thể mẹ sẽ thấy buồn,
nhưng mẹ ơi con không thể cứ đừng nhìn cha chết dần trong sự cô độc ấy. Mai này
khi con về làm dâu nhà người ta thì cũng cần có một người phụ nữ ở bên chăm sóc
bố.” Khi Ngân ngẩng lên ban thờ, mẹ vẫn mỉm cười nhìn Ngân hiền hậu đầy trìu
mến.
Trang
Rêu!
No comments:
Post a Comment