Monday, September 3, 2012

Bỗng nhiên muốn ra đảo sống



- Tự nhiên em muốn ra đảo Song Tử Tây sống anh ạ.
- Sao tự nhiên em lại có cái ý nghĩ điên dại thế là cùng.
- Sao lại điên? Ở đó biển trời xanh ngắt, lá cây bàng vuông, cây phong ba cũng xanh giữa thảm màu trắng tinh khôi của cát, màu lấp lánh thủy tinh của ánh nắng rọi chiếu xuyên qua nước biển tới tầng san hô… Ở đó cuộc sống hàng ngày của bộ đội, nhân dân đảo thật bình dị, yên ả và tràn ngập tiếng cười. Em muốn một cuộc sống như thế có gì sai?
- Em lại bắt đầu rồi đấy. Ừ thì không có gì sai cả, nhưng anh đảm bảo em không sống được bằng sự lãng mạn ấy đâu. Em biết ở Song Tử Tây có bao nhiêu hộ gia đình sinh sống không?
-Bảy thì phải.
-Thì đấy nhé. Đó là câu trả lời hay nhất cho ý nghĩ điên dại của em. Chính nơi mà em đang đứng nó mới thuộc về em và mang lại cho em hạnh phúc.
Phi ngửa cổ lên trời, thở hắt ra. Cô cảm giác như mình luôn trong tình trạng thiếu ô xi và có thể tắt thở bất cứ lúc nào. Anh nói Phi chẳng bị bệnh gì hết, tất cả đều do tư tưởng mà ra. Cái tư tưởng bấn loạn, hoang mang của Phi cần có một liều thuốc. Phi năm nay 28 tuổi, nhan sắc, tài năng và của cải đều vừa phải. Đủ để đảm bảo cho một cuộc sống tương lai êm ấm. Nhưng Phi không làm sao thấy dễ thở khi bị nhốt trong thành phố này. Phi muốn thoát ra khỏi nó, hay ít ra cũng tan chảy hoặc bão hòa vào nó.
-Hôm qua ra chợ em lỡ va vào bà bán trứng đấy.
-Và em đã lĩnh đủ?- Anh hỏi rồi bật cười.
Phi cười méo xệch:
-Lĩnh đủ. Vừa đền tiền vừa bị ném trứng lại còn bị ăn đủ thứ từ miệng bà ấy văng ra. Bà ấy bảo tất cả có ba mươi quả trứng là em phải đền ba mươi quả  nhưng kì thức chợ trưa rồi, trong thúng bà chắc chỉ còn hơn chục quả.
-Em thật ẩu.
Phi quay mặt đi, bước xuống chậm chậm từng bước cầu thang, vừa bước vừa đếm “Một...hai...ba...bốn” Rồi bỗng dưng Phi ngoảnh lại nói với anh:
-Anh cũng ác giống y chang như bà bán chứng. Thờ ơ đối với đồng loại của mình.
Anh không nghe Phi nói, đứng từ tầng 16 của tòa nhà, nhìn xa xa anh thấy một vài bãi đất trống khá rộng. Anh nghĩ đó là nơi anh có thể kiếm ăn, tại sao lại không thử nhỉ. Hà Nội bây giờ đất đắt hơn vàng, cái nghề mua bán bất động sản như anh cứ “ngửi” đâu có đất bán là ở đó có tiền. Phi lại đếm... mái tóc buộc cao, váy trắng buông thõng buồn, đếm đến bậc thang thứ hai tư, Phi định quay lại nói với anh điều gì nhưng lại thôi. Anh vẫn đứng nhìn xuống thành phố, tập trung như một con báo săn mồi.
Trong bữa cơm chiều mẹ Phi gắt lên:
-Con đừng mặc cái váy đỏ loe đỏ loét ấy được không, trông chói mắt lắm.
-Nhưng con thích.
Thằng em trai mười sáu tuổi vừa gặm xương vừa bảo:
-Chị ra đường đảm bảo bị đập chết. Đã nóng gần 400c, đường tắc, xăng xe phả ra ngột muốn chết còn đỏ choét một màu. Không điên mới lạ.
Phi không nói gì, lặng lẽ ngồi múc từng thìa súp. Thịt gà, khoai tây, cà rốt, bột đao, cảm giác như vẫn thấy thiếu một cái gì đó. Ăn xong bát súp mới biết thiếu nấm hương. Chỉ cần một ít thôi sẽ đượm, sẽ thơm nhưng mẹ đã quên mất khi làm bếp. Mặc dù nấm luôn có sẵn trong tủ, một túi rất to.
Tối Phi gõ cửa phòng bố. Đây vốn là thế bình an mà Phi thường tìm đến mỗi lúc thấy chênh vênh. Nhiều khi chỉ ngồi im lặng nhìn bố làm việc hoặc nhìn những làn khói thuốc bay theo cái nhìn đăm đăm của bố ra ngoài ô cửa nhỏ. Phi và bố là hai thế giới câm lặng trong gia đình. Bố ít nói giống Phi, và đôi khi Phi nhận ra sự yếu đuối bên trong cái vẻ bọc mạnh mẽ ấy. Phi thương bố đơn giản chỉ bằng tinh thương của một đồng loại, những kẻ cô độc hay hướng về nhau bằng cái nhìn thầm lặng. Nên khi bước vào phòng bố, Phi thấy như mình có bạn, có một chỗ dựa và Phi cũng chắc bố nghĩ như mình vậy. Bố mẹ đã không còn chung phòng từ rất lâu rồi, bố nói vì bố muốn yên tĩnh làm việc nhưng Phi đã nhìn thấy bố khóc sau buổi công tác về nhà đột xuất và bắt gặp một người đàn ông khác trên giường ngủ. Đó là chiếc giường cưới đã cũ, là nơi thuộc về hạnh phúc của hai vợ chồng, một khi đã có người đàn ông khác nằm lên đó thì có nghĩa bố sẽ không bao giờ chấp nhận.
-Bố ạ. Tự nhiên con muốn ra đảo sống.
-Nhưng bố biết con sẽ không đi vì con còn vướng bận nhiều thứ đúng không, bố cũng vậy đấy.
Tự nhiên Phi bật khóc không phải vì thương mình mà vì thương bố quá.
-Con đi, bố có nhớ con không?
-Bố chẳng thể nhớ ai được khi bố còn chẳng nhớ nổi bản thân mình là ai? Là người như thế nào và đang làm gì giữa cái cuộc đời này?
-Nếu con đi bố có buồn không?
 Bố khẽ thở dài:
-Con đừng lo nghĩ cho bất cứ ai. Vì không ai thương con bằng chính bản thân con đâu. Con hãy làm những gì mà mình thấy vui là được.
-Thế niềm vui của bố là gì?
Bố im lặng, chìm đắm trong màn khói thuốc mờ ảo và thứ ánh sáng lờ mờ của căn phòng u ám.
-Những kẻ cô đơn mà vịn vào nhau thì sẽ thành gì hả bố?
-Thành biển.
-Thành biển?
-Phải!

                                             * * *
-Tại sao cô luôn luôn đến muộn vào nhưng lúc thật cần thiết vậy? Có biết là hôm nay một hợp đồng nhà đất béo bở đã bị người khác hớt tay trên chỉ vì sự chậm chễ của cô không?
-Xin lỗi sếp, em bị hỏng xe giữa đường nên...
Phi chưa nói dứt câu thì đã nhận được cái hất tay đầy ngán ngẩm của sếp. Tốt thôi, dẫu sao thì Phi cũng đang rất cần một khoảng không gian để nghỉ ngơi. Những con số, những toan tính và sự gắng gượng đã làm Phi gần như phát điên lên. Cái thành phố này ngột ngạt đến mức khiến Phi thấy nghẹt thở thực sự, lúc nào cũng như đang hấp hối, cố xô đẩy nhau để tranh cướp chút ôxi để thở. Mặc cho khói xe, tắc đường, mặc cho giá cả leo thang, người ta vẫn cố nhúc nhích, chen nhau để mà tồn tại ở cái thành phố này. Người ta phải xây những ngôi nhà cao tầng để dễ thở, để nép mình trong khi giá đất ở nơi đây trở nên đắt nhất thế giới. Người ta dày vò, lừa lọc và cả nhịn nhục nhau để sống trong những giá trị ảo mà chính họ tạo ra. Người ta không còn quan tâm đến cảm giác của nhau và vô tình ngày càng nhiều thế giới cô độc, những cái “tôi” hoang mang chênh vênh không biết tựa vào đâu.
Phi sẽ đi khỏi thành phố này như một sự rút lui, chạy trốn hay là hiên ngang tách mình ra khỏi dòng người đang rầm rập tiến về thành phố để đi tìm mảnh đất riêng của mình. Ra đi để nỗi cô đơn của mình không gộp thành đại dương cùng những con người bé nhỏ. Lại một lần nữa Phi nghĩ đến việc ra đảo sống. Một nơi thật xa xôi nhưng vẫn còn trong lành, đủ để xoa dịu nỗi mệt mỏi, chán chường trong trái tim cô.
Phi trở về phòng sắp xếp đồ đạc cho một chuyến đi. Bỗng thấy chẳng có thứ gì đáng để mang theo cả. Anh điện đến bảo:
-Thế nào cô bé, em đã từ bỏ cái ý định ra đảo sống hay chưa vậy?
-Em đang định đi đây.
-Ngay bây giờ?
-Phải!
Tiếng anh cười vang trong điện thoại đầy sảng khoái. Phi đoán anh lại mới săn được một món mồi ngon. Trong thời buổi này đúng là lắm kẻ khóc cười vì đất. Mừng cho anh mà cũng thương anh quá đỗi, cứ mải lạc lối trong những toan tính không đâu rồi cũng sẽ đến một ngày anh thấy bị tổn thương. Đến lúc ấy không biết ngay cả những hòn đảo mà Phi định đến có còn chỗ cho anh trú ẩn nữa hay không.
-Sao em không thôi cái ước mơ ra đảo sống mà thay vào đó bằng một chuyến du lịch Sa Pa, Tam Đảo hay Đà Lạt? Ở đó cũng lý tưởng và rất dễ thở đấy chứ?
Hóa ra khi anh vui, anh cũng sẵn sàng thoáng với người khác và với chính mình. Anh giống như một đứa trẻ dễ buồn cũng rất dễ vui khi chỉ cần người khác đặt lên tay mình miếng bánh nhỏ xíu. Anh rất “con người” chẳng có gì đáng để chê trách cả nhưng Phi không tìm thấy ở anh một chỗ dựa, không hề cảm thấy dễ thở chút nào. Mà như thế thì còn gọi gì là yêu nhau nữa.
Phi ra đến cửa thì gặp bố. Bố nhìn Phi từ đầu đến chân rồi bảo:
-Con tưởng ra đảo đơn giản như ra Hồ Tây, chỉ cần vẫy một chiếc taxi hay một tuyến xe buýt là xong à? Nó cũng không phải là một miền quê xa để con bắt một chuyến tàu, đến đó chơi vài ba buổi đến lúc chán rồi thì lại bỏ đi. Ra đảo ư?  Nơi đó không dành cho sự bốc đồng, khi nào con thấy thật yêu nó thì hãy nghĩ đến việc đến đó.
Chiếc va li trên tay Phi rơi xuống, nước mắt cô trào ra. Sao không ai chịu hỏi xem Phi muốn ra đảo để làm gì? Nếu có ai đó hỏi, Phi sẽ trả lời rằng Phi muốn ra đảo để có một ngày có thể biết đến cái cảm giác nhớ đất liền. Làm thế nào để yêu được và nhớ được mảnh đất mà mình đang sống, những con người tồn tại xung quanh mình? Muốn thế chỉ còn duy nhất một cách là đi thật xa, thật lâu để phép màu của thời gian xoa dịu đi những rạn vỡ, hoài nghi. Để khi nghĩ về đất liền Phi có thể cảm thấy nhớ nhung một tiếng người.
Sao không ai chịu hỏi?

Trang Rêu!

No comments:

Post a Comment